Lực lượng 47. Ảnh: internet
Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 ngày
25/12, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cho
biết, có lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội (còn gọi là lực lượng
47) có 10000 lính “tác chiến” trên không gian mạng. Lực lượng 47 này “hàng giờ,
hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan
điểm sai trái”.
Tướng Nghĩa ca ngợi lực lượng 47 này là “vừa hồng vừa
chuyên”, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao, thực
hiện nhiệm vụ, “Lực lượng này đang hoạt động rất tích cực, hiện có ở tất cả các
đơn vị cơ sở, mọi miền, mọi lĩnh vực của quân đội”.
Thật sự đọc tin này tôi lại rất vui mừng. Lực lượng quân đội
đang rất cần những thông tin đúng sự thật về đất nước, về lãnh đạo. Lực lượng
47 này sẽ tăng tốc cho quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong quân đội.
Quân nhân bị kiểm soát về khả năng sử dụng internet
Thời tôi là bộ đội, trong các doanh trại, lính bị cấm không
được sử dụng điện thoại, đừng nói tới điện thoại thông minh có thể kết nối
internet qua 3G, 4G. Lính muốn gọi điện về thăm nhà thì phải tới buồng điện thoại
công cộng của đơn vị.
Tôi còn nhớ một sỹ quan còn kể rằng điện thoại di động của tất
cả các sỹ quan quân đội đều bị nghe và kiểm soát, đừng nói tới lính.
Trong các buổi học chính trị trong quân đội, tôi quan sát thấy
bầu không khí rất tẻ nhạt, buồn ngủ. Các chính trị viên hay chính ủy có cố gắng
lên gân nhưng hầu như không có lính quan tâm, trừ một số người muốn làm sỹ quan
chuyên nghiệp, phục vụ lâu dài trong quân đội thì cố gắng chú ý một tí cho ra vẻ
“vừa hồng vừa chuyên”.
Bản chất giai cấp công nhân của quân đội đến từ đâu?
Tôi còn nhớ, tôi hỏi một sỹ quan luôn tỏ vẻ “vừa hồng vừa
chuyên” rằng tại sao lại nói quân đội có bản chất giai cấp công nhân. Tôi chưa
làm công nhân ngày nào, người sỹ quan đó cũng chưa làm công nhân ngày nào. Vậy
thì cái “bản chất công nhân” đó của tôi hay của anh ta đến từ đâu?
Người sỹ quan đó trả lời rất rành rọt đúng sách vở Tổng cục
Chính trị của tướng Nguyễn Trọng Nghĩa dạy, đó là do bác Hồ từng làm công nhân
nên bác có bản chất giai cấp công nhân, bác lại thành lập nên quân đội nên quân
đội kế thừa “gien” “bản chất giai cấp công nhân” đó của bác. Ai vào quân đội
cũng sẽ có “bản chất giai cấp công nhân” dù chưa làm công nhân ngày nào.
Không biết anh bạn sỹ quan đó có bao giờ thắc mắc chứ cụ
Nguyễn Sinh Sắc từng là quan cho nhà Nguyễn thì bác Hồ là con của cụ phải có bản
chất “quan lại phong kiến”, thuộc “giai cấp bóc lột” chứ, và quân đội do bác Hồ
sáng lập phải có bản chất “phong kiến”.
Hoặc anh cũng nên thắc mắc tại sao giới lãnh đạo cộng sản
không có ai làm công nhân mà cứ nằng nặc nhận họ là đại diện cho giai cấp công
nhân và bắt anh em lính tráng phải tự tưởng tượng là họ có bản chất giai cấp
công nhân?
Lực lượng 47 sẽ đưa tin trung thực vào quân đội?
Thật sự, bản thân tôi từng “vừa hồng vừa chuyên” hơn anh sỹ
quan kia nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian tiếp xúc với các “quan điểm sai
trái” trên internet, đến giờ này tôi là một người nghiện đọc báo “lề trái” vì
tôi không còn tin vào những tờ báo tuyên truyền của đảng cộng sản. Có thể nói
tôi “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là nhờ internet.
Đó là lý do tôi rất vui mừng khi nghe tướng Nguyễn Trọng
Nghĩa cho biết đơn vị quân đội nào cũng sẽ có anh em lính tráng được công khai
vào đọc báo lề trái, đọc Facebook của những người đấu tranh dân chủ để “phản
bác”. Các anh em thuộc Lực lượng 47 đó sẽ “tự diễn biến” trước rồi ngồi thủ thỉ
cho các anh em trong đơn vị, lan truyền ánh sáng chính nghĩa của các khái niệm
dân chủ, tự do, nhà nước pháp quyền, quyền con người, quyền công dân, phi chính
trị hóa quân đội… tới toàn thể quân đội.
Các anh em 47 đó cũng sẽ nói với các đồng đội trong đơn vị
là bác Hồ dạy quân đội phải “trung với nước, hiếu với dân”. Còn câu “trung với
đảng [cộng sản], hiếu với dân” là do giới lãnh đạo cộng sản sau này bịa ra nhét
chữ vào miệng bác.
“Trùm” tuyên giáo còn sợ tranh luận thì Lực lượng 47 làm được
gì?
Tôi còn nhớ ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng
ban Tuyên giáo trung ương từng tuyên bố giới lãnh đạo cộng sản “không sợ tranh
luận, không sợ đối thoại”. Tôi cũng ngóng thử coi ông Thưởng có dám lên truyền
hình hay lên báo “tranh luận” với những người dân chủ nổi tiếng như TS Nguyễn
Quang A, LS Lê Công Định, hay tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức… hay không.
Kết quả là năm 2017 này là năm mà giới lãnh đạo cộng sản bắt bớ những người dân
chủ nhiều nhất chứ làm gì có “đối thoại”.
Tại sao như vậy? Vì rõ ràng lý luận của chủ nghĩa Mác đầy
mâu thuẫn, giữa lời nói và hành động của giới lãnh đạo cộng sản cũng đầy mâu
thuẫn, họ thừa biết không có cách nào biện hộ cho chủ nghĩa Mác – Lênin hay biện
hộ cho việc cầm quyền không cần qua bầu cử trung thực của dân.
Bản thân một Ủy viên Trung ương của đảng cộng sản, cựu Thứ
trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng còn thừa nhận: “Chúng ta đi mà không
biết đi đâu”.
Làm gì có chuyện dân chửi đảng
Việc tướng Nguyễn Trọng Nghĩa tuyên bố về sự tồn tại của Lực
lượng 47 để khống chế dư luận cũng mâu thuẫn với tuyên bố chắc nịch của bà Nguyễn
Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM là, làm gì có chuyện dân chửi đảng
[cộng sản].
Dân không “chửi” đảng mà lãnh đạo đảng phải đi thành lập lực
lượng dư luận viên, rồi lạm dụng lính tráng cũng là con em nhân dân để “đấu
tranh” với chính kiến của dân?
Mà rõ ràng lực lương dư luận viên, 47 đấu tranh lý luận với
dân là thua, thể hiện ở ngay câu nói của ông Trần Quốc Vượng, chủ nhiệm Ủy ban
Kiểm tra trung ương: “Người ta đặt câu hỏi là một lực lượng làm công tác tuyên
giáo hùng hậu như thế này, chúng ta có tới 800 tờ báo cách mạng, vậy mà chúng
ta lại chịu thua trên mặt trận này? Đây thực sự là một thách thức, nếu chúng ta
không làm được là thất bại”.
Một sỹ quan quân đội từng nói với tôi là riêng ở Sài Gòn, lực
lượng đặc tình là 80.000 người để theo dõi và ghi nhận tư tưởng, dư luận của
riêng Sài Gòn. Không thể tưởng tượng được con số đặc tình trên cả nước sẽ là
bao nhiêu. Người dân bị bóc lột bởi sưu cao thuế nặng để nuôi lực lượng chuyên
theo dõi, đàn áp, trấn áp dân chứ không phải để chống lại ngoại bang xâm lược.
Học theo Trung Cộng để khống chế, đàn áp dân
Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã lắp đặt các hệ thống
camera hiện đại có tính năng nhận diện khuôn mặt để theo dõi từng người dân. Ở
những vùng như Tân Cương, Trung Cộng còn thiết lập các trạm kiểm soát có trang
bị máy móc hiện đại để quét tròng mắt,…
Chính quyền Triết Giang của Trung Quốc cũng đã viết chương
trình “Bình an Triết Giang” trên điện thoại thông minh để khuyến khích người
dân tố giác lẫn nhau. Người tố giác hàng xóm, người thân, bạn bè mình “phản động”
được thưởng tiền và các quyền lợi vật chất khác. Chính quyền Trung Cộng ở các
vùng khác cũng đang làm theo Triết Giang.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã bước đầu áp dụng hệ thống camera Mắt
thần ở Sài Gòn, có lẽ chuyện Việt hóa phần mềm tố giác của Trung Cộng cũng chỉ
là vấn đề thời gian. Cả hai đảng đều chống lại nhân dân đất nước mình nên cả
hai đều phải ra sức khống chế, kiểm soát từng cá nhân và toàn xã hội. Chẳng phải
Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố: “Mất đảng [cộng sản],
mất chế độ là mất tất cả”.
Câu giờ được bao lâu?
Tuy nhiên, với khả năng yếu kém hơn Trung Cộng nhiều, cũng
như do tham nhũng, ngân sách kiệt quệ nên có lẽ giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam
sẽ chưa thể hoàn thiện một hệ thống theo dõi, giám sát khổng lồ như Trung Cộng
trong thời gian trước mắt.
Tuy nhiên, điều mà cả hai đảng cầm quyền ở hai nước đều
không hiểu là lòng dân không theo thì không có phương tiện hiện đại nào có thể
cứu vãn được quyền lực bất chính và tài sản bất hợp pháp của họ. Vấn đề chỉ là
sớm hay muộn.
Bây giờ dân không chỉ “chửi” đảng nữa mà đã xuất hiện dân chống
lại đảng kể cả bằng biện pháp bạo lực như vụ Đoàn Văn Vươn, vụ Đồng Tâm,… Nếu
giới lãnh đạo cộng sản không thức tỉnh trả lại quyền làm chủ cho dân thì kết cục
dành cho họ sẽ không tốt lành gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét