Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

3693 - Liệu phải lo khi Mỹ ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ?



Cuộc họp tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 13 tháng 3 năm 2018.
Cuộc họp tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 13 tháng 3 năm 2018. AFP


Chính quyền của tổng thống Donald Trump vào ngày 19 tháng 6 năm 2018 thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, sau khi lên án thói “đạo đức giả” của một số quốc gia thành viên trong Hội đồng này.
Một làn sóng phản ứng nổ ra đối với quyết định đó của Washington. Giới đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam cũng có những phản ứng khác nhau liên quan vấn đề này.

Ý kiến trái chiều

Một luồng ý kiến cho rằng việc Hoa Kỳ ra khỏi Hội đồng Nhân Quyền (UNHRC) là một sự bất lợi lớn cho phong trào nhân quyền tại Việt Nam.
Facebooker Trịnh Hữu Long chia sẻ trên tài khoản cá nhân rằng: “Việc Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ là bất lợi lớn cho giới hoạt động nhân quyền thế giới nói chung và giới hoạt động Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh Kỳ Kiểm điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR) sắp tới vào tháng 1/2019.”
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS chuyên lên tiếng cho những thành phần bị áp bức tại Việt Nam,  lại có ý kiến khác cho rằng việc tác động ảnh hưởng của Hoa Kỳ lên nhân quyền Việt Nam là rất ít.
Ông nhận định: “ Vì khi Việt Nam ngồi trong cái ghế 2003 đến 2016 của UNHRC, thì trên nguyên tắc Việt Nam phải đại diện cho vấn đề chung về nhân quyền của thế giới, thì đáng ra Việt Nam phải tuân thủ, mà chúng ta biết Việt Nam vẫn có tù nhân lương tâm, vẫn đàn áp tôn giáo vẫn thực hiện tra tấn nên thành ra nó không ảnh hưởng gì hết.”
Đồng quan điểm này, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa- một cựu tù chính trị hiện sống tại Hải Phòng, giải thích:
“Nhiều người họ nghĩ rằng là Mỹ có tiếng nói rất quan trọng trong Hội đồng Nhân quyền LHQ và người cộng sản Việt Nam rất ngại tiếng nói của Hoa Kỳ, nhưng mà ta thấy tiếng nói của Hoa Kỳ tại Hội đồng nhân quyền LHQ ngày càng mất giá trị, bởi vì trong hội đồng LHQ còn có Nga, Trung Quốc. Vì vậy tôi nghĩ Mỹ rút khỏi hội đồng nhân quyền LHQ để phản đối cái chức năng, cái không được đảm bảo của hội đồng nhân quyền của quốc tế và nhân dân toàn quốc đặc biệt tại Việt Nam.”
Còn theo ý kiến của Facebooker Trịnh Hữu Long thì dù bị chỉ trích vì tính kém hiệu quả, nhưng Hội đồng Nhân quyền vẫn là cơ chế nhân quyền tốt nhất mà nhân loại từng có. Theo anh này thì việc Mỹ bỏ đi sẽ khiến những thành viên khác như Trung Quốc và Nga có thể thao túng Hội đồng, và còn có thể đưa ra các nghị quyết lên án vi phạm nhân quyền hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng điều đó chỉ là một phần nào, ông cho biết thêm “Tại các buổi họp của hội đồng này, nếu như có tiếng nói của Hoa Kỳ , thì chúng ta có thêm được một cái phương tiện để chúng ta nêu vấn đề nhân quyền tại Việt Nam tại UNHRC, tuy nhiên đây không phải là cơ chế duy nhất của LHQ về nhân quyền, nó còn ủy ban nhân quyền LHQ, nó còn có văn phòng của các báo cáo viên đặc biệt của LHQ về từng lĩnh vực nhân quyền. Thì công việc nó vẫn chạy và chúng ta vẫn nộp báo cáo thì họ vẫn lên tiếng như thường.”

Dựa dẫm hay độc lập

Facebooker Trịnh Hữu Long nêu ra lý do vì sao cần có Hoa Kỳ trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc “Xưa nay giới hoạt động Việt Nam vẫn coi Hội đồng Nhân quyền như một diễn đàn để một là kêu oan, hai là chính danh hoá hoạt động của mình. Giờ Hội đồng bị Mỹ bỏ rơi có nghĩa là giới hoạt động đã mất đi một chỗ dựa,”
Facebooker Kiến Thành cũng chia sẻ rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi UNHRC sẽ khiến chính quyền Việt Nam thích thú vì bớt đi được một tiếng nói thường xuyên lên tiếng chỉ trích họ.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa thì lại có ý kiến khác:
“Tôi tin rằng thứ nhất tiếng nói của hội đồng nhân quyền LHQ trong thời gian qua không còn tác dụng bao nhiêu đối với các chế độ độc tài, cho nên dù LHQ có tiếng nói manh mẻ với chế độ độc tài các nước đặc biệt là Việt Nam, thì tôi thấy chính quyền CSVN họ vẫn không giảm sút việc đàn áp những nhà bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền.”
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết thêm “UNHRC không phải là nơi đặt vấn đề một cách mạnh mẻ đối với các quốc gia ngay cả thành viên của hội đồng mà đang vi phạm nhân quyền, thành ra nó rất là hời hợt trong vấn đề tạo áp lực lên các quốc gia. Nên thành ra có hay không trong hội đồng này thì tiếng nói của Hoa Kỳ nó cũng không tăng cũng chẳng giảm.”
Một số nhà hoạt động chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng Mỹ rút khỏi UNHRC thì Mỹ sẽ không cần phải bỏ ra số tiền quá lớn cho Hội đồng này nữa và sẽ dùng phần lớn số tiền đó để chi phí cho những hoạt động đối thoại song phương và có thể gây áp lực mạnh mẻ hơn với các nước vi phạm nhân quyền.
Nhiều người tham gia đấu tranh lâu nay ở Việt Nam cho rằng sự hỗ trợ từ bên ngoài; đặc biệt khi phong trào còn non trẻ, là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống, vấn đề chủ động, độc lập, ‘tự thân vận động’ vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét