Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

286 - Ôn cố tri tân: bàn về hai tấn bi kịch Đoàn Ngọc Hải và Hamlet

Phùng Hoài Ngọc 


Mấy bữa nay chuyện Đoàn Ngọc Hải phó CT quận 1 nộp đơn từ chức làm dậy sóng công luận dư luận theo hai chiều trái ngược (chẳng kém vụ án Đinh La Thăng, xét về mặt ý nghĩa sâu xa). Nghe chừng đa số có chiều hướng ủng hộ Đoàn Ngọc Hải nhiều hơn chê trách. Hệ thống chính trị hẳn là cũng không khỏi bị rung động, ngẩn ngơ ngơ ngác. Công luận cũng ngóng xem giải pháp gỡ rối của đảng bộ Sài Gòn đối với lá ĐƠN TỪ CHỨC LỊCH SỬ này.

Ôn cố tri tân: bàn về hai tấn bi kịch Đoàn Ngọc Hải và Hamlet
Trang chủ xin dành một chút thời gian bàn về nhân vật bi kịch chính trị Đoàn Ngọc Hải trong sự liên tưởng với Hamlet nhân vật bi kịch lịch sử đệ nhất thời Phục Hưng (vở kịch “Hamlet” của thi hào William Shakespeare). Tuy hai thời đại cách nhau khá xa, lịch sử không lặp lại, nhưng vẫn có kế thừa. Ngẫm rằng hai bi kịch cũng có ít nhiều nét căn bản giống nhau.


Bối cảnh 1: thủ đô vương quốc Đan Mạch cuối thế kỷ 16, đầu 17


Hoàng tử Hamlet đang đi du học nước ngoài, chuẩn bị kế vị ngôi vua Đan Mạch... Claudius chú ruột Ham let đã ám sát nhà vua (anh trai của y) để cướp ngôi, sau đó cưới luôn chị dâu. Hamlet được gọi về nước thụ tang cha. Chàng vô cùng đau buồn và tìm cách điều tra vụ án mạng. Người yêu của chàng cũng bị phe cánh tân hoàng đế bao vây khống chế khiến chàng cô độc (chỉ còn Horatio, một người bạn thân nhưng ít có khả năng giúp đỡ, anh ta chỉ là người phản biện những kế hoạch của chàng). Chàng vẫn kiên trì khôn khéo giả điên để điều tra thủ phạm. Chàng còn phải khôn ngoan tỉnh táo chống trả những hành động “diệt cỏ diệt tận gốc” của tên hôn quân vô đạo. Cho tới khi đã xác định được kẻ thù, chàng vẫn chưa ra tay… Bởi vì, chàng nghĩ đến một giải pháp cách mạng, phải làm sao tiêu diệt cái cơ chế đẻ ra hôn quân và thói vô đạo đức ở đất nước này. Tuy nhiên trong khi Hamlet còn đang băn khoăn trăn trở suy ngẫm thì kẻ thù ra tay trước. Vua chú Claudius bày đặt một cuộc đấu kiếm giữa Laertes một hiệp sĩ quí tộc (bạn hữu cũng là anh trai của người yêu Hamlet) thách đấu với chàng. Lưỡi kiếm của đối phương bị lén bôi thuốc độc. Ly rượu trên bàn cũng pha sẵn thuốc độc để phòng nếu Hamlet thắng trận đấu và không bị thương thì mời chàng uống. 

Cuộc quyết đấu đã diễn ra vài hiệp, Hamlet đều cố nhường nhịn, chỉ đón đỡ không tấn công. Khi bị trúng mũi kiếm nhẹ của đối thủ, Hamlet mới phản công, và loạng choạng…Nhìn lên khán đài thấy hoàng hậu mẹ anh kêu lên và lảo đảo sau khi vội vã uống nhầm ly rượu độc (đáng lẽ vua chú “dành” cho chàng). Hoàng hậu mẹ chàng kịp tố cáo thủ phạm trước khi gục xuống, hiệp sĩ quí tộc Laertes đối thủ của chàng đã bị thương sâu, thuốc độc ngấm mau, cũng tố cáo thủ phạm, xong mới ngã gục. Hamlet hiểu ra sự tình và âm mưu kẻ thù. Chàng cầm kiếm đuổi theo nhà vua bỏ chạy vòng quanh. Chàng hét lên: “Mũi kiếm à !.. cũng tẩm độc nữa ! Bây giờ thì, thuốc độc ơi, hãy làm công việc của bạn đi ” (*) (chàng vung kiếm đâm vua chú Claudius, hắn ta gục xuống). [Nguyên văn “The point !...envenom'd too ! Then, venom, to thy work” (stabs King Claudius, Claudius dies)].

Hamlet lảo đảo. Chợt nghe tin báo hoàng tử Fortinbrad nước Na Uy đang hành quân sắp đi ngang qua Đan Mạch. Chàng cũng kịp dặn dò trăng trối với bạn mình và triều đình. Chàng di chúc sau đây hãy giao đất nước cho hoàng tử Na Uy cai quản, rồi gục xuống. Hoàng tử Na Uy ra lệnh làm quốc tang Hamlet.


Bối cảnh 2: Quận 1 Sài Gòn TPHCM, Việt Nam, khoảng 400 năm sau thời Phục Hưng.


Lãnh đạo quận 1 ra chủ trương lấy lại vỉa hè lề đường vốn bị cả dân chúng lẫn cơ quan nhà nước lấn chiếm phải trả lại cho khách bộ hành, theo Luật giao thông đường bộ. Lãnh đạo quận giao cho phó CT Hải trực tiếp phụ trách. Bước đầu chiến dịch thành công. Vỉa hè lòng lề đường quận 1 gọn gàng, thông thoáng, sạch sẽ. Ông thủ tướng khen ngợi và yêu cầu các tỉnh thành khác triển khai học tập làm theo, và thành phong trào toàn quốc…Tuy nhiên, các nhóm lợi ích địa phương quận 1 phản ứng ngấm ngầm, gây sức ép lên trên. Lãnh đạo Quận 1 dao động, rụt rè, chùn tay. Viên chủ tịch quận Trần Thế Thuận ra tờ công văn Quyết Định lập 02 tổ liên ngành trật tự đô thị trên địa bàn quận do chính ông này và một Phó CT khác làm tổ trưởng mỗi tổ. Từ đây Quận giao lãnh đạo 10 UB phường chủ động lập kế hoạch và thực hiện. Theo đó, ông Đoàn Ngọc Hải không được tự ý xuống đường giải quyết vi phạm nữa trừ khi được chủ tịch phê duyệt. Kết quả, hầu hết viả hè lại bị tái chiếm bừa bộn gần như cũ. Đoàn Ngọc Hải ngao ngán và phản ứng thế nào đây ? 

Đoàn Ngọc Hải bước vào phòng họp của Lãnh đạo quận 1. Khoảng hai chục vị quan chức ngồi sẵn quanh cái bàn gỗ quý giá bóng loáng, dài, có bày nhiều chậu hoa ngũ sắc rực rỡ, nét mặt căng thẳng nhìn ra phiá cửa.

Chàng “hiệp sĩ vỉa hè” bước đến gần hơn, rút Lá Đơn Từ Chức hai trang vung lên, thét lớn “Đơn Từ Chức ơi, hãy làm nhiệm vụ của bạn đi”. Các vị đại biểu khả kính bỗng choáng váng như hít phải hơi độc bay ra từ hai tờ giấy.

Vĩ thanh

Bây giờ từ địa phương Sài Gòn đến Trung ương hẳn đang bàn bạc sự cố “Lá đơn từ chức”.

Có mấy khả năng dự kiến xảy ra. Hiệp sĩ phó chủ tịch Q1 sẽ được/phải chọn 1, lần lượt có thể xảy ra như sau:

a/ Lãnh đạo SG gặp gỡ thân mật, khuyên nhủ chàng rút đơn (khó chấp nhận)

b/ Lãnh đạo SG cảnh báo những khó khăn, thiệt thòi cá nhân nếu chàng từ chức. Hoặc gợi ý chàng nhận một công tác khác (cũng khó chấp nhận)

c/ Lãnh đạo SG đưa ra hình thức kỷ luật đảng viên căn cứ theo Điều lệ “ĐV phải chấp hành tuyệt đối sự phân công của tổ chức”. Nếu không, chàng sẽ bị kỷ luật khai trừ đảng. ( chỗ này Hải sẽ phải lăn tăn ít nhiều).

d/ Chàng kiên định lập trường từ đây làm đảng viên thường, làm nhân viên để “suy ngẫm tìm biện pháp căn cơ, nhân văn” giải quyết vỉa hè quận 1 để “không ảnh hưởng mưu sinh của nhân dân”, như trong đơn đã ghi rõ. Nếu tổ chức quyết khai trừ đảng thì ...chàng cũng Okey thôi (nhiều khả năng xảy ra).

Kết

Hamlet ngã xuống mà chưa kịp tìm ra giải pháp hữu hiệu cho chế độ phong kiến phương Tây kéo dài lê thê cả nghìn năm trung cổ. Cách mạng tư sản Pháp sau này sẽ đáp ứng nhu cầu của Nhân Dân và Hamlet.

Đoàn Ngọc Hải cũng dành thời gian sau từ chức để tìm giải pháp… ?

Trên đây là mấy phán đoán nông cạn về tấn bi kịch Đoàn Ngọc Hải thời hiện đại. 

Xin rửa tai chân thành lắng nghe ý kiến khác của bạn hữu và bạn đọc. 

Chú thích

(*) BỔ SUNG phân tích chi tiết “mũi kiếm và thuốc độc” đặc sắc này: Hamlet trước sau không muốn giết vua chú. Hành động cuối cùng: thuốc độc do vua chú lén dùng lại quay ngược giết ông ta (gậy ông đập lưng ông). “Mũi kiếm” là của chàng, chàng đâm, nhưng vua chú chết vì thuốc độc, không phải vì mũi kiếm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét