Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

7222 - Dọn rác trên sông: Có cần phải xin phép?




Hướng ửng phong trào #trashtag đang gây bão trên mạng, một nhóm bạn trẻ ở TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức vớt rác trên sông Sài Gòn, đoạn qua phường Thảo Điền, Quận 2. Sự việc đã diễn ra suôn sẻ cho đến khi chính quyền phường Thảo Điền yêu cầu dừng lại vì lý do sự kiện chưa được “cấp phép”. Người viết, qua việc tìm hiểu các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và nước ngoài, mong muốn đưa ra một cái nhìn khách quan cho hành vi đang gây tranh cãi này của chính quyền.
“Giấy phép nhặt rác”
Các cơ quan chức năng, từ Ủy ban Nhân dân quận 2 đến Sở Giao thông – Vận tải TP. Hồ Chí Minh đều viện dẫn lý do an toàn đường thủy để yêu cầu việc tổ chức nhặt rác trên sông phải “đăng ký” với cơ quan chức năng trước khi thực hiện.
Người viết xin được tiếp cận hoạt động này từ hai khía cạnh vốn chịu sự điều chỉnh của các quy định khác nhau. Thứ nhất, đây là sự kiện diễn ra trên sông và kênh rạch. Thứ hai, đây là sự kiện tập trung đông người.
Ở khía cạnh thứ nhất, người viết không tìm thấy quy định hiện hành về việc xin cấp phép sự kiện này với các cơ quan quản lý đường thủy. Về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông thủy, theo Luật Giao thông Đường thủy Nội địa năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) (“LGTĐT”) thì có hai điều kiện chính cần đảm bảo khi lưu thông đường thủy: điều kiện về phương tiện và điều kiện về người điều khiển phương tiện.
Về điều kiện phương tiện, theo thông tin từ các báo, phương tiện được các bạn trẻ sử dụng là loại thuyền hơi (SUP). Theo LGTĐT, loại thuyền này được xem là phương tiện thô sơ do là “phương tiện không có động cơ chỉ di chuyển bằng sức người hoặc sức gió, sức nước”.
Phương tiện thô sơ theo LGTĐT cũng chỉ có yêu cầu cơ bản là “thân phương tiện phải chắc chắn, không bị rò nước vào bên trong; phương tiện phải thắp một đèn có ánh sáng trắng ở nơi dễ nhìn nếu hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện”.
Về điều kiện người điều khiển phương tiện, LGTĐT quy định “người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người phải đủ 15 tuổi trở lên, đủ sức khỏe, biết bơi, phải học tập pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và được cấp giấy chứng nhận”.
Cơ quan quản lý về đường thủy không có quyền đưa ra các yêu cầu nào hơn các điều kiện ở trên. Thật vậy, báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời một quan chức giấu tên của Sở Giao thông – Vận tải TP. Hồ Chí Minh thừa nhận: “Chưa có quy định vớt rác phải xin phép.”
Khía cạnh thứ hai được Phó Chủ tịch UBND Quận 2, ông Huỳnh Thanh Khiết cho rằng đây hoạt động tự phát, lại có đông người tham gia và tổ chức trên kênh nên cần đảm bảo an ninh trật tự.
Quan điểm này của ông có lẽ dựa trên Nghị định 38/2005/NĐ-CP (“NĐ 38”). Theo quy định của NĐ 38, các hoạt động “tụ tập đông người” thỏa mãn các tiêu chí sau phải có “giấy phép”:
(i) tập trung từ năm người trở lên;
(ii) địa điểm là các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng; tại khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội hoặc tại những nơi công cộng khác; và
(iii) nhằm mục đích đưa ra yêu cầu hoặc kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, tổ chức hoặc đưa ra những yêu cầu, kiến nghị về những vấn đề có liên quan chung đến đời sống chính trị – xã hội, đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Người viết cho rằng hành động tổ chức nhặt rác trên sông khó lòng thỏa mãn tiêu chí (ii) và (iii) trong NĐ 38 và vì vậy không cần phải xin phép.
Tuy vậy, trên thực tế, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rất lớn trong việc xác định các sự kiện có thuộc diện phải cấp phép hay không và có thể từ chối cấp phép nếu họ nhận thấy việc tụ tập đông người này có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh, chính trị và trật tự xã hội.
Hoạt động “Chèo và Nhặt” của một nhóm bạn trẻ ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Niên.
Một góc nhìn từ Anh và Singapore
Thực tế kinh nghiệm cho thấy ở các nước có hệ thống pháp luật phát triển như Anh hoặc Singapore, việc tổ chức các hoạt động tương tự cũng đòi hỏi phải có sự chấp thuận trong một số trường hợp.
Đơn cử như việc dọn vệ sinh trên sông Thames, chính quyền thành phố London đã ban hành cẩm nang hướng dẫn, trong đó thể hiện những trường hợp dọn rác trên sông phải được sự chấp thuận của chủ đất hoặc của Quỹ tín thác sông và kênh rạch (the Canal & River Trust).
Trang web của Quỹ tín thác sông và kênh rạch cũng thể hiện rất rõ trường hợp nào phải xin phép cùng với đầy đủ thông tin về quy trình, thủ tục cho người dân. Theo đó, nếu công việc dọn dẹp không diễn ra quá 48h thì nhìn chung không phải xin phép. Với các công việc khác, người tổ chức phải nộp một đề xuất để Quỹ chấp thuận. Quy trình gồm 2 bước: (i) thẩm định đề xuất chung kéo dài khoảng sáu tuần và (ii) thẩm định đề xuất chi tiết kéo dài khoảng tám tuần.
Tại Singapore, theo quy định của Ban quản lý Marina Reservoir (một đoạn sông Singapore), các hoạt động trên sông, bao gồm hoạt động vệ sinh môi trường, phải được chấp thuận trước. Hồ sơ nộp gồm đơn đăng ký, một thư xác nhận không phản đối của Cơ quan Phát triển Đô thị (Urban Redevelopment Authority), đề xuất chi tiết và một số tài liệu bổ sung khác.
Đối với các hoạt động dọn vệ sinh trên các bãi biển Changi Beach, East Coast Beach, Pasir Ris Beach và Sembawang Beach, mặc dù không có quy định cấp phép, người tổ chức cũng được “khuyến khích” thông báo cho cơ quan quản lý trước khi tiến hành.
Tự do làm những gì luật không cấm và bài học từ sông Hương
Vai trò cơ bản của luật pháp là cân bằng giữa nhu cầu quản lý của nhà nước và việc thực thi các quyền tự do của người dân. Nguyên tắc cơ bản của pháp luật là người dân có quyền tự do làm những gì pháp luật không cấm.
Trở lại câu chuyện về việc nhặt rác trên sông, việc có các yêu cầu về cấp phép là hoàn toàn hợp lý xuất phát từ lợi ích chung như bảo đảm an toàn đường thủy hay an ninh trật tự. Thực tế yêu cầu cấp phép cũng được áp dụng phổ biến ở nhiều nước, như ví dụ về Anh và Singapore ở trên. Điều quan trọng là các yêu cầu như vậy phải được công khai rộng rãi do người dân cùng với quy trình, thủ tục rõ ràng.
Anh Vũ Ngọc Chiến, trưởng nhóm tổ chức hoạt động, phân trần khi phải chạy từ cơ quan này sang cơ quan khác để xin phép khi anh muốn tổ chức vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tiếc thay, đó là thực trạng chung của hầu hết các thủ tục hành chính ở Việt Nam, vốn nhập nhằng và không rõ ràng để người dân thực hiện.
Hơn nữa, các cơ quan quản lý của TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể hành xử khác đi đối với những trường hợp chưa có quy định như vậy. Các hoạt động tích cực cần được khuyến khích, thay vì cấm đoán nhằm đảm bảo tinh thần của luật.
Ở một địa phương khác là Huế, chính quyền thành phố còn tích cực khuyến khích và tổ chức các hoạt động vớt rác tương tự trên sông Hương. Chính quyền TP. Hồ Chí Minh, cụ thể là UBND phường Thảo Điền, có lẽ nên tập trung nguồn lực để ngăn chặn và xử lý các hành vi xả rác bừa bãi xuống kênh rạch, vốn là hành động mà người dân kỳ vọng nhiều hơn, thay vì cấm đoán các hoạt động tích cực tương tự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét