CTV Tiếng Dân
Thác Bản Giốc được coi là thác nước tự nhiên đẹp nhất Việt Nam, thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Con thác này từng được đưa vào sách giáo khoa và luôn ở trong tiềm thức những người Việt yêu nước.
Nếu đứng ở phía Việt Nam nhìn toàn cảnh khu vực thác sẽ thấy, con thác này đẹp và hùng vỹ không chỉ bởi những dòng thác trắng mượt như lụa, mà còn bởi rặng núi phía bên bờ Đông dòng thác. Rặng núi như một bức tường thành vừa cao, vừa dài, vừa kiên cố, che trở cả một vùng lãnh thổ rộng lớn và là sự thèm muốn của bất cứ quốc gia nào không sở hữu được nó.
Nếu đứng ở phía Việt Nam nhìn toàn cảnh khu vực thác sẽ thấy, con thác này đẹp và hùng vỹ không chỉ bởi những dòng thác trắng mượt như lụa, mà còn bởi rặng núi phía bên bờ Đông dòng thác. Rặng núi như một bức tường thành vừa cao, vừa dài, vừa kiên cố, che trở cả một vùng lãnh thổ rộng lớn và là sự thèm muốn của bất cứ quốc gia nào không sở hữu được nó.
Bên tay phải thác là rặng núi hùng vỹ. Những người dân địa phương cho biết, trước đây, phần lãnh thổ của VN cách đỉnh dãy núi này hơn 1 km về phía Đông. Điều này có nghĩa là, không chỉ nửa thác chính, mà toàn bộ thác chính đều thuộc VN.
Người dân địa phương nói gì?
Chúng tôi đã có dịp phỏng vấn bốn người dân địa phương sinh sống lâu đời tại đây. Một người khoảng 30 tuổi, ba người kia khoảng 45 tuổi. Tất cả những người này đều cho rằng, những năm 1970, người dân Việt Nam đã sinh sống, cày cấy phía bên kia bờ thác Bản Giốc. Thậm chí, người dân VN còn làm nhà, nuôi trồng cách đỉnh dãy núi phía bờ Đông hơn một cây số. Tuy nhiên, sau đó phía Trung Quốc đã dùng quân đội lấn chiếm, xua đuổi, buộc những người dân sinh sống và nuôi trồng tại đây, phải bỏ nhà cửa, đất đai, lãnh thổ Việt Nam cho phía Trung Quốc chiếm giữ.
Khi được hỏi, liệu VN có bị mất đất trong dịp phân định biên giới tại Bản Giốc năm 1999? Một người dân khẳng định: “Ôi! Mình mất nhiều chứ, núi đá này mất hết, ngô trồng xuống mà nó nhổ đi hết”. Với ánh mắt buồn bã, người này cho biết: “Từ hòn núi đá kia hơn một cây số nữa. Hết sạch, mất sạch, Tàu lấy hết”.
Hai người phụ nữ khác cũng chỉ tay về phía rặng núi bên kia và cho biết, trước kia dân VN ở đây còn làm nhà phía bên kia (vùng đất bây giờ đã bị TQ chiếm giữ). Qua cả rặng núi. Giờ TQ lấy hết rồi, lấy cả thác nữa.
Những lời khẳng định này cũng trùng khớp với những chi tiết trong cuốn Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức. Xin được trích một đoạn trong BTC: “Theo ‘Bị vong lục 15-3-1979 của Bộ ngoại giao’ thì toàn bộ khu vực thác Bản Giốc nằm trong lãnh thổ Việt Nam cho tới ngày 20-2-1970 mới bị phía Trung Quốc ‘đưa 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang’ sang lấn chiếm. Các tài liệu lịch sử của người Pháp và những người dân sống lâu năm ở khu vực Đàm Thuỷ đều biết rõ toàn bộ thác Bản Giốc nằm sâu trong biên giới Việt Nam chứ không phải là phần được ‘quy thuộc’ như các nhà đàm phán trong thập niên 1990 giải thích (516)”.
Vấn đề được đặt ra là, nếu Trung Quốc đã có trong tay bản đồ phân định biên giới theo Công ước Pháp – Thanh, thì không dễ gì có chuyện đến tận những năm 70 – 80 Trung Quốc mới xua đuổi người Việt Nam như vậy. Chính quyền Việt Nam trả lời sao về những phát biểu của người dân nơi đây?
Thác Bản Giốc trong Hiệp định phân giới cắm mốc
Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền vào ngày 31/12/2008. Trong đó, khu vực thác Bản Giốc thì “toàn bộ thác phụ và ½ thác chính quy thuộc Việt Nam”. Nếu nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía Tây của thác chính thuộc chủ quyền của Việt Nam, nửa phía Đông của thác chính thuộc Trung Quốc.
Lý do của việc kéo dài việc phân giới sau khi ký Hiệp ước 1999 là do hai bên vẫn còn tranh chấp căng thẳng tại đồn Pò Đon. Lưu ý là “Hai bên thỏa thuận không xây dựng công trình nhân tạo tại các khu vực Thác Bản Giốc”.
Hiệp định về khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc chỉ được Việt Nam và Trung Quốc chính thức đặt bút ký vào ngày 6/11/2015, mà VOV viết là nhằm “khép lại hoàn toàn những tranh chấp do lịch sử để lại, mở ra một thời kỳ hợp tác mới giữa hai nước”. Cũng như để trấn an dư luận: “Việc ra đời của Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc đã phần nào giải đáp những thông tin thiếu cơ sở trong dư luận cho rằng toàn bộ hai phần thác Bản Giốc vốn thuộc về Việt Nam đã bị mất cho Trung Quốc”.
Hiệp định về Bản Giốc cùng với cửa sông Bắc Luân được hai bên nhất trí giải quyết bằng giải pháp “cả gói” và “dựa trên nguyên tắc công bằng hợp lý, tôn trọng các dấu tích lịch sử, ưu tiên ổn định đời sống cư dân biên giới, phù hợp các văn bản pháp lý do lịch sử để lại”, cũng theo VOV.
Phía Việt Nam, đặc biệt là ông Lê Công Phụng, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ Việt – Trung và ông Trần Công Trục, cựu trưởng Ban biên giới Chính phủ, nhiều lần nhấn mạnh đến Biên bản phân giới cắm mốc giữa Pháp và nhà Thanh ngày 31/5/1892 và Công ước Pháp – Thanh 1887 cùng Công ước Pháp – Thanh năm 1895 để cho rằng, trong quá trình đàm phán,“không có chuyện Việt Nam đã để mất thác Bản Giốc cho Trung Quốc“.
Tuy nhiên, việc bám vào Công ước Pháp – Thanh để cho rằng, “không có chuyện” VN bị mất một phần thác Bản Giốc, là thể hiện sự chủ quan và cẩu thả. Bởi thực tế, đã có việc “Pháp nghe nói và cũng muốn để cho Trung Hoa công nhận sự chiếm đóng Bắc Kỳ của Pháp và không gây khó khăn nên đã nhân nhượng và thực hiện cắt một số đất đai ở Hà Giang và Quảng Yên giao cho nhà Thanh”.
Chưa hết, việc phía Việt Nam chỉ căn cứ vào bản đồ do phía TQ đưa ra và cột mốc được cho là cắm từ thời nhà Thanh để làm cơ sở phân định cũng thiếu vững chắc. Rất có thể phía Trung Quốc đã cho sửa bản đồ và làm mốc giả một cách tinh vi mà phía Việt Nam không biết.
Theo sách Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức, thì: “Ngày 30-12-1999, sau sáu vòng đàm phán ở cấp chính phủ, mười sáu vòng đàm phán ở cấp chuyên viên, chủ yếu tập trung xử lý 164 khu vực C, hai bên đã ký ‘Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền’. Theo đó: ‘Quy thuộc khoảng 114,9 km2 cho Việt Nam (gồm 112,3km2 thuộc khu vực C; 2,6 km2 thuộc khu vực A và B) và khoảng 117,2 km2 thuộc Trung Quốc (trong đó có 114,8 km2 thuộc khu vực C; 2,4 km2 thuộc khu vực A và B)’ (510). Nhìn qua các con số thì có vẻ như ‘đây là một kết quả công bằng’ (511). Nhưng, trên thực tế, chính quyền địa phương, các cán bộ biên phòng và người dân nhìn thấy từng tấc đất giờ đây đã thuộc về Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm: ‘Khi tôi lên, Cao Bằng nói, những phần đất này lâu nay là của ta sao các anh để thế này. Tôi phải giải thích là phải theo các nguyên tắc đã thoả thuận trong quá trình đàm phán’.”
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cũng thừa nhận: “Anh em Cao Bằng cũng phản ứng, nhưng muốn thoả thuận được thì mình cũng phải nhượng bộ”. Và “Ông Nguyễn Mạnh Cầm thừa nhận: “Năm 1993, khi thông qua những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới, thấy rằng việc phân chia theo trung tuyến dòng chảy là một nguyên tắc hợp lý. Lúc bàn nguyên tắc này, Bộ Chính trị chưa nghĩ tới những trường hợp cụ thể như Bản Giốc’.” Điều này chứng tỏ, các nhà đàm phán VN lẫn những lãnh đạo cấp cao nhất rất tắc trách, cẩu thả. Họ không hề tham khảo chính quyền địa phương, cũng như người dân bản địa để có kế sách phù hợp. “Sự hiểu biết thực địa của người dân biên giới đã không được khai thác để giúp Việt Nam giữ từng tấc đất”.
Những nghi vấn độc lập
Tác giả Mai Thái Lĩnh từng có bài viết với nhiều câu hỏi quan trọng: Sự thật về Thác Bản Giốc. Bài viết có đoạn: “Việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm cồn Pò Thoong vào năm 1976 và phá hủy trạm thủy văn ở nơi đó không thể che lấp được sự thật: trước đó Việt Nam là chủ sở hữu của cồn này, và đương nhiên là chủ sở hữu của toàn bộ Thác Bản Giốc. Toàn bộ hồ sơ về việc thành lập và quá trình hoạt động của trạm thủy văn chính là một bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam. Điều này chứng tỏ cột mốc 53 nằm sai vị trí, và việc nó bị dời đến địa điểm hiện nay là do phía Trung Quốc thực hiện sau khi đã chiếm cồn Pò Thoong”.
Trong một bài phỏng vấn trên báo Giáo Dục, để bác bỏ quan điểm của ông Mai Thái Lĩnh, ông Trần Công Trục một lần nữa khẳng định, Việt Nam mặc định lấy các Công ước Pháp – Thanh và coi đây là “nguyên tắc cơ bản nhất” để tiến hành đàm phán. Ông Trục còn nhấn mạnh: “Nếu cứ dựa vào lịch sử, sách giáo khoa, bản đồ để khẳng định chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp thì không bao giờ, không ở đâu có thể giải quyết được vì không có một cơ sở nguyên tắc chung.”
Nói và làm
Trong khi phía Trung Quốc tận dụng triệt để vùng đất “nhạy cảm” này để khẳng định chủ quyền, như cho xây kè bờ sông hàng chục ki-lô-mét không chỉ để bảo vệ phần đất của họ, mà còn gây xói lở cho bên bờ phía Việt Nam, các con đường xuống tham quan thác được họ đầu tư xây dựng kiên cố, mặc dù không có hiện tượng bạt núi đề làm đường, thì phía Việt Nam gần như bỏ mặc. Không rõ công trình kè nhân tạo này có trái với cam kết mà hai bên đưa ra hay không, chỉ biết cồn cát ngay dưới chân thác đã bị xói lở và chắc chắn sẽ biến mất trong vài năm tới.
Theo báo Thanh Niên, thì “từ năm 2007, Chính phủ Việt Nam đã có Quy hoạch tổng thể Khu du lịch thác Bản Giốc tại Quyết định 134/2007QĐ-TTg. Quy hoạch này chỉ rõ: từ 2008-2010 xây dựng hệ thống hạ tầng, trồng cây xanh, tôn tạo cảnh quan, xây dựng trung tâm du khách… với kinh phí 500 tỉ đồng. Giai đoạn 2011-2015 với 1.000 tỉ đồng sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất, xây khu dân cư, công viên đá, khu vui chơi thể thao. Từ năm 2016-2020 sẽ hoàn thiện các công trình với số tiền 900 tỉ đồng. Cụ thể hơn, quy hoạch này chỉ rõ nhu cầu về số phòng khách sạn các năm 2010, 2015 và 2020 lần lượt là 50 – 260 – 1.400, để đón số khách tương ứng 90.000 – 350.000 và 1 triệu lượt”.
Thế nhưng, ngay cả con đường dẫn xuống thác cũng vừa mới được làm sơ sài, hàng quán lèo tèo chục người bán, từ hạt dẻ cho đến những đồ lưu niệm, đa số là hàng Trung Quốc. Cây cầu bắc qua dòng nước dẫn từ thác phụ tới dòng sông Quây Sơn, người dân địa phương nói cũng bị phía TQ ngăn cản, không cho xây dựng. Mặc dù cây cầu này đã được đổ bê tông hai bên mố cầu.
Người dân địa phương cho biết, họ lo sợ nhất là chính quyền lại tiếp tay cho doanh nghiệp đầu tư khai thác, dẫn đến thay đổi cảnh quan nơi đây, gây ô nhiễm và đẩy người dân ra bên lề.
Cảm nhận sau chuyến đi
Cảm nhận chung sau khi tới thăm Bản Giốc, chúng tôi không thấy chỉ dấu nào cho thấy nơi đây sẽ “cất cánh” cả, thay vào đó là một nỗi buồn thăm thẳm. Có lẽ nỗi đau lớn nhất là phần lãnh thổ thiêng liêng đối với người dân địa phương, nay không còn nữa. Còn cuộc sống thì cũng chỉ mang tính tạm bợ qua ngày, họ vẫn chỉ là những người bán hàng thuê cho Trung Quốc đúng theo nghĩa đen của từ này: “Chỉ sướng các ông tướng thôi”.
Với tốc độ phát triển du lịch như hiện nay của TQ, công dân của họ chẳng mấy chốc sẽ tràn ngập khu vực này. Đây thực sự sẽ là mối lo mới, mà giải pháp đối phó thì không hề đơn giản.
Cho dù hiện nay người dân hai bên sống hòa thuận, bộ đội hai bên vẫn thường giao lưu qua lại, nhưng phía TQ vẫn luôn hành xử như những kẻ đê tiện. Cũng theo người dân cho biết, nếu kiểm tra người VN nào không có giấy thông hành, phía TQ sẵn sàng bắt người đòi tiền chuộc, ít thì 5 triệu, nhiều thì 7-8 triệu đồng mỗi người.
Ngẫm lại, một trong những sai lầm chết người của việc đưa cửa sông Bắc Luân và thác Bản Giốc vào giải pháp “cả gói”, đã làm cho TQ dễ dàng ép VN vào thế buộc phải chấp nhận ký các Hiệp định phân giới mà phần thua thiệt chắc chắn nằm ở phía VN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét