Cứ mỗi giai đoạn lịch sử, người ta lại xây dựng tượng đài mới nhằm tưởng nhớ, vinh danh những anh hùng, những người có công lao với đất nước. Ngoài ý nghĩa đó, tượng còn góp phần tô điểm không gian kiến trúc của một thành phố.
Sài Gòn với những bức tượng của thập niên sáu mươi đối với tôi là những anh hùng Phù Ðổng Thiên Vương cưỡi ngựa đánh giặc Ân ở Ngã Sáu Sài Gòn, danh tướng Trần Nguyên Hãn tung vó ngựa chống giặc Minh trước chợ Bến Thành, danh tướng Trần Hưng Ðạo chỉ tay ra Bến Bạch Ðằng chỉ huy quân đội đánh bại cuộc xâm lược của quân Nguyên-Mông hay An Dương Vương đứng trên đài tháp xạ tiễn bên Bến Chương Dương đánh giặc phương Bắc lập nên nước Âu Lạc sau triều đại các vua Hùng… Tất cả những danh tướng từ truyền thuyết đến hiện thực lịch sử, tôi nhớ trong đầu qua những bài học lịch sử từ thời còn tiểu học được chính quyền đương thời cho xây dựng một loạt tượng vào giữa thập niên sáu mươi.
Việc xây dựng tượng đài do Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ giao trách nhiệm cho mỗi binh chủng của Quân lực VNCH thực thi nhưng phải làm thế nào để có thể làm biểu tượng cho mỗi binh chủng trong quân đội là một điều khó cho nhà điêu khắc sáng tác. Làm tượng đài chiến sĩ theo mỗi binh chủng thì dễ, trong khi các nhà điêu khắc đưa ra nhiều dự án dùng hình ảnh người chiến sĩ, nên ban tổ chức chỉ chọn ra ba đề án mang hình ảnh người lính VNCH. Một là, Tượng đài Chiến Sĩ Vô Danh đặt ngay ngã tư Hồng Bàng và Tổng Ðốc Phương. Hai là, Tượng Hai chiến sĩ Thuỷ quân Lục chiến cầm súng ở công viên trước toà nhà Hạ viện (Nhà hát Thành phố). Ba là, tượng ba người lính Biệt Ðộng Quân ở ngã sáu Lý Thái Tổ.
Ai cũng biết tượng Phù Đổng Thiên Vương ở Ngã Sáu Sài Gòn. Nguồn: Manhhaiflicks
Riêng tượng Thiên sứ Micae, Thánh tổ binh chủng Nhảy Dù gần bệnh viện Sùng Chính, quận 5 và tượng đài của binh chủng Không quân có hình dáng rất đặc biệt được xây dựng trong khuôn viên vườn hoa phía trước Toà Ðô Chánh vào năm 1967. Tượng đài Thiên sứ Micae được lấy từ điển tích kinh thánh, Thiên sứ Micae có hai cánh chim tay cầm cây trượng và tượng đài “Tổ quốc Không gian” được đúc bằng bê tông với trục cánh thẳng đứng vươn lên bầu trời và những trục ngang tượng trưng cho cánh máy bay. Ðây là hai công trình tượng đài cùng với những tượng đài đại diện cho các binh chủng dùng hình tượng nhân vật lịch sử lâu đời để không gian trang trí mỹ thuật ngoài trời được nhẹ nhàng hơn nếu so với các bức tượng người lính có mặt vài nơi tại Sài Gòn vào thời điểm đó.
Cũng tại vị trí tượng đài Thuỷ quân Lục chiến, vào thời Pháp thuộc, những năm tám mươi của thế kỷ 19 từng được người Pháp đặt tượng tưởng niệm Francis Garnier bị quân Cờ Ðen bắn chết ở đê La Thành khi quân Pháp tiến đánh Hà Nội khiến Tổng đốc Hà Nội lệnh cho Nguyễn Khuyến làm bài Văn tế Ngạc Nhi than khóc ông Tây mắt xanh mũi lõ bỏ xác xứ người. Ông này chết ở Hà Nội nhưng lại được tạc tượng đồng cầm kiếm đứng cao trên đỉnh tháp để người Sài Gòn ghi nhớ công lao. Cùng thời gian đó, tượng đài Ðô Ðốc Hải quân Charles Rigault De Genouilly người chỉ huy đánh chiếm Sài Gòn và cũng là Thống đốc đầu tiên tại Nam kỳ được dựng lên ở vị trí công trường Mê Linh ở Bến Bạch Ðằng. Tượng đài này bị người dân phá huỷ năm 1956 sau khi Pháp thua trận rút quân về nước.
Sau khi tượng đô đốc De Genouilly bị phá bỏ, vào tháng 2/1962, Tổng thống Ngô Ðình Diệm cho dựng tượng Hai Bà Trưng đứng trên bệ tháp ba chân tại vị trí cũ. Tượng do nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế thực hiện. Tuy nhiên hình tượng của hai bà lại giống hình ảnh của bà Trần Lệ Xuân phu nhân Cố vấn Ngô Ðình Nhu và con gái Ngô Ðình Lệ Thuỷ. Ðiều này khiến cho dư luận xôn xao vào thời bấy giờ. Làm sao biết dung nhan của hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị đâu để bình phẩm. Mọi chuyện chìm vào quên lãng cho đến cuộc đảo chính vào ngày 1/11/1963, dân Sài Gòn kéo dây giật sập hai pho tượng, còn lại bệ kiềng ba chân, tính ra tượng hai bà chưa đứng vững được hai năm.
Khởi đầu năm 1966, gần như các tượng đài ở các công viên vườn hoa tại Sài Gòn được xây dựng đồng loạt. Tượng Phù Ðổng Thiên Vương ở ngã sáu Sài Gòn được dựng năm 1966, được xem là Thánh tổ của binh chủng Thiết giáp. Cùng thời gian, tượng Trần Nguyên Hãn được xem là Thánh tổ của binh chủng Truyền tin trước chợ Bến Thành cũng được dựng lên. Tượng Phan Ðình Phùng, Thánh tổ của ngành Quân cụ, đứng trước vòng xoay Bưu điện Quận 5. Riêng tượng An Dương Vương có đến hai tượng đài. Một ở Bến Chương Dương vườn hoa phía trước Hội trường Diên Hồng với hình tượng An Dương Vương đang giương cung bắn tên. Tượng này được nhiều người cho rằng được xây từ thời ông Diệm, có ý nghĩa lịch sử dựng nước Âu Lạc nên được giữ nguyên làm Thánh tổ của binh chủng Pháo binh. Còn tượng An Dương Vương mới (xây năm 1968) tay cầm nỏ, đứng trên cột đài cao, bệ được trang trí phù điêu xây dựng thành Cổ Loa, tại ngã sáu Chợ Lớn là Thánh tổ của binh chủng Công binh. Cùng một ông An Dương Vương đại diện cho cả hai binh chủng cứ xem như điều ngoại lệ.
Trong giới điêu khắc các tượng đài ở Sài Gòn vào thời gian ông Kỳ cho xây dựng loạt tượng đài để kỷ niệm 20 năm nước VNCH (1973), hầu như đều đã qua đời và ít có tài liệu nào ghi lại ai là tác giả của các tượng đài. Nghe đâu, tượng An Dương Vương ở ngã sáu Chợ Lớn là do nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu thực hiện năm 1968, ông cũng là tác giả của bức tượng “Thương tiếc” đặt tại Nghĩa trang Biên Hoà.
Nhà điêu khắc Phạm Thông khi còn sống tại Houston có cho biết: “Tôi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1965, năm đó tôi tròn 24 tuổi. Học hoạ thì nhiều, điêu khắc chỉ là tay trái thôi nhưng tôi lại chọn đề thi tốt nghiệp lại là tượng Trần Hưng Ðạo. Thật may, vào năm 1967, binh chủng Hải quân và Hội Ðức Thánh Trần tổ chức cuộc thi tạc tượng Trần Hưng Ðạo Thánh tổ binh chủng Hải quân để thay vào vị trí tượng Hai Bà Trưng đã bỏ trống nhiều năm, tôi đem đồ án ra trường của mình chỉnh sửa lại mang đi dự thi cùng với 13 đồ án khác của nhiều nhà điêu khắc khác. Ðồ án của tôi lúc ra trường là tượng Trần Hưng Ðạo ngồi nghiên cứu binh lược, sau khi biết vị trí đặt tượng tại công trường Mê Linh không thay đổi, tôi liền chỉnh sửa tượng Trần Hưng Ðạo đứng chỉ tay xuống sông Sài Gòn. Có lẽ nhờ vậy, tôi mới được giải”.
Cư dân Houston hẳn không xa lạ gì với nhà điêu khắc Phạm Thông. Ông là người tạc tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ đặt ngay trung tâm khu vực đường Bellaire. Cuộc thi này cũng gồm có 13 đồ án dự thi. Ban đầu, ông không định tham gia nhưng cuối cùng thì có lẽ duyên số nghề nghiệp đẩy đưa ông trở về với công việc chuyên môn của mình ngày xưa. Một điều đáng lưu ý, sau công trình đúc tượng Trần Hưng Ðạo chỉ tay xuống sông Sài Gòn, nhiều công trình tượng Trần Hưng Ðạo ở các nơi như Vũng Tàu và Qui Nhơn đều thực hiện theo nguyên mẫu của ông Phạm Thông.
Có chừng 12 tượng đài ở Sài Gòn trước năm 1975, đến nay đã nửa thế kỷ, vật liệu thực hiện bằng bê tông cốt sắt, nay đã bắt đầu hư hao trầm trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét