Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019

9581 - Phụ nữ VN trong đấu tranh bất công xã hội

BBC

Nhà báo độc lập Cát Linh (trái) và nhà giáo hưu trí chống tham nhũng cụ Lê Hiền ĐứcBản quyền hình ảnhUGC/FACEBOOK
Image captionNhà báo độc lập Cát Linh (trái) và nhà giáo hưu trí chống tham nhũng cụ Lê Hiền Đức

Nhà hoạt động Lê Hiền Đức, 88 tuổi, đã tham gia các hoạt động chống tham nhũng hàng chục năm nay.
Tham gia chương trình Bàn tròn Thứ Năm hôm 7/3, bà Lê Hiền Đức nói bà "không quản tuổi già, không quản sức yếu, tôi luôn chăm lo để sẵn sàng tinh thần sức khỏe, chống tham nhũng." Là giáo viên về hưu đã hơn 30 năm bà nhưng "luôn luôn mong muốn đất nước Việt Nam, toàn xã hội được minh bạch."
"Hiện nay trong nhà tôi có tủ hơn đầu người tôi, chất đến hàng triệu lá đơn, số đơn dân oan các tỉnh."
"Tôi luôn bị nhiều áp lực. Rất nhiều kẻ tham nhũng rất ghét tôi, nhưng không có gì ngăn cản được công dân Lê Hiền Đức chống tham nhũng."
"Khi tôi làm công việc chống tham nhũng mấy chục năm nay, nhiều người động viên tôi đem hết sức tàn lực kiệt ra giúp đỡ người dân. Nhưng cũng có những người bàng quan với xã hội.
"Họ khuyên tôi, già rồi, ở nhà vui với con cháu chắt chứ chống tham nhũng làm gì, 'Bà chẳng làm được gì đâu'.
"Tất cả những lời động viên, tôi cảm ơn, còn ai khuyên tôi không làm gì nữa, tôi bỏ ngoài tai, không có nghĩa lý gì cả.
"Con đường tôi đã chọn, vì con đường tôi đi là con đường chính đáng."
Nhà báo độc lập Cát Linh, người luôn lên tiếng phản biện các vấn đề bất công trong xã hội thì nói: "Mỗi công dân sống trong quốc gia nào đều không thể tách rời, luôn gắn liền với xã hội.
"Dù sống ở quốc gia văn minh phát triển hay đang phát triển, trách nhiệm với xã hội là lớn nhất và đó là động lực để Cát Linh quan tâm đến các vấn đề xã hội làm cho mọi thứ minh bạch hóa."

Điều gì cản trở sự quan tâm đến chính trị xã hội?

"Cát Linh nghĩ rằng khó khăn lớn nhất không chỉ phụ nữ và cả dân tộc là kiến thức. Kiến thức về pháp luật và kiến thức về xã hội.
"Khi thiếu thì sẽ thiếu tự tin, và ý kiến không được bày tỏ như chúng ta muốn theo chuẩn mực về đạo đức và pháp luật.
"Cát Linh biết được là nhiều người cũng quan tâm nhiều vấn đề không chỉ chính trị mà những chuyện như thực phẩm, giao thông, chứng tỏ họ có quan tâm đến xã hội một chút.
"Những thứ đang cản trở họ bày tỏ rộng rãi hơn có lẽ là tật xấu. Quan tâm người khác thì thường theo cách soi mói, bình luận nói xấu, chứ không phải kiểu xây dựng đóng góp cho xã hội.
Và ngoài ra còn khá nhiều người vô cảm ích kỉ, nhiều người chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân chỉ biết đến bản thân họ, gia đình họ," Cát Linh nói.
Một điều khác cản trở phụ nữ và người Việt là giáo dục, Cát Linh cho biết.
"Giáo dục không đúng cách, thiếu kiến thức căn bản, cho người ta quan tâm đến xã hội nhiều hơn, mình đang ở đâu, là ai đang làm gì.
"Mình là công dân phải quan tâm đến xã hội, mình là con cừu thì người ta dắt mình đi đâu, mình đi đấy.
"Vì người ta thiếu kiến thức thiếu kỹ năng phản biện, giống con cừu người ta cho đi đâu thì đi, dắt đi đâu thì dắt, cho ăn gì thì ăn, không quan tâm đến quyền của mình, quyền mình được hưởng, quyền xứng đáng của con người."
Cũng đồng tình với Cát Linh, bà Lê Hiền Đức nói bà thấy giáo dục Việt Nam ngày càng "thối nát".
"Bây giờ ngành giáo dục nát quá rồi, tôi rất đau đớn. Ngành giáo dục ngày xưa tình nghĩa, thầy cô đem hết tâm sức dạy dỗ học trò. Bây giờ chỉ tiền, tiền và tiền."

Thông điệp cho giới trẻ, phụ nữ

"Tôi không bao giờ cho rằng cuộc đấu tranh của tôi là vô nghĩa," bà Lê Hiền Đức nói.
"Nhân dân tìm đến tôi, tôi đồng hành người ta, hướng dẫn người ta, mặc dù vô cùng khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm.
Bà nói bà có bốn tiêu chí luôn áp dụng để chống tham nhũng.
"Tiêu chí đầu tiênlà phải làm đúng luật pháp. Thứ hai là phải đoàn kết. Thứ ba là phải dũng cảm, dám tố cáo, dám chịu trách nhiệm lời nói trước pháp luật.
"Và cuối cùng là phải kiên trì. Có những vụ tôi kiên trì đấu tranh 11 năm và cuối cùng đã thắng lợi."
"Vai trò của người phụ nữ, phụ nữ và nam giới đều bình đẳng, tất cả chúng ta ai cũng có trách nhiệm phải xây dựng cho đất nước xã hội minh bạch.
"Muốn xây dựng xã hội minh bạch thì không phân biệt già trẻ gái trai ai cũng phải quyết tâm chống tham nhũng thì mới xây dựng xã hội tốt đẹp," bà Lê Hiền Đức nói.
Cát Linh thì cho rằng, ngoài trau dồi kiến thức, dẫy dỗ con trẻ ở gia đình và nhà trường về quyền lợi của chính mình, người trẻ cần biết tận dụng Internet đúng cách.
"Internet phải biết sử dụng chứ không chỉ chơi, mà phải biết quan sát tin tức ở Tây Âu, Đông Âu, Trung Đông, và biết so sánh Việt Nam so với thế giới như thế nào.
"Nếu khi giới trẻ biết tận dụng internet và có giáo dục căn bản từ nhà trường, thì nhận thức về chính trị xã hội không chỉ ở Việt Nam mà sẽ vươn ra toàn thế giới."
"Chúng ta phải biết chúng ta là ai, chúng ta là phụ nữ, là công dân, chúng ta đang tiến tới một xã hội văn minh, chúng ta phải quan tâm tin tức hàng ngày, phải bổ sung kiến thức pháp luật, để xây dựng quốc gia mình đang sinh sống tốt đẹp hơn, để trước tiên là bảo về quyền lợi của chúng ta, của người thân anh em con cháu chúng ta và sau đó là xây dựng đất nước để sánh vai với cường quốc 5 năm châu," Cát Linh nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét