Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

3740 - Trung Quốc không muốn đối đầu toàn diện với Mỹ

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành


Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 04/07/2018 đăng xã luận dưới tiêu đề “Trung Quốc đã cố hết sức, chúng tôi sẽ đáp trả việc Mỹ gây sức ép”. Nguyên văn như sau:
Tại Trung Quốc ngày càng có nhiều học giả chuyên về quan hệ quốc tế cho rằng chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ đang từ tiếp xúc và hòa hợp chuyển biến sang chiến lược ngăn chặn, hơn nữa quá trình chuyển biến ấy đã không thể đảo ngược. Điều đó sẽ tạo ra sự thách thức xưa nay chưa từng có đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các học giả nói trên cho rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ tiến hành chống Trung Quốc chỉ là sự khởi đầu chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Washington, sau đây giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ có thể xảy ra những xung đột ác liệt hơn. Trung Quốc cố gắng ngăn ngừa những xung đột ấy, song việc này rất khó.
Chúng ta thừa nhận phán đoán tập thể nói trên của giới học giả quan hệ quốc tế và chúng ta chủ trương xã hội Trung Quốc nên sớm triển khai chuẩn bị về vật chất và tinh thần nhằm đối phó sự chuyển biến chiến lược quan trọng của Mỹ. Ngành ngoại giao Trung Quốc vẫn cần phải hết sức duy trì sự bình ổn trong mối quan hệ Trung – Mỹ, cần cố gắng lớn nhất nhằm tránh sự leo thang cuộc xung đột giữa hai nước. Nhưng xã hội Trung Quốc cần tăng cường tư duy về lằn ranh cuối cùng, không ngại phải đón nhận những đòn tấn công từ bên ngoài ở bất kỳ cấp độ nào trên con đường trỗi dậy của Trung Quốc.
Về tổng thể, sự phát triển của Trung Quốc trong 40 năm cải cách mở cửa vẫn rất thuận lợi; điều đó làm cho rất nhiều người chúng ta có niềm hy vọng thế này: Trung Quốc có thể cứ như thế mà tiếp tục phấn khởi phát triển cho tới khi thực hiện được sự phục hưng vĩ đại của dân tộc một cách hoàn toàn.
Thế nhưng những sự việc xảy ra trong mấy tháng qua trên lĩnh vực thương mại Trung -Mỹ đã khiến chúng ta ngày càng tin rằng quá trình trỗi dậy của nước lớn thì có định mệnh là tất phải trải qua con đường quanh co lắt léo. Song le, việc có khả năng đối phó với những quanh co lắt léo ấy một cách tự tin và vững vàng sẽ quyết định chất lượng và kết cục của sự nghiệp Trung Quốc trỗi dậy.
Trước hết chúng ta cần phải có tâm thái bình thường khi đối mặt với những quanh co lắt léo, phải không sợ hãi, không tự than thân trách phận. Chúng ta cần thấy rằng sở dĩ Mỹ nhằm vào Trung Quốc, nguyên nhân cơ bản là do Trung Quốc đã đứng ở vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hơn nữa xu thế lâu dài lại tốt. Nếu Trung Quốc không mạnh thì Mỹ sẽ chẳng ngăn chặn Trung Quốc. Có người nói đó tất cả là tại Trung Quốc nói phách nên mới chuốc lấy [tai họa ấy], cho dù [ý kiến đó] đáng để bàn thảo khi xem xét hiệu quả trong ngoài của sự phô bày sức mạnh quốc gia, nhưng con voi to xác chẳng thể giấu mình đằng sau chú kiến, cái lý lẽ này lại càng có tác dụng hơn.
Thứ hai, phải xác lập lòng tin, kiên định quyết tâm. Để tránh sự leo thang cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc có thể nói chúng tôi đã cố hết sức mình. Giờ đây chúng tôi cần suy nghĩ về vấn đề một nước lớn làm sao lại có thể dễ dàng bị sụp đổ bởi sự tấn công từ bên ngoài? Xã hội Trung Quốc có đặc trưng thứ nhất là quy mô siêu lớn, cộng thêm tính tổ chức rất mạnh mẽ; không một xã hội nào có thể so đọ được với Trung Quốc về năng lực phân tán, giảm bớt sự công kích từ bên ngoài.
Trung Quốc trong những năm trước đây quá thuận lợi, sức chịu đựng hiện đại tương xứng với quy mô xã hội siêu lớn chưa hề có cơ hội để biểu hiện thực sự. Nói dễ hiểu hơn, nếu chưa toàn diện khai chiến với nước Mỹ trên mặt trận thương mại thì một số người Trung Quốc có thể không biết nội tình, nếu thực sự xung đột với nhau thì ngược lại họ sẽ càng vững dạ hơn, càng tạo ra nhiều niềm tin vào sức chịu đựng của bên mình.
Thứ ba, tầm mắt phải mở rộng, bụng dạ phải khoáng đạt. Sau khi mâu thuẫn thương mại Trung – Mỹ leo thang, sự căng thẳng đó tất nhiên sẽ khuếch tán đến các lĩnh vực khác trong mối quan hệ hai nước. Trung Quốc sẽ không chủ động đẩy mạnh sự khuếch tán này, nhưng khi xuất hiện một số tình hình như vậy thì cũng phải thản nhiên như không. Chúng ta phải canh giữ tốt mấy tuyến lợi ích cốt lõi như vùng biển Đài Loan, Biển Đông [Nam Hải], phải không chút do dự đánh trả những vụ khiêu khích nghiêm trọng, nhưng phải chú ý không mở rộng phạm vi đọ sức với Mỹ, không để cho hành vi trả đũa Mỹ biến thành sự đọ sức toàn cầu Trung – Mỹ.
Thứ tư, cần phải giữ sự kiên trì, để cho chính sách của chúng ta có thể được chấp hành thông suốt. Thể chế Trung Quốc có ưu thế nổi bật là ngoài năng lực động viên và chấp hành ra, còn có khả năng kiên trì. Lần này, sự chuyển biến tư duy chiến lược đối với Trung Quốc của Mỹ sẽ kéo dài chứ không ngắn hạn, Trung Quốc cần kiên trì nguyên tắc, cần cùng phía Mỹ xây dựng bộ quy tắc mới về giao tiếp giữa hai bên. Trong việc này không thể không phải đấu tranh, vào thời điểm quan trọng, ở vị trí quan trọng cần tấn công vào khí thế hung hăng của phía Mỹ, ví dụ vạch ra một ranh giới “Vĩ tuyến 38” trong thương mại Trung – Mỹ.
Sự phát triển của Trung Quốc không thể bị kẻ nào ngăn cản, sức sản xuất và tiềm lực thị trường của Trung Quốc đều lớn như thế, nếu muốn ngăn chặn chúng ta thì bàn tay của Mỹ là quá nhỏ. Nhưng sau đây khi Trung Quốc tiến lên sẽ còn gặp nhiều sức cản hơn, nhiều can nhiễu hơn, chúng ta cần làm quen với hoàn cảnh chiến lược mới này. Sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể thuận lợi hoặc không thuận lợi, nhịp điệu có thể nhanh hoặc chậm nhưng phương hướng lớn, xu thế lớn thì không thể biến đổi.
Hãy để chính phủ Trump đi mà suy tính được mất. Nhận thức và niềm tin của chúng ta quyết không lay chuyển.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét