Tỷ giá hối đoái đồng đô la, đồng
Euro và bảng Anh tại một văn phòng giao dịch tại Bydgoszcz, Ba Lan vào ngày 30
tháng 6 năm 2017. AFP photo
Việt Nam vừa hạ lãi suất để kích
thích kinh tế trong khi các nền kinh tế công nghiệp lớn bắt đầu tiến trình tăng
lãi suất và thu về dòng tiền đã được bơm ra từ nhiều năm nay. Biến chuyển trái
chiều ấy báo hiệu những gì?
Nguyên Lam: Tuần qua, Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam đã giảm hàng loạt lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp
trong khi ngân hàng trung ương của khối kinh tế công nghiệp hóa lại tuần tự
nâng lãi suất sau nhiều năm nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế
và nâng mức lạm phát trong một chừng mực nhất định. Hai quyết định có vẻ trái
chiều ấy báo hiệu những gì trong thời gian sắp tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta khó
bình luận về quyết định kinh tế của từng quốc gia vì mỗi nước lại có những hoàn
cảnh riêng về yêu cầu tăng trưởng trong ổn định. Hoàn cảnh Việt Nam là Nhà nước
trực tiếp điều động ngân hàng trung ương như một công cụ của mình nhằm đạt một
số mục tiêu về kinh tế. Việt Nam đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,7% cho
toàn năm vì vậy trong sáu tháng cuối năm sẽ phải đạt mức tăng trưởng là 7,4%, một
con số quá cao.
Muốn vậy, bất chấp khuyến cáo hôm
trước của quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thừa chỉ thị
của Chính phủ mà đồng loạt giảm các loại lãi suất cơ bản tối 25 điểm, tức là
0,25%. Đây là lần đầu tiên từ ba năm nay mà Việt Nam hạ lãi suất nhưng vẫn theo
hướng dùng đòn bẩy tín dụng để kích thích kinh tế mà lại gây rủi ro tín dụng
sau này vì khoản nợ xấu đã quá lớn. Ngược lại, các nền kinh tế công nghiệp hóa
lại gặp hoàn cảnh khác hẳn, là mức lạm phát không tăng mà còn có hướng giảm nên
các định chế độc lập là ngân hàng trung ương lại tuần tự nâng lãi suất và sẽ
hút về lượng tiền quá lớn đã được bơm ra. Trong khung cảnh hơi trái ngược ấy,
chúng ta nên chờ đợi nhiều biến động sắp tới.
Nguyên Lam: Trước hết, thưa ông
thì đâu là những rủi ro cho Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì lấy tín dụng
làm đòn bẩy, từ năm năm nay, Việt Nam chất lên một núi nợ xấu cho các ngân hàng
và cần chấn chỉnh lại sổ sách ngân hàng để giảm bớt các khoản nợ xấu. Ngày nay,
lãnh đạo xứ này cho là tình hình đã có vẻ cân đối và ổn định hơn nên mới lại
cho hạ lãi suất chỉ một ngày sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo rằng việc chấn
chỉnh ngân hàng vẫn còn quá chậm và phải kiểm soát đà gia tăng tín dụng. Tôi
thiển nghĩ xứ này đề ra một chỉ tiêu tăng trưởng khó hoàn thành năm nay, và
đang chuốc lấy họa khi ta nhìn ra triển vọng xuất khẩu không mấy sáng sủa. Thêm
vào đó, mình cũng chẳng quên là nhiều ngân hàng của nước ngoài đang lặng lẽ rút
vốn ra khỏi thị trường ngân hàng của Việt Nam vì kém lời, những sự kiện cứ tưởng
như rời rạc ấy thật ra có liên hệ với nhau.
Nguyên Lam: Nhìn ra thế giới bên
ngoài thì thưa ông, người ta thấy những gì và tình hình rồi sẽ ảnh hưởng ra sao
tới kinh tế Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói chung, các
nền kinh tế công nghiệp hóa vốn có khả năng nhập khẩu cho doanh nghiệp của các
nước nghèo đang phân vân với một bài toán mới là lạm phát quá thấp. Lý do vì
sao thì chính các ngân hàng trung ương cũng chưa giải thích được cho thỏa đáng.
Sau nạn Tổng suy trầm năm 2008-2009, các ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ và Âu
Châu đều theo ngân hàng trung ương Nhật hạ lãi suất tới sàn và bơm tiền vào
kinh tế bằng cách mua về trái phiếu. Từ giữa năm 2013, Ngân hàng Trung ương Hoa
Kỳ quyết định “vuốt nhọn chính sách tiền tệ” bằng cách nâng lãi suất mà cho tới
nay mới nhúc nhích và tăng lãi suất được ba lần. Lãi suất quá thấp như vậy gây
lệch lạc cho hệ thống tài chính và trừng phạt giới có tiền tiết kiệm trong khi
lại không nâng mức lạm phát tới chỉ tiêu 2% như người ta trông đợi.
Nhìn ra ngoài, các nền kinh tế có
mức sản xuất cao nhất, thí dụ như nhóm G-20, cũng gặp một chiều hướng tương tự
là lạm phát không tăng khiến người ta lo ngại hiện tượng gọi là giảm phát mà
chưa biết xoay trở thế nào về chính sách tín dụng và tiền tệ. Một số nhà nghiên
cứu quốc tế cho rằng sở dĩ lạm phát không tăng không phải vì yếu tố cung cầu
thông thường, mà cũng chẳng vì giá cả dầu khí hay thương phẩm sụt giảm. Có người
nêu ra nhiều lý do mới lạ, như tiến bộ khoa học kỹ thuật khiến các vật dụng điện
tử phổ biến nhất liên tục giảm giá, hoặc luồng trao đổi mở rộng trên thế giới làm
các nước cùng bị lây nạn giảm phát với nhau. Chưa ai có thể giải thích thỏa
đáng hiện tượng kỳ lạ ấy, nhưng vấn đề đáng sợ nhất là các ngân hàng trung ương
đều khó sử dụng lãi suất để kích thích kinh tế nếu bị nạn suy trầm khi lãi suất
nói chung vẫn còn quá thấp. Mà nguy cơ suy trầm lại có thể xảy ra nay mai, nếu
chưa là năm nay thì qua năm tới, là trường hợp của Hoa Kỳ.
Nguyên Lam: Thính giả của chúng
ta có thể hơi ngạc nhiên vì những gì ông vừa phân tích. Thứ nhất là về chiều hướng
cắt lãi suất từ năm 2009, rồi nâng lãi suất quá chậm kể từ năm 2014, nay lại có
hiện tượng lạm phát không tăng như các ngân hàng trung ương đã dự kiến. Sau
cùng, thưa ông là nhu cầu hạ lãi suất nếu kinh tế bị suy trầm mà lãi suất ngày
nay vẫn còn quý thấp nên không hạ được nữa…. Xin đề nghị ông lần lượt giải
thích cho các hiện tượng này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi trộm nghĩ
rằng ngân hàng trung ương của các nước lớn đang gặp một bài toán quá mới lạ mà
phương thức quyết định về chính sách tiền tệ và tín dụng có thể là vô hiệu nên
chúng ta nên chờ đợi nhiều biến động bất ngờ. Thứ nhất, khi kinh tế đình trệ
thì người ta có thể hạ lãi suất để tiền rẻ sẽ giúp cho đầu tư và tiêu thụ.
Nhưng sau khi hạ lãi suất tới sàn, tức là mấp mé số không, và thậm chí tới số
âm, biện pháp kích thích ấy vẫn chẳng gây tác dụng người ta chờ đợi, tức là mức
sản xuất không tăng như dự kiến. Ngược lại, lãi suất hạ gây hậu quả là trừng phạt
những người có tiền tiết kiệm, đa số là giới cao niên. Việc cắt lãi suất để
thiên hạ bớt tiết kiệm mà đem tiền ra xài là biện pháp vô hiệu, nhưng gây hậu
quả bất ngờ khác là dồn tiền qua thị trường cổ phiếu. Đâm ra giới đầu tư có tiền
lại lời lớn mà dân tiết kiệm cò con bị thiệt. Kết luận là các ngân hàng trung
ương Âu-Mỹ đã thất bại trong nhiệm vụ kích thích kinh tế và ổn định giá cả.
Qua bước thứ hai là thay vì sớm từ
bỏ chính sách tiền tệ ấy, các cơ chế này lại chậm nâng lãi suất, nhất là trường
hợp Hoa Kỳ. Kinh tế Mỹ chậm tăng trưởng là so với trước đây chứ vẫn có tăng trưởng
trong khi thất nghiệp giảm mà lợi tức công nhân viên không tăng. Chúng ta đang
chứng kiến một vấn đề xã hội có thể giải thích biến động chính trị hiện nay tại
Hoa Kỳ. Đó là thiểu số có tiền đầu tư thì giàu hơn trước gấp bội trong khi người
làm công lại không được tăng lương và giới cao niên có tiền tiết kiệm lại bị trừng
phạt vì lãi suất thấp thì họ thấy bất mãn về sự thiếu công bằng đó. Đã vậy, sau
tám năm liền, kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm thì khi ấy công cụ lãi suất để kích
thích cũng lại thành vô dụng vì còn quá thấp.
Nguyên Lam: Có lẽ đấy mới là yếu
tố biến động mà ông cảnh báo. Trong trường hợp ấy, tình hình sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin lấy
thí dụ thế này cho dễ hiểu. Nếu lãi suất đang ở mức 5% mà kinh tế suy trầm thì
người ta có thể hạ lãi suất vài trăm điển để kích thích đầu tư và tiêu thụ, như
ta đang chứng kiến tại Việt Nam. Nhưng với lãi suất cơ bản chỉ ở khoảng 2% như
hiện nay thì khi kinh tế bị đình trệ thì ngân hàng trung ương hết đất lùi. Chẳng
lẽ lại hạ lãi suất xuống số âm?
Nhìn như vậy thì người ta mới thấy
các chính sách tiền tệ như hạ lãi suất tới số không rồi số âm hoặc ào ạt bơm ra
cả mấy ngàn tỷ Mỹ kim đã kéo dài quá lâu mà chẳng công hiệu. Thế rồi, cứ sáu bảy
năm thì kinh tế có thể rơi vào chu kỳ suy trầm, là chuyện chưa có kể từ giữa
năm 2009. Nếu kinh tế bị suy trầm từ đầu năm tới thì làm sao ngân hàng trung
ương có thể ứng phó?
Bây giờ, cả thế giới lại cứ trông
cậy vào giới tiêu thụ Hoa Kỳ trong khi nước Mỹ mệt mỏi với nạn nhập siêu quá lớn
nên đòi ra soát chính sách thương mại với các nước. Nếu vào lúc đó kinh tế Mỹ lại
bị suy trầm mà hết khả năng kích thích vì lãi suất vẫn còn quá thấp thì các quốc
gia trông cậy vào việc xuất khẩu qua Mỹ, kể cả Việt Nam, sẽ xoay trở thế nào?
Việt Nam có cắt lãi suất nữa thì cũng chẳng ra khỏi khó khăn trong khi chỉ chất
thêm một gánh nợ xấu.
Nguyên Lam: Có lẽ thính giả của
chúng ta hiểu ra vì sao mà ông liên hệ hai chuyện trái ngược là lãi suất tăng tại
Hoa Kỳ mà chưa đủ, trong khi lãi suất hạ tại Việt Nam mà chưa chắc là đã kích
thích được kinh tế để đạt chỉ tiêu tăng trưởng là 7,4 % trong sáu tháng còn lại
của năm nay. Thưa ông, kết luận rồi đây tình hình sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta lầm
tưởng rằng các định chế tài chính như ngân hàng trung ương hay ngân hàng nhà nước
biết rõ tình hình hơn thị trường hay người dân. Sự thật lại chẳng được như vậy.
Nhưng vì quyền hạn quá lớn, chính sách sai lầm xuất phát từ nhận thức sai lạc về
thực tế khiến các ngân hàng trung ương dựng lên một bức vách hay đào sâu một hố
thẳm. Nay mai, kinh tế Hoa Kỳ có thể đâm vào bức vách đó làm các nền kinh tế lỡ
trông cậy vào việc bán hàng cho Mỹ sẽ rơi vào hố sâu. Đó là trường hợp của kinh
tế Trung Quốc, Đức và Việt Nam. Trường hợp này đã xảy ra năm 2009 với nạn Tổng
suy trầm toàn cầu. Thế rồi từ đó người ta chất lên một núi nợ chưa thể thanh
toán được, bên trong có nhiều khoản nợ xấu, khó đòi và sẽ mất. Nếu có một vụ
suy trầm nữa thì các nước làm sao xoay trở được hay là sẽ lại tái phạm sai lầm
cũ?
Sau cùng, dù cả thế giới ngày nay
đều có vẻ chán ghét nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, người
ta chưa ra khỏi thực tế là thế giới vẫn dùng một ngoại tệ phổ biến nhất là đồng
Mỹ kim. Đô la Mỹ là bộ phận chuyển lực bất ngờ khiến những gì xảy ra tại Hoa Kỳ
lại gây hiệu ứng toàn cầu và xứ nào lỡ vay tiền Mỹ quá nhiều sẽ bị điêu đứng
trước tiên. Việt Nam cũng thuộc vào diện đó. Vì vậy, chúng ta nên chờ đợi nhiều
biến động đáng ngại và cần thận trọng với chính sách kinh tế của nhà nước.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á
Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài
phân tích này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét