Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

3741 - Kinh nghiệm "50 năm làm báo hai lề"

BBC
Nhà báo Bích Vi kể với BBC về những trải nghiệm khác biệt trong quá trình 50 năm làm báo từ thời Việt Nam Cộng Hòa, cộng sản đến hải ngoại.
Hơn 15 năm trước, bút danh Bích Vi của bà khá quen thuộc với bạn đọc của các tờ Tuổi Trẻ và Phụ Nữ TP.Hồ Chí Minh. Cuốn sách Nửa Thế Kỷ Làm Báo sắp phát hành ở Mỹ của bà Bích Vi (Võ Thị Hai) kể về một hành trình khá truân chuyên của một nữ nhà báo. Bà bước vào lĩnh vực truyền thông dưới thời Việt Nam Cộng Hòa không lâu thì phải trải qua 30 năm trong khu vực báo chí "lề phải" trước khi chuyển sang gần 15 năm làm báo "lề trái" ở hải ngoại.
Trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt hôm 25/6, bà Bích Vi nói: "Trong giai đoạn làm báo dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, tôi mới ngoài 20 tuổi, hãy còn quá trẻ, có thể nói là còn quá non nớt, thiếu kiến thức căn bản về chính trị, nghề báo của tôi khi đó có vẻ chỉ là một nghề mưu sinh."
"Việt Nam sau năm 1975, nhà báo làm việc trong một môi trường khắc nghiệt dưới sự áp đặt của chính quyền. Các nhà báo Sài Gòn như tôi không có kinh nghiệm để sớm nhận biết điều này như các gia đình người Việt Nam gốc Bắc đã có một thời gian dài sống dưới chế độ Cộng sản."
"Chừng 5 năm sau đó, tôi mới xác tín được một thực tế phũ phàng: Báo chí không được coi là loại quyền lực thứ tư, như tại các quốc gia theo thể chế tam quyền phân lập bao gồm hành pháp, lập pháp và tư pháp. Quyền sinh sát tối cao nằm trong tay đảng Cộng sản.
Đảng làm hết và quyết định hết mọi việc. Đảng chọn người đưa vào quốc hội, hầu hết đại biểu quốc hội là đảng viên, nhất nhất phải làm theo ý đảng, mà Đảng ở đây là một nhóm cán bộ lãnh đạo nằm trong bộ Chính trị."
"Đây là giai đoạn mà tôi đối diện với quá nhiều khó khăn và thử thách để tồn tại với tư cách của một người làm báo. Tôi tiếc đã không nhận ra điều này sớm hơn để có thể tìm kiếm con đường ít chông gai hơn, ít đau khổ cho đời mình, để không lãng phí tuổi thanh xuân."
"Tôi còn điều tiếc rẻ thứ hai trong giai đoạn làm báo dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, từ năm 1970-1975 là không biết đi tìm một người thầy dẫn dắt để giúp mình trở thành một ký giả giỏi nghề."


bích viBản quyền hình ảnhFB HAI VO
Image captionNhà báo Bích Vi trong một lần tác nghiệp tại Los Angeles, Nam California

'Khác nhau nhiều lắm'

Bà Bích Vi chia sẻ: "Tính chất của giai đoạn làm việc suốt 30 năm trong khu vực báo chí "lề phải" so với gần 15 năm làm báo "lề trái" khác nhau nhiều lắm. Theo tôi, nhà báo làm việc với các báo "lề phải" chỉ cần ngoan hiền, dễ dạy, không biết bất bình, không biết bất mãn, bỏ ra ngoài tai mọi điều mà họ thấy là trái tai gai mắt, cả những điều được gọi là phục vụ tha nhân, nhân quần, xã hội."
"Họ chạy theo lối sống hưởng thụ, vun đắp vật chất tiền tài cho mình và gia đình mình. Bằng chứng là nhà báo "lề phải" không cần viết đúng chính tả, không cần có kiến thức, không cần cả lương tâm chức nghiệp vẫn làm báo được."
"Trái lại, muốn thành công khi làm việc tại các báo "lề trái", người làm báo phải thật giỏi, giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, kiến thức phải hết sức phong phú, dồi dào. Người đọc quyết định số phận của nhà báo tại các báo "lề trái", trong khi ở khu vực "lề phải", người quyết định số phận của người làm báo lại là cán bộ lãnh đạo đảng cộng sản cầm quyền."
"Sau 15 năm rời quê hương sang làm việc cho các tờ báo tiếng Việt ở bang California, Mỹ, tôi nhận ra sự nhạt nhẽo trong nội dung báo chí ở Việt Nam. Dường như các tờ báo ở quê nhà không còn cái để đọc. Hình ảnh, tít tựa giống khẩu hiệu, nội dung thì nghèo nàn và tràn ngập loại tin địa phương "cướp giết hiếp" mà tôi đã làm trước năm 1975."
"Hồi đó, loại tin này chỉ chiếm một góc nhỏ chừng 1/16 trang. Còn bây giờ, loại tin này tràn ngập khắp các trang báo. Có vẻ các tòa soạn thiếu các bài chính luận về tình hình thời sự, cả các loại phóng sự. Thông tin thì một chiều, không có chiều ngược lại."
"Dường như các tờ báo không được phép phê phán, chỉ trích một cá nhân, một tổ chức - kể cả tổ chức công quyền khi họ làm sai. Đó là điều không thể chấp nhận được, nếu muốn cho xã hội đó tốt đẹp hơn."
Bà nói thêm: "Khó mà trách các nhà báo ở trong nước hiện nay. Họ chỉ viết được điều có thể viết và được phép viết. Lâu ngày, sự sáng tạo ở nhà báo tại Việt Nam bị tàn lụi, động lực nghiên cứu và ý chí làm giàu kiến thức của một nhà báo bị thui chột. Khi không còn là một nhà báo tự do thì việc họ biến thành một bồi bút là lẽ tất nhiên."


sáchBản quyền hình ảnhOTHER
Image captionCuốn sách được phát hành tại Mỹ

Nhận định về làng báo hải ngoại, bà Bích Vi nói:
"Theo như tôi thấy, các tổ chức truyền thông từ báo giấy, cho đến đài phát thanh và truyền hình của cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ hiện nay muôn màu muôn vẻ, có đài mạnh, có đài yếu, và hầu như tất cả đều bị tác động bởi hoạt động tài chính."
"Nghĩa là doanh thu quảng cáo quyết định sức mạnh của tờ báo. Có tờ báo coi lý tưởng tranh đấu cho dân chủ, tự do của người dân Việt ở trong nước hiện nay là mục đích hoạt động, có tờ vẫn còn chống Cộng gay gắt.
Nhưng ưu điểm bao trùm của báo chí tiếng Việt ở hải ngoại là thái độ tôn trọng và theo đuổi tính chất trung thực khách quan của một tổ chức truyền thông."
Bà Bích Vi chia sẻ thêm:
"Cách nay hai năm, tôi muốn làm chủ một tạp chí quy tụ nhiều anh chị em có tâm, có nghề để tranh đấu cho hạnh phúc và nữ quyền, nhưng không thành công. Bây giờ thì điều mơ ước đó càng khó đạt vì tôi không còn trẻ và cũng không đủ sức khỏe."
Khi được hỏi liệu có lo ngại mình có khả năng bị "cấm về Việt Nam" sau cuốn sách tiết lộ nhiều mặt trái của làng báo 'lề phải", bà Bích Vi đáp:
"Về thăm Việt Nam, thăm lại thầy cô giáo cũ, bạn bè và thân bằng quyến thuộc ở Việt Nam luôn luôn là điều mong muốn của tôi."
"Tuy vậy, nếu như tôi có thể bị ghép vào tội chống nhà nước, chống Đảng, bị cấm về thăm nhà vì phát hành cuốn sách này thì thà tôi không về còn hơn."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét