Người ta thường thích gộp hai nước lớn Nam Âu này lại cùng nhau. Người Ý và người Tây Ban Nha thường nói chuyện ồn ào, ăn muộn, lái xe nhanh và thích ăn những thứ đồ ăn giúp tăng tuổi thọ như cà chua và dầu ô liu (ít nhất là người ta tin vậy). Họ là những cái nôi của chủ nghĩa vô chính phủ châu Âu trong thế kỷ 19 và chủ nghĩa phát xít trong thế kỷ 20; từ bỏ chế độ độc tài ngay trước khi hội nhập châu Âu những năm sau Thế chiến II.
Trong cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro từ năm 2009, hai nước này có mặt trong từ viết tắt xấu xí “pigs” (Portugal, Italy, Greece, Spain/Bồ Đào Nha, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha), đại diện cho các nền kinh tế mắc nợ nhiều nhất. Giờ đây một lần nữa họ lại đang được đề cập đến về cùng một thứ.
Sự biến động chính trị của Ý dường như đang tràn sang Bán đảo Iberia. Nền chính trị lưỡng đảng một thời nhàm chán ở Tây Ban Nha đã trở thành một kính vạn hoa năm đảng với sự xuất hiện của đảng Podemos cực tả, đảng trung hữu Ciudadanos, và gần đây là đảng cực hữu Vox. Nước này cũng ngày càng bị phân cực bởi cuộc đấu tranh đòi độc lập của xứ Catalan. Mùa hè năm ngoái, đảng Xã hội trung tả của Pedro Sánchez, được hậu thuẫn bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc Catalan, đã lật đổ chính phủ của Đảng Nhân dân theo đường lối trung hữu. Nhưng người Catalan từ chối ủng hộ kế hoạch ngân sách của chính phủ mới, buộc ông Sánchez phải kêu gọi một cuộc bầu cử vào ngày 28 tháng Tư tới. Một liên minh cánh hữu của đảng Nhân dân, Ciudadanos và Vox (điều chắc chắn sẽ làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc Catalan), hoặc sự bế tắc và các cuộc bầu cử mới, là những kết quả rất có thể xảy ra.
Tây Ban Nha ko muốn bị lâm vào cả hai tình huống này. Sự phục hồi của đất nước làm người ta không nhận ra những vấn đề như sự cấp bách phải cải cách chế độ lương hưu, giáo dục và lao động, cũng như nạn tham nhũng dai dẳng và tình trạng gia tăng dòng người di cư xuyên Địa Trung Hải (từ châu Phi). Nhiều năm bất ổn chính trị sẽ khiến những ưu tiên này không được quan tâm. Các quan chức EU lưu ý rằng Tây Ban Nha năm ngoái đã bỏ lỡ nhiều thời hạn thực hiện các quy định của EU hơn bất kỳ quốc gia thành viên nào khác. Sự xuất hiện đột ngột của đảng Vox và sự chèo kéo của các đảng khác (Vox giúp sức cho một chính quyền do đảng Nhân dân lãnh đạo ở Andalusia) làm gợi lên ngay lập quá khứ của đất nước dưới thời nhà độc tài Franco và gợi lên những tương đồng đáng báo động với nước Ý. Ở Ý, Liên đoàn phương Bắc, từng là một đảng nhỏ giống như Vox, hiện đang thống trị một liên minh hỗn loạn và chống EU, điều đang làm thị trường lo lắng khi hàng thập niên tăng trưởng thấp khiến cho núi nợ của Ý tăng lên.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả, những khác biệt cơ bản liên quan đến tình hình thay đổi của hai quốc gia, vốn không được một số quan chức Bắc Âu nhận ra, vẫn tạo ra sự khác biệt giữa hai nước. Ý bị xiềng xích bởi chủ nghĩa bảo thủ và trì trệ. Cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro của Ý chỉ là biểu hiện tăng tốc nhẹ của một cuộc suy thoái quốc gia dài hạn. GDP của Ý hầu như không tăng kể từ cuối những năm 1990, khiến cho núi nợ của Ý được tích tụ trong thời gian trước đó trở nên không bền vững. Tây Ban Nha trong khi đó vẫn tiến về phía trước, đã tăng trưởng với tốc độ khoảng 0,5% trong khoảng thời gian đó. Khủng hoảng liên quan đến khu vực đồng euro của nước này diễn ra gay gắt và kịch tính hơn: một sự bùng nổ trong ngành xây dựng đã đưa đất nước tới bờ vực trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng, gây ra sự gia tăng tình trạng thất nghiệp.
Sự khác biệt giữa một nước Ý ì ạch và một Tây Ban Nha năng động hơn vượt ra ngoài các thống kê kinh tế. Suy thoái chính là thứ định hình nước Ý trong những thập niên qua, vì vậy cái mới đều trông có vẻ mang tính đe dọa và không được chào đón ở đây. Nhưng người Tây Ban Nha trong những thập niên qua đã được hưởng sự gia tăng thịnh vượng và tự do sau thời độc tài buồn tẻ dưới chính quyền Franco. Họ là những người thích cái mới, sẵn sàng thử bất cứ điều gì có thể phá vỡ tương lai. Sự tương phản giữa hai quốc gia còn thể hiện ở không gian đô thị Tây Ban Nha, nơi lấp lánh những thiết kế kiến trúc và các công trình công cộng xu hướng tương lai, với các thành phố lộn xộn của Ý; giữa sự cởi mở với thay đổi xã hội của người Tây Ban Nha và chủ nghĩa bảo thủ của người Ý; giữa sự u sầu hiện hữu trong các bộ phim của Paolo Sorrentino và nhịp điệu nhanh mạnh điên cuồng trong phim của Pedro Almodóvar.
Sự thay đổi, năng động cũng có những nhược điểm của nó. Một số cơ sở hạ tầng mới bóng bẩy của Tây Ban Nha lại gây nên lãng phí và một số người Tây Ban Nha, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, không hài lòng với tốc độ thay đổi và đang chuyển sang ủng hộ đảng Vox để bày tỏ sự phản đối của mình. Nhưng nó cũng khiến Tây Ban Nha khó rơi vào tình trạng trì trệ phản động kiểu Ý. Ví dụ, nền kinh tế của Tây Ban Nha mạnh mẽ hơn. Tây Ban Nha chịu một cuộc khủng hoảng đồng euro sâu sắc hơn nhưng đã phục hồi nhanh hơn, nhờ cải cách kinh tế và cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ. Xuất khẩu và FDI tăng mạnh. GDP tính theo đầu người về sức mua đã vượt qua Ý năm 2017 và được dự báo sẽ cao hơn 7% trong vòng năm năm tới. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết đầu tư lớn vào đường bộ và đường sắt cao tốc đã khiến cơ sở hạ tầng của Tây Ban Nha tốt thứ 10 trên thế giới. Trong khi Ý xếp thứ 21.
Một đất nước đầy nắng
Tất cả những điều này được chuyển thành một sự lạc quan hướng ngoại. Ông Sánchez, người muốn Tây Ban Nha trở thành đối tác thứ ba trong liên minh Pháp-Đức, đặc biệt ủng hộ EU, nhưng ông Pablo Casado của đảng Nhân dân cũng ngưỡng mộ đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Angela Merkel ở Đức và Albert Rivera của đảng Ciudadanos cũng giương cao lá cờ EU trong các cuộc tuần hành của mình. Theo Eurobarometer, 68% người Tây Ban Nha có quan điểm tích cực về EU so với 36% người Ý. Vox chống các chính trị gia dòng chính không phải vì vấn đề EU mà chủ yếu là chống những người theo chủ nghĩa nữ quyền và những người ly khai ở Catalan.
Tây Ban Nha cũng nói về vấn đề nhập cư, nhưng ít hơn so với các đảng dân túy châu Âu khác. Tại sao? Tỷ lệ dân số sinh ra ở nước ngoài đã tăng từ 3% lên 14% trong hai thập niên trước 2008, nhưng người Tây Ban Nha tuyên bố cảm thấy thoải mái hơn bất kỳ người dân EU nào khác trong việc tương tác xã hội với người nhập cư (83% so với 40% người Ý ). Bất chấp tình trạng nhập cư gia tăng từ châu Phi và những nỗ lực mới để cải thiện an ninh biên giới, không có đảng phái chính nào của Tây Ban Nha đề xuất đóng cửa các cảng hoặc ủng hộ chính sách chống nhập cư cực đoan của ông Salvini (Bộ trưởng Nội vụ Ý). Trong các lĩnh vực khác cũng vậy, người Tây Ban Nha đã từ bỏ chủ nghĩa sô vanh của những năm thời Franco; và nhìn chung có một sự đồng thuận rộng rãi ủng hộ bình đẳng giới và quyền của người đồng tính (hôn nhân đồng giới đã được chấp nhận vào năm 2005, chỉ sau Bỉ và Hà Lan).
Nhiều năm hỗn loạn chính trị có thể đe dọa bức tranh này. Nhưng nếu điều đó xảy ra ở Tây Ban Nha, thì nó cũng sẽ xảy ra ở các quốc gia châu Âu khác, nơi sự phân mảnh tương tự đang hiện hữu. Dù sự thay đổi chính phủ vào năm ngoái có chút ít gian lận, nhưng cũng là một ví dụ điển hình về mặt quy trình cho thấy trật tự hiến pháp non trẻ của Tây Ban Nha bây giờ ít nhất cũng đã đạt được sự trưởng thành của các nước láng giềng Tây Âu. Chính nước Ý, với sự bất ổn và trì trệ hàng thập niên qua, mới là nước gặp vấn đề. Tây Ban Nha thì khác, như người ta vẫn nói. Nhưng Ý lại còn khác hơn (theo một nghĩa khác).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét