Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

9419 - Gạo Việt Nam vẫn còn bấp bênh


Hình minh họaHình minh hoạ 

Xuất khẩu gạo trong hai tháng đầu năm 2019 đang bị sụt giảm về giá trị và được dự báo còn tiếp tục khó khăn. Nguyên nhân do đâu và ai sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất? Khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 837 ngàn tấn, tương đương 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 1/3/2019, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Cục trưởng Chế biến Nông Lâm Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết:
“Cái này là do thường kỳ hàng năm, chứ không do gì cả, nhưng vấn đề thứ nhất do doanh nghiệp thu mua chờ giá nên nông dân bị thiệt thòi. Thứ hai là do phía nước ngoài biết giá sẽ giảm nên họ chờ. Các thị lớn như Philippines, Indonesia, rồi Trung Quốc chỉ mua 100 ngàn tấn gạo là ít quá. Chuyện hàng năm này thì ai cũng biết, nhà nước cũng biết, nhưng đúng ra chuyện thu mua cho dân nhà nước phải chuẩn bị trước. Chứ nước đến chân mới nhảy, rồi khi thủ tục đầy đủ xong là hết lúa rồi, đó là một cái dở.”
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh kể lại chuyện ông biết được khi còn là Cục trưởng Chế biến Nông Lâm Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam:
“Về mua trữ gạo, nhà nước thì nói vốn nhiều lắm, nhưng khi tôi làm Cục trưởng quản lý nhóm doanh nghiệp thì họ nói với tôi, là tiếp cận nguồn vốn khó lắm, mà doanh nghiệp không có vốn sao mua trữ được. ”
Ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của công ty xuất khẩu gạo Louis Rice, nhận định:
“Tình hình có thể là tháng 4 đến tháng 6 thì xuất khẩu gạo sẽ phát triển trở lại, còn hiện nay thì do vụ Đông Xuân rộ đồng quá, nhiều quá, các doanh nghiệp thu mua không kịp. Còn bên công ty tôi thì đa số không mua trữ lại do sẽ bị giam vốn, khi có hợp đồng thương mại hay chính phủ thì mới triển khai thu mua.”
Khi trò chuyện với RFA hôm 1/3, Bác Nguyễn Văn Nguyên, một người trồng lúa lâu năm ở Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết tình hình thực tế tại địa phương mình:
“Ở chỗ khác thì nhà nước mua hỗ trợ nông dân rồi trữ lại, ở đây thì chưa có, ở đây chỉ có thương lái mua chứ không có nhà nước mua. Thương lái thì họ ép giá mình, vì lúa sụt nên họ mua chậm lắm.  Bên tỉnh Đồng Tháp còn bị thương lái đặt mua, rồi giá xuống quá thương lái bỏ cọc luôn.”
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì nguyên nhân gây ảnh hưởng giá lúa tại Việt Nam, là do thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc vẫn chưa lên kế hoạch nhập khẩu gạo cho năm 2019. Còn các thị trường truyền thống như Phillipines, Indonesia đều đã nhập khẩu nhiều trong năm ngoái và hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm.
Liên quan vấn đề này Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nhận định:
“Thật ra thì giá gạo trên thị trường thế giới cũng có thay đổi nhưng không đáng kể. Cái chính là thường vụ Đông Xuân này thì thương lái vào mua gạo rất là nhiều, trong đó thị trường Trung Quốc là thị trường rất quan trọng. Cái câu chuyện chính là năm nay sức mua của Trung Quốc đối với gạo Việt Nam chậm, các hợp đồng bán sang Trung Quốc chưa mạnh. Cho nên nó tạo ra phản ứng dây chuyền, nhà xuất khẩu mà không bán được, thì các người mua sẽ không mua, thì người nông dân vẫn phải để lúa trên đồng vì thường bán lá bán ngay trên đồng.”
Năm qua, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chú trọng vấn đề chất lượng nhưng vẫn gặp khó khăn, các chuyên gia cho rằng, một phần do thị trường lớn là Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu, như đột ngột tăng thuế nhập khẩu 50%, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định:
“Tôi nghĩ tác động chính là từ phía Trung Quốc, nhưng việc Trung Quốc tăng thuế cũng không phải việc chính. Bởi vì vừa qua Trung Quốc tăng thuế 50% là đánh vào gạo nếp. Vụ Đông Xuân này không phải là gạo nếp, mà do sức mua của Trung Quốc chậm.”
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nhìn chung thì Trung Quốc chưa có đột biến gì về sản xuất lúa gạo, cũng như không có thay đổi hiện trạng tổng cầu của họ. Do đó ông cho rằng đây chỉ là biến động tạm thời, và trong năm nay tình hình sẽ thay đổi. Nhưng biến động này xảy ra vào lúc nông dân ĐBSCL thu hoạch rộ, đã gây một hiệu ứng không tốt về giá, làm người nông dân thiệt thòi.
Bác Nguyễn Văn Nguyên giải thích vì sao giá rẻ vẫn phải bán:
“Lúa sụt giá lắm em, mần ra thì cũng vừa đủ vốn chứ không có lời, tuy giá thấp nhưng lỗ thì cũng không lỗ. Giá thấp cũng vẫn phải bán vì không có chỗ phơi và chứa. Mình mần bao nhiêu thì mình cắt ngoài đồng rồi họ mua lúa ướt ngay đồng. Nông dân không có chỗ phơi nên phải bán hết.”
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Việt Nam mặc dù là sản xuất buôn bán lớn nhưng vẫn qua thương lái, qua trung gian, qua thị trường biên mậu, nên bao giờ vào lúc thu hoạch rộ, nhất là Vụ Đông Xuân là vụ chính, và vùng chuyên canh chính là ĐBSCL thì giá lúa lúc nào cũng xuống.
Không chỉ riêng thương lái, ngay cả người buôn bán bình thường cũng biết cứ đến thời điểm này là đợt giá hạ để mua vào kiếm lời. Vì người nông dân không có kho và không có tiền để làm vụ sau nên họ phải bán lúa ngay trên ruộng, tình trạng này liên tục bị lợi dụng. Nên Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng chính phủ muốn tránh việc này thì cần xây dựng kho, cải tạo dịch vụ hậu cần… cho nông dân vay vốn. Đó là biện pháp áp dụng cơ chế thị trường để quản lý rủi ro.
Trong khi lạm phát cũng tương đối nhiều mà mười mấy năm nay giá lúa cứ như vậy, mà chi phí nhân công tăng, vật tư cũng tăng giá, gây khó cho nông dân. Vì vậy, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho rằng cần có biện pháp, để tính trước Đông Xuân sẽ có bao nhiêu lúa, đầu ra sẽ như thế nào? Theo ông, phải mở rộng thị trường chứ không phải chỉ Philippines, Trung Quốc.v.v… Ngoài ra vấn đề truy xuất nguồn gốc, phải kết hợp nông dân và doanh nghiệp, để có được thương hiệu gạo tốt mới bán được cho các nước khó tính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét