Khi
người Hồi giáo Rohingya bị quân đội thanh trừng và xua đuổi khỏi Burma
(Miến Điện) trong mấy năm trở lại đây, người ta thấy một sự im lặng đáng
ngạc nhiên từ giới hoạt động dân chủ.
Vốn
dĩ, cộng đồng quốc tế sẽ kỳ vọng rằng những nhà hoạt động này, những
người thường xuyên kêu gọi và cổ xuý cho các giá trị nhân quyền hàng
thập niên qua, sẽ lên án mạnh mẽ cuộc thanh trừng sắc tộc này như những
vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác. Nhưng thực tế lại không phải là
như vậy.
Trong một bài xã luận đăng ngày hôm nay trên tờ The Washington Post, nhà báo Richard Cockett, cựu trưởng ban Đông Nam Á của tờ The Economist, đưa ra một cách lý giải cho vấn đề này.
Theo ông, căn nguyên nằm ở tâm lý bài Hồi giáo có gốc rễ sâu xa trong lịch sử Burma.
Burma
vốn dĩ là một nước có truyền thống Phật giáo lâu đời. Kể từ năm 1057,
khi nhà vua Anawrahta sáng lập ra nhà nước thống nhất đầu tiên ở vùng
ngày nay là Burma, ông đã chọn theo Phật giáo Theravada, hay còn gọi là Phật giáo Thượng toạ bộ, một nhánh của Phật giáo Tiểu thừa.
Người Hồi giáo Rohingya được nhiều sử gia cho là đã sinh sống ở Burma từ thế kỷ thứ 12.
Người tị nạn Rohingya xem bóng đá trong một trại tị nạn ở Bangladesh. Ảnh: Tyrone Siu/Reuters.
Quá
trình xâm lược của người Anh đã biến Burma thành một tỉnh trong vùng
thuộc địa Ấn Độ của họ kể từ năm 1824. Đến đây thì vấn đề trở nên nghiêm
trọng: người Anh khuyến khích người Ấn Độ, trong đó có rất đông người
Hồi giáo, di cư tới Burma làm việc.
Người
Burma dĩ nhiên tức giận khi văn hoá Phật giáo của họ mất dần trước làn
sóng nhập cư của người nước ngoài. Vào thời kỳ Thế chiến thứ Hai, người
Ấn Độ đã chiếm đa số ở thủ đô Yangon.
Nhà
báo Richard Cockett giải thích, bối cảnh lịch sử nói trên đã dẫn phong
trào giành độc lập của Burma và các phong trào chính trị cực đoan ở nước
này, ngoài việc chống lại Anh quốc, còn đi đến chỗ chống lại người nước
ngoài và chống Hồi giáo.
Bà
Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của chính quyền Burma hiện
nay, là con gái của vị tướng Aung San – người góp công lớn trong việc
giành độc lập cho Burma và được mệnh danh là “Tổ phụ” của nước này. Bản
thân bà Suu Kyi cũng từng viết rằng người Burma theo đạo Phật cảm thấy
bị đe dọa bởi những người Hồi giáo Ấn Độ vốn không được chào đón và
không thể kiểm soát được, đặc biệt khi những người này bắt đầu kết hôn
với phụ nữ Burma.
Nỗi
sợ hãi này chi phối chính trị Burma ngày nay. Tinh thần chống Hồi giáo
lan rộng khắp nơi. Khi vấn đề người Rohingya bắt đầu nổi lên năm 2015,
một số đảng bộ địa phương của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà
Suu Kyi đã khai trừ các đảng viên Hồi giáo, bất chấp mệnh lệnh ngược
lại của lãnh đạo đảng.
Thêm
vào đó, các nhà hoạt động dân chủ của đảng NLD cầm quyền, mặc dù vẫn cổ
xuý cho nhân quyền, như chính bà Suu Kyi cũng thỉnh thoảng làm, có thể
dễ dàng loại trừ người Rohingya vì họ không phải công dân Burma theo Đạo
luật Quốc tịch năm 1982 do chính quyền độc tài quân sự Burma ban hành.
Đến
đây, có vẻ như chính các nhà hoạt động của NLD và chính quyền quân sự
cũ lại có một điểm chung: không muốn coi người Rohingya là công dân
Burma.
Nhà
báo Richard Cockett viết, “Có thể đây chỉ là sự ấu trĩ thôi, nhưng họ
có vẻ quá dễ quên, rằng cái Đạo luật Quốc tịch đó đã được chế độ quân sự
– kẻ thù của họ – thiết kế ra để chia rẽ và cai trị. Giờ đây nhiều
người của NLD có vẻ hài lòng với việc chơi đúng ván bài đó”.
Bài
xã luận của Richard Cockett dẫn lời U Myat Thu, Hiệu trưởng Trường
Chính trị Yangon, nói rằng các đảng viên NLD luôn luôn nhìn lên trên để
đoán ý lãnh đạo đảng. Nếu bà Suu Kyi không nói gì thì họ cũng sẽ không
nói gì. Ở khía cạnh này, ông hiệu trưởng cho rằng đảng NLD giờ đây không
còn là một phong trào dân chủ – nhân quyền như phương Tây tưởng nữa, mà
thuần tuý là một “fan club” của bà Suu Kyi.
“Tiến trình dân chủ hoá đã dừng lại”, Myat Thu nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét