Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

3704 - Tổng biểu tình 10/6: phép thử của lòng yêu nước

Cuộc tổng biểu tình của người dân vào ngày 10/6/2018 vừa qua là một sự kiện chấn động trong lịch sử 43 năm cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Những nghiên cứu và đánh giá về ý nghĩa của sự kiện này sẽ còn được nhiều người thực hiện. Phong trào dân chủ Việt Nam cũng cần có cái nhìn toàn diện và rút ra những bài học cho bước đường tương lai. Một cách cô đọng nhất, cuộc tổng biểu tình này chính là phép thử của lòng yêu nước khi mà những giá trị về tự do, dân chủ, nhân quyền chưa trở thành mối quan tâm và động lực chung của người dân. Năm 2014, trong một cuộc hội luận trên đài SBTN Úc châu, có người đã đặt câu hỏi cho người viết bài này, khi chế độ cộng sản Việt Nam cạn kiệt nguồn lực, nếu như có sự trợ giúp của phía Trung cộng cho việc duy trì chế độ, thì tình hình sẽ ra sao? Tôi đã trả lời, đại ý là, Trung cộng và Việt cộng tuy có quan hệ đồng minh ý thức hệ, nhưng cả hai đều không tin tưởng gì nhau. Nếu như Trung cộng có giúp đỡ Việt cộng thì họ cũng sẽ đòi hỏi một sự cam kết nào đó, ví dụ về chủ quyền, tức là phải nhượng lại hoặc bán lại chủ quyền ở đâu đó cho Trung cộng. Nếu điều đó xảy ra, tức là phía Việt Nam bán chủ quyền thật, thì người dân sẽ nổi dậy và chế độ sẽ sụp nhanh hơn sự sụp đổ do khó khăn về kinh tế. Có nghĩa là, khi chế độ động tới điều thiêng liêng nhất, chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, dân tộc thì người dân không còn có thể ngồi yên được nữa. Dự luật đặc khu hành chính - kinh tế và cuộc tổng biểu tình ngày 10/6 vừa qua, có thể là một minh chứng cho nhận định đó.
     I/ Căn nguyên của cuộc tổng biểu tình 10/6
     Kỳ họp thứ 5, Quốc Hội khóa XIV diễn ra từ ngày 21/5 đến ngày 15/6/2018 xem xét và thông qua 8 dự luật. Trong đó có hai dự luật được người dân đặc biệt quan tâm, đó là dự luật Đơn vị Hành chính đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Dự luật Đặc khu) và dự luật An ninh mạng. Dư luận bắt đầu tìm hiểu và phân tích về dự luật Đặc khu và lên tiếng phản đối. Ban đầu người ta phản đối thời hạn cho thuê 99 năm trong Dự luật. Sau đó người dân phản đối việc cho người Trung Quốc thuê đất ở Đặc khu. Theo thời gian, các điều khoản của Dự luật cũng được tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ càng. Đồng thời, có một luồng dư luận về việc các quan chức cao cấp của đảng và nhà nước đã tập trung thu gom đất ở các đặc khu đó trước, để khi luật Đặc khu được thông qua sẽ bán cho người Trung Quốc với giá cao hơn nhiều lần, trục lợi.
     Một dòng dư luận khác, không được tập trung và quyết liệt như dự luật Đặc khu, lên tiếng cảnh báo về dự luật An ninh mạng, về các điều khoản bịt miệng người dân trong dự luật. Người dân sục sôi trước hai dự luật, hẹn hò nhau xuống đường để phản đối. Nhà cầm quyền thấy sức nóng của nhân dân, đã ra quyết định lùi việc thông qua dự luật Đặc khu vào kỳ họp sau của Quốc Hội, đồng thời xem xét việc giảm thời hạn thuê đất từ 99 năm xuống còn 70 năm (ngày 08/6).
     Nhưng ngày 10/6, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối dự luật Đăc khu và dự luật An ninh mạng. Có khoảng 10 tỉnh thành trong cả nước đã có người dân tham gia xuống đường biểu tình phản đối hai dự luật. Đó là Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Nội, Vĩnh Long, Kiên Giang (Phú Quốc), Đắc Lắc… Cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 09/6 (công nhân công ty PouYuen Vietnam ở Khu công nghiệp Tân Tạo, Sài Gòn), tập trung cao nhất vào ngày 10/6, và kéo dài tới ngày 11/6 ở một số nơi. Ở Bình Thuận đã xảy ra xô xát giữa người dân và cảnh sát, đốt phá trụ sở công quyền, ô tô, xe máy…
     Trong các cuộc tiếp xúc cử tri mới đây của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc Hội đều có đưa ra chung một ý. Đó là dự luật Đặc khu đã lùi thời hạn thông qua, và xem xét giảm thời gian cho thuê đất từ 99 năm xuống còn 70 năm theo luật đất đai hiện hành, nhưng người dân vẫn xuống đường biểu tình. Điều đó chứng tỏ người dân biểu tình vì mục đích khác. Ý của hai vị này muốn nói, phản đối dự luật Đặc khu chỉ là cái cớ, chứ mục đích thật của người dân là phá rối, phá hoại…
     Vậy căn nguyên của cuộc tổng biểu tình 10/6 là gì?...
     (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét