Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

7009 - Giọt nước mắt của Hương!



Sau khi phiên tòa thượng thẩm tại tòa án Shah Alam ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), kết thúc sáng ngày 14.3, Đoàn Thị Hương được áp giải ra ngoài với gương mặt thất thần, và cô đã khóc. 
Cô là bị cáo duy nhất còn bị xét xử trong vụ án ám sát người được cho là Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Còn một người bạn cùng bị bắt với cô là Siti Aisyah đã được trả tự do.

Đoàn Thi Hương bên ngoài toà thượng thẩm ở Malaysia

Chính phủ Indonesia sau đó đã lên tiếng, kết quả thả Siti Aisyah là nỗ lực vận động hàng lang cấp cao liên tục, bao gồm: Tổng thống Indonesia Jokowi gặp và đề cập nhiều lần với người đồng nhiệm Malaysia, cũng như Tổng chưởng lý Malaysia; trong khi Bộ trưởng Ngoại giao cũng có các cuộc tiếp xúc song phương liên tục. 
Trong khi đó Việt Nam đến nay ngoài sự lên tiếng từ xa, hay vị đại sứ quán đến tham dự phiên tòa thì vẫn chưa hình dung được “nỗ lực” nào lớn hơn ở cấp “hàng lang cấp cao” mang tính “liên tục” như Indonesia.
Facebooker Nguyen Tram mỉa mai: Đoàn Thị Hương xui khi sinh ra là người Việt. 
Sự mỉa mai đó nhận được nhiều phản hồi cảm xúc, nhưng lối mỉa mai đó là sai lầm. Cô Hương không phải xui khi là người Việt, mà cô xui vì là công dân của nước CHXHCN Việt Nam. 
Trong bảng xếp hạng vào năm ngoái, Malaysia quyền lực thứ 12 (179 nước miễn visa), Việt Nam thứ 87 (với 51 nước miễn visa), Indonesia với 72 (71 nước miễn visa). Như vậy, trong ba nước, Việt Nam là quốc gia có tính chất quyền lực kém nhất.  Và sự kém cỏi này bao gồm cả trong sự bảo hộ công dân nước mình. 
Giả sử như rằng, với thể chế Việt Nam và hoàn toàn không nằm ở vùng biển Đông, thì chắc chắn rằng, với cơ chế của Việt Nam sẽ hoàn toàn không khác với một nhà tù loài người mang tên Triểu Tiên là mấy. 
Khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Việt Nam, báo giới trong nước Việt Nam tung hô quốc gia hình chữ S là “trung tâm hòa giải quốc tế”, nhưng một “hòa giải quốc tế” nó cũng không thể sớm đưa công dân Đoàn Thị Hương về nước, trong khi công dân Indonesia lại được trả tự do về nước.
Liệu ông Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng có thấy sự bất lực khi Tổng thống Indonesa Joko Widodo tuyên bố: “Đây là một quá trình rất dài. Đây là kết quả từ sự lo lắng của chính phủ cho công dân của mình”.
Chúng ta liệu cần một sự hổ thẹn từ ngay lãnh đạo cấp cao về Đoàn Thị Hương, liệu có thể?.
Nhiều người châm biếm rằng, Malaysia rõ ràng không coi quan hệ với Việt Nam là gì, bởi thế đứng của họ là thế đứng của hộ chiếu quyền lực thứ 12, họ cũng không dính líu gì đến một ông Cộng sản với Biển Đông,…, Và do đó, với trường hợp Đoàn Thị Hương, có thể cử những đặc vụ xuất sắc để đưa về, như với trường hợp Trịnh Xuân Thanh.
Những quan điểm châm biếm, dù sát thực hay xa rời thực tế cũng cho thấy một sự bất mãn và thiếu vắng niềm tin trong người Việt với nhà nước hiện tại. Người Việt chỉ nhìn thấy một nhà nước bảo hộ kém, nhưng bóc lột công dân lại giỏi (qua tham nhũng vặt ở đại sứ quán các nước).
Công dân Đoàn Thị Hương, với hộ chiếu màu xanh lá cây của mình một lần nữa cho thấy rằng, giá trị của một quốc gia không phải biểu hiện bằng sự “bắt cóc” hay “lên tiếng đề nghị”, mà đó là một quá trình tích cực, bền bĩ và luôn phấn đấu để bảo vệ công dân mình bằng mọi giá.
Năm 2005, Nguyễn Tường Vân, công dân Úc quốc tịch Việt buôn bán ma túy ở Singapore và bị án tử hình. Chính phủ Úc lúc đó đứng đầu là Thủ tướng Úc John Howard đã 5 lần đích thân đề nghị xem xét trường hợp của ông Vân; Tổng chưởng lý Úc lúc đó là Philip Ruddock cũng tìm cách can thiệp, thậm chí đưa ra Tòa án Quốc tế vì Công lý. Thậm chí sự quan tâm công dân đến mức, ngay những giờ phút cuối cùng của ông Vân (trước khi bị tử hình chính thức), Chính phủ Úc cũng nỗ lực để nhân vật này không bị treo cổ.
Nếu áp vào trường hợp của Siti Aisyah thì đây cũng là một trường hợp điển hình về cái gọi là “nỗ lực vận động hàng lang cấp cao liên tục” nhằm bảo vệ công dân của mình. 
Nếu không thích sống thì cút ra nước ngoài mà sống”, một số phản ứng dành cho những người chê trách hộ chiếu Việt Nam qua sự vụ Đoàn Thị Hương. Nhưng, giá như việc đi ra nước ngoài nó dễ dàng như cái thời luật pháp còn nhiều lỏng lẻo, thì có khi, đến cái trụ điện cũng sẽ không còn mang quốc tịch là công dân Việt hiện tại. Nhiều người “cút ra nước ngoài sống”, và cơ số đấy là tầng lớp trung lưu, có cả đội ngũ con cháu lãnh đạo cấp cao của thể chế hiện tại.
Đúng, “giọt nước mắt của Hương” chưa phải là giọt nước mắt cuối cùng, bởi cô vẫn là  suy cho cùng là nạn nhân của đặc vụ Triều Tiên, và sâu xa là nạn nhân của cái hộ chiếu được xếp hạng 87. Một thể chế tự huyễn hoặc là “trung tâm” nhưng không phải vậy. 

Chính phủ Việt Nam có lẽ cần nỗ lực hơn nữa với trường hợp Đoàn Thị Hương, bởi nếu không sớm đưa lại giọt nước mắt mừng rỡ vì sự tự do cho cô ấy, thì niềm tin người người dân vào sự bảo vệ của Nhà nước sẽ ngày càng tụt giảm không phanh...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét