Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

3749 - Hốt cú chót


Ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam. Ảnh: internet

Tổng Giám Đốc ACV Lê Mạnh Hùng trong một ngày ký bổ nhiệm gần 100 người. Một ngày mà ký gần một trăm cái văn bản, tay anh không bó bột là giỏi rồi. Tưởng tượng, anh hý hoáy cặm cụi ký, cởi áo vét ký, có khi khóa trái phòng, ở trần ký cho đỡ nóng.
ACV quy mô 50.000 tỷ đồng, độc quyền dịch vụ bay hàng loạt sân bay tầm cỡ. Bờ xôi ruộng mật từ bảo vệ mà lên. Đâu chỉ gần 100 văn bản bổ nhiệm, bao bòng bong giấy tờ. Thế mà anh vẫn dành thời gian ưu tiên cho nhân viên cấp dưới, thật là nghĩa tình, thật là mẫn cán. Anh ký mà quên biên cả ngày tháng luôn. Ký xong anh bảo, đó là ý chí thống nhất của đảng bộ và hệ thống, thiệt quá tài tình.
Kỷ lục Guinness thế giới nên có một chỗ tôn vinh anh Hùng. Đây đúng là kỷ lục của Việt Nam, mà kỷ lục ký hoáy của VN đương nhiên là kỳ lục thế giới.
Kỷ lục trước đây thuộc về Tổng thanh tra Trần Văn Truyền, mỹ hiệu anh Truyền “móng tay thối”. Theo báo Người Cao Tuổi đưa ra thì: Từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, ông Trần Văn Truyền kí quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương). Chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) kí bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 kí bổ nhiệm 22 người. Ông Truyền ký cũng giáp ngày về hưu.
Gần đây nhất, cũng xin nhắc lại trường hợp ông Trương Quốc Cường, trước khi làm thứ trưởng Bộ Y tế, với tư cách Cục trưởng Cụ dược năm 2010 ký cho PV Pharma nhập 7 tạ tiền chất PSE. Năm 2011, trong vòng 3 ngày ký 2 quyết định cho Mebiphar nhập 5 tạ PSE. Năm 2014-2015 ký cho 20 doanh nghiệp nhập 9 tấn Salbutamol. Năm 2016 lại ký cho nhập 6 tấn. Đó là quãng thời gian phát hiện nhiều vụ điều chế ma túy từ PSE cũng như Salbutamol được dùng làm chất tạo nạc cho lợn.
Quá dễ hiểu vì sao chữ ký các sếp ồ ạt xuất hiện ở đoạn cuối chức vụ nắm giữ. Đó là khi tạo sự mưa móc dễ nhất và cũng an toàn nhất khi đã hạ cánh hoặc rời đi. Tư duy cú chót, hoàng hôn nhiệm kỳ đã ăn vào máu đại bộ phận quan chức xứ mình.
Không có lý giải nào khác cho việc ký vội ký vàng ngoài lợi ích. Nói trắng ra, đó là tư duy “ăn cắp vặt”, vơ vén được chút nào thì vơ. Bởi một vị trí được ký, có lẽ như những khoản đầu tư phải nếm mật nằm gai, trầy vi tróc vảy. Cả sự nghiệp cố sao “gỡ” vốn rồi kiếm lời. Còn những cú chót là để chốt lời, rời sòng.
Thứ tư duy đó sẽ được truyền nối cho người thụ hưởng, kẻ được phê duyệt hoặc bổ nhiệm sẽ lại tìm cách gỡ. Bởi chẳng có ai quang minh chính đại mà chờ chữ ký phút chót. Chấp nhận “chạy” một chữ ký, có nghĩa là đã sẵn phương án gỡ gạc.
Chữ ký, tựu trung thành công cụ để thu tém lợi ích. Mà lợi ích đó, trực tiếp hay gián tiếp, đều tước đoạt từ phía người dân!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét