Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

1144 - Lần đầu tiên EU xác nhận Hiệp định Thương mại với Việt Nam đã bị trì hoãn do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Hiếu Bá Linh 
Từ trước đến nay có nhiều bình luận, suy đoán và đánh giá rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây tác hại nghiêm trọng đến Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), nhưng đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao nhất về thương mại của cả khối EU lên tiếng xác nhận sự việc.
***
Nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine số ra ngày 02/03/2016 đưa tin,  Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế lần thứ 24 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được tổ chức vào Thứ Sáu ngày 02/03/2018 tại Singapore. Bên lề Hội nghị này các Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN và Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu (EU), bà Cecilia Malmström đã tham dự Hội nghị Tham vấn thường niên lần thứ 16.


Bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) – Tương đương với Bộ trưởng Thương mại của cả khối EU. Ảnh: internet

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố kế hoạch áp đặt mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Trong Hội nghị, bà Cecilia Malmström cho biết, Liên minh châu Âu đang xem xét các biện pháp chống lại Hoa Kỳ. Bà Malmström tuyên bố: “Chúng tôi không loại bỏ các biện pháp trả đũa. Thật là vô cùng bất công  và chúng tôi chắc chắn sẽ đưa vấn đề này ra tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)“.
Về câu hỏi, liệu tuyên bố của ông Trump có dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu hay không, bà Malmström cảnh cáo không nên sử dụng từ ngữ “chiến tranh” như TT Trump thường dùng. “Nhưng chắc chắn đây không phải là một diễn tiến tốt. Tôi rất lo ngại“.


Hội nghị Tham vấn lần thứ 16 giữa Bộ trưởng Kinh tế các nước Asean và EU tại Singapore ngày 02/03/2018. Ảnh AFP

Đặc biệt tại Hội nghị Tham vấn với các Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN, bà Cecilia Malmström – quan chức cấp cao nhất về thương mại của Liên minh châu Âu – đã giải thích lý do Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU bị trì hoãn là vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Dưới đây là bản dịch trích dẫn bài báo tiếng Đức:
Châu Âu đang tiến gần lại với châu Á
Ít nhất vì những vấn đề ngày càng tăng với Mỹ, Liên minh châu Âu muốn tiến gần lại với châu Á. Châu Âu đã mất nhiều uy tín trong khu vực này vì những Hiệp định Thương mại hứa hẹn không tiến triển [như dự trù]. Hiệp định Thương mại với Singapore – một “thành trì của thương mại tự do”, như bà Malmström gọi – và Hiệp định Thương mại với Việt Nam lẽ ra đã được phê chuẩn từ lâu rồi. Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại Singapore, Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) bà Malmström giải thích, bà hy vọng cho đến cuối năm nay sẽ có kết quả tích cực. Trong khi Hiệp định với Singapore bị vướng mắc vào những chi tiết, chẳng hạn như các công đoàn không được độc lập vì nhà nước cứng rắn, thì Hiệp định với Việt Nam cũng đã bị khựng lại do vụ bắt cóc một chủ tịch công ty đang đào thoát [Trịnh Xuân Thanh] giữa đường phố ban ngày ở Berlin.


Ảnh chụp một phần bài báo của tờ Frankfurter Allgemeine

Từ trước đến nay có nhiều bình luận, suy đoán và đánh giá rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây tác hại nghiêm trọng đến Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), nhưng đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao nhất về thương mại của cả khối EU lên tiếng xác nhận sự việc.
Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam đã được Brussels và Hà Nội ký tắt năm 2015 và dự trù sau khi xem xét khía cạnh pháp lý sẽ được Nghị viện EU phê chuẩn vào cuối năm ngoái 2017. Nhưng việc phê chuẩn này đã bị trì hoãn và sớm nhất là cuối năm 2018 mới có thể đưa ra Nghị viện EU phê chuẩn.


Ngày 2/12/2015 tại Brussels – Bỉ, Bộ trưởng Công Thương – Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU – Cecilia Malmstrom ký tắt Hiệp định EVFTA với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. Ảnh: AFP

Sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không thành, Việt Nam chỉ còn trong chờ vào Hiệp định thương mại tự do với EU (gọi tắt là Hiệp định EVFTA). Hiệp định này sẽ cắt giảm gần như tất cả các khoản thuế quan giữa hai nền kinh tế.
Trao đổi thương mại giữa EU và Việt Nam năm 2017 với tổng kim ngạch hai chiều gần 52 tỷ USD. Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành 1 trong 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và là nhà đầu tư ngoài châu Á lớn nhất tại Việt Nam, với 2.000 dự án có tổng vốn đầu tư 22 tỷ USD.
Một diễn biến khác cũng liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, ngày 20/02/2018 tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Brussels (thủ đô nước Bỉ) Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) đã tổ chức phiên họp điều trần xem xét tình hình tiến triển của Hiệp định EVFTA.
Tại phiên họp điều trần dưới sự chủ trì của nghị sỹ Bernd Lange – Chủ tịch INTA – Đại sứ Vương Thừa Phong, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU đã bày tỏ hy vọng, Hiệp định EVFTA sớm được phê chuẩn và đi vào thực thi. Ông tuyên bố rằng Việt Nam cam kết sẽ tham gia 3 công ước quan trọng của Tổ chức Lao động Quốc tế về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức. “Chúng tôi tôn trọng cam kết của chúng tôi“, Đại sứ Vương Thừa Phong nhấn mạnh.
Video clip Đại sứ Vương Thừa Phong, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU, tuyên bố tại Nghị viện EU:
Đại sứ Vương Thừa Phong hứa hẹn Việt Nam đang lên kế hoạch phê chuẩn để thông qua 3 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và sẽ sửa đổi Luật Lao động cho phù hợp. Ông Vương Thừa Phong cũng nêu ra lộ trình thực hiện:
– Cho đến tháng 10 năm 2020 thì Công ước về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập (Công ước số 87 của ILO) sẽ được hoàn tất.
– Trong năm 2019 Công ước về quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể (Công ước số 98 của ILO) sẽ được đệ trình Quốc hội Việt Nam phê chuẩn.
– Công ước về chống lao động cưỡng bức (Công ước số 29 của ILO) sẽ được đệ trình Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào tháng 10 năm 2019.
Tôi muốn lưu ý, nhiều nước phát triển cao hơn VN nhưng cũng không ký các công ước này, tuy nhiên VN muốn đáp ứng mối quan tâm của EU nên đã lên kế hoạch để tham gia những công ước quan trọng này”, ông Vương Thừa Phong phát biểu.
Như vậy với cam kết này dường như đòi hỏi của phía Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề bảo vệ người lao động đã được đáp ứng. Tuy nhiên đó mới chỉ là một trong số 3 ba vấn đề lớn mà Việt Nam cần giải quyết.
Hồi trung tuần tháng 9 năm ngoái (2017) ông Bernd Lange – Chủ tịch INTA (Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu) và cũng là nghị sĩ Đức thuộc đảng SPD – đã nêu rõ 3 yêu cầu cốt lõi của phía EU trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội:
– Thứ nhất, có 3/8 công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chưa được Việt Nam phê chuẩn. Các công ước đó đảm bảo môi trường lao động bình đẳng, đảm bảo lợi ích công bằng cho người lao động.
– Thứ hai là vấn đề môi trường. Ông Bernd Lange giải thích, không thể tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà phải có tấm lưới an toàn cho môi trường, chẳng hạn đánh bắt cá phải bền vững.
– Thứ ba là cần tạo cơ hội cho các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm tư vấn trong việc tham vấn cho các chính phủ trong quá trình thực thi EVFTA.


Nghị sĩ CHLB Đức và là Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu ông Bernd Lange (ngồi giữa) trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 15.09.2017. Ảnh: internet

Vậy Việt Nam còn cần phải cam kết thực hiện yêu cầu thứ hai và thứ ba nêu trên của phía EU. Việt Nam hy vọng Hiệp định sẽ được Nghị viện EU phê chuẩn thông qua vào cuối năm nay 2018 và sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2019. Nhưng Tờ Borderlex cho biết (xem bản dịch ở đây), thậm chí những người ủng hộ hiệp định này còn lo ngại thỏa thuận với Việt Nam có thể sẽ không được phê chuẩn trước khi nhiệm kỳ của khóa Nghị viện EU này kết thúc và phải chờ cho đến sau cuộc bầu cử Nghị viện EU vào tháng 5 năm 2019.
Con đường tiến đến Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn nhiều trắc trở và có lẽ còn kéo dài bất định.
(Tiếng Dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét