Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

3680 - Vanuatu và 'bẫy nợ' của Trung Quốc

BBC

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ cựu thủ tướng Vanuatu Sato Killman hồi 2015 ở Bắc KinhBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES



Image caption
Chủ tịch Tập Cận Bình và cựu Thủ tướng Vanutu Sato Killman năm 2015 ở Bắc Kinh

Cộng hòa Vanuatu là đảo quốc nhỏ bé nằm ở tây nam Thái Bình Dương, phía đông bắc nước Úc, với tổng diện tích chỉ khoảng 12 ngàn km2, chỉ khoảng bằng tỉnh Đắk Lắk của Việt Nam.

Nhưng đảo quốc này lại nằm ở một trong những vị trí chiến lược nhất ở khu vực Thái Bình Dương, kiểm soát tuyến lưu thông hàng không và hàng hải giữa Mỹ và Úc. Trong thế chiến II, chính khu cảng Luganville ở đảo bắc Espiritu Santo là căn cứ quân sự lớn thứ hai của Hoa Kỳ tại nam Thái Bình Dương.
Nhưng hiện nay một số người lo ngại chính khu cầu cảng này đang có khả năng trở thành căn cứ quân sự của Trung Quốc, do có dự án cầu cảng Luganville được Trung Quốc bỏ một số vốn không nhỏ để đầu tư.
Lý do Trung Quốc đưa ra là để giúp phát triển ngành thương mại du lịch đang lớn dần ở Vanuatu.
Nhưng một nhà phân tích an ninh của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), Malcolm Davis, nói với kênh 9News của Úc rằng bãi cầu cảng rộng lớn, dài nửa cây số là "hơi quá" cho ngành công nghiệp du lịch.


Vanuatu chỉ cách Sydney 1500 hải lý về hướng đông bắcBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionVanuatu chỉ cách Sydney 1500 hải lý về hướng đông bắc

"(Cầu cảng) này đủ lớn để làm bãi đậu cho các tàu khu trục tên lửa, hoặc tàu tuần dương cỡ lớn," tiến sĩ Davis nói với phóng viên Tom Steinfort trong chương trình 60Minutes của kênh 9News phát hôm 17/6.
Nhiều năm qua, Trung Quốc đã đổ vào hàng trăm triệu đôla vào đảo quốc nhỏ bé với chỉ khoảng 270.000 dân trên danh nghĩa hỗ trợ phát triển.
Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến nhiều công trình đồ sộ mà chính chính phủ Vanuatu không có khả năng vận hành.
Tỉ dụ như một sân vận động quy mô do Trung Quốc đầu tư nhân một sự kiện thể thao giao hữu giữa hai nước vào năm ngoái, mà đến giờ nước sở tại vẫn chưa tìm ra mục đích sử dụng nào khác kể từ đó.
Hay một trung tâm hội nghị quá hoành tráng mà ngay cả chính phủ Vanuatu còn không thể trả nổi tiền điện lẫn tiền lau dọn, chứ nói đến tổ chức hội nghị.


VanuatuBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionBãi biển Vanuatu

Và ngoài dự án đáng chú ý nhất là cầu cảng Luganville, thì Trung Quốc cũng đang giúp Vanuatu nâng cấp một sân bay quốc tế cách đó không xa.
Ông Davis cho rằng đây chính là chính sách 'ngoại giao bẫy nợ' của Trung Quốc, bằng cách cho các nước nghèo vay nợ dưới danh nghĩa hỗ trợ phát triển.
"Phải có gì đó hơn thế này. Họ đang nghĩ đến ảnh hưởng về thương mại, về chính trị và cuối cùng một sự hiện diện quân sự," ông Davis nhận định.
Những tháng gần đây, nhiều người Úc bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại Vanuatu, đảo quốc ở ngay sát gần Úc.
Vào đầu tháng Tư, Fairfax Media của Úc tiết lộ về những cuộc thảo luận ban đầu giữa chính quyền Trung Quốc và Vanuatu về khả năng xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc.
Nếu thông tin này đúng và dự án này thành hiện thực thì đây có thể là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, và là căn cứ quốc tế thứ hai sau Djibouti.


Là một đảo quốc còn nghèo đói ở nam Thái Bình Dương, Vanuatu thường xuyên chịu những thiên tai như động đất, bão nhiệt đớiBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTrung Quốc đang đầu tư hàng trăm triệu đôla vào đảo quốc nghèo đói, với chỉ hơn 270.000 dân

Với vị trí chiến lược của Vanuatu, điềy này có nghĩa mạch chiến lược của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương có thể bị cắt đứt.
Tuy nhiên, chính phủ Vanuatu đã bác tin này, gọi nó là tin đồn và phía Trung Quốc gọi báo cáo của Fairfax là không có "căn cứ", theo tờ Guardian.
Chiến lược 'bẫy nợ'
"Cái mà người Trung Quốc thường hay làm là đầu tư quy mô lớn vào các quốc gia vốn không có khả năng để trả nợ," chuyên gia an ninh, Tiến sĩ Malcom Davis phân tích.
"Nếu Trung Quốc có thể khiến một quốc gia rơi vào tình trạng nợ nần trầm trọng đến mức nó không thể trả hết số nợ, thì Trung Quốc sẽ lấy cái gì khác đổi lại như ….một bến cảng chẳng hạn."
Đã có nhiều sự so sánh với những gì đang diễn ra ở Vanuatu và ở Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự quốc tế đầu tiên ở Djibouti và sự hiện diện của Bắc Kinh ở Pakistan và Sri Lanka.
Tháng 12 năm ngoái, Sri Lanka đã phải ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê 99 năm khu cầu cảng nằm ở vị trí vô cùng chiến lược Hambantota, để được Trung Quốc giảm bớt nợ.
Trung Quốc đã phủ nhận rằng cầu cảng này sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự.


Cảng Hambantota đã được xây dựng bằng tiền vay của Trung Quốc và giờ thì toàn quyền sử dụng của Trung Quốc
Image captionCảng Hambantota của Sri Lanka đã được xây dựng bằng tiền vay của Trung Quốc và giờ thì toàn quyền sử dụng của Trung Quốc

Theo trang Quartz, Trung Quốc vốn đã bị cáo buộc là đổ tiền vào các quốc gia nghèo và nhỏ với các dự án phát triển khổng lồ - hay nói cách khác là 'đặt bẫy nợ'.
Trong khi mục đích thực sự của Bắc Kinh là nhắm vào vị trí chiến lược, tài nguyên của nước này, và nhận được sự ủng hộ của các nước này trên các bàn đàm phán quốc tế.
Ngoại trưởng Vanuatu cũng thừa nhận trong chương trình 60Minutes đã ủng hộ Trung Quốc trên các bàn đám phán ở Liên Hiệp Quốc để đổi lấy ưu đãi đầu tư.
Chiến lược bẫy nợ này không chỉ xảy ra ở Vanuatu mà còn ở cả Fiji và Tonga.
"Nếu người Trung Quốc thiết lập được một căn cứ quân sự ở Vanuatu, hoặc ở bất kỳ nước nào ở Nam Thái Bình Dương, thì đột nhiên [Úc] sẽ phải đối mặt với một lực lượng quân sự của Trung Quốc ở rất gần bờ biển đông Úc," ông Davis nói.
Trả lời trong chương trình 60Minutes, ông nói Úc cần phải tái khẳng định lại ảnh hưởng của nước này trong khu vực để đối kháng với Trung Quốc.
"Nếu chúng ta không đối phó với Trung Quốc bây giờ, thì chúng ta có thể bị ép buộc vào một tình huống mà chúng ta sẽ phải đối mặt với một xung đột quyền lực lớn hơn."
"Chúng ta cần phải xem xét khả năng đó một cách nghiêm túc," ông Davis nói thêm.
Phản ứng từ phía Trung Quốc
Hôm 17/6 kênh 9News cho phát sóng phóng sự của 60 Minutes về ảnh hưởng Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.
Kênh này cũng đưa tin nói rằng trước đó, vào hôm 12/6, người phụ trách báo chí ở Sứ quán Trung Quốc ở Canberra đã gọi điện cho một nhà sản xuất của chương trình.
Theo kênh này, bà Saxian Cao, từ Sứ quán Trung Quốc, đã "la hét" với giám đốc sản xuất Kirsty Thompson, rằng "gỡ nó ngay xuống, và cho lãnh đạo của cô xem đi."
Trong bài viết bình về phản ứng của đại sứ quán Trung Quốc, trang 9News viết 'Người Trung Quốc nên kiềm chế sự khó chịu của mình"
Và "Bà Cao đã bộc lộ cảm xúc theo cái cách của một thế chế vốn đã quá quen đòi gì được nấy. Bà ta có lẽ không hiểu rằng, không như ở Trung Quốc, trong hệ thống của [Úc], bà Thomson không làm việc cho, hay nghe lệnh của Canberra."
Tác giả của 9News nhận định "Người Trung Quốc xa lạ với khái niệm truyền thông tự do, nhưng đây là một sự bất tiện mà họ phải chấp nhận khi làm việc với Úc."


Trang web của 9News nói nếu bà Cao có gì không hài lòng với phóng sự, bà có quyền đăng bài phản biện. Vì "dù chúng tôi không đồng tình với nó, chúng tôi cũng sẽ đăng nó. Đó là cách truyền thông tự do vận hành ở đất nước này."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét