Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

300 - Ngày 15/01/1870: Con lừa Dân chủ xuất hiện lần đầu



Vào ngày này năm 1870, trên tờ Harper’s Weekly, người ta đã ghi nhận lần đầu tiên hình ảnh con lừa được sử dụng để đại diện cho Đảng Dân chủ. Được vẽ bởi họa sĩ minh họa chính trị Thomas Nast, bức vẽ được đặt tên “A Live Jackass Kicking a Dead Lion” (Lừa sống đá sư tử chết). Con lừa là để chỉ “Copperhead Papers”, ám chỉ tờ báo nổi tiếng của Đảng Dân chủ[1] ở miền Nam, còn con sư tử chết đại diện cho Edwin McMasters Stanton quá cố, người là Bộ trưởng Chiến tranh dưới thời Tổng thống Abraham Lincoln trong ba năm cuối cùng của nội chiến. Phần nền hậu cảnh là một con đại bàng đậu trên tảng đá, đại diện cho sự thống trị tại miền Nam của phe liên bang sau nội chiến, và xa xa là hình ảnh Điện Capitol.

Bốn năm sau, Nash cũng tiếp tục khởi xướng việc sử dụng hình ảnh con voi để tượng trưng cho Đảng Cộng hòa trong loạt biếm họa hàng tuần của Harper’s Weekly mang tựa đề “The Third-Term Panic” (Khủng hoảng kỳ III). Biếm họa này nhắc đến phản ứng kịch liệt của tờ The New York Herald trước thông tin rằng Tổng thống Ulysses S Grant (Đảng Cộng hòa) có thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.
The New York Herald được vẽ như một con lừa khoác trên mình lớp da sư tử với danh hiệu “Caesarism” (Chủ nghĩa Độc tài). Chú sư tử giả này đã gây khiếp sợ cho một số loài động vật nhút nhát khác, được gắn với tên của các tờ báo đối lập, như The New York Times và The New York Tribune. Trong khi đó, một con voi tên “Republican vote” (Lá phiếu Cộng hòa) đang chao đảo trên vực thẳm “Chaos” (Hỗn loạn) – nó hết nghiêng bên phải lại nghiêng bên trái khi tấm ván còn lại đang cố giữ trọng lượng của nó. Chú thích của bức vẽ này là: “Con lừa khoác lên mình bộ da sư tử, rồi đi lang thang quanh rừng, và tự làm mình vui khi khiến tất cả những con vật ngốc nghếch mà nó gặp phải khiếp sợ.”
————-
[1] Sau khi nội chiến bùng nổ, các Đảng viên Dân chủ chia làm hai: phe chủ chiến (War Democrats), những người ủng hộ chính sách quân sự của Lincoln, và phe chủ hòa (gọi là Copperheads, hay Mãng xà) phản đối chính sách chiến tranh với các bang miền Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét