Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

103 - Ngày 05/01/1945: Liên Xô công nhận Chính phủ lâm thời Ba Lan



Vào ngày này năm 1945, ngay trước một cuộc tấn công lớn vào Ba Lan, Liên Xô quyết định công nhận Ủy ban Lublin thân Liên Xô là Chính phủ lâm thời của Ba Lan, thay cho chính phủ lưu vong tạm thời đang ở London.

Ngày 01/09/1939, quân Đức đã xâm chiếm Ba Lan. Mười sáu ngày sau, Liên Xô cũng tiến vào Ba Lan từ phía đông. Trong giai đoạn hỗn loạn này, Tướng Wladyslaw Sikorski trở thành lãnh đạo của một chính phủ Ba Lan lưu vong ở London. Ông đã gầy dựng và duy trì quan hệ tốt đẹp với quân Đồng Minh cho đến tháng 04/1943, khi lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Ba Lan và Liên Xô sau khi Sikorski yêu cầu Hội Chữ Thập Đỏ điều tra vụ giết hại các sĩ quan Ba Lan tại khu rừng Katyn ở miền đông Ba Lan vào năm 1942.

Khi chiến tranh tiếp diễn và Liên Xô chiến đấu với quân Đức ở miền Tây Ba Lan, chính phủ Ba Lan lưu vong bắt đầu lo ngại rằng sự thống trị của Liên Xô có thể xảy ra nếu Liên Xô đánh bại Đức và giành quyền kiểm soát lãnh thổ Ba Lan. Stanislaw Mikolajczyk, kế nhiệm Sikorski trên cương vị người đứng đầu chính phủ lâm thời, đã đề nghị quân Đồng Minh bảo vệ biên giới và chủ quyền của Ba Lan sau chiến tranh, nhưng đã không có sự bảo đảm nào như vậy.

Tháng 08/1944, Quân đội Quốc gia Ba Lan (Polish Home Army), lo sợ rằng Liên Xô sẽ hành quân vào Warsaw để chiến đấu với người Đức và sẽ không bao giờ rời thủ đô nữa, đã phát động một cuộc nổi dậy chống lại quân đội Đức. Họ hy vọng rằng nếu họ có thể đánh bại quân Đức, Đồng Minh sẽ giúp thành lập chính phủ lưu vong chống Cộng sau chiến tranh.

Thật không may, thay vì hỗ trợ cuộc nổi dậy mà họ khuyến khích nhằm đánh bại kẻ thù chung, Liên Xô đã đứng ngoài thờ ơ khi quân Đức giết hại người Ba Lan và đem toàn bộ những người sống sót đến các trại tập trung.

Khi lực lượng người Ba Lan bản địa đã bị diệt trừ, và trước cuộc tấn công cuối cùng chống lại người Đức, Liên Xô đã lập ra chính phủ lâm thời Ba Lan ủng hộ cộng sản để chống lại chính phủ lưu vong. Tại Hội nghị Yalta vào tháng 02/1945, các nước Đồng minh đồng ý rằng một chính phủ lâm thời sẽ được hình thành từ các thành viên thuộc cả hai phe ủng hộ và chống lại cộng sản, với các cuộc bầu cử tự do sẽ theo sau. Tuy nhiên, Liên Xô đã có kế hoạch khác. Họ nhanh chóng biến đất nước Ba Lan kiệt quệ thành một quốc gia vệ tinh phi dân chủ, vốn sẽ tồn tại đến tận năm 1989.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét