Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm Hà Nội. Ảnh ngày 12/11/2017. Reuters
Trả lời trên tạp chí Pháp trên mạng Diploweb.com ấn bản ngày 24/06/2018, giáo sư Jean-Pierre Cabestan, giảng dậy tại đại học Hồng Kông, phân tích về thế mạnh, những nhược điểm của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và nêu ra bốn lý do vì sao tầng lớp trung lưu tại nước đông dân nhất địa cầu không có nhu cầu dân chủ.
Giáo sư Cabestan, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp CNRS vừa cho ra mắt cuốn sách mới mang tựa đề : Demain la Chine : démocratie ou dictature ?- Ngày mai ở Trung Quốc : dân chủ hay chế độ độc tài ?, Nhà xuất bản Gallimard. RFI xin lược dịch phân tích mà giáo sư Cabestan đã dành cho trang mạng nghiên cứu Diploweb.com.
Thiếu vắng nhu cầu dân chủ
Tác giả đưa ra bốn lý do Trung Quốc tiếp tục là một chế độ độc đảng và quyền lực của Đảng Cộng Sản không sợ bị đe dọa trong ngắn và trung hạn.
Yếu tố thứ nhất là một sự thiếu vắng về văn hóa dân chủ. Giáo sư Cabestan nhấn mạnh : "Thiếu vắng dân chủ khác với khái niệm phản dân chủ. Giới trung lưu thờ ơ với dân chủ bởi họ đặt ưu tiên vào các vấn đề như là an ninh, nhu cầu được bảo đảm về vật chất lên trên các đòi hỏi tự do. Họ thiết tha với một cuộc sống ổn định và còn bị cuộc Cách Mạng Văn Hóa ám ảnh (...). Tại Bắc Kinh mọi công cuộc dân chủ hóa đất nước được xem là một điều bất thường do đế quốc Mỹ khuấy lên và điều đó không phù hợp với truyền thống Trung Hoa". Tuy nhiên giáo sư Cabestan quan niệm đó hoàn toàn là điều được "đặt ra" để tuyên truyền, bởi truyền thống Lão, Khổng của Trung Quốc và dân chủ không mâu thuẫn với nhau. "Đảng Cộng Sản Trung Quốc lấy đó làm cái cớ để bóp nghẹt các giá trị tự do và dân chủ".
Lý do thứ hai theo chuyên gia Pháp, giáo sư Cabestan, đại học Hồng Kông, là Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã khai thác thành công kinh tế rực rỡ, coi đó là một công cụ để biện minh cho tính chính đáng của mình. Trên thực tế phép lạ kinh tế đó có được là nhờ công lao của những người dân Trung Quốc.
Yếu tố thứ ba giải thích vì sao người dân Trung Quốc hiện tại không có nhu cầu dân chủ, là do bộ máy kiểm soát quá chặt chẽ và tinh vi của chính quyền Bắc Kinh. Dù vậy "khi quyền lợi của người dân nước này trực tiếp bị đe dọa, chẳng hạn như trước những vấn đề như ô nhiễm môi trường..,. thì một bộ phận trong xã hội vẫn lên tiếng. Nhưng đại đa số còn lại hài lòng với chính sách hiện nay".
Đòi hỏi nhân quyền và dân chủ : "những tiếng nói lẻ loi"
Cuối cùng, tinh thần dân tộc chủ nghĩa rất cao của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc là một lá bùa hộ mạng cho chính quyền Bắc Kinh. "Tầng lớp này thực sự tự hào về những thành quả kinh tế của đất nước, về vị thế của Trung Quốc trên sân khấu quốc tế. Trong trường hợp đó, chẳng mấy ai đặt lại vấn đề về vai trò hay về chính sách của Đảng. Đó là chưa kể đến tầm mức quan trọng của bộ máy tuyên truyền ở Bắc Kinh".
Những tiếng nói của các nhà trí thức như ông Lưu Hiểu Ba, Nobel Hòa Bình 2010, từ trần tháng 7/2017, hay luật sư Hứa Chí Vĩnh đòi cải tổ chính trị, biến Trung Quốc thành một nhà pháp quyền ... rất lẻ loi. "Những tiếng nói ấy đã bị bộ máy an ninh và tuyên truyền của Nhà nước bóp ngạt. Chính sách đàn áp đó càng gia tăng từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012. Hiện tại, phần lớn công luận Trung Quốc chưa bao giờ nghe nhắc đến những cái tên như Lưu Hiểu Ba hay Hứa Chí Vĩnh. Họ cũng không hay biết gì về số phận 200 nhà đấu tranh nhân quyền Trung Quốc bị tống giam vào tháng 7/2015".
"60 % dân Trung Quốc tin là được sống trong một chế độ dân chủ"
Về câu hỏi Tập Cận Bình có được lòng dân hay không và công luận Trung Quốc đón nhận thế nào nhiệm kỳ chủ tịch nước vô hạn định của vị hoàng đế đỏ này, giáo sư Jean-Pierre Cabestan thực sự tin rằng, Tập Cận Bình đang rất được muôn dân ngưỡng mộ và tin tưởng. Chính sách bài trừ tham nhũng của ông khiến công luận hài lòng. Trong mắt tuyệt đại đa số người dân Trung Quốc, ông Tập là hiện thân của một đất nước ổn định, của một siêu cường thế giới.
"Nội bộ Đảng có thể bất bình vì việc ông tự cho mình quyền lãnh đạo đất nước mãn đời, nhưng trước mắt, tất cả đều giấu kín những ý tưởng đó, ngày nào mà Tập Cận Bình còn làm chủ cuộc chơi".
Xã hội dân sự Trung Quốc liệu có là một mối đe dọa đối với chính quyền Bắc Kinh ? Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp CNRS, Jean – Pierre Cabestan trả lời là không. Một lần nữa ở đây, guồng máy kiểm duyệt của Trung Quốc tỏ ra lợi hại hơn bao giờ hết.
"Tinh thần dân tộc chủ nghĩa, sử dụng đúng chỗ, đúng liều"
Vậy đâu là tính chính đáng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ? Tác giả cuốn Ngày mai ở Trung Quốc : dân chủ hay chế độ độc tài ? giải thích : 60 % công luận nước đông dân nhất địa cầu nghĩ rằng họ được sống trong một chế độ dân chủ. Người dân Trung Quốc tin rằng Đảng đã đưa đất nước thoát khỏi cảnh đói nghèo. Chuyên gia Pháp nhìn nhận, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đặt ra một cái khung hành chính và pháp lý cho phép hiện đại hóa đất nước là một chuyện, nhưng nói rằng phép lạ kinh tế là do Đảng lại là một chuyện khác.
Sau cùng Bắc Kinh "biết khai thác đúng chỗ, đúng liều tinh thần dân tộc chủ nghĩa" của 1,3 tỷ người dân Trung Quốc. Trong trường hợp các phong trào bài Nhật, bài Hàn Quốc hay bài Mỹ và Ấn Độ gây trở ngại cho nền ngoại giao của Trung Quốc thì lập tức các phong trào đó được dập tắt ngay. Ông Jean – Pierre Cabestan nêu ra nhiều thí dụ : "Tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật, tàu hải giám Trung Quốc đi ra đi vào chung quanh khu vực nhậy cảm này thì có, nhưng Trung Quốc chưa từng có tham vọng chiếm Senkaku/Điếu Ngư bằng sức mạnh quân sự (...).
Với Đài Loan, hù dọa Đài Bắc là một chuyện, nhưng Trung Quốc thừa biết rằng thâu tóm hòn đảo này thì sẽ vấp phải phản ứng của Mỹ. Trên hồ sơ nóng khác là Biển Đông, Bắc Kinh có xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa một số điểm đã thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không tìm cách đánh đuổi dân cư khỏi những nơi đã thuộc về Việt Nam, Malaysia hay Philippines. Bãi cạn Scarborough là một ngoại lệ. Điểm quan trọng nhất theo giáo sư Cabestan, là Hải Quân Trung Quốc không dám khiêu khích Hạm Đội VII của Mỹ trong các chiến dịch tuần tra ở Biển Đông nhân danh quyền tự do lưu thông hàng hải".
Ưu tiên của Bắc Kinh là sự tồn tại của Đảng. Đương nhiên, trong trường hợp phải đối mặt với một mối đe dọa đến từ bên ngoài, hay một cuộc xung đột vũ trang ngắn ngủi, tính chính đáng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc càng tăng cao trong mắt người dân xứ này.
Vẫn tác giả cuốn sách Ngày mai ở Trung Quốc : dân chủ hay chế độ độc tài ?, ôngCabestan ghi nhận, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh hiện nay quan niệm mô hình chính trị của Trung Quốc hiệu quả hơn, mạnh hơn mô hình dân chủ tự do phương Tây. Giáo sư Cabestan kết luận : "Có thể là ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc ý thức rằng đất nước họ sớm muộn gì cũng phải hướng tới một mô hình dân chủ, nhưng ở thời điểm này thì số đó sẵn sàng kiên nhẫn đợi chờ. Đó là chưa kể, Đảng Cộng Sản Trung Quốc trông thấy viễn cảnh điều hành đất nước rộng lớn này ít nhất ... ngàn năm".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét