Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

3742 - Nguyễn Phú Trọng kỷ luật tướng quân đội để ‘đốt’ tiếp tướng công an?

Phạm Chí Dũng


Thượng Tướng Phương Minh Hòa (trái) và Trung Tướng Nguyễn Văn Thanh, hai viên tướng CSVN vừa bị Nguyễn Phú Trọng kỷ luật. (Hình: VOV)

Lần đầu tiên ‘chung bảng’
Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng CSVN công bố kỷ luật hai viên tướng cao cấp trong Quân Chủng Phòng Không – không quân thuộc Bộ Quốc Phòng CSVN là Thượng Tướng Phương Minh Hòa và Trung Tướng Nguyễn Văn Thanh chỉ thuần túy là vụ “đốt lò” trong quân đội hay còn chứa đựng ý đồ và ẩn ý nào khác?
Vụ việc trên xảy ra vào cuối Tháng Sáu, 2018, cùng với thông báo kỷ luật Ban Cán Sự Đảng Bộ Thông Tin và Truyền Thông và các cá nhân liên quan vụ AVG như Lê Nam Trà, Phạm Đình Trọng, Cao Duy Hải, Phạm Hồng Hải, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn.
Lần đầu tiên giới quan chức ngập ngụa dấu hiệu tham nhũng của Bộ Quốc Phòng được xếp “chung bảng” với những quan chức chính quyền mà “ăn uống” đã trở thành nhu cầu cộng sinh bất diệt trong trường đời “Việt cộng.”
Thượng Tướng Phương Minh Hòa và Trung Tướng Nguyễn Văn Thanh bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương cáo buộc phải chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý đất quốc phòng khi “trực tiếp ký một số văn bản sử dụng đất vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết không đúng quy định.”
Những vụ việc kinh doanh và mua bán trái phép đất quốc phòng trên lại liên quan đến khu vực sân bay quân sự Tân Sơn Nhất. Khu vực này đã trở nên quá tai tiếng trong hàng chục năm qua do tập đoàn Him Lam của đại gia Dương Công Minh đã cấu kết với một nhóm lợi ích quân đội – được dư luận cho rằng bao gồm nhiều sĩ quan cao cấp của Bộ Quốc Phòng – để chiếm dụng đến 157 ha đất làm sân golf Tân Sơn Nhất. Vụ chiếm dụng này đã gây ra làn sóng phản ứng đầy công phẫn của dư luận xã hội khi sân golf Tân Sơn Nhất chính là tác nhân đã gây ra thảm cảnh sân bay dân dụng Tân Sơn Nhất bị kẹt cứng cả dưới đất lẫn trên trời từ đầu năm 2017 đến tận bây giờ.
Quân đội sẽ vượt mặt công an?
Vụ kỷ luật Thượng Tướng Phương Minh Hòa và Trung Tướng Nguyễn Văn Thanh là sự kiện “đốt lò” thứ hai, sau vụ Út trọc, trong chiến dịch “làm sạch quân đội” của Nguyễn Phú Trọng – người mà từ Tháng Sáu, 2016 đến nay đã tuần tự và liên tiếp thực hiện chủ trương “chống tham nhũng” không khác mấy quy trình của Tập Cận Bình ở Trung Quốc từ năm 2012.
Tại cuộc họp báo quý I năm 2018 của Bộ Quốc Phòng, Đại Tá Nguyễn Văn Đức – phụ trách Cục Trưởng Cục Tuyên Huấn, Bộ Quốc Phòng – đã cho biết Thượng Tá Đinh Ngọc Hệ, biệt danh “Út trọc,” đang bị khởi tố điều tra, và Bộ Quốc Phòng đang trong quá trình điều tra vụ án kinh tế này.
Vụ bắt giữ ông Hệ có thể xảy ra vào đầu Tháng Mười Hai, 2017, tức khoảng ba tuần trước vụ Bộ Công An phát lệnh truy bắt Vũ “Nhôm.”
Nhiều thông tin cho biết ông Đinh Ngọc Hệ là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Phát Triển Đầu Tư Thái Sơn – một thành viên của tổng công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc Phòng.
Tai tiếng lớn nhất của Tổng Công Ty Thái Sơn thời Đinh Ngọc Hệ là các dự án liên quan đến BOT, BT và cả PPP, với nguồn vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng tiềm ẩn rất nhiều khuất tất về tính chính danh trong liên danh thực hiện dự án.
Cũng trong cuộc họp giao ban của Bộ Quốc Phòng vào quý I năm 2018, điều có vẻ đáng ngạc nhiên là cơ quan này đã tự tin tuyên bố sẽ đi đầu trong chống tham nhũng trong quân đội. Hẳn là tuyên bố này phải mang “dấu ấn Nguyễn Phú Trọng” và như một cú ghi điểm quyết định của phái quân sự trước ngành công an đang lâm vào thực trạng quá nhiều vụ bê bối và tham nhũng từ trên xuống dưới.
‘Củi nhà’ và ‘củi rừng’
Sau Hội Nghị Trung Ương 7, phải chăng ý đồ và nước cờ tiếp theo của Nguyễn Phú Trọng là thi hành kỷ luật tướng quân đội để “đốt” tiếp tướng công an?
Nguyễn Phú Trọng chính là bí thư quân ủy trung ương, trong khi viên đại tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ Trưởng Quốc Phòng – là phó bí thư thường trực của tổ chức này.
Phải chăng Nguyễn Phú Trọng đang muốn chứng tỏ rằng “củi nhà” trong quân đội mà còn bị tống vào “lò” thì các loại tướng lĩnh tham nhũng ở Bộ Công An – một loại “củi rừng” – càng chẳng có lý do gì để thoát tội?
Trong bốn tháng đầu năm 2018, đã có hai viên tướng công an bị khởi tố và tống giam là Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa – cục trưởng Cục Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao của Bộ Công An, và Trung Tướng Phan Văn Vĩnh – cựu tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, từng một thời là cấp trên trực tiếp của Nguyễn Thanh Hóa. Vụ án này không những liên đới trực tiếp đến câu chuyện “công an bảo kê đường dây đánh bạc công nghệ cao,” mà vào thời gian đó còn có thông tin cho biết máy chủ của đường dây này “nằm sát Bộ Công An.”
Sau vụ kỷ luật hai tướng Phương Minh Hòa và Nguyễn Văn Thanh của quân đội, đang xuất hiện nhiều đồn đoán rằng sẽ có một viên tướng hai sao của Bộ Công An bị cho vào “lò” vì liên đới trực tiếp trách nhiệm vụ Vũ “Nhôm.”
Sau Hội Nghị Trung Ương 7 vào Tháng Năm, 2018 mà đã chẳng thể “diệt ruồi” lẫn đả hổ, bầu không khí “chống tham nhũng” bất thần lắng hẳn đi. Sau khi xuất hiện “chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Phú Trọng,” đã có một luồng dư luận cho rằng thực ra ông Trọng là người thiếu kiên quyết trong chống tham nhũng và phần đa chỉ là giơ cao đánh khẽ, chủ đích nhằm răn đe để giữ đảng, thu hồi tài sản tham nhũng và lấy tiếng “Sỹ phu Bắc Hà” hay “Minh quân” cho cá nhân mình.
Rất có thể, sự phản ứng của dư luận trên, mà đặc biệt là dư luận từ giới cách mạng lão thành trong đảng, đã khiến Nguyễn Phú Trọng không thể ngủ ngon trong chiến thắng, mà phải tiếp tục hành động để xứng đáng với danh hiệu “Người đốt lò vĩ đại” của ông ta.
Hiện thời, và đặc biệt sau biến cố cuộc biểu tình ngày 10 Tháng Sáu cùng trận bạo loạn ở Bình Thuận tràn ngập dấu hiệu được hậu thuẫn bởi một bàn tay – thế lực bí mật nào đó ngay trong đảng mà có thể nhằm gây áp lực chính trị với nhau trong nội bộ, Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với một mối nguy hiểm lớn: ông Trọng có thể bị hất đổ vào bất kỳ thời điểm nào ông bị đổ bệnh hoặc phải tạm thời rời bỏ quyền lực tối cao, để sau đó bị “hồi tố” – không chỉ bởi những đối thủ chính trị và các thế lực tham nhũng, mà còn có thể do chính những “người tâm phúc” và cận thần mà ông Trọng đã từng tin cậy như loại “cộng sản tốt tương đối” hoặc “có nhùng chàm nhưng đã gột rửa.”
Chỉ ít ngày sau Hội Nghị Trung Ương 7, một lần nữa kể từ quý hai năm 2017, ông Trọng lại khởi động quy trình “diệt ruồi.” Theo “quy luật” riêng của ông Trọng, chiến dịch “diệt ruồi” sẽ gia tăng theo thời gian, có thể trong một giai đoạn khoảng 3 – 4 tháng, để đạt tới đỉnh điểm nhất thời bằng hàng loạt “ruồi” bị cho “nhập kho” và tạo tiền đề để tiến tới “mần” một “con hổ” nào đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét