Bà cựu phó Chủ tịch Nước – Trương Mỹ Hoa liệu có phải đang chịu tiếng oan là bao che cho kẻ thủ ác? Những người nhà của các nạn nhân chết tức tưởi làm sao lành được vết thương lòng khi có những tử tù chịu án oan, là cũng đồng nghĩa hung thủ vẫn còn ngoài vòng pháp luật.
Trên các trang mạng xã hội tiếp tục có nhiều chia sẻ về oan khuất của tử tù Hồ Duy Hải. Người cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng cũng ròng rả kêu oan cho con mình, và ông tiếp tục sống chung với đoàn người dân kêu oan đang vạ vật ở thủ đô Hà Nội suốt mấy năm qua.
Huỳnh Văn Nén và Hàn Đức Long là hai tử tù được minh oan, và hung thủ đã được lôi ra ánh sáng. Nếu như trước đó gia đình của hai người tù này không liên tục kêu oan, có lẽ tro cốt của họ cũng đã phủ lớp bụi dày thời gian nơi chốn thiền tự nào đó.
Và cũng sẽ không công bằng khi người ta chia sẻ cảm xúc về các tử tù đang chịu oan khuất, mà quên mất rằng nỗi đau mất người thân của những vụ án giết người này luôn được xới lại, khi công lý chưa được thực thi; bởi dường như nhà chức trách bằng lòng với những sai phạm tố tụng đang diễn ra với Hồ Duy Hải, với Nguyễn Văn Chưởng – giống như họ đã từng ra sức bảo vệ các lỏng lẻo tố tụng trong cáo buộc Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long.
“Dạ, hai người chị của tôi và tôi có đến gia đình của nạn nhân, tới trước thờ đốt nhang rồi nói rằng chuyện này con tôi chắc chắn không thể làm. Gia đình của cô Ánh Hồng, tức nạn nhân, chỉ khóc cùng chúng tôi, chứ không nói gì. Thời gian sau, báo đài cùng đăng tin, lên tiếng rằng con tôi bị oan, người quen chung với hai gia đình nạn nhân kể lại rằng họ nghe được các gia đình đó nói xót thương cho con tôi Hồ Duy Hải, đang đi học mà bị lao lý. Họ chỉ nghe lời công an nói con tôi giết người, thì biết vậy chứ không biết làm sao hơn”. Bà Loan, người mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, đã chia sẻ như vậy.
Trong một lần tìm hiểu về vụ án Bưu cục Cầu Voi (đóng tại ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), phóng viên Việt Nam Thời Báo đã đến tìm gia đình hai cô gái xấu số, nhưng không gặp được. Người hàng xóm là bà Ba kể: “Gia đình bà Sáu (tức mẹ nạn nhân Hồng) khổ lắm, nhà có 4 đứa con gái, đứa con thứ 2 không may bị tật nguyền bẩm sinh nên giờ đã hơn 20 tuổi rồi vẫn nằm một chỗ, mọi sinh hoạt, ăn uống phải có người thân lo”.
Dẫn chúng tôi ra thăm mộ phần 2 cô gái xấu số nằm cạnh nhau trên bờ ao, vừa đi bà Ba vừa tâm sự: “Con Hồng và con Vân là 2 chị em con chú con bác, nhà lại ở gần nên chơi thân với nhau lắm. Lớn lên 2 đứa xin được vào làm chung trong bưu điện, rồi lại chết chung một ngày… Hồng là con đầu, học hành xong vừa ra đi làm được mấy tháng chưa kịp phụ giúp gì cho cha mẹ thì bị người ta giết dã man. Ngày đưa 2 đứa nó về, nhìn tội lắm, thi thể đứa nào cũng sưng vù lên, bầm tím khắp nơi, lại còn bị cắt vào cổ. Nhìn cảnh đó, hàng xóm xung quanh ai cũng bật khóc, còn người thân thì ngất lên ngất xuống,…
Tính cho đến trung tuần tháng 1-2018, không có (hoặc chưa thấy) báo chí nào đưa tin cho biết cuộc sống hiện nay của gia đình hai nạn nhân trong vụ án Bưu cục Cầu Voi 10 năm về trước.
Theo hồ sơ, ngày 13-1-2008 tại Bưu cục Cầu Voi đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị giết hại dã man (cắt cổ) ở khu vực cầu thang phía sau. Tại hiện trường vương lại nhiều dấu vân tay của hung thủ. Hơn hai tháng sau, ngày 21-3-2008, Hồ Duy Hải – nam thanh niên tại địa phương, nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2 cây số – bị bắt giữ. Hồ sơ thể hiện Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất, thực hiện hành vi giết người tại Bưu điện Cầu Voi. Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Hồ Duy Hải đều kêu oan.
Trương Mỹ Hoa
Luật sư Trần Hồng Phong, người nhận bào chữa cho Hồ Duy Hải, nói rằng các bút lục điều tra có ghi nhận Nguyễn Văn Nghị là người có liên quan và vai trò đặc biệt quan trọng vì Nguyễn Văn Nghị là người yêu của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng, được thể hiện trong lời khai của anh Cao Hoàng Tuấn Anh. Trong đêm xảy ra vụ án, Nguyễn Văn Nghị có ghé vào Bưu điện Cầu Voi và có lời khai nhìn thấy một thanh niên trong bưu điện tối 13-1-2008. Sau đó Nguyễn Văn Nghị đã bị bắt. Cơ quan điều tra từng tạm giữ và lấy lời khai của Nguyễn Văn Nghị. Thế nhưng sau đó Nguyễn Văn Nghị không được đưa vào danh sách “nhân chứng”.
“Toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan đến Nguyễn Văn Nghị đều bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Vì sao không cho Nguyễn Văn Nghị nhận dạng Hồ Duy Hải? Vì sao không giám định vân tay của Nguyễn Văn Nghị? Đây là những điều rất bất thường” – luật sư Trần Hồng Phong đặt câu hỏi.
Hồ sơ vụ án cho biết theo kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An ngày 11-4-2008: “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án ngày 14-1-2008 tại Bưu cục Cầu Voi… không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”!
Những ‘án lệ’ Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long cho thấy khả năng oan sai đối với các tử tù như Hồ Duy Hải ở Long An, như Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng.
Các nghi vấn về kẻ thủ ác trong vụ sát hại hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi là cháu của cựu phó chủ tịch Nước – bà Trương Mỹ Hoa mà nhiều trang mạng xã hội đăng tải, càng cho thấy vụ án không dừng lại mức độ hình sự thông thường, mà đang được dịch chuyển theo hướng mà nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, là đang gây mất niềm tin trong công chúng về việc cơ quan tố tụng bao che “con ông cháu cha” ở bộ máy công quyền.
Nguyễn Văn Nghị có phải quan hệ thân thích với bà Trương Mỹ Hoa như đồn đãi? Câu hỏi này có lẽ đang cần sự trả lời của ông Nguyễn Phú Trọng, vì theo Quyết định số 105-QĐ/TW do Tổng bí thư ký ban hành, hiệu lực từ ngày 19 tháng 12 năm 2017, thì bà cựu phó chủ tịch Nước Trương Mỹ Hoa chịu sự quản lý của Bộ Chính trị.
Chỉ cần ông Tổng bí thư ký lệnh yêu cầu làm rõ Nguyễn Văn Nghị có phải là cháu của bà cựu phó chủ tịch Nước, thì vụ án Bưu cục Cầu Voi sẽ nhiều khả năng được trả hồ sơ để tiến hành điều tra lại theo trình tự tố tụng ban đầu của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét