“Làm
việc với cơ quan an ninh” là một mệnh đề đã trở nên quá quen thuộc với
giới bất đồng chính kiến, hay với bất cứ người Việt quốc nội nào cất lên
tiếng nói của lương tri và lý trí trước những vấn đề của xã hội và đất
nước.
Quen
thuộc là vậy nhưng có lẽ đến tận bây giờ, hầu hết những ai bị cơ quan
an ninh “mời” hay “triệu tập” lên làm việc vẫn còn phải cân nhắc rất
thận trọng giữa việc hợp tác hay bất hợp tác với đại diện của chính
quyền.
“Hợp
tác” ở đây được hiểu là chấp hành giấy mời, giấy triệu tập của cơ quan
an ninh; sẵn sàng trả lời các câu hỏi của họ; thừa nhận mình là chủ nhân
của các tài khoản Gmail, Facebook hay blog cá nhân và dĩ nhiên là những
bài viết, phát ngôn hay bình luận đăng trên đó.
Hình ảnh minh họa |
“Bất
hợp tác” được hiểu là một hành vi “bất tuân dân sự”, không chấp hành
giấy mời hay giấy triệu tập, và khi bị cưỡng chế đến “làm việc” với cơ
quan an ninh thì sử dụng quyền im lặng, không trả lời các câu hỏi của
họ, không thừa nhận hay phủ nhận việc làm hay lời nói cũng như các tài
khoản mạng hay blog cá nhân là của mình.
Giữa
“hợp tác” và “bất hợp tác” còn một hình thức thứ ba là hợp tác nửa vời.
Tức là, người bị công an mời hoặc triệu tập giả vờ hợp tác với họ, sẵn
sàng đến trụ sở công an để “làm việc”, trả lời một số câu hỏi “vô hại”,
nhưng lại từ chối hoặc phủ nhận những gì “nhạy cảm” liên quan đến bản
thân.
Vậy những người được cơ quan an ninh “mời” hoặc “triệu tập” nên hợp tác, bất hợp tác hay hợp tác nửa vời với họ?
“Đồng
xu nào cũng có hai mặt.” Lựa chọn nào cũng có ưu điểm và nhược điểm
riêng. Từ kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân, dưới đây chúng tôi sẽ
đánh giá ưu nhược điểm của từng cách thức ứng xử.
Hợp tác
Ưu điểm:
Lựa
chọn thái độ hợp tác thể hiện sự “quang minh chính đại” của người đấu
tranh. Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, một người đấu tranh dân chủ kỳ cựu,
việc công khai tên tuổi, địa chỉ khi viết bài hoặc khi thực hiện hoạt
động đấu tranh và sẵn sàng thừa nhận điều đó nghĩa là người đấu tranh
tin tưởng việc làm của mình là đúng, là chính nghĩa, không có gì phải
che giấu, phải chối bỏ và hay nói dối.
Nhược điểm:
(i) Người đấu tranh dễ tạo điều kiện cho các cơ quan tố tụng lập hồ sơ kết tội mình.
Chúng
ta biết, ánh sáng của cuộc cách mạng Internet và cuộc cách mạng truyền
thông xã hội đang từng ngày từng giờ xua tan bóng tối của quyền lực độc
tài và phơi bày những sự thật trần trụi của chế độ cộng sản. Trong bối
cảnh đó, bộ máy đàn áp của nhà cầm quyền CSVN không còn mù quáng và dễ
sai khiến như trước kia. Vì thế, nếu trung thực với an ninh, người đấu
tranh có thể đẩy các cơ quan tố tụng cũng như bản thân mình vào tình thế
“án tại hồ sơ”.
(ii)
“Mềm nắn rắn buông.” Khi thấy đối tượng tỏ ra “mềm”, cơ quan an ninh có
thể sách nhiễu người đấu tranh bằng cách “mời” hoặc “triệu tập” bất cứ
lúc nào họ muốn, khiến họ mất thời gian, tốn công sức rồi đi tới chỗ nản
chí.
(iii)
Khi làm việc với những người bất đồng chính kiến, an ninh thường
“khích” những ai bất hợp tác hoặc hợp tác nửa vời bằng những câu như:
“Hoá ra anh cũng chỉ là anh hùng bàn phím thôi à?” hay “Dám làm mà không
dám nhận là hèn!”, v.v.
Vậy
nhưng, những câu trả lời của họ sẽ được an ninh ghi vào “Biên bản lấy
lời khai”. Tức là, lời nói của người bị thẩm vấn lúc này dù trung thực
và khảng khái đến đâu đi nữa cũng bị coi là “lời khai” – một cụm từ đủ
khiến bất kỳ một người chính trực nào cũng cảm thấy bị xúc phạm.
Chưa
hết, khi một người bất đồng chính kiến bị bắt, thái độ trung thực,
khảng khái của họ sẽ được “chuyển hoá” thành những câu như “Đối tượng đã
phải khai nhận” hay thậm chí “đối tượng đã thành khẩn khai báo” trong
hồ sơ vụ án. Hình ảnh hiên ngang của người đấu tranh sẽ bị các cơ quan
tố tụng và bộ máy tuyên truyền cộng sản hạ thấp bằng những lời lẽ xuyên
tạc như vậy.
Bất hợp tác
Ưu điểm:
(i)
Gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng lập hồ sơ kết tội. Như chúng tôi
đã trình bày ở trên, điều này ít nhiều cũng giúp nhà đấu tranh tự bảo vệ
mình, dù dĩ nhiên là không hoàn toàn đảm bảo rằng họ sẽ không bị bắt.
(ii) Không phải mất thì giờ nghĩ cách đối phó với cơ quan an ninh.
(iii) Tránh được việc cơ quan an ninh cứ hứng lên thì lại phát giấy mời hay giấy triệu tập, khiến mình mất thời gian, công sức.
Với giấy mời thì theo luật, người được mời có quyền từ chối chấp hành.
Hình ảnh minh họa. |
Với giấy triệu tập mà không ghi rõ là liên quan đến vụ án nào đã khởi tố, người bị triệu tập cũng có quyền từ chối vì trái luật.
Với
giấy triệu tập liên quan đến một vụ án nhân quyền đã khởi tố, người bị
triệu tập nêu lý do chính đáng: (a) Tôi đã phản đối vụ án đó nên tôi
không có lý do gì phải chấp hành giấy triệu tập liên quan đến nó; (b)
Bản chất hoạt động của tôi không giống như những gì được quy định tại
Điều 258, Điều 88 hay Điều 79 Bộ luật Hình sự – những điều luật mà với
tư cách công dân tôi đã phản đối – nên tôi không liên quan đến một vụ án
nào như thế; (c) Những gì tôi đã và đang làm là quyền tự do cơ bản của
công dân đã được quy định trong Hiến pháp Việt Nam cũng như các công ước
quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tôi không có nghĩa vụ hay trách nhiệm
phải trình bày với ai, càng không phải xin xỏ ai về các quyền bất khả
xâm phạm đó. Ngoài ra, công dân không có nghĩa vụ phải chứng minh mình
vô tội.
Nhược điểm:
Có
thể khiến cho mối quan hệ với cơ quan an ninh trở nên căng thẳng. Tuy
nhiên, sự căng thẳng không cần thiết vẫn có thể giải toả được bằng những
lý lẽ xác đáng như trên.
Lưu
ý, bất hợp tác không có nghĩa là chúng ta tuyệt đối không nói chuyện gì
với đại diện của chính quyền, đặc biệt là không tận dụng cơ hội để
tuyên truyền, cảm hoá họ. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam rất sợ hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hoá” lây lan trong bộ máy đàn áp,
bởi một khi lực lượng này không còn sẵn sàng thực thi ý chí tội ác của
cấp trên một cách mù quáng nữa thì hệ thống tự khắc sụp đổ.
Hợp tác nửa vời
Ưu điểm:
Cho phép người đấu tranh tỏ “thiện chí” hợp tác với cơ quan an ninh mà không rơi vào cảnh “lạy ông tôi ở bụi này”.
Nhược điểm:
(i)
Dễ tạo điều kiện cho cơ quan an ninh dễ bề sách nhiễu, gây khó khăn cho
mình bằng cách “mời” hay “triệu tập” mỗi khi họ muốn.
(ii)
Dễ mắc “bẫy” của an ninh, bởi họ thường thuộc lòng những mánh khoé quỷ
quyệt, trong khi người nói dối thì hay gặp cảnh “đường tắt hay tối, nói
dối hay cùng”. Đặc biệt, khi cơ quan an ninh đưa ra những bằng chứng xác
thực, như hình ảnh hay phim ảnh, nếu người đấu tranh vẫn cứ phủ nhận
thì khó thuyết phục. Trong khi đó, nếu chúng ta chọn giải pháp im lặng
ngay từ đầu thì không sao.
(iv)
Vi phạm nguyên tắc đạo đức trung thực. Vẫn theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình,
Việt Nam là một nạn nhân của quan điểm “mục đích biện minh cho phương
tiện”. Những người đấu tranh vẫn thường xuyên lên án chính quyền cộng
sản là dối trá, bịp bợm. Vậy nên, việc vi phạm nguyên tắc đạo đức trung
thực là điều mà những người vẫn mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp
hơn nếu không tránh được khi phải đương đầu với bạo quyền thì cũng cần
hạn chế tối đa, không nên coi đấy là chuẩn mực ứng xử và càng không nên
tự hào về điều đó.
Kết luận
Phong
trào đấu tranh dân chủ Việt Nam vốn dĩ là tập hợp của những thành phần
đa dạng, mỗi người có một khả năng, trình độ, nhận thức và điều kiện
khác nhau. Vì thế, mỗi người cần tự chọn cho mình cách ứng xử với cơ
quan an ninh phù hợp nhất với hoàn cảnh và đặc biệt là mức độ dấn thân
của mình.
Bản
thân tôi trước kia từng chủ động tìm đến cơ quan công an để tố cáo một
số vị lãnh đạo đảng và nhà nước. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy mọi nỗ lực
nhằm bảo vệ đất nước của mình đều hoài công, trong khi bản thân lại
thường xuyên bị khủng bố, trả thù mà không được bảo vệ hay thậm chí là
bị rình rập để chụp vào đầu những tội danh vu vơ, tôi không còn niềm tin
vào lực lượng “chỉ biết còn đảng còn mình” nữa. Thế nên, tôi quyết định
bất hợp tác với họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét