Trong những ngày này thế giới đang bày tỏ sự ngưỡng mộ trước cách mà nữ Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, đã và đang làm để chia sẻ nỗi đau của gia đình các nạn nhân, để hàn gắn vết thương của đất nước sau vụ khủng bố kinh hoàng xảy ra tại 2 nhà thờ Hồi giáo ở trung tâm thành phố Christchurch vào ngày 15.3, do một tay khủng bố da trắng cực hữu gây nên. Năm mươi người thiệt mạng trong khi đang cầu nguyện vào thứ Sáu. Hàng chục người bị thương. Một vụ chết chóc hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của quốc gia này.
Nữ Thủ tướng Jacinda Ardern đã xử lý mọi việc một cách nhanh chóng, dứt khoát. Chỉ vài giờ sau khi vụ khủng bố xảy ra, bà đã tổ chức họp báo với những lời chia sẻ đau xót nhưng rành mạch quan điểm, không xuê xoa làm nhẹ vấn đề nhưng cũng không kích động hận thù, gây thêm chia rẽ. Bà nhanh chóng gọi vụ tấn công là hành động khủng bố - một từ mà truyền thông thường dành cho thủ phạm bạo lực Hồi giáo.
Sáng thứ bảy 16.3, nữ Thủ tướng đã đến thành phố Christchurch với phần lớn các bộ trưởng nội các và các nhà lãnh đạo phe đối lập. Trùm lên đầu một chiếc Hijab màu đen với đường viền thêu vàng và đỏ, bà gặp gỡ các thành viên của cộng đồng Hồi giáo bị ảnh hưởng bởi thảm kịch, ôm họ trong tay khi họ khóc nức nở, thì thầm những lời chia buồn và áp má vào má họ. Đoạn phim về những cái ôm đi khắp thế giới.
Jacinda Ardern đã thể hiện một sự lãnh đạo thầm lặng, mạnh mẽ và rất tập trung vào việc chăm sóc những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nữ Thủ tướng hứa nhà nước sẽ trang trải chi phí tang lễ cho các nạn nhân, bảo đảm mỗi gia đình nạn nhân sẽ nhận được hỗ trợ về tài chính để tiếp tục sống. Bà nói nhiều lần về việc cần thiết phải kiềm chế sự lan truyền của ngôn từ kích động thù địch và bạo lực trên phương tiện truyền thông xã hội sau các cuộc tấn công. Đồng thời bà cũng tuyên bố nội các của bà thống nhất sẽ cải cách pháp luật về súng. Bà dự kiến sẽ công bố các biện pháp như cấm súng trường bán tự động (semi-automatic rifles)
Trước đó, các quốc gia như Đức, Anh, Úc, Canada... cũng đã cải cách, thắt chặt luật kiểm soát súng nghiêm ngặt của đất nước sau khi xảy ra một vài vụ xả súng hàng loạt. (“How other countries changed their gun policies after mass shootings”, The Washington Post, “Christchurch shootings: How mass killings have changed gun laws”, BBC News)
Nhiều người đã so sánh với sự chậm trễ của Mỹ khi số lượng những vụ khủng bố, xả súng hàng loạt xảy ra trên quốc gia này là nhiều nhất, kinh hoàng nhất từ bao năm nay, nhưng Mỹ vẫn không thể thông qua trên toàn quốc việc sửa đổi luật về vũ khí.
Những lời nói của Jacinda Ardern ấm áp, đanh thép và người ta có thể cảm nhận chúng xuất phát từ trái tim, như khi nghe Cựu Tổng thống Barack Obama nói những lời chia sẻ trong những vụ việc tương tự. Không phải là những lời sáo rỗng, kêu choang choang hoặc vẫn ẩn chứa sự khó khăn để kìm giữ lòng thù hận như một số chính khách khác.
Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất là những câu nói về kẻ khủng bố.
Trong một bài phát biểu đầy cảm xúc trước quốc hội New Zealand chỉ bốn ngày sau vụ tấn công, Ardern đã nói: "Hắn tìm kiếm nhiều thứ từ hành động khủng bố của mình nhưng có một điều đó là “sự nổi tiếng" (tai tiếng). Đó là lý do tại sao bạn sẽ không bao giờ nghe tôi nhắc đến tên hắn. Hắn là một tên khủng bố. Hắn là một tội phạm. Hắn là một kẻ cực đoan. Nhưng khi tôi nói, hắn sẽ vô danh.
Và với những người khác tôi cầu khẩn các bạn: nói tên của những người đã mất, thay vì tên của người đàn ông đã lấy đi sinh mạng của họ. Hắn có thể tìm kiếm sự nổi tiếng nhưng chúng tôi ở New Zealand sẽ không trao cho hắn cái gì, thậm chí ngay cả cái tên của hắn" ("You will never hear me mention his name" - Jacinda Ardern gives impassioned speech and pays tribute to Christchurch heroes”, The Independent)
Nhiều người đã ca ngợi Ardern vì quyết định này của bà.
Một trong những động cơ của những kẻ khủng bố cực đoan đi theo một chủ nghĩa, học thuyết, lý thuyết nào đó, ngoài lòng thù hận xã hội nói chung và đối với một sắc dân/tôn giáo/nhóm người nói riêng, là muốn nổi tiếng! Muốn tên mình được đi vào lịch sử! Truyền thông và mọi người càng nói đến y nhiều thì y càng thích. Có lẽ vì vậy mà nữ Thủ Tướng New Zealand Jacinda Ardern từ chối trao cho y cái “quyền lực” từ sự nổi tiếng này. Tương tự, là cái nhìn của chính phủ Na Uy và người Na Uy đối với Anders Behring Breivik, một tay cực hữu có quan điểm dân tộc cực đoan, chống Hồi giáo, đã gây ra vụ khủng bố kép đẫm máu năm 2011 ở Oslo và hòn đảo Utøya làm chết tổng cộng 77 người, chưa kể những người bị thương.
Có khá nhiều sự tương đồng giữa vụ khủng bố ở New Zealand và vụ khủng bố kép xảy ra ở Na Uy vào năm 2011.
Thứ nhất, cả hai kẻ khủng bố đều là dân da trắng, có quan điểm dân tộc cực đoan, cho sắc dân da trắng là thượng đẳng, ghét Hồi giáo, ghét dân nhập cư và các chính sách nhập cư của chính phủ, cũng như lo sợ văn hóa Hồi giáo sẽ hủy hoại xã hội, hủy hoại văn hóa của các nước phương Tây. Chính kẻ khủng bố ở New Zealand đã tự thừa nhận y có cảm hứng từ Anders Behring Breivik, và cũng như Anders Behring Breivik, y cũng viết một bản tuyên ngôn (manifesto) dài dằng dặc để nói về quan điểm của mình, lý do vì sao mình lại làm việc này.
Cả hai quốc gia Na Uy và New Zealand đều nổi tiếng bình yên, nên khi xảy ra sự việc, cả thế giới đều sốc. Nhưng có lẽ cũng chính vì quá bình yên, trước đó chưa hề, hoặc rất hiếm khi, có những vụ như vậy xảy ra nên lại là những nơi lý tưởng để những tay này chuẩn bị và thực hiện âm mưu của mình mà không bị ai phát giác, ngăn chặn. Thậm chí cảnh sát và chính phủ Na Uy từng hứng chịu nhiều chỉ trích của người dân vì phản ứng quá chậm chạp (do bất ngờ và thiếu kinh nghiệm) khi vụ việc xảy ra.
Thái độ của chính phủ, của người dân Na Uy hay New Zealand trước sự việc: Không khoét sâu thêm lòng hận thù, gây chia rẽ, dùng tình yêu, sự đoàn kết là sức mạnh. Ở Na Uy không có án tử hình, mức án cao nhất là 21 năm tù cho dù phạm trọng tội gì, nhưng tất nhiên với trường hợp đặc biệt như Anders Behring Breivik, sau khi hết hạn 21 năm, y sẽ phải ngồi thêm 5 năm và có thể 5 năm nữa…Còn nhớ, những ngày sau khi xảy ra vụ khủng bố ở Na Uy, tôi đã từng hỏi chuyện rất nhiều người Na Uy cũng như người nhập cư sống trên đất Na Uy, rằng có nên đổi luật để tử hình những kẻ khủng bố hay xả súng hàng loạt vì căm thù xã hội không. Nếu có một số rất ít câu trả lời là có, thì đó là đến từ những sắc dân nhập cư, đặc biệt khi họ đến từ những quốc gia trong đó vẫn còn án tử hình, ngay VN cũng vậy, còn dân Na Uy thì không, bởi theo họ, có tử hình kẻ khủng bố cũng không mang người chết trở lại với cuộc sống.
Trong bộ phim "Utøya: July 22", phim Na Uy của đạo diễn Erik Poppe thực hiện năm 2018 cũng vậy, kẻ khủng bố chỉ được nhìn thấy từ xa, không thấy mặt, nhân vật chính trong phim là các nạn nhân chứ không phải y!
Đúng là với những kẻ đầy lòng thù hận, muốn làm một hành động tàn ác để “thức tỉnh” xã hội, “cảnh cáo” chính phủ và để quảng bá những tuyên ngôn, tư tưởng, quan điểm của mình, điều tốt nhất là đừng trao cho hắn cơ hội đó, mà phải làm cho hắn trở thành no name và bị quên lãng ngay khi đang còn sống! Đối với hắn, điều đó nhiều khi còn kinh khủng hơn cái án tử hình!
Song mặt khác, đối với những nhân vật đã “sáng lập” ra một học thuyết chứa chất những tư tưởng sai lệch, là nguyên nhân của những chia rẽ, xung đột, hằn thù, chiến tranh, ví dụ như Karl Marx và Friedrich Engels với lý thuyết/học thuyết Marxist thì chúng ta phải nhớ và nghiên cứu về lý thuyết, học thuyết của họ để tìm ra những cái sai; đối với những “lãnh tụ”, lãnh đạo của một đảng phái chính trị, một chính phủ, đã phạm phải những tội ác đối với dân tộc và nhân loại như Hitle, Mussolini, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Pol Pot v.v…thì nhân loại lại phải khắc ghi tên họ vào lịch sử để phá bỏ những “huyền thoại”, thần thánh hóa từng được tô vẽ xung quanh họ và để đời sau nhìn vào đó như những tội đồ của dân tộc, và của nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét