Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

3661 - Triển vọng cho hòa bình ở Biển Đông

Mỹ Anh (gt)

bien-dong-e1306857663787.png
Kể từ năm 2002, đã có rất nhiều quan chức quân sự và chính phủ, các nhà hàn lâm và giới báo chí tụ hội tại khách sạn Shangri-La ở Singapore vào tháng 6 hàng năm để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, sự kiện luôn được dư luận hết sức quan tâm. Hai năm trước, đối thoại này tập trung vào các tranh chấp ở Biển Đông trong bối cảnh Tòa Trọng tài Quốc tế chuẩn bị ra phán quyết vào tháng 7 năm đó. Năm ngoái, các bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông đã khiến Bắc Kinh phản ứng gay gắt. Và đúng như dự đoán, Đối thoại Shangri-La năm nay đã không gây thất vọng với những trao đổi sôi nổi về cùng chủ đề này.
Diễn biến cũ
Diễn biến của những tranh cãi này rất quen thuộc với những người từng tham gia hoặc quan sát đối thoại này trong những năm gần đây: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh thái độ quyết đoàn ngày càng gia tăng của Trung Quốc cũng như chiến lược chèn ép và hăm dọa của họ ở Biển Đông, còn Trung Quốc thì lẩn tránh những chỉ trích về các hành động của mình tại khu vực này.
Trước thềm hội nghị, Bắc Kinh được cho là đã triển khai hệ thống tên lửa ra Quần đảo Trường Sa và cho các máy bay ném bom chiến lược hạ cánh xuống Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa tranh chấp. Đáp trả, Hải quân Mỹ triển khai chiến dịch tự do hàng hải khi đưa hai tàu ra ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, và Bộ Quốc phòng Mỹ không mời Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) tham gia cuộc Tập trận Vành đai Thái Bình Dương dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới. Về phần mình, trưởng phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La, Trung Tướng Hà Lôi, đã bác bỏ lời cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông của Mattis, biện minh rằng những hành động này đều hợp pháp và chỉ mang tính phòng vệ đơn thuần, đồng thời gọi những lời phê bình của Mattis là vô căn cứ.
Lòng tin bị đe dọa
Cuộc tranh cãi năm nay giữa Trung Quốc và Mỹ không có gì mới khi hai bên đã không ngừng va chạm trong suốt nhiều năm qua, cáo buộc nhau có những hành động thù địch và quyết đoán mà ở chừng mực nào đó đã bị leo thang lên cấp độ quân sự hóa ở Biển Đông. Mặc dù không thể xác định được chính xác bên nào đang thực sự quân sự hóa Biển Đông, song có lẽ cả hai bên đều phải chịu phần nào trách nhiệm vì đã làm gia tăng căng thẳng với những diễn biến ở đây.
Tuy nhiên, rõ ràng là kể từ đầu năm nay, Bắc Kinh đã tăng cường các động thái quân sự tại Biển Đông. Bên cạnh sự gia tăng các hoạt động quân sự với tiến độ đều đặn, bao gồm các cuộc tuần tra rầm rộ của lực lượng không quân, triển khai tên lửa đến Trường Sa và hạ cánh các máy bay ném bom tại Hoàng Sa, còn có một cuộc thao diễn hải quân chưa từng thấy với sự hiện diện của hàng chục tàu chiến tốt nhất của Hải quân PLA ở ngoài khơi đảo Hải Nam ngay sau khi Diễn đàn Bác Ngao kết thúc.
Với đà quyền lực lực chính trị lên cao sau Đại hội Đảng XIX, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như rất hăng hái thực hiện những cam kết của mình về việc xây dựng một quân đội hùng mạnh, bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc và khẳng định vai trò của nước này trên bình diện quốc tế. Vì vậy, sẽ khó có thể có bất cứ sự hạ nhiệt trong các hành động quân sự dồn dập của Trung Quốc, điều có thể khiến sự tín nhiệm của Bắc Kinh, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tập Cận Bình bị đe dọa, và còn khiến họ mất thể diện trước sức ép và những nỗ lực ngăn chặn mà Mỹ huy động. Vì vậy, giới tinh hoa chính trị ở Bắc Kinh chẳng đời nào làm điều đó. 
Tương tự, Mỹ khó có thể rút lại lập trường mạnh mẽ chống các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi mà sự tín nhiệm của họ, đồng nghĩa với những cam kết lâu dài về an ninh khu vực để đối phó với ảnh hưởng kinh tế và sự quyết đoán quân sự của Trung Quốc, đang lâm nguy.
Trung Quốc sẽ không ngừng gia tăng các hành động
Ngay cả khi Mỹ tiếp tục duy trì hiện diện ở Biển Đông thông qua các chiến dịch tự do hàng hải và thách thức các hành động của Trung Quốc, thì điều này cũng khó có thể cản trở Bắc Kinh không ngừng đẩy mạnh các hành động này nhằm củng cố sự bao vây và khẳng định các tuyên bố chủ quyền với những hòn đảo ở đây.
Đối phó với sự gia tăng hành động của Trung Quốc cũng là mong muốn của ASEAN nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Các cuộc đàm phán của khối này với Bắc Kinh về Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông được cho là sẽ khởi động vào tháng 8 này, cùng thời điểm khai mạc cuộc diễn tập hải quân chúng ASEAN-Trung Quốc dự kiến diễn ra. Tuy nhiên, khả năng là khối này khó có thể xoay chuyển tình thế với Bắc Kinh.
Trong mọi trường hợp, ngoài sự nỗ lực ngăn cản của Mỹ, một số cường quốc có lợi ích trong và ngoài khu vực như Úc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh, cũng đã tăng cường sự hiện diện tại khu vực. Những động thái này đã củng cố bản chất quốc tế của Biển Đông, và tầm quan trọng của vùng biển này đối với các hoạt động di chuyển quốc tế, vốn đi ngược lại mong muốn của Bắc Kinh là không có sự can thiệp từ bên ngoài vào đây. Ở một chừng mực nào đó, nhân tố này cũng có ý nghĩa như một rào cản ngăn chặn Trung Quốc và các nước có những hành động dẫn tới bạo lực và vượt quá lằn ranh đỏ để đi đến xung đột. Vậy chúng ta có thể kỳ vọng gì với thế bế tắc Trung-Mỹ ở Biển Đông hiện nay?
Một sự suy giảm căng thẳng hướng tới hòa bình?
Kịch bản hợp lý đầu tiên mang tính truyền thống, theo đó dự báo hai cường quốc sẽ đẩy những phản ứng song phương rơi vào vòng xoáy tiêu cực dẫn tới một cuộc đối đầu. Viễn cảnh này có thể được tạo ra bởi một sự áp dụng vũ lực không chủ ý, nếu căng thẳng giữa các lực lượng thi hành chiến dịch đối lập nhau tại Biển Đông bị vượt ngoài tầm kiểm soát. Những sự cố như vậy rất đáng lo ngại bởi chúng có thể làm dấy lên những mức độ quan ngại lớn hơn là sự nghi ngờ rằng liệu hai bên có cố gắng để tránh căng thẳng leo thang thêm và tìm cách xoa dịu xung đột hay không. Những lợi ích chiến lược chung và sự phụ thuộc lẫn nhau có thể tác động lên những lựa chọn này.
Tuy nhiên, còn có một kịch bản khả thi khác: Vòng xoáy hành động-phản ứng có thể đạt đến một mức độ mà một trong hai hoặc cả hai cường quốc đều nhận thức rằng những sự cố thường trực trên không và trên biển có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột toàn diện với sự tham gia của thêm nhiều thế lực nữa. Bắc Kinh và Washington có thể sẽ nỗ lực ngăn chặn kịch bản này xảy ra bằng cách tìm kiếm một sự đồng thuận chiến lược về cách tiếp cận Biển Động thông qua một số hình thức ngăn ngừa, cùng điểu chỉnh. Những sự cố hàng không và hàng hải trước đây từng khiến cả Trung Quốc và Mỹ phải xem xét lại và thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin chung.
Rộng ra khu vực, những diễn biến tại vùng biển tranh chấp cho đến nay đã chứng tỏ cách tiếp cận xây dựng lòng tin toàn diện mạnh mẽ hơn là thích đáng. Mặc dù Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông sẽ mất nhiều thời gian để hiện thực hóa, song cũng cần phải suy nghĩ nghiêm túc về triển vọng của Bộ Quy tắc về việc Chạm trán Bất ngờ trên biển dành cho các lực lượng hàng không và dưới mặt biển, theo đó có thể thông qua cơ chế này hoặc tạo ra một cơ chế dành riêng cho các cơ quan thực thi luật biển.
Tác giả Colin Koh là nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Hàng hải thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajartnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore). Bài viết đăng trên “Channel news asia”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét