Một nghiên cứu nạn mua việc làm bằng hối lộ, mà ở Việt Nam có cách gọi riêng là ‘chạy chức’ nói ‘chuẩn trung bình’ ở các nước đang phát triển là 17 tháng lương. Đây là khoản tiền trung bình một người xin việc, chạy vị trí trong bộ máy công phải trả trước để vào chỗ làm, theo điều tra của Jeff Weaver, ĐH Yale.
Tất nhiên, có cả những nước người ta cần trả 20-25 lần lương tháng để kiếm việc, tùy vào vị trí gì, ở đâu.
Nhìn chung, ‘mua chức trong khu vực công’ tức hối lộ để làm quan chức (bribery for government jobs) được nói là phổ biến ở châu Phi, Ấn Độ, Indonesia.
Nhưng trong bài ‘Jobs for sale in Vietnam’ – tạm dịch ‘Chạy chức ở Việt Nam’ (24/06/2016) tác giả Eric Sam Juan nêu ra các con số vượt mức quốc tế.
Nêu ví dụ một phụ nữ tên là Hoa (không phải tên thật), có học thức tốt, tiếng Anh giỏi, xin việc vào một ngân hàng ở Hà Nội, Eric Sam Juan viết:
“Để nhận việc, Hoa phải trả 500 triệu đồng (gần 20 nghìn euro). Và sau đó nhà băng sẽ trả cô khoản lương tháng chỉ 5 triệu đồng (200 euro, hoặc 225 USD).”
Nếu đúng như thế, giá tiền ‘chạy việc’ bình thường ở Hà Nội là 100 tháng lương, cao hơn ngưỡng ‘trung bình ở các nước đang phát triển’ quá nhiều.
Bài của Eric Sam Juan cũng nói sở, ngành tài chính và cảnh sát giao thông ở VN “có các vị trí được tranh đua chạy vào” hơn cả, vì “quan chức sẽ làm giàu nhanh bằng việc nhận tiền phạt từ lái xe, hoặc đòi tiền lại quả từ người kinh doanh để cho phép họ gia hạn giấy phép”, bài báo trích một người có tên là Dung cho biết.
“Dù lương tháng chỉ bằng 200 euro, người ta sẵn sàng chi 10 nghìn euro (11,250 USD) cho một vị trí.”
Bài báo cũng trích một báo cáo hồi 2015 của Provincial Governance and Public Administration Performance Index (PAPI), do Chương trình phát triển LHQ bảo trợ, cho hay ở Việt Nam, gần một nửa người được hỏi nói “tiền hối lộ phải được trả để vào làm trong khu vực nhà nước”.
Các đường dây này có bảo trợ (patronage) nên tham nhũng thành “hiện tượng mang tính hệ thống” ở Việt Nam, báo cáo này viết.
Hà Nội đi đầu?
Vẫn bài viết cho hay ở Hà Nội, “86 phần trăm người được hỏi đã tính đến chuyện chi tiền hối lộ là cần thiết để có việc trong khu vực công”.
Các tài liệu quốc tế nêu ra ba vấn đề của việc bán chức và mua chức.
1. Một là việc vi phạm các chuẩn mực chuyên nghiệp về tuyển chọn, và vi phạm pháp luật từ phía người tuyển việc. Kể cả khi hệ thống đặt ra các tiêu chuẩn đúng, người tuyển nhân viên với đã bẻ cong các chuẩn đó, vì thiên vị thân nhân, bạn bè, hoặc để kiếm lời cá nhân. Điều này làm công chúng mất niềm tin vào bộ máy và tính công bằng của nó.
2. Tác động xấu thứ hai chính là việc phân bổ sai nguồn nhân sự: người giỏi không được nhận việc đúng, còn người kém có thể vì trả tiền mà có việc.
3. Và tác động thứ ba chính là việc hình thành các nhóm mua bán hối mại quyền lực (clientelism), và tạo bè cánh, các nhóm tiếp tục tham nhũng.
Các thống kê cũng cho hay các nghề trong ngành giáo dục, y tế, cảnh sát, thuế, phân bổ đất đai…thường là khu vực công thu hút nhiều ‘chân chạy” trên thế giới.
Ở các hệ thống dân chủ không khoẻ mạnh cũng có hiện tượng mua phiếu, dùng tiền để vận động (lobby) vào các chức dân cử.
Ở Việt Nam hiện nay, có vẻ chủ đề này cũng đang được bàn thảo.
Một báo Việt Nam gần đây trích lời bà Lê Thu Ba – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương Đảng CSVN nói về nguy cơ thứ ba này:
“Thời gian qua chúng ta đã xử lý rất nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng, qua những vụ việc này chúng ta có thể một cá nhân được đưa lên vị trí A, vị trí B nhiều khi không phải do cá nhân đó chạy mà là do một nhóm cán bộ thân tín của họ tham gia chạy. ”
Như thế, ở Việt Nam hiện tượng góp tiền để chạy một chức thật cao cho ai đó rồi ban bổ lại lợi lộc đã xảy ra, chứ không phải chuyện kiếm một việc làm vì thiếu việc.
Bà Ba nói tiếp:
“Đương nhiên, khi được đưa lên vị trí đó thì anh sẽ phải phục tùng, phải phục vụ lợi ích cho cả nhóm và cho cá nhân họ.”
Chính vì đây không còn là hiện tượng đơn lẻ, bài báo cũng thừa nhận: “Trên thực tế để phát hiện và chứng minh chạy chức, chạy quyền là vô cùng khó, vì thế, tỉ lệ phát hiện và xử lý cũng rất khiêm tốn, mang tính hình thức”.
Hôm 04/03, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương của đảng cầm quyền ở Việt Nam cũng nói “phải chống cho được tiêu cực, chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ”.
Ông phát biểu mạnh mẽ, “Anh nào chạy chức thì không dùng”, mà không nói rõ rằng cả bán chức và chạy chức đều là tội hình sự, theo luật của khá nhiều nước.
Ví dụ như ở Ấn Độ, điều 171B Luật Hình sự quy định hình phạt tù giam với quan chức, công chức nhà nước nhận hối lộ để “tạo điều kiện ưu đãi cho người khác” trong cung cấp dịch vụ, việc làm.
Tất nhiên, vấn đề của Ấn Độ và một số nước khác vẫn là tuy có luật nhưng làm sao áp dụng được xuyên suốt trong cả hệ thống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét