Trụ sở Tòa Án Hình Sự Quốc Tế - CPI tại La Haye, Hà Lan.© REUTERS/Eva Plevier/File Photo
Được thành lập cách nay hai thập niên và sau 16 năm hoạt động, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI) trong thời gian gần đây bị cáo buộc là thiếu năng lực, không công minh, một công cụ chính trị của các cường quốc. Ngược dòng thời gian, tại Hội nghị Roma, Ý, diễn ra từ ngày 15/02 - 17/07/1998, các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã thông qua Quy chế Roma, một hiệp định quốc tế cho phép thành lập Tòa Án Hình Sự Quốc Tế - CPI.
Văn bản này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2002 sau khi đã được 60 quốc gia phê chuẩn. Và tính đến ngày 04/03/2016, Quy chế Roma đã được 123 trong tổng số 193 thành viên Liên Hiệp Quốc phê chuẩn và chấp nhận thẩm quyền của định chế tư pháp quốc tế này.
CPI : Tư Pháp của người « Da Trắng »
Sự ra đời của CPI đã làm dấy lên nhiều hy vọng : Một nền tư pháp quốc tế công minh, xét xử thủ phạm các vụ diệt chủng, tội ác chiến tranh hay tội ác chống nhân loại, bất kể đó là lãnh đạo cao cấp quân sự hay là nguyên thủ quốc gia. Thế nhưng, sau 16 năm hoạt động chính thức, CPI bị lên án là phân biệt đối xử : Những nước bị nhắm đến trong các cuộc điều tra quốc tế đa phần là các nước nghèo, tư pháp yếu kém.
Theo Le Monde Diplomatique, tính đến năm 2015, các thủ tục tố tụng chủ yếu nhắm vào các nước châu Phi. Chính trong bối cảnh này, Liên Hiệp Châu Phi trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 31/01/2016 đã thống nhất thảo luận ý tưởng cùng rút tập thể ra khỏi CPI. Vậy vì sao định chế tư pháp quốc tế này bị mất uy tín đến như vậy ?
Trả lời câu hỏi này, bà Stéphanie Maupas, nhà báo tại La Haye, chuyên gia về CPI, trong chương trình Địa Chính Trị trên đài RFI, cho rằng đã đến lúc CPI phải tiến hành cải tổ :
« Tòa Án Hình Sự Quốc Tế - CPI vẫn hoạt động, vẫn tồn tại. Tòa đã mất đi nhiều độ tin cậy và đây là điều khá ngạc nhiên. Bởi vì định chế này ra đời với một sự tin tưởng rất lớn. Thế nhưng, cùng với thời gian, Tòa đã làm mất lòng tin. Tuy vẫn tồn tại, nhưng rõ ràng người ta lo lắng cho số phận của CPI, bởi vì dù sao, định chế này ít ra vẫn mang tính biểu tượng. CPI cần phải cải tổ, thay đổi đường hướng xét xử hình sự để lấy lại một chút lòng tin và khắc phục sự khiếm khuyết hiện nay. »
Về phần mình, ông Juan Branco, luật sư và tác giả cuốn sách L'Ordre et le Monde : Critique de la Cour penale Internationale (Tạm dịch là Trật tự và Thế giới : Phê phán Tòa Án Hình Sự Quốc Tế), từng có một thời gian làm việc tại CPI, đã chỉ trích gay gắt và giải thích vì sao nhiều người nghĩ rằng định chế này đại diện cho một nền tư pháp của người da trắng và chủ nghĩa thực dân mới.
« Tôi rất phê phán Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. Không phải vì định chế này phân biệt chủng tộc, mà ngược lại, cách thức hành xử của một số chưởng lý đã làm cho người ta nghĩ một cách vô thức rằng châu Phi là một sân chơi, nơi luyện tập của CPI. Chưởng lý đầu tiên của CPI là Luis Moreno-Ocampo đã công khai nói đến điều này. Ông ta có suy nghĩ là phải làm sao bảo đảm cho CPI nhanh chóng hoạt động tại những nước mà chủ quyền quốc gia tương đối yếu kém. Có như vậy, CPI có thể hoạt động thay thế vai trò, tiến hành hoạt động mà không bị ngăn cản.
Việc « luyện tập » bằng cách đem ra xét xử một vài nhân vật « loại hai » sẽ giúp cho tòa án ở La Haye hoạt động, qua đó, đào tạo các thẩm phán, tạo ra các án lệ. Nhìn bề ngoài, tòa án có hoạt động và như vậy, giúp có được các nguồn tài trợ của những nước muốn tòa án mang lại kết quả nhanh chóng. Mọi việc cảm thấy tự nhiên hơn. »
Le Monde Diplomatique nhắc lại CPI được thành lập như là một « tòa bảo an », một tòa án không chỉ đảm nhiệm chức năng tư pháp mà còn mang một mục đích bình định, hòa giải. Thế nhưng, tổ chức phi chính phủ Mỹ Human Rights Watch tỏ ra nghi ngờ: « Làm thế nào có thể có hòa giải nếu như tư pháp không công minh ? »
Theo giới quan sát, hồ sơ Côte d'Ivoire (Bờ Biển Ngà) đã làm lộ rõ sự lệ thuộc của CPI vào chính quyền các nước liên quan. Về điểm này, ông Juan Branco cho biết:
« Vấn đề cơ bản là CPI phải cần đến chủ quyền quốc gia để có thể tiến hành xét xử, bởi vì tòa án không có lực lượng thực thi pháp luật riêng, phương tiện thì hạn chế. Do vậy, tòa phải cần đến các điểm tựa, những định chế quốc gia vì họ kiểm soát lãnh thổ, cho phép CPI tiến hành điều tra, thẩm vấn nhân chứng, hoạt động trên thực địa.
Thế nhưng, các điểm tựa này lại yếu kém tại những quốc gia mà CPI muốn hành động, nhất là trong giai đoạn điều tra, xem xét tình hình ban đầu. Và điều này gây ra nhiều vấn đề. CPI gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự thật, sử dụng các đối tác trung gian, mạng lưới để thu thập thông tin. »
Thêm vào đó là việc chưởng lý có thể quyết định điều tra và truy tố một cách tùy tiện, dưới áp lực của các cường quốc. Cho đến lúc này, chưa có một tội ác quốc tế nào có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến các cường quốc hàng đầu là đối tượng điều tra của CPI.
Năm 2013, tổ chức phi chính phủ Ân Xá Quốc Tế - Amnesty International từng lên án CPI thực thi luật pháp của « kẻ chiến thắng ». Bởi vì, trong những năm gần đây, người ta còn phát hiện ra những trường hợp mang tính biểu tượng, rất quan trọng, như vấn đề Afghanistan, Palestine, tòa đã chủ ý ngăn cản việc thực hiện công lý.
Nhà báo Stéphanie Maupas nhắc lại vụ việc Libya cho thấy rõ CPI đã trở thành một quân cờ chính trị, một lá bài ngoại giao, được các cường quốc khai thác phục vụ lợi ích của họ.
« Ông chưởng lý CPI đã rất nhanh chóng vào cuộc theo đề nghị của Hội Đồng Bảo An, chỉ khoảng 10 ngày sau khi xẩy ra cuộc biểu tình đầu tiên chống chính quyền Libya. Bình thường ra, chưởng lý CPI cần rất nhiều thời gian để làm việc này. Thế nhưng, trong hồ sơ Libya, chỉ ba ngày sau, ông chưởng lý đã ra quyết định mở cuộc điều tra và ba tháng sau, ông đã cho phát các lệnh truy nã, bắt giữ.
Có thể nói, ông ta rất tận tụy. Rõ ràng vào thời điểm đó, đã có một sự thao túng, biến CPI thành một công cụ. Người ta chuẩn bị can thiệp quân sự vào Libya. Theo chính sách mới về can thiệp quân sự, người ta cần dựa vào các định chế quốc tế để có thể hợp pháp hóa các hành động can thiệp và do vậy, người ta nghĩ đến CPI. Chính vì thế, Hội Đồng Bảo An đã yêu cầu CPI ra tay vào lúc đó.
Mặt khác, giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc cũng như các quốc gia liên quan hy vọng là các hoạt động của CPI sẽ có tác động răn đe đối với hàng ngũ thân cận của Kadhafi và những kẻ này sẽ không ủng hộ, nhúng tay vào các tội ác, rồi đào tẩu…
Như vậy, ông chưởng lý đã chấp nhận nhiệm vụ không nói ra công khai này, tham gia vào việc thúc đẩy đào ngũ, từ bỏ chế độ Kadhafi. Và người đã thấy trong suốt thời gian xẩy ra vụ can thiệp vào Libya, chưởng lý CPI chỉ là những gì mà người ta yêu cầu ông làm và ông ta chấp nhận trở thành một công cụ trong vụ việc này. »
CPI : Công cụ chính trị của các cường quốc
Những lời chỉ trích còn gay gắt hơn trong vụ xét xử cựu tổng thống Côte d'Ivoire Laurent Gbagbo, hồi tháng Giêng năm 2016. Sau cuộc bầu cử tổng thống tại Côte d’Ivoire, đã xẩy ra khủng hoảng trong giai đoạn 2010-2011 giữa hai phe, một bên là tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo và bên kia là Alassane Ouattara tự nhận là thắng cử.
Xung đột giữa hai phe làm nhiều người chết. Sau khi Pháp can thiệp, Ouattara được lên làm tổng thống. Laurent Gbagbo và Charles Blé Goudé, cựu lãnh đạo Phong Trào Thanh Niên Yêu Nước, ủng hộ Gbagbo, đã bị bắt và chuyển cho CPI ở La Haye, Hà Lan, xét xử với tội danh : phạm tội ác chống nhân loại. Giữa tháng Giêng 2019, cả hai nhân vật này được xử trắng án.
Trong quá trình xét xử, các luật sư, thay vì bào chữa cho các bị cáo, đã chuyển sang tố cáo tòa án quốc tế này « thiên vị », đồng thời yêu cầu tòa phải làm rõ vai trò của Alassane Ouattara, cũng như là Pháp trong cuộc xung đột, làm hàng nghìn người chết.
Theo giải thích của ông Juan Branco, trong hồ sơ Côte d'Ivoire, thủ tục tố tụng cho thấy khá rõ ý muốn và khả năng thao túng CPI. Rõ ràng là CPI đã can thiệp nhằm phục vụ lợi ích của nước Pháp tại Côte d’Ivoire, tới mức mà tổng thống Alassane Ouattara phải tìm cách hạn chế các thủ tục bên trong CPI bởi vì mọi hoạt động của CPI đã được định hướng quá lộ liễu, nhắm vào phe của Laurent Gbagbo.
Vẫn theo ông Branco, cần tách bạch thủ tục tố tục và quá trình điều tra trước đó. Một khi đã lựa chọn các tội phạm, bắt giữ họ thì việc xét xử tại La Haye không có vấn đề gì, thể hiện rõ tinh thần không thiên vị.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc quyết định lựa chọn những kẻ nào là thủ phạm cần bắt giữ và đưa ra xét xử tại La Haye. Trong vụ này, đã có một sự định hướng rõ ràng từ phía văn phòng chưởng lý CPI. Điều này dễ hiểu vì CPI phụ thuộc, có lợi ích gắn liền với các nước lớn. Mặt khác, CPI không có khả năng hoạt động độc lập trong những tình huống như vậy.
Trong cuộc xung đột xẩy ra sau cuộc bầu cử tổng thống ở Côte d’Ivoire, do có sự can thiệp của Pháp, Ouattara lên làm tổng thống, kiểm soát lãnh thổ quốc gia và không thể cho phép CPI tiến hành điều tra trên thực địa.
Không chỉ bị các nước thành viên lên án, CPI còn bị chính một số cường quốc không tham gia ký kết Quy chế Roma đe dọa, như phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton.
« Hoa Kỳ sẽ sử dụng hết tất cả các phương tiện để bảo vệ các công dân của mình cũng như công dân của các nước đồng minh chống lại những thủ tục truy tố bất công của tòa án bất hợp pháp này.
Chúng tôi sẽ không hợp tác với CPI, chúng tôi sẽ không hỗ trợ CPI và chắc chắn là chúng tôi sẽ không tham gia CPI. Chúng tôi để cho CPI tự chết. Trong mọi trường hợp, đối với chúng tôi, CPI đã chết. Tổ chức này là cơn ác mộng kinh khủng nhất đối với những người lập quốc. Một tòa nhà lịch sự đặt tại một nước ngoài, ra phán quyết về việc công dân Mỹ có tội hay vô tội ».
Theo quan điểm của ông Juan Branco, những lời đe dọa này phục vụ mục đích chính trị nội bộ Hoa Kỳ. Có nghĩa là chính quyền Trump cần chứng tỏ rằng chủ quyền của nước Mỹ được bảo vệ. Hoặc là họ bị thông tin sai - điều này ít có khả năng, hoặc đó là một sự dàn cảnh bởi vì các thủ tục tố tụng này nhắm chủ yếu vào lực lượng Taliban Afghanistan, chứ không phải nhắm vào binh sĩ Mỹ. Và việc này không đe dọa nước Mỹ, cho dù chỉ ở mức biểu tượng.
Vẫn theo ông Juan Branco, điều này cho thấy sự bất lực của tòa án, không hiểu được suy nghĩ của người dân mà CPI tự cho mình là đại diện.
« CPI chỉ tấn công vào lực lượng Taliban về mặt tư pháp, đó là ưu tiên của tòa án. Rõ ràng, tòa án đi ngược lại ý tưởng ban đầu là thiết lập công lý một cách công bằng và không thiên vị, tấn công vào tội ác của các cường quốc, có nghĩa là phải điều tra xét xử các tội ác mà quân đội Mỹ gây ra. Nói như vậy, không có nghĩa là quân Taliban không phạm tội ác. Hoàn toàn không phải là như vậy.
Tuy nhiên, việc chỉ điều tra tội ác của quân Taliban là một chỉ dấu cho thấy sự yếu kém của tòa án. Và đến một lúc nào đó, người ta nghĩ rằng có nên tiếp tục tin vào CPI nữa hay không, một định chế luôn tìm cách tự thỏa hiệp với bản thân nó. »
Tóm lại sau 16 năm, bản tổng kết hoạt động của CPI không mấy vẻ vang, làm lộ rõ những yếu kém, thiếu kinh nghiệm của Tòa án Hình sự Quốc tế, trong khi các nước thành viên phải cung cấp cho định chế này từ 100-130 triệu euro mỗi năm. Le Monde Diplomatique khuyên rằng giờ chỉ còn một cách duy nhất là từ bỏ mọi thái độ chần chừ, tránh né và tính trơ ì mới có thể giúp cho định chế quốc tế này tái lập lại uy tín.
--------------
* Ghi chú :
Vụ Germain Katanga : Vốn là lãnh đạo Lực lượng Kháng chiến Ái quốc Ituri, một tổ chức du kích vũ trang, liên quan đến cuộc xung đột ở Ituri, ở đông bắc Congo, giữa các phe phái tranh giành quyền lợi và phục vụ ý đồ địa chính trị của Uganda.
Theo một số chuyên gia, để chứng tỏ là có hoạt động, CPI đã dàn xếp với chính quyền Cộng Hòa Dân Chủ Congo : Katanga được phong lên làm tướng, rồi bị bắt với cáo buộc tham gia một cuộc tấn công làm hàng chục thường dân thiệt mạng. Năm 2007, Katanga được giao cho CPI, nghi can thứ hai của định chế quốc tế này, kể từ khi được thành lập năm 2002.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét