Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

9535 - Giá điện tăng trên 8% là cao hay thấp?



Câu trả lời rất rõ ràng: cao so với mức thu nhập bình quân và đời sống ngày càng khốn khó của dân chúng, nhưng vẫn thấp bởi đáng lý ra còn thể tăng cao hơn nữa trong khung cảnh dân tình vẫn cắn răng chịu đựng và hệt như một đàn cừu chỉ biết kêu be be mà không dám phản ứng gì.



Những ngày đầu tháng 3 năm 2019, Bộ Công thương - cơ quan mà đáng lý phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hàng trăm cái chết đuối của dân nghèo do bị các nhà máy thủy điện do bộ này quản lý xả lũ bừa bãi những năm trước, đã phát lệnh tăng giá điện 8,36% - một mức tăng còn cao hơn cả mức tăng giá điện 6,08% vào tháng 12 năm 2017.

Lý do: “điều chỉnh giá điện là biện pháp để lành mạnh hóa tài chính của ngành điện”.

Vào tháng Mười Hai năm 2018, Bộ Công Thương đã đưa ra 4 kịch bản về giá điện năm 2019. Quan chức công bố là Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - nhân vật mà từ lâu được dư luận xem là nằm trong nhóm lợi ích điện lực và cổ súy nhiệt tình một cách đầy nghi ngờ cho các chiến dịch EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) tăng giá điện bất chấp quẫn bách dân sinh.

Cứ theo cái cách mà Đỗ Thắng Hải nêu, khả năng tăng giá điện vào năm 2019 là hiển nhiên, là ‘không cho chúng nó thoát’. Quyền duy nhất của ‘chúng nó’ - tức dân chúng nói chung và nhất là cái phần thảm thương nhất của xã hội - chỉ còn là lựa chọn một trong 4 phương án mà Bộ Công thương ‘định hướng’. Nhưng đó cũng chỉ là sự lựa chọn mang tính ‘tham khảo’, bởi không phải dân mà chính Bộ Công thương và tập đoàn lợi ích điện lực mới là những kẻ quyết định. Một cách khôn ngoan và lọc lõi, những kẻ này đã làm khá nhuần nhuyễn một thủ đoạn tâm lý: sau khi vống lên nhiều phương án tăng giá điện, nhóm này ban ơn cho dân chúng bằng cách chọn ‘phương án tăng giá thấp nhất’ như cái cách ‘tăng giá phải như vặt lông vịt, vặt từ từ để vịt khỏi kêu toáng lên’.

Sắp tới đây, một ít tờ báo nhà nước lại rền rĩ, “Giá điện bị ‘đánh úp’: Người dân than trời!”, trong lúc hai tầng lớp thu nhập trung bình và người nghèo Việt Nam còn nặng gánh lo toan về chuyện vừa tiện tặn vừa khốn khó hơn cả những năm trước.

Vì sao EVN và Bộ Công thương điên cuồng tăng giá điện?

Năm 2011, vào lúc nền kinh tế Việt Nam dợm chân vào suy thoái, sự đổ bể của hai thị trường chứng khoán và bất động sản đã kéo theo một phát minh không tiền khoáng hậu kể từ thời mở cửa: những doanh nghiệp nhà nước đặc trưng bởi chủ thuyết “giá chỉ có tăng chứ không giảm” như EVN đã đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm rốt cuộc đã tích đọng gánh nợ đến trên 30.000 tỷ đồng.

Trong suốt nhiều năm qua, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN tuồn qua tuyến đại tràng để đổ lên đầu người dân đóng thuế.

Nhưng những cú tăng giá ‘nhân đạo’ vào những năm trước đã không đủ để bù lỗ cho EVN. Đến quý 1 năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lần đầu tiên phải thừa nhận thế cùng quẫn của “đứa con hoang đàng” của mình: Nếu không tăng và thậm chí không tăng mạnh giá điện, EVN sẽ phá sản!

Nếu EVN phá sản, đó sẽ là thất bại ghê gớm đối với cơ chế độc quyền nhà nước “nói mãi vẫn không chuyển” và “ăn của dân không chừa thứ gì.” Nhưng trên tất cả, đó sẽ một sự báo oán lớp dân chúng cùng các đời con cháu của họ không biết làm gì nên tội.

Nếu không tăng giá “bù lỗ vào dân”, phá sản là chắc chắn. Cho đến năm 2018, hậu quả đầu tư lỗ lã và chôn vốn ấy vẫn chưa được EVN xử lý xong.

Cuối năm 2017, một khoản nợ khổng lồ lên đến 9,3 tỷ USD của EVN được công bố. Chi tiết cần đặc tả không kém là vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được chính phủ bảo lãnh.

Nhưng 9,3 tỷ USD chưa phải hết. Kết luận của hãng kiểm toán Delotte Việt Nam, đơn vị kiểm toán cho EVN đã nhấn mạnh: Tổng nợ phải trả của tập đoàn này đã lên đến xấp xỉ 487 ngàn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Hiện thời, EVN nằm trong nhóm quán quân về “chúa chổm” trong số các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.

Núi lỗ ba chục ngàn tỷ đồng từ 10 năm trước vẫn kéo dài hậu quả cho đến tận ngày hôm nay, nhưng cái di họa tàn bạo và kinh khủng nhất là EVN đã bắt cả dân tộc phải chịu chung núi lỗ mà nó gây ra.

Tán tận lương tâm phải là từ ngữ hiển thị đầy đủ nhất tâm địa của các doanh nghiệp độc quyền trong những năm suy thoái kinh tế qua. Kinh tế càng xuống dốc, đời sống người dân càng túng quẫn, chủ nghĩa thực dụng và lợi nhuận càng lên ngôi, thái độ sống chết mặc bay càng đội mồ sống dậy.

2019 đang ập đến - lại thêm một năm ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’ và ‘chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy’ - như lời của Nguyễn Ái Quốc trong ‘Bản án chế độ thực dân Pháp’ vào nửa đầu thế kỷ trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét