Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

9522 - Bao giờ đạt đạo?


Một người bạn của tôi kể rằng: Ở nước nọ có một bức tượng Phật lâu năm và to bỗng dưng chảy nước ngay bàn chân. Những phật tử xem đó là điều kỳ diệu nên họ đã ùn ùn kéo đến thắp nhang, cúng vái và xin “nước thánh” đó uống mỗi dịp “tiếp cận” được chân Phật (vì người kéo đến ngày một đông, hông phải ai cũng có thể được uống “nước thánh”) Một thời gian sau, khi nhà chùa tu sửa, các công nhân xây dựng phát hiện “nước thánh” kia được rỉ ra từ một đường…cống bị hở!


bao-gio-dat-dao
Cúng sao giải hạn – Từ Facebook

Tôi không chắc câu chuyện bạn kể có thật không? Vì những chuyện “tâm linh” tương tự như vậy, vô lý hơn vậy gấp ngàn lần thì ở Việt Nam có đầy. Ai đó nói, khi pháp quyền đi xuống thì thần quyền đi lên. Khi con người không biết tin cái gì người ta sẽ tin vào những thứ họ không nắm bắt được. Vì vậy mà nhiều chùa chiền mọc lên, nhiều trò mê tín được sanh ra, mang về từ Trung quốc, Thái Lan và từ các nước khác nữa. Toàn dân tôn thờ thần thánh, toàn dân yêu thầy trọng sư… Người ta nói đạo nào cũng hướng con người đến những điều thiện. Vậy tại sao người ác ngày càng nhiều? Những chuyện đi ngược với luân lý xã hội ngày càng được sinh sôi, càng đông hơn cả số cá chết vì phóng sinh hàng năm? Con người nhìn nhau càng ngày càng không có thiện cảm….
Người ta nói: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nhưng đã gần hết tháng Giêng Âm Lịch năm Kỷ Hợi/2019, những tin tức nóng sốt nhất Việt Nam từ Mùng Một đến giờ đều không liên can đến ăn và chơi. Tất cả đều liên can đến tai nạn giao thông, cúng bái, lễ hội man rợ, phụ nữ bị hãm hiếp, giết chóc hoặc “đại gia” ly hôn… Nhiều khi tôi thầm nghĩ, đây có phải là một kiểu “tiến hóa” hay không? Ngày xưa, con người ta tiến hóa để ngày một tốt hơn, văn minh hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng bây chừ, người ta tiến hóa để độc ác hơn, xấu xa hơn, mê tín hơn, vô cảm hơn… Có khi nào các thế hệ sau ở VN sẽ được dạy dỗ phải biết bất bình trước án không… oan, mua bán không bị “hét giá”, phá giá phải tức giận, ra đường không bị kẹt xe phải chửi thề, gia đình bình yên quá thì phải ly thân, con cháu mà lễ phép quá phải đè ra đánh cho chừa tật hay không?
bao-gio-dat-dao5
Có thể là tôi nghĩ hơi quá, nhưng cuộc sống mà, đâu phải lúc nào cũng như bờ kênh Nhiêu Lộc, do đã bị bít hết dòng chảy nên nước kênh cứ lượn lờ trôi qua trôi lại, không tạo nên chút gợn sóng nào trừ khi có người nhảy xuống. Nước dơ thì rải thuốc, cá chết thì vớt rồi lại đổ. Thật ra, ai cũng biết nó cũng đâu bình yên như cái vẻ ngoài lượn lờ đó. Cứ hết mùa Xuân đi, khi những cơn mưa đầu mùa Hạ tới. Hàng năm, thị dân đều được dịp chiêm ngưỡng cá chết trắng nổi bềnh bồng ở dọc con kênh được trùng tu tiền tỷ này. Không ít trong số đó, là những con cá được người ta “phóng sinh” cầu phúc vào một “ngày lành” nào đó. Không biết khi chúng chết, gia chủ có “linh ứng” điều chi không? (Thiệt ra, theo nghiên cứu của tôi thì hầu hết các con cá được “chọn” để đem bắt đi “phóng sinh” cầu phúc đều có mạng số không may. Ðặc biệt, khi nó được thả gần nơi bán thì thế nào ngày hôm đó nó cũng được bắt lên thả xuống vài chục lượt hoặc bị phơi nắng đến chết, nếu người bán bị ế).  Dĩ nhiên, cá ở kênh Nhiêu Lộc không chỉ chọn những cơn mưa đầu mùa mà chết, cũng như các tin tức xấu không chỉ chọn mùa Xuân mà sinh sôi nảy nở. Nhưng cái gì nhiều, dồn dập vào một mốc thời gian gây chú ý đều được khuấy động, nhất là lúc con người Việt Nam đang nhạy cảm, rối loạn với mọi chuyện, mọi người xung quanh. Những suy nghĩ về thuật “tiến hóa” ngược của tôi ở trên cũng được hoài thai như vậy.
Bắt đầu từ chuyện tâm linh… Những năm gần đây, mùa Tết hầu như được mặc định sẽ đi chung với những hình ảnh lễ hội lại tràn ngập trên cả báo chính thống lẫn mạng xã hội. Miền Nam thì có lễ hội Thành Hoàng, lễ cúng sao giải hạn, lễ rằm tháng Giêng… đa số là các hoạt động cúng bái, dâng hương và vài trò mê tín. Còn miền Bắc, ngoài các lễ hội tương tự miền Nam thì lại gây xôn xao với các lễ hội man rợ như: Lễ cướp ấn, lễ đâm trâu, lễ lột da bò, lễ bứt lông lợn, lễ giựt chiếu…. đầy sắc máu và náo loạn. Tuy những lễ hội này không phải chỉ mới có vài năm mà có cái đã tồn tại từ hàng trăm, hàng ngàn năm nay. Nhưng bây giờ người ta mới hốt hoảng khi biết mỗi năm Việt Nam có hơn 8000 lễ hội tương tự trên khắp cả nước, và con số này chưa bao giờ dừng lại, mỗi năm người ta lại “đẻ” thêm vài lễ hội khác nhau, càng quái dị càng lạ lùng hơn. Thật ra, nếu các lễ hội này đều trong sáng, văn minh, hướng đạo, mang đậm bản sắc văn hóa của từng vùng thì chẳng có gì để nói, mà đáng hoan nghênh nữa là. Vì bản chất của lễ hội là khi tham gia nó, mỗi người được thỏa mãn cái cảm xúc cá nhân trong không gian tín ngưỡng, địa lý của họ và cộng đồng của họ. Chứ không phải thỏa mãn sự hiếu kỳ, hơn thua, tìm kiếm lợi ích vật chất hay ăn theo phong trào, chạy theo dục vọng và lòng tham của mỗi người tham gia hoặc một nhóm người đứng sau lưng nó. Nhưng thật tiếc, đời luôn không như là mơ.
bao-gio-dat-dao4

Đại gia “kín tiếng” được cho là người “đầu tư” nhiều ngôi chùa lớn, ngay cả ngôi chùa lớn nhất thế giới ở VN – Từ Soha

Khi người ta đang bàn tính chuyện đi thành lập vùng đất hứa ở một hành tinh khác hoặc kiếm cách trồng cây trên sao Hỏa thì Việt Nam có hàng triệu người vẫn còn tin vào việc cúng sao giải hạn. Và, các chùa, nơi được xem là từ bi, phổ độ, vô dục vô cầu, ăn hương khói, công quả mỗi ngày lại định sẵn bảng giá cho “dịch vụ” này hẳn hòi. Có một ngôi chùa ở Hà Nội đã “nổi tiếng” trên mạng xã hội vì Phật Tử thiếu 50k không được “giải hạn” (tổng số tiền 450k nhưng gia đình chỉ còn 400k), khi được phỏng vấn thì sư chủ trì chùa này bảo là họ đã lấy giá “hữu nghị” lắm rồi. Không biết nên vui hay buồn, khi niềm tin vào “dịch vụ” này đều được số đông người ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đồng lòng tin tưởng? Một ngôi chùa ở Hà Nội thôi mà được người ta thống kê có ít nhất 14 ngàn người đến nộp tiền, “dâng sớ”. Một nhà toán học nào đó trong cộng đồng mạng, tính sơ sơ trung bình nhà chùa thu 200,000/1 người (Giá các sao từ 150k/người đến 350k/người từ tốt đến xấu). Với 14 ngàn người một buổi trong 3 ngày ( thường sẽ là 14-15-18 âm lịch) thì nhà chùa này thu về ít nhất 84 tỷ đồng. Chưa kể các dịch vụ khác. Từ BOT tâm linh cũng được sinh ra từ sự kiện này. Theo định nghĩa chung, những “Phật tử”  này bỏ tiền ra để xin Phật chuyển cái hạn của họ cho người khác gánh. Không biết Phật có rảnh đến nỗi chuyển các hạn của họ cho nhau hay không (chứ cho ai rảnh bây chừ?). Nhiều người bảo, nếu họ mà là Phật thì họ sẽ chuyển hết hạn của mấy người này cho chính mấy tay sư quốc doanh nhận tiền cúng sao cho họ. Như vậy là đúng luật nhân quả mà mấy tay sư này hay rao giảng. Nhưng tôi e cũng chẳng khả thi, vì kẻ được lợi nhiều nhất là kẻ chẳng làm gì cả, ngồi im mà tiền từ bốn phương tự nhiên chảy vào túi…
Khi người ta hô hào cứu con tê giác cuối cùng, không ăn thịt chó, cứu môi trường biển, không ngược đãi động vật trước khi giết mổ…. Thì ở lễ hội đâm trâu, người ta mang con vật gắn liền với người nông dân, giúp và làm bạn với mùa màng bao đời nay trói lại đập đầu trâu giết trong tiếng hò reo. Trong lễ hội giết heo, bứt lông lợn cầu may  người ta treo ngược “linh vật của năm”  lên thọc tiết, lấy tiền ngâm cho dính máu, giành nhau bứt từng cọng lông trên thân hình run rẩy đầy sợ hãi của con thú tội nghiệp…
bao-gio-dat-dao1
Khi người ta hô hào phải thượng tôn pháp luật, bảo vệ nhân quyền, đứng về phía chính nghĩa, sống văn minh… Thì ở Lễ hội Yên Tử, Lễ hội khai ấn Ðền Trần, Lễ hội giựt chiếu cầu con trai… và hàng chục lễ hội khác người ta dùng thú giành giựt, cướp bóc để làm vui, để cầu may, người ta tự hào cho đó là “cướp có văn hóa”. Mặc kệ cái văn hóa đó khiến cho không ít người u đầu mẻ trán, sứt tay gãy họng… Trong khi Phật Tử giành “chiến lợi phẩm” thì các sư của các chùa, các phái lại đánh nhau giành… Phật Tử, thật ra thì công quả của Phật Tử. Tại thiền viện Phước Sơn (ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, Ðồng Nai), ở một lễ hội có tên là “lễ đặt bát” (cũng có hàng ngàn người tham gia), các sư cầm ghế nhựa đập nhau khí thế. Chứng kiến toàn bộ quá trình, anh T.T.N cho biết: “Ðây là Thiền viện Phước Sơn ở Ðồng Nai. Sự việc diễn ra tại vườn xoài Mùng Một Tết, nơi diễn ra lễ hội đặt bát tạo điều kiện cho Phật tử làm phước. Nguyên nhân do mấy ông sư người Khmer đặt quá nhiều bát để Phật tử cúng được nhiều tiền hơn. Sư chùa trong ban tổ chức ra kiểm tra thì phát hiện mấy ông này đặt quá nhiều bát, mà quy định một người chỉ một bát, nên xảy ra cự cãi. Thế là đánh nhau…”
bao-gio-dat-dao3
Khi sự tử tế được coi là ngày càng hiếm hoi, dần dần có lẽ sự tử tế sẽ thành… bậy bạ – Từ soha
Khi người dân chật vật với những âu lo cơm áo gạo tiền ngày một khó khăn, về nền giáo dục không ra gì, về cảnh hai ba bệnh nhân nằm chung một giường thì Việt Nam đang hoàn thiện ngôi chùa lớn nhất thế giới, có tượng Phật ngồi lớn nhất Ðông Nam Á, riêng tại Hà Nội, mỗi năm người dân đốt khối lượng vàng mã tương đương 400 tỉ đồng. Có người đùa rằng tuy kinh tế VN xuống dốc, tiền ngày một mất giá nhưng biết đâu khi chết xuống thì người VN là những kẻ giàu nhất thế giới âm phủ? Vì VN sắp có danh hiệu “Cường quốc vàng mã” đến nơi rồi! Không ở đất nước nào mà tượng Phật giàu như VN, tiền chồng chất tiền, tiền trên tay, dưới chân, kẹp nách, nhét miệng… Không đất nước nào mà kẻ phụng sự Phật là tỷ phú, nhà cao cửa rộng như ở Việt Nam
bao-gio-dat-dao2
Cũng dễ hiểu, kẻ trong tay có (đất) nước thì bán (đất) bán nước, kẻ không có đất nước thì bán thần bán thánh, miễn sao mau có tiền!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét