Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

1143 - Francis Fukuyama: ‘Việt Nam làm khác Trung Quốc’

Nguồn: BBC

Triết gia Mỹ Francis Fukuyama nói với BBC rằng ông Tập Cận Bình đi theo truyền thống ‘Hoàng đế xấu’ và Việt Nam đi con đường khác Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của Vincent Ni, phóng viên BBC World Service, qua điện thoại hôm 01/03/2018 từ San Francisco, ông đánh giá tin mới nhất rằng Trung Quốc có thể xóa giới hạn hai nhiệm kỳ để ông Tập Cận Bình cầm quyền quá 2023.
GS Francis Fukuyama: Tôi nghĩ đây là một quyết định rất đáng tiếc, cho cả Trung Quốc lẫn thế giới nói chung. Tôi nghĩ rằng chế độ độc tài của Trung Quốc khác với các chế độ độc tài khác, bởi thực tế là nó đã được thể chế hóa, có nghĩa là nó không phụ thuộc vào thẩm quyền cá nhân của một nhà lãnh đạo duy nhất. Có các luật định, và đặc biệt, có một quy tắc rõ ràng trong hiến pháp rằng các chủ tịch chỉ có thể phục vụ hai nhiệm kỳ 5 năm. Và kể từ năm 1978, đã có ba lần chuyển giao quyền lực, khi mà toàn bộ ban lãnh đạo hàng đầu rời chức vụ để tạo điều kiện cho một thế hệ trẻ hơn.
Điều này đã cho Trung Quốc một lợi thế to lớn so với, ví dụ, các nền độc tài ở châu Phi, nơi mà tổng thống sẽ giữ nhiệm sở trong 20, 30, 40 năm. Việc có các giới hạn có nghĩa là bạn không phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng lớn khi người lãnh đạo qua đời. Và nó cũng tốt cho chính trị, bởi vì nó làm trẻ hóa sự lãnh đạo, mọi người mang tới những ý tưởng mới. Nhưng Tập Cận Bình vừa ném quy tắc này ra ngoài cửa sổ. Và tôi nghĩ rằng ông ấy đang lập ra một gương (xấu) cho phần còn lại của thế giới về chính quyền độc đoán cá nhân.
BBC: Ông có thể giải thích thêm rằng ông Tập Cận Bình khác các lãnh đạo trước và giống họ ra sao?
GS. Francis Fukuyama: Cả Tập và Mao đều phản ánh một trong những vấn đề của các nhà cai trị Trung Quốc, thường được gọi là “vấn đề hoàng đế xấu”. Khi đất nước có một vị hoàng đế tốt, Đặng Tiểu Bình, ví dụ, là “hoàng đế” tốt nhất trong lịch sử hiện đại. Ông ta có thể làm rất nhiều điều tốt trong hệ thống kiểm tra và cân bằng này mà không sợ bị tòa án và truyền thông ngăn chặn.
Nhưng khi các “hoàng đế xấu” xuất hiện trong nước, đất nước này đối diện nhiều vấn đề. Mao Trạch Đông, ví dụ, là vị “hoàng đế xấu” cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Hai chiến dịch của ông: Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hoá làm cho cả một thế hệ phải đau khổ và gây ra nhiều mất mát to lớn cho đất nước.
Đối với Tập Cận Bình, những tín hiệu ban đầu không lạc quan. Ông đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và xã hội dân sự. Ông cũng tạo ra một hệ thống xã hội thế lực được gọi là “chủ nghĩa toàn trị” trong thế kỷ 21 và sử dụng dữ liệu và trí thông minh nhân tạo để giám sát một số lượng lớn người. Đối với tương lai của Trung Quốc sẽ là mối nguy lớn.
Đáng tiếc rằng chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều điều đi giật lùi vì lối cai trị này. Vì vậy tôi nghĩ, như tôi đã nói, là sẽ không tốt cho Trung Quốc và cũng không tốt cho phần còn lại của thế giới.
BBC: Một số người nói việc ông Tập Cận Bình vẫn cố gắng thay đổi hiến pháp nghĩa là ông vẫn còn tôn trọng nó. Ông có đồng ý với điều này?
GS. Francis Fukuyama: Tôi không nghĩ rằng ông ta có ý tưởng pháp quyền là gì? Ý tôi là pháp quyền có nghĩa rằng nhà cầm quyền – hành pháp ở một quốc gia không phải là cứ muốn vẽ ra luật pháp nào cũng được.
Lý do bạn có hiến pháp là để bạn có một thiết chế tư pháp độc lập. Nền tư pháp độc lập thực thụ có thể nói để nhà lãnh đạo biết khi nào họ có thể làm điều gì, bằng không lãnh đạo có thể muốn làm gì thì làm.
Và tôi nghĩ rằng việc hiến pháp đã được sửa đổi trong tuần này cho thấy rằng hệ thống tư pháp độc lập đó đơn giản là không tồn tại. Hiến pháp này hoàn toàn ủng hộ đảng cộng sản của ông ta, cũng có nghĩa nó ủng hộ quyết định của chính Tập Cận Bình. Ông ta sẽ không chấp nhận việc hiến pháp áp đặt bất kỳ một giới hạn nào về quyền lực đối với ông. Vì vậy, ông ta muốn trình diễn thứ pháp luật đó ở Trung Quốc.
BBC: Ông nói động thái này có ý nghĩa to lớn đối với Trung Quốc, ông cũng đã viết về sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu và tiềm năng của họ. Ông có nghĩ là tầng lớp trung lưu của Trung Quốc sẽ lập nên những thách thức với ông Tập Cận Bình?
GS. Francis Fukuyama: Tôi không nghĩ là sẽ có một chống đối nào với ông Tập mà đến từ tầng lớp trung lưu vì như tôi chứng kiến, ông ta vẫn còn rất nổi tiếng trong tầng lớp trung lưu, trên con đường kinh tế.
BBC: Thế còn các nước khác ở châu Á? Ví dụ như Việt Nam, Thái Lan. Gần đây họ cũng có những chuyển động lớn, kể cả chính trị? Ông nghĩ là họ sẽ giống hay là sẽ khác biệt với Trung Quốc?
GS. Francis Fukuyama: Việt Nam rất thú vị. Dường như với tôi họ không tạo ra cùng một kiểu độc tài đảng trị như Trung Quốc đang có. Vì vậy, có nhiều không gian hơn đối với giới bất đồng chính kiến và cho những người khác biệt tư tưởng ở Việt Nam, mặc dù nước này vẫn còn bị kiểm soát khá chặt chẽ.
Thái Lan là một câu chuyện hoàn toàn khác. Thái Lan thực sự là một nền dân chủ trong những năm thập niên 1990 và thật không may, sự phân cực giữa phe áo đỏ và phe áo vàng đã dẫn tới phe quân sự, mà như quí vị biết, hiện đang phơi bày một nền độc tài quân sự ở nước này.
BBC: Một số người đang nói về kịch bản Thế chiến thứ III? Ông có nghĩ có khả năng về một cuộc xung đột lớn?
GS. Francis Fukuyama: Tôi không nghĩ có khả năng đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có một mối nguy trên thực tế mà diễn biến nhanh chóng, rõ ràng có thể sẽ là Bắc Hàn, nếu có những hành động quân sự của Mỹ chống lại Bắc Hàn và chế độ Bắc Hàn, thì nước này có thể bị sụp đổ.
Tôi nghĩ rằng những diễn biến này sẽ rất mạnh mẽ, và thật khó để Hàn Quốc, Hoa Kỳ có thể cố gắng để lay chuyển Bắc Hàn nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân ở đó.
Sinh năm 1952 ở Illinois, Chicago trong gia đình có cha mẹ người Nhật, ông Yoshihiro Francis Fukuyama là giáo sư kinh tế chính trị quốc tế, Đại học Johns Hopkins và là thành viên của tổ chức New America Foundation. Tiểu luận ‘Sự cáo chung của lịch sử‘ ông viết cho tập san National Interest vào mùa xuân năm 1989, khi khối Đông Âu rung chuyển, gây tiếng vang lớn. Ông tiếp tục viết nhiều tác phẩm về chính trị Mỹ, Đông Á và vấn đề Trung Quốc. Cuốn gần đây ‘Political Order and Political Decay‘ được đánh giá là tác phẩm lớn của Thế kỷ 21.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét