Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

9285 - BOT cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận sẽ do chủ tịch tỉnh Tiền Giang làm ‘chủ xị’



“Thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang để đề xuất chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải về Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang”. (Trích Thông báo số 64/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, về “Kết luận của phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT).
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, rộng 17 m, đi qua tỉnh Tiền Giang, với tổng mức đầu tư gần 9.670 tỷ đồng theo hình thức BOT.



Vì sao phải thay cơ quan quản lý nhà nước?
Văn bản 64/TB-VPCP do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng ký phát hành ngày 18-2-2019 gửi đến các địa chỉ cụ thể sau: Thủ tướng, các phó Thủ tướng; Các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, xây dựng, Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND tỉnh Tiền Giang; Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Nội dung thông báo cho biết vào ngày 18-2-2019, phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi họp về tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức Hợp đồng BOT (Dự án). 
Tham dự buổi họp có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang; đại diện các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và đại diện Nhà đầu tư Dự án. 
Sau khi nghe Bộ Giao thông vận tải báo cáo tình hình triển khai, khó khăn vướng mắc đối với Dự án và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:
I. Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. 
Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Nhà đầu tư và các cơ quan có liên quan triển khai đạt khoảng 96% khối lượng giải phóng mặt bằng; đồng thời làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Dự án.
Tuy nhiên, Dự án đang bị chậm tiến độ nhiều so với yêu cầu đặt ra (Dự án được khởi công năm 2009, đến nay mới đạt 15,8% khối lượng công việc). Nguyên nhân là do việc huy động vốn gặp khó khăn, do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư PPP, cũng như năng lực của Nhà đầu tư Dự án, từ đó yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và Nhà đầu tư dự án phải tích cực, chủ động hơn nữa trong đề xuất giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để Dự án được thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020.
II. Để sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho Dự án, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Nhà đầu tư Dự án và các cơ quan có liên quan có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ:
1. Làm rõ nguyên nhân của việc chậm tiến độ Dự án cũng như trách nhiệm của các đơn vị có liên quan.
2. Đề nghị tiếp tục đầu tư Dự án theo hình thức Hợp đồng BOT, đảm bảo thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
3. Thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang để đề xuất chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải về Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.
4. Đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc về lãi suất vay vốn cũng như các vướng mắc khác đối với Dự án; đồng thời rà soát, xây dựng lại phương án tài chính của Dự án trên cơ sở dùng vốn tài trợ của các ngân hàng thương mại nhà nước.
5. Cơ cấu lại Nhà đầu tư Dự án, thay thế nhà đầu tư yếu kém bằng nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật để tiếp tục đầu tư Dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Vì sao đã đạt 96% khối lượng giải phóng mặt bằng nhưng mới đạt 15,8% khối lượng công việc?
Tại hội nghị triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017 - 2020 diễn ra hôm 21-2, tại thành phố Nha Trang, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã nói rằng việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp, là một trong những yếu tố quyết định đến tiến độ thực hiện dự án. 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tái xác nhận ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể qua chỉ đạo: “Triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ, tức là vào năm 2020 cơ bản hoàn thành, 2021 là thông xe. Vì thế năm 2019 phải khởi công được một số đoạn. Giải phóng mặt bằng là yếu tố quyết định sự thành công của dự án. Yêu cầu các bộ ngành và các địa phương tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Không vì công tác giải phóng mặt bằng mà ảnh hưởng đến tiến độ dự án”.
Từ khóa “giải phóng mặt bằng” và “vốn đầu tư” được ghi nhận xuất hiện mật độ khá dày trong tất cả các ý kiến tại hội nghị hôm 21-2 ở Nha Trang.
Như vậy cần hiểu như thế nào việc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đạt khoảng 96% khối lượng giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay mới đạt 15,8% khối lượng công việc, mặc dù được khởi công từ năm 2009?
Thời điểm cho các bước thực hiện ban đầu của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, phía Bộ Giao thông vận tải có vị Bộ trưởng là ông Hồ Nghĩa Dũng. Nhiệm kỳ của ông Hồ Nghĩa Dũng kéo dài trong 5 năm và 36 ngày; bắt đầu từ ngày 28-6-2006 đến 3-8-2011.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, sau khi rời ghế Bộ trưởng được 8 tháng, thì báo chí bất ngờ ông có tên trong Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, một công ty do ông chỉ định làm nhà đầu tư của dự án xây hầm đường bộ Đèo Cả - một dự án cũng do chính ông ký phê chuẩn khi tại nhiệm. 
Những câu hỏi
Trong một diễn biến khác, ngay trước Tết Kỷ Hợi, ngay sau khi xảy ra vụ án ở Công ty Yên Khánh, phía Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận bổ sung Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả tham gia vào liên danh nhà đầu tư, thay thế Công ty Yên Khánh để ‘giải cứu dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận’.
Hiện diện trong cuộc họp hôm 18-2 mà phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì (đã nói ở phần trên), ông Vũ Minh Hoàng, phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã tự tin phát biểu trên cương vị là người được Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận mời vào điều hành Dự án, như sau: “Rất nhiều nhà đầu tư sợ thanh tra, kiểm toán nhưng chúng tôi lại chủ động mời Kiểm toán vào cuộc sớm để có thể tiếp tục triển khai Dự án một cách minh bạch nhất, hiệu quả cao nhất. Chúng tôi đã tính cả đến phương án xin phép điều chỉnh lại tổng mức đầu tư để tiết kiệm nhất mà vẫn đạt chất lượng tốt, đồng thời cập nhật lại các thông số của phương án chính để không phải sử dụng trạm thu phí TP.HCM – Trung Lương và Ngân sách Nhà nước không phải bỏ ra gần 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho Dự án”.
Có lẽ ông Hồ Nghĩa Dũng sẽ dễ làm việc với ông Lê Văn Hưởng, chủ tịch tỉnh Tiền Giang hơn là phải ‘bẩm, thưa’ khi đến gặp Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Một băn khoăn khác cũng được đặt ra: Khi người dân đi lại bằng phương tiện cá nhân, đi bằng phương tiện như xe khách, hoặc sử dụng hàng hóa đều phải trả một khoản phí qua trạm thu phí. Các chi phí qua các trạm BOT này về bản chất là loại thuế gián thu.
Bên cạnh hình thực đầu tư BOT, đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng cũng có những thiệt thòi về phía người dân. Đất là đất công và đất đai là sở hữu toàn dân, tức là đất cũng của nhân dân, thì ngay hành động lấy tài sản của dân đổi lấy hạ tầng, nhưng sau đó người dân lại phải trả phí để đi lại dường như là một điều phi lý?
Tất cả những cái thiệt thòi đều về phía người dân. Và phải chăng đất là của chính quyền đương nhiệm, họ dường như có toàn quyền hành động? Tại sao không yêu cầu các cơ quan tố tụng xem xét trách nhiệm pháp lý, cho chuyện vì sao một Dự án giao thông quan trọng tầm cỡ quốc gia được khởi công từ năm 2009, chỉ dài có 51 cây số, song suốt 10 năm vẫn dậm chân tại chỗ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét