Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

329 - Dầu khí suy kiệt và vị tân thuyền trưởng rành nghề lý luận Đảng

Trúc Giang (VNTB) 


Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc đang đối mặt với một thách thức không dễ vượt qua trong việc tìm kiếm nguồn tiền cho ngân sách chi tiêu trong năm 2018 này: Mỏ Bạch Hổ cung cấp sản lượng lớn nhất, chiếm hơn 60% sản lượng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từ xưa đến nay, đã vào giai đoạn suy kiệt.

Trong bối cảnh đó, lý lịch của người đứng đầu PVN vừa được Bộ Chính trị bổ nhiệm, cho thấy chỉ thuần ý nghĩa chính trị, chứ không hề mang dáng dấp của một CEO chuyên nghiệp, xứng tầm. Theo đó, ông Trần Sỹ Thanh - người vừa rời ghế Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn để làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - sinh năm 1971 tại Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Trụ sở PVN tại Hà Nội
Khi chỉ mới 33 tuổi, vào tháng 2/2004, ông Trần Sỹ Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Kho bạc Nhà nước Việt Nam. Năm 36 tuổi, ông đã giữ chức Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam. Không lâu sau đó, tháng 11/2008, ông được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê chuẩn bổ nhiệm vào chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Tháng 10/2010, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XV, ông Trần Sỹ Thanh được bầu giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, và làm đại biểu tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI. Tại Đại hội Đảng toàn quốc, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Khi đó, ông Trần Sỹ Thanh 39 tuổi.

2 năm sau đó, vào năm 2012, ở độ tuổi 41, ông Trần Sỹ Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhiệm kỳ 2010-2015 thay người tiền nhiệm là ông Nông Quốc Tuấn về giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Tháng 1/2015, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) đã bầu bổ sung ông Trần Sỹ Thanh vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (Khóa XI). Đến ngày 13/2/2015, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương. Chỉ 8 tháng sau, ông lại được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và chính thức nhận chức vụ này từ ngày 28/10/2015.

Mới đây nhất, ngày 24/12/2017, tại thành phố Lạng Sơn diễn ra Hội nghị triển khai các Quyết định của Bộ chính trị về công tác cán bộ, ông Trần Sỹ Thanh được điều động về Ban kinh tế Trung ương, giữ chức vụ Phó Ban kinh tế kiêm Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Phần lý lịch như vừa nêu cho thấy ông Trần Sỹ Thanh dường như chưa trải qua kinh nghiệm về điều hành một doanh nghiệp, chứ chưa vội nói đến quy mô của một tập đoàn từng mang về nguồn thu ngân sách lớn nhứt quốc gia là dầu khí.

“Móng mỏ Bạch Hổ còn quanh quẩn 10 triệu tấn, tối đa chỉ khai thác được 4-5 năm nữa thôi”, ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Vietsovpetro nói tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của PVN mới đây: “Việc duy trì mỗi năm khai thác trên 4 triệu tấn là một thách thức”.

Tại Quyết định số 2111/QĐ-TTg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bổ nhiệm ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Vị lãnh đạo nói rằng chuyện giao chỉ tiêu của PVN hiện tại sẽ đưa đến chuyện bất khả thi. “Năm ngoái là năm gia tăng trữ lượng dầu khí thấp nhất từ trước đến nay. Năm 2018, PVN giao cho Vietsovpetro khoan tìm kiếm thăm dò 10 giếng, so với 2017 chỉ khoan 4 giếng, như vậy năm nay vượt 2,5 lần số giếng thăm dò. Nếu không tăng tìm kiếm thăm dò sẽ không có sản lượng cho những năm về sau. Tuy nhiên, vị trí dự kiến phát triển mỏ là mỏ nhỏ. Mỏ lớn như Bạch Hổ không còn nữa rồi”. Ông Từ Thành Nghĩa nhận định: “Chi phí hòa vốn của Vietsovpetro là 47 USD/thùng. Với giá dầu hiện nay, với lộ trình tiết giảm chi phí, Vietsovpetro có thể phát triển được các mỏ nhỏ này”.

Cũng liên quan đến vị trí nhân sự người đứng đầu PVN, một chuyên gia tài chính phân tích: Thời Đinh La Thăng làm dầu khí, hay Phùng Đình Thực làm CEO PVN thì tỷ giá hối đoái đồng tiền VND sụt giá rất mạnh. Trong bối cảnh đó, những người cầm cương lèo lái PVN này khá tài giỏi là không làm ra sự phá sản như các nước bắt chước đi theo mô hình kinh tế XHCN như Việt Nam, đó là đại tập đoàn dầu khí khổng lồ quốc doanh xứ Venezuela, là PDVSA - Petroleos de Venezuela S.A., suýt vỡ nợ trái phiếu dồn dập phải thanh toán vào năm 2017 khoảng 9,5 tỷ USD mờ ảo và mờ ám. PDVSA suýt vỡ nợ vì được chủ nợ hoãn chuyển vào trái phiếu đáo hạn năm 2020 là thanh toán 5,3 tỷ USD trái phiếu đáo hạn đó.

Hồ sơ nghiệp vụ kinh tế và đầu tư dầu khí của ông Phùng Đình Thực như sau: Tốt nghiệp Học viện Hoá dầu Bacu (Liên Xô cũ) chuyên ngành khai thác dầu khí năm 1977. Ông là tiến sĩ khoa học về công nghệ dầu khí biển, từng đảm nhiệm các chức vụ Giám đốc Xí nghiệp Khai thác Dầu khí (1993-1996); Chánh Kỹ sư Vietsovpetro (1997-2001); Tổng Giám đốc Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (2001-2005). Và từ tháng 6/2009 ông Thực giữ vị trí Tổng giám đốc Petrovietnam cho tới ngày nghỉ hưu từ ngày 01/6/2014.

Ông Đinh La Thăng khai ở phiên hình sự sơ thẩm là ông làm theo định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị. Giờ thì danh chánh ngôn thuận, Bộ Chính trị - chứ không phải là Thủ tướng như trước đây nữa, bổ nhiệm luôn người đứng đầu PVN, và nhân vật này cũng tương tự như lý lịch của ông Nguyễn Phú Trọng, vị tân chủ tịch PVN rành nghề về các lý luận của Đảng, chứ chưa trải nghiệm chút nào về điều hành một doanh nghiệp.

Trữ lượng dầu mỏ Việt Nam đang lâm vào đường cùng và nguồn nhân sự dường như cũng đang bế tắc cho tìm kiếm các giải pháp cho vực dậy nguồn ngân sách quốc gia năm 2018.


Túi tiền quốc gia đang lâm vào trận đồ với thập diện mai phục… Sẽ là một năm đúng nghĩa “xuống chó” ở Mậu Tuất này đối với nội các của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét