Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

9482 - Bắc Hàn giống Đông Đức hơn Việt Nam

Paul Schuler - Carl Trần chuyển ngữ
Trong hội nghị thượng đỉnh tuần này giữa Tổng thống Trump và Kim Jong Un, các giới chức Hoa Kỳ đã chỉ ra nước chủ nhà Việt Nam là một mô hình cho Bắc Hàn. Đề cập đến giai đoạn 20 năm tăng trưởng kinh tế đáng chú ý của Việt Nam, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với Bắc Hàn vào tháng 7 năm 2018: "Phép màu (Việt Nam) có thể là phép màu của các bạn." Trong chuyến thăm Bắc Hàn trước thềm hội nghị thượng đỉnh, ngoại trưởng Việt Nam nói rằng đất nước của ông đã "sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm."
Mặc dù không có thỏa thuận đáng kể nào đến từ hội nghị thượng đỉnh tuần này, từ quan điểm của Hoa Kỳ, tấm gương Việt Nam có thể mang lại hy vọng cho Bắc Hàn về thành công trong tương lai. Từng là một đối thủ bị cô lập, nghèo nàn của Hoa Kỳ, Việt Nam đã châm ngòi cho sự phát triển kinh tế đáng chú ý bằng cách phá bỏ kế hoạch hóa trung ương và mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài. Kết quả là Việt Nam hiện là đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực. Rõ ràng, Hoa Kỳ và Nam Hàn muốn Bắc Hàn đi theo con đường này.
Chỉ có một vấn đề với kịch bản này: Bắc Hàn không thể theo được. Trong khi không có sự so sánh nào là hoàn hảo, Bắc Hàn giống với Đông Đức trước khi Bức tường Berlin sụp đổ hơn so với Việt Nam năm 1986. Bất cứ nỗ lực nào để giải phóng nền kinh tế và bình thường hóa quan hệ đều có nhiều khả năng khiến chế độ sụp đổ hơn là dẫn đến tăng trưởng kinh tế bền vững dưới sự cai trị độc đảng.
Tại sao có sự khác biệt? Có nhiều lý do, nhưng có hai lý do nổi bật. Thứ nhất, các cải cách kinh tế của Việt Nam đòi hỏi tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Sự tiếp xúc mang lại thêm nhiều cơ hội cho người dân đào thoát. Ngoài ra, tự do hóa nền kinh tế phơi nhiễm người dân trước thông tin bên ngoài. Những nhân tố này có thể dẫn đến một cuộc di cư hàng loạt và những so sánh không mong muốn với các quốc gia khác. Các nhà lãnh đạo Việt Nam vào năm 1986, cũng như Đông Đức năm 1989, đã chia sẻ những mối lo này. May mắn thay cho các nhà lãnh đạo Việt Nam, họ có lý do để tự tin hơn so với Đông Đức hoặc Bắc Hàn ngày nay.
Nguy cơ di cư hàng loạt ở Việt Nam năm 1986 thấp hơn so với Bắc Hàn hoặc Đông Đức. Khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế, nó bị bao vây bởi những quốc gia hoặc nghèo hơn hoặc công khai thù địch với nó. Lào và Cambodia giáp giới Việt Nam ở phía tây, và nước láng giềng phía bắc Trung Quốc không có quan hệ bình thường do cuộc xung đột biên giới ngắn ngủi nhưng dữ dội giữa hai nước năm 1979. Do đó, bất cứ người dân Việt Nam nào muốn thoát khỏi điều kiện kinh tế tồi tệ năm 1986 đã phải dong thuyền vào Biển Đông hoặc Vịnh Thái Lan, điều mà một số lớn đã làm. Tự do hóa, do đó, không gia tăng đáng kể triển vọng di cư hàng loạt.
Ngoài vấn đề thiếu lối thoát, Việt Nam cũng không giáp giới với một quốc gia có chung ngôn ngữ và văn hóa, nhưng đã vượt xa nó về mặt kinh tế. Do đó, thông tin về điều kiện sống ở nước ngoài ít đe dọa đến Việt Nam hơn là trường hợp Bắc Hàn. Mặc dù việc đưa tin chính trị trong nước Việt Nam vẫn bị kiểm soát nặng nề, nước này vẫn tràn ngập các bộ phim nước ngoài và thông tin về lối sống ở các quốc gia khác. Trong khi nhiều người Việt Nam khao khát mức độ phát triển của Nhật Bản hoặc Nam Hàn, thì các quốc gia đó đủ khác biệt để những bộ phim chứa thông tin về phẩm chất đời sống của họ không mời gọi ngay lập tức sự đánh giá tiêu cực về các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam.
Ngược lại, Bắc Hàn, cũng như Đông Đức năm 1989, giáp giới với một quốc gia nói cùng ngôn ngữ và có một nền kinh tế từ lâu đã qua mặt nó. Vì vậy, trong khi Bắc Hàn có thể cố gắng kiểm soát truyền thông nhà nước như Việt Nam đã làm, thì ngay cả những trao đổi văn hóa như qua các USB chứa những phim hoặc chương trình truyền hình của Nam Hàn cũng mang tính đe dọa. Những cuộc tiếp xúc này phơi bày khoảng cách lớn lao về mức sống giữa hai nước. Với những khởi điểm chung về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ của hai miền bắc và nam, người dân Bắc Hàn sẽ kết luận một cách hợp lý rằng các nhà lãnh đạo của họ phải chịu trách nhiệm về hoàn cảnh kinh tế tồi tệ.
Những câu chuyện kể gần đây liên quan đến mối đe dọa mà giới lãnh đạo Bắc Hàn cảm thấy từ loại bánh ngọt Choco Pies của Nam Hàn (tương tự MoonPies ở Mỹ) nêu bật những khác biệt. Năm 2014, các công ty Nam Hàn đã cung cấp Choco Pies cho công nhân Bắc Hàn tại Khu công nghiệp Kaesong. Kết quả là thị trường chợ đen cho loại bánh này đe dọa chế độ đến mức họ ép các công ty Nam Hàn ngừng cung cấp bánh.
Trớ trêu thay, Choco Pies cũng được nhiều người tìm mua ở Việt Nam sau cuộc bình thường hóa quan hệ với Nam Hàn hồi đầu thập niên 1990. Thật vậy, người ta thường thấy chúng được đặt bên cạnh những quả cam trên bàn thờ gia tiên trong nhà người dân. Tuy nhiên, không giống như Bắc Hàn, dòng sản phẩm đó không gây ra sợ hãi. Tại sao? Trong khi hàng hóa của Nam Hàn được ưa chuộng, chúng không làm chính quyền Việt Nam xấu hổ.
Nếu Bắc Hàn sợ bánh ngọt của Nam Hàn, làm thế nào họ có thể sống sót sau cơn lũ tiếp xúc mà công cuộc tự do hóa nền kinh tế đương nhiên sẽ mang lại? Câu trả lời là giống như Đông Đức, có lẽ Bắc Hàn sẽ không sống sót nổi. Đối đầu với các thách thức này, Kim Jong Un khó có thể theo mô hình Việt Nam một cách có ý nghĩa.
Bài của Paul Schuler viết cho tờ Arizona Daily Star.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét