Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

3756 - Lấy tiếng hay lấy miếng!



Nga đã chi đến 14.2 tỷ USD để tổ chức FIFA World Cup, trong đó có 6.11 tỷ USD cho hạ tầng giao thông; 3.45 tỷ USD cho vận động trường… Nói với hãng tin ABC, nhà phân tích kinh tế Sergei Drobyshevsky cho biết mùa World Cup có thể giúp tăng khoảng 0.2% cho GDP Nga từ tháng 4 đến tháng 9-2018. Cổ động viên túc cầu sẽ giúp mang lại khoảng 3 tỷ USD cho kinh tế Nga. Nghe có vẻ “ngon ăn” nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh ngược lại. Tổ chức World Cup thường lỗ “sặc gạch”!

lay-tieng-hay-mieng1
 Lấy tiếng hay lấy miếng?
Rob Baade, giáo sư kinh tế kiêm chủ tịch hiệp hội các nhà kinh tế học thể thao quốc tế (IASE), nói rằng “cái gọi là lợi ích kinh tế cho GDP đạt được từ World Cup chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng”. “Ðiều mà những người cổ súy các sự kiện thể thao lớn không bao giờ ngó ngàng khi làm những bài toán lợi ích kinh tế là có không ít nguồn được sử dụng cho đầu tư lại bị phớt lờ, khiến mang lại những chi phí ẩn gây thiệt hại kinh tế về lâu dài” – nhận xét thêm của Stefan Szymanski, nhà kinh tế thể thao tên tuổi, đồng tác giả quyển Soccernomics. Szymanski cho rằng du lịch khó có thể làm nên điều gì khác biệt với kinh tế nước chủ nhà vào mùa World Cup.
Một khi đường phố trở lại không khí bình thường; tiếng trống kèn inh ỏi biến mất; quán xá thưa thớt…, và người ta bắt đầu tính sổ. Vấn đề bây giờ không phải là chiến thuật trên sân cỏ hoặc chuyện chân cẳng các danh thủ bại xụi mà là chuyện lời lỗ trong kinh doanh và chuyện được mất trong kinh tế đất nước. Trong thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy World Cup nói riêng hoặc các sự kiện thể thao lớn (chẳng hạn Thế Vận Hội) nói chung gần như không ảnh hưởng tích cực đáng kể cho kinh tế nước chủ nhà. Khi ‘đăng cai’ World Cup 1994, Mỹ tin rằng tiền lời có thể đạt đến 4 tỷ USD. Kết quả, như công bố của Victor Matheson – giáo sư kinh tế đại học Lake Forest (Illinois) – cho thấy 6 trong 9 thành phố Mỹ tổ chức World Cup có tỷ lệ tăng trưởng chậm hơn cả dự tính trong hoàn cảnh bình thường! World Cup đã làm Mỹ lỗ 4 tỷ USD.
Trước mùa World Cup 2002, Viện nghiên cứu Dentsu (Nhật) từng ước tính 24.8 tỷ USD (3.3 ngàn tỷ Yen) sẽ đổ vào nền kinh tế Nhật – một khoản tiền khổng lồ chiếm 0.6% GDP của một đất nước có GDP thứ hai thế giới như Nhật. Trong khi đó, Viện phát triển Hàn quốc (KDI) dự tính World Cup sẽ đem lại tiền lãi 8.9 tỷ USD (11.7 ngàn tỷ Won), tương đương 2.3% GDP của Hàn trong năm 2000, chưa kể 350,000 chỗ làm mới được tạo ra. Các con số lấp lánh trên được FIFA ký xác nhận và được quảng bá rộng rãi, thông qua hai liên đoàn bóng đá sở tại.
Như một sự lặp lại lịch sử khó tránh, chính phủ Nhật-Hàn cũng xài quá mức cho cơ sở hạ tầng. Hai nước đã xây mới 20 sân vận động (40,000 chỗ) với tổn phí hơn 3 tỷ USD. Trong khi đó, Pháp xây mới duy nhất một sân hồi World Cup 1998 và Mỹ chỉ tân trang vài sân cũ mà không xây mới sân nào hồi World Cup 1994. Hầu hết sân mới tại Nhật và Hàn chỉ tổ chức 3-4 trận trong mùa giải. Tại vài thành phố không tổ chức World Cup, người ta cũng vung tay quá mạng trong việc tân trang cơ sở hạ tầng với hy vọng lôi kéo du khách. Khoảng 80 thành phố ở Nhật từng cạnh tranh giành danh hiệu “trại nghỉ gốc” tốt nhất cho khách hải ngoại.


lay-tieng-hay-mieng
Sau World Cup, kinh tế Nga có thể sẽ không đẹp như mong muốn. getty images

Thành phố Totorri tại tây-nam Nhật đã tung ra chiêu dụ du khách Ecuador bằng cách bao toàn bộ tổn phí của đội bóng Ecuador (lên tới 100 triệu Yen). Tuy nhiên, ngành du lịch Nhật và Hàn quên rằng nhiều du khách bình thường và đặc biệt là giới thương nhân đã hủy chuyến bay sang hai nước trên để tránh đám đông và không khí náo nhiệt của World Cup. Thực tế cho thấy doanh nghiệp địa phương có thể làm ăn khó khăn hơn bình thường. Ghi nhận tại Salt Lake City – nơi tổ chức Thế Vận Hội mùa đông 2002 – cho biết nhiều cư dân địa phương đã đóng cửa lên đường đi du lịch xa nhằm tránh sự huyên náo bất thường. Hơn nữa, du khách bóng đá – do chi nặng tiền cho giá vé và mướn phòng – thường dè sẻn trong tiêu xài linh tinh, so với du khách bình thường.
Tổng kết sau World Cup 2002 cho thấy số du khách đến Hàn và Nhật không nhiều như mức mong đợi. Những gì World Cup 2002 bỏ lại sau lưng hai nước đồng chủ nhà trở thành những phế tích đắt tiền: 20 sân vận động mà 16 trong số đó được xây mới với kinh phí khổng lồ sau đó đã nằm phơi nắng. Dùng vỏn vẹn ba-bốn lần trong mùa giải, nhiều cầu trường ít nhiều đã bị bỏ hoang hoặc chỉ có thể tổ chức hội hè địa phương. Khu phức hợp Saitama trong đó có sân vận động 63,700 chỗ ngồi tốn 667 triệu USD đã làm hao thêm 6 triệu USD phí duy tu mỗi năm. Chỉ ba trong 10 thành phố Nhật có sân vận động mới là có đội bóng chuyên nghiệp và ít người biết rằng thậm chí có một sân mới toanh chưa bao giờ được hưởng không khí trống kèn World Cup. Ðó là sân ở Toyota thuộc Aichi, cách Tokyo 240km, với kinh phí xây dựng 375 triệu USD, khánh thành năm 2001, dự tính đón được ít nhất một trận World Cup nhưng cuối cùng bỏ trống! Tương tự, gần một năm sau World Cup 2006, Viện nghiên cứu kinh tế Ðức đưa ra báo cáo cho biết ảnh hưởng kinh tế trực tiếp từ World Cup là rất thấp.
Đánh lừa mình và đánh lừa nhau…
Simon Bowmaker – nhà kinh tế học thể thao thuộc đại học Edinburgh (Scotland) – nói rằng nước chủ nhà World Cup thậm chí thường lỗ méo mặt, tương tự trường hợp nước chủ nhà của những giải thể thao lớn chẳng hạn Thế vận hội. Chang se-moon – giáo sư đại học South Alabama (Mỹ) – cho biết thêm từ năm 1954 đến nay, có bốn nước chủ nhà World Cup đều gặp tình trạng tăng trưởng giảm sau mùa giải. Trong vài trường hợp, nước chủ nhà không chỉ thất thu mà còn “lủng túi” cho những vụ đầu tư ngắn hạn may rủi. Satoru Kida – nhà phân tích phát triển cộng đồng thuộc một nhóm nghiên cứu kinh tế ở Tokyo – nhận xét rằng thiên hạ đã đánh lừa mình và đánh lừa nhau, rằng World Cup sẽ giúp hốt bạc và “thế là dân chúng phải nhảy nhót theo”.
Tại mùa World Cup 2014, Brazil đã chi khoảng 11.3-13.5 tỷ USD. Kết quả sau đó cho thấy Brazil đã lỗ ít nhất phân nửa trong số tiền đầu tư. Một năm sau mùa World Cup, cầu trường tốn kém nhất thế giới, Estádio Nacional Mané Garrincha tại Brasilia, với chi phí xây dựng 550 triệu USD, đã trở thành… bãi đỗ xe bus. Trong khi đó, sân vận động tại Cuiaba, với chi phí xây dựng khoảng 215 triệu USD, đã phải đóng cửa vì… xuống cấp và sau đó được dùng làm nơi trú ngụ của dân vô gia cư. Số phận cầu trường Natal cũng không khá hơn: nó biến thành nơi tổ chức tiệc cưới và tiệc sinh nhật cho trẻ con. Nam Phi với World Cup 2010 cũng tệ tương tự: chỉ thu lại vỏn vẹn 11% trong tổng cộng 4.5 tỷ USD đầu tư.
Phần mình, Nga vẫn đang “đánh lừa nhau và đánh lừa mình”. Phó thủ tướng Arkady Dvorkovich nói rằng, ảnh hưởng tích cực về lâu dài của World Cup có thể mang lại cho kinh tế Nga từ 26 tỷ USD đến 30.8 tỷ USD trong 10 năm. Tiền không phải rụng từ trên trời. Mùa World Cup chỉ kéo dài một tháng. Sau khi khách thập phương quốc tế ra về, nước Nga sẽ biết thế nào là nỗi buồn “hậu World Cup”.
MK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét