Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

87 - Kim Jong Un tung đòn hiểm ngoại giao, liên minh Mỹ-Hàn bị rạn nứt?



Ảnh minh họa: Vùng biên giới hai miền Nam Bắc Triều Tiên ở Bàn Môn Điếm. Ảnh 03/01/2018. REUTERS/Kim Hong-Ji

Ngay khi năm 2018 bắt đầu, lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un đã liên tiếp đưa ra các đề nghị hòa hoãn với Seoul, mới nhất là việc tái lập đường điện thoại đỏ liên Triều ngay từ hôm nay, 03/01/2018. Phản ứng của hai đối thủ trực tiếp của Bắc Triều Tiên rất khác nhau : nếu Seoul hoan nghênh các động thái của Bình Nhưỡng, thì đồng minh Washington ngược lại không che giấu sự hoài nghi. Câu hỏi đang được đặt ra là phải chăng Kim Jong Un đã cố tình tung đòn để gây chia rẽ trong liên minh Mỹ-Hàn Quốc và đã bước đầu thành công ?

Phải nói là sau một năm 2017 căng thẳng cùng cực, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã bất ngờ dịu hẳn xuống trong ba ngày gần đây, với một loạt tuyên bố và động thái hòa hoãn của Bắc Triều Tiên, và những phản ứng cũng hòa hoãn không kém của Hàn Quốc.

Thoạt đầu là ý tưởng được Kim Jong Un nêu lên trong bài diễn văn đầu năm về một quan hệ tốt đẹp hơn với đối thủ phía Nam, kèm theo một sáng kiến cụ thể là Bắc Triều Tiên có thể đi dự Olympic Mùa Đông tại Pyeongchang (Hàn Quốc), vào tháng tới.

Đề xuất của Bình Nhưỡng đã được Seoul mau mắn đáp ứng, với đề nghị ngược lại là hai bên gặp nhau và nói chuyện, kể cả ở cấp cao. Phản ứng của Bình Nhưỡng cũng nhanh chóng được đưa ra, với quyết định tái lập đường dây nóng giữa hai bên, và được cả hai chính quyền thực hiện ngay vào hôm nay.

Theo hãng tin Mỹ AP, khả năng hai bên Seoul và Bình Nhưỡng đối thoại với nhau là một điều chắc chắn, ít ra là trên vấn đề tổ chức cho phái đoàn Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc tham gia Thế Vận Hội Pyeongchang. Riêng Hàn Quốc còn muốn đi xa hơn, với các cuộc đối thoại trên mọi vấn đề như chính bộ trưởng Bộ Thống Nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon đã xác định là « bất cứ lúc nào và dưới bất kỳ hình thức nào ».

Theo hãng tin Pháp AFP, việc Hàn Quốc chấp nhận đối thoại gần như là vô điều kiện với Bình Nhưỡng có thể đi ngược lại với chủ trương của Washington, đặc biệt là với điều được tổng thống Donald Trump gọi là « Chiến dịch áp lực tối đa » để cô lập hoàn toàn Bình Nhưỡng.

Mỹ không loại trừ đối thoại với Bắc Triều Tiên, nhưng lại đặt ra một điều kiện tiên quyết: Bình Nhưỡng phải chấp nhận từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Do vậy, nếu Hàn Quốc tiến tới hòa đàm với Bắc Triều Tiên thì đó sẽ là một vố đau cho chính sách hiện nay của chính quyền Trump.

Chính vì vậy mà đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã cứng giọng cảnh cáo ngay hôm qua, 02/01/2018 rằng « Bắc Triều Tiên có thể nói chuyện với bất cứ ai họ muốn, nhưng Mỹ sẽ không công nhận hoặc chấp nhận kết quả cho đến khi Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân mà họ có. »

Bộ Ngoại Giao Mỹ thì lên tiếng tố cáo thẳng thừng Bắc Triều Tiên là cố tình gây chia rẽ giữa Seoul và Washington.

Đây cũng là nhận định của nhiều nhà phân tích, như giáo sư Mason Richey, thỉnh giảng tại trường Đại Học Hankuk ở Hàn Quốc. Trả lời nhật báo Thụy Sĩ Le Temps hôm 01/01, chuyên gia này cho rằng dụng tâm của Kim Jong Un có thể vừa là « tung quả bóng thăm dò xem Seoul và Washington có khả năng chấp nhận đến đâu », vừa là « đào sâu khoảng cách giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc ».

Hãn tin Mỹ AP cũng ghi nhận các mối hoài nghi, cho rằng Kim có mưu toan sử dụng các cuộc đàm phán để tiếp tục hoàn thiện loại vũ khí hạt nhân có thể tấn công Mỹ một cách đáng tin cậy hơn hiện nay, và các động thái hòa dịu hướng về Hàn Quốc chỉ nhằm gây sứt mẻ trong quan hệ giữa Seoul và Washington, qua đó giảm nhẹ áp lực và trừng phạt quốc tế.


Trước mắt, căn cứ vào các phản ứng nhiệt tình của Seoul trước các động thái hòa dịu của Bình Nhưỡng, trong lúc Washington tiếp tục bày tỏ thái độ cứng rắn, có thể cho rằng đòn ngoại giao thế vận của Kim Jong Un đã có tác dụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét