Tỉnh Bình Thuận trở thành địa điểm căng thẳng nhất trong đợt xảy ra các cuộc biểu tình ở nhiều địa điểm ở Việt Nam ngày Chủ nhật 10/6.
Người tham gia các cuộc biểu tình ở Việt Nam mang khẩu hiệu phản đối dự thảo luật về đặc khu và dự luật an ninh mạng. Riêng tại Bình Thuận, vào tối 10/6, người dân đã tràn vào cả trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận trên đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Phan Thiết.
Chính quyền tỉnh Bình Thuận nói nhiều nhân viên công lực bị thương nhưng bác bỏ tin đồn trên mạng nói có cảnh sát bị chết.
14 giờ trưa 11/6, tại cuộc họp báo, ông Huỳnh Thái Dương - phó Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận - tường thuật có hơn 10 chiếc xe bị đốt tại UBND tỉnh.
"Trong chừng mực nào đó đây giống như cuộc bạo loạn. Những biểu hiện này không thể chấp nhận được," ông Dương nói.
Cùng ngày 11/6, tình hình vẫn rất căng thẳng ở tỉnh Bình Thuận, với hình ảnh video, hình chụp trên Facebook cho thấy người dân tiếp tục đối đầu với cảnh sát cơ động ở một số địa điểm.
Tại thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong), người dân tiếp tục tấn công trụ sở Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Phan Rí Cửa, mặc dù tại đây có lực lượng cảnh sát cơ động.
Thông báo chính thức trên báo Bình Thuận viết về vụ này: "Các đối tượng quá khích đã đốt cháy nhiều ô tô đang đậu trong khuôn viên, đồng thời dùng cây, gạch đá ném bể kính của trụ sở này, sau đó mới chịu rời đi."
Tờ báo kêu gọi: "Người dân có quyền bày tỏ chính kiến của mình nhưng phải nằm trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Đồng thời, hãy tỉnh táo, cảnh giác, thể hiện lòng yêu nước đúng cách, không để những kẻ xấu, cơ hội, lợi dụng để chống phá, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật."
Cũng về vụ việc này, một blogger độc lập, ông Phạm Lê Vương Các tường thuật: "Sau nhiều giờ cố thủ trong Trụ sở công an PCCC, chiều nay lực lượng cảnh sát vũ trang đã buông bỏ vũ khí trước sức ép từ những người dân biểu tình tại Bình Thuận."
Đến ngày 11/6, trang web UBND tỉnh Bình Thuận không cập nhật tin về tình hình căng thẳng.
Trang này chỉ đưa tin vào sáng 10/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức khai mạc Giải Đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2018 trên sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết.
Kêu gọi bình tĩnh
Có rất nhiều phản ứng của người quan sát, người dân trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ ngày 11/6 viết: "Biểu tình ôn hòa và đứng ra đối thoại trực tiếp, tại sao không có nhỉ? Một bên thì hèn hạ im lặng, đẩy công an ra hứng trận. Một bên thì càng lúc càng chứng minh "nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại"."
Còn cây bút Bạch Hoàn nhận định: "Chính phủ nên có bộ phận đứng ra thu xếp việc này ngay cho Bình Thuận. Người dân Bình Thuận và lực lượng chức năng cần bình tĩnh và chấm dứt bạo động."
Cuộc thảo luận trực tiếp của BBC trên Facebook hôm 11/6 cũng thu hút nhiều ý kiến bình luận về tình hình Bình Thuận.
Từ Hà Nội, luật sư Nguyễn Văn Quynh bày tỏ: "Bà con nhân dân Phan Rí -Bình Thuận hết sức bình tĩnh, kiềm chế, không được manh động, đã có quá nhiều thiệt hại xảy ra rồi. Đập phá đốt tài sản đều là tài sản từ tiền thuế của dân mà chúng ta đóng góp đấy, các bạn đốt phá chúng ta lại phải sắm. Tất cả đều có giới hạn của nó. Chúng tôi phản đối bạo lực."
Nguyên nhân căng thẳng?
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng nói với báo chí: "Chính quyền địa phương luôn lắng nghe ý kiến và tuyên truyền các chính sách pháp luật đến người dân. Người dân có thể bày tỏ chính kiến của mình nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật là không thể chấp nhận được."
Trong khi đó, viết trên Facebook, nhà báo Hà Quang Minh cho rằng có sự ức chế tích tụ lâu trong lòng dân ở đây.
"Bản chất là sự ức chế tích tụ lâu trong lòng dân ở đây, trước vấn nạn ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, dự án có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc. Người dân đã kêu nhiều, nhưng đâu vẫn hoàn đó. Họ cho rằng chính quyền làm ngơ, nên họ bức xúc. Bức xúc dồn nén, gặp cơ hội, nó bùng phát thành một bạo động phạm pháp."
Cây bút Mai Quốc Ấn nhắc nhở:
"Đất đai, ô nhiễm, chủ quyền biển bị xâm phạm là cách mà "chiếc lò xo" mâu thuẫn bị nén xuống. Năm 2015, bạo loạn ở xã Vĩnh Tân thuộc huyện Tuy Phong. Hôm qua, bạo loạn ở thị trấn Phan Rí cũng của huyện Tuy Phong và lan ra cả tỉnh. Có nén, có bung. Có áp bức, có đấu tranh!
Tôi đến Tuy Phong, hay bất cứ nơi nào có mâu thuẫn đất đai và ô nhiễm tại Việt Nam, đều tiếp xúc với dân rất dễ. Chỉ cần chịu lắng nghe nỗi đau của họ, hít thở thứ không khí đầy bụi nơi họ sống, dám uống thứ nước có mùi lạ mà họ uống hàng ngày, dám bế trên tay những đứa trẻ sinh ra dị dạng vì ô nhiễm,... là dân sẽ coi như người nhà. Làm những điều đó phải thực bụng, không diễn được trước mặt nhân dân đâu!"
Cần Luật biểu tình?
Diễn biến ở Bình Thuận khiến một số người cũng đặt câu hỏi qua Facebook rằng phải chăng Việt Nam càng cần sớm có Luật về Biểu tình.
Ông Nguyễn Hồng Lam viết: "Muốn kiểm soát xung đột thì phải có công cụ pháp lý để thể chế hóa xung đột trong khuôn khổ luật pháp. Cụ thể ở Việt Nam cần sớm thông qua Luật biểu tình, Luật đình công, Luật lập hội, Luật tình trạng khẩn cấp… Luật sẽ giúp phân định rõ giữa quyền biểu đạt chính kiến hợp pháp của nhân dân với các hành vi chống đối luật pháp, các hành vi quá khích, phá hoại để xử lý thích hợp."
Còn ông Phạm Xuân Cần đề xuất:
"- Tập trung chống tham nhũng một cách thực chất và hiệu quả, hạn chế dần, đi đến kiểm soát sự phân cực giữa dân và quan
- Rà soát, sửa đổi Luật Đất đai, loại bỏ, điêù chỉnh những quy định sai trái đang làm cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất của dân một cách vô tội vạ để dâng cho nhóm lợi ích và doanh nghiệp thân hữu.
- Rà soát lại những dự án gây ô nhiễm môi trường, đình chỉ, yêu cầu khắc phục những hậu quả tác hại gây ra.
- Tạm dừng để nghiên cứu sâu rộng hơn và đánh giá tác động các mặt của hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng.
- Sớm ban hành Luật Biểu tình, Luật lập hội, điều chỉnh hợp lý hơn một số quy định về đình công trong Luật Lao động. Đồng thời rèn tập kiến thức và kĩ năng quản lý, xử lý xung đột cho các lực lượng chức năng."
Diễn biến bạo động ở tỉnh Bình Thuận trong hai ngày 10 và 11/6, chưa rõ khi nào kết thúc.
Đến cuối ngày 11/6, trang web Chính phủ Việt Nam chưa đề cập vụ việc ở Bình Thuận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét