Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

3677 - Mỹ cần làm rõ cốt lõi của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Nhật Linh (gt)

100127-N-2760T-001.jpg
Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17, từ Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho tới các Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản, Úc và Pháp đều bày tỏ quan điểm về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mặc dù Shangri-La đánh dấu vai trò quan trọng của "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", song phạm vi, mục tiêu và bản chất của khái niệm này như thế nào vẫn còn chưa rõ.
Thủ tướng Modi phác họa những mối quan hệ sâu rộng về mặt địa lý và lịch sử của Ấn Độ với nhiều nước và tổ chức lớn mà ông cho là có vai trò quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo quan điểm của Modi, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "là nơi bao trùm tất cả chúng ta, có thể lớn hoặc bé, mà không có một trung tâm quyền lực thống trị nào". Về cốt lõi, quan niệm của Ấn Độ chính là một "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở". Quan trọng hơn, Modi tuyên bố rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không nên loại trừ bất kỳ quyền lực nào. Điều này cho thấy sự ưu tiên của Ấn Độ đối với tính đa cực.
Trong khi đó, bài phát biểu mạnh mẽ của Tướng Mattis tại Shangri-La nhằm hai mục đích: gửi tín hiệu cảnh báo tới một số nước, đồng thời trấn an các nước khác rằng Mỹ đang có mặt tại khu vực. Theo Tướng Mattis, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi quân sự hóa các đá và đảo nhỏ ở Biển Đông, và đây là điều Mỹ không hoan nghênh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. "Việc không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC năm nay chỉ là sự cảnh báo ban đầu của Washington đối với Bắc Kinh. Hậu quả sẽ lớn hơn nếu Trung Quốc tiếp tục có thái độ đe dọa ở Biển Đông", Tướng Mattis khẳng định. Trong phát biểu của mình, Tướng Mattis thu hút sự chú ý của quốc tế về vấn đề biển khi tập trung vào hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh tự do hàng hải, đề cập tới những trật tự và tiêu chuẩn quốc tế - vốn được coi là cần thiết để khu vực trở nên thịnh vượng và an toàn. Mattis đề cập nhiều đến những hậu quả đối với các nước không tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ. Thông điệp thẳng thắn của ông được hầu hết mọi người hoan nghênh.
Tuy nhiên, điều được nhiều người quan tâm không phải là định nghĩa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà chính là cốt lõi của chiến lược hiện tại của Mỹ là gì. Tướng Mattis coi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một tập hợp con của chiến lược "hướng sang phía Tây" rộng lớn hơn của Mỹ dựa trên 3 trụ cột chính: tăng cường liên minh, lấy ASEAN làm trung tâm, và hợp tác với Trung Quốc nếu có thể. Vấn đề là cả 3 trụ cột đều không vững.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, các mối quan hệ liên minh của Mỹ đang xấu đi. Quan điểm của Trump rằng các đồng minh là gánh nặng được nhắc lại nhiều lần và khiến những đồng minh lâu đời của Washington cảm thấy không hài lòng. Chương trình nghị sự “chiến tranh thương mại” của Trump đã làm ảnh hưởng đến nhiều đồng minh của Mỹ hơn là Trung Quốc. Nếu thái độ của Trump đối với các đồng minh của Mỹ không thay đổi, Mỹ có nguy cơ mất đi tài sản chiến lược lớn nhất của mình.
Lấy Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) làm trung tâm là một tham vọng, song tính thực tế không nhiều. Cấu trúc này là một thành phần quan trọng trong sự thành công của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xung quanh việc lấy ASEAN làm trọng tâm có nguy cơ khiến toàn bộ ý tưởng phải chịu chung số phận - tồn tại như một ý tưởng khó nắm bắt và tham vọng hơn là trở thành hiện thực.
Hợp tác với Trung Quốc là một lĩnh vực mà triển vọng thành công dường như đang suy giảm nhanh chóng. Dưới thời Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mối quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên hỗn loạn và khó khăn hơn. Trump thề sẽ đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, sở hữu trí tuệ, quân sự hóa các đảo và thái độ đối với Đài Loan. Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng mới của Washington coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Tóm lại, khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” là một sáng kiến kịp thời và cần được sự ủng hộ của những nước cùng chí hướng với Mỹ. Tuy nhiên, để thực sự thành công, cần có chiến lược rõ ràng hơn. Quan trọng hơn, vai trò lãnh đạo và cam kết của Mỹ đối với khu vực và các đồng minh cũng như đối tác cần phải phát triển vững chắc hơn.
Không phải tự nhiên mà nhiều người lo ngại về phong cách lãnh đạo của Trump. Nếu không cẩn thận, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể có chung số phận với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một ý tưởng bị "thả nổi". Để tránh điều đó xảy ra, mối quan hệ giữa cam kết của Mỹ với khu vực "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" và chiến lược "Nước Mỹ trước tiên” phải được Trump và nội các của ông giải thích rõ ràng cho cả người dân và bạn bè của Mỹ.
Theo “ASPI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét