Trong lúc người Việt còn mải miết tranh cãi rằng dự luật đặc khu sinh ra có phải để rước Trung Quốc vào nhà hay không, thì chính Trung Quốc lại đang ung dung bành trướng quyền lực ra khắp châu Á bằng các ngón nghề dày dạn.
Suốt bốn thập kỷ kể từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc vẫn im hơi lặng tiếng thỏa hiệp nương theo “trật tự phương Tây” do Mỹ dẫn đầu. Ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, để khôi phục tính chính danh của Đảng Cộng sản, bản thân Đặng Tiểu Bình đã lựa chọn một cách tiếp cận khôn ngoan trước tình hình quốc tế: bình tĩnh quan sát, đối phó mà không hoảng loạn, che giấu sức mạnh, gầy dựng năng lực, không theo đuổi chuyện thống soái, và tìm kiếm thành tựu bất cứ khi nào cơ hội phát sinh.
Thế nhưng, kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, các chính sách đối ngoại của Bắc Kinh bỗng trở nên đầy tham vọng và đối đầu. Giờ đây, rõ ràng Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập một trật tự thế giới mới đầy lôi cuốn và ma mị, mà bản thân chính quyền Việt Nam cũng bị quyến rũ để rồi trở thành một phần trong kế hoạch ấy.
Trung Quốc đã làm điều đó bằng cách nào, và ra sao?
Bài viết này chỉ ra ba thủ thuật bành trướng của Trung Quốc, tham khảo từ một nghiên cứu mới ra của chuyên gia Minxin Pei, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Claremont McKenna (Mỹ).
Bành trướng nhờ quyền lực kinh tế
Những năm tháng “ẩn dật” dưới thời Đặng đã vun vén cho Trung Quốc một nguồn thặng dư thương mại và các khoản dự trữ ngoại hối dồi dào.
Đây chính là vũ khí mà Trung Quốc dùng để đánh vào vị trí yếu nhất trong trật tự kinh tế phương Tây: hỗ trợ phát triển cho các nước nghèo. Tích hợp các hoạt động thương mại vào chiến lược địa chính trị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dùng tiền để theo đuổi chiến lược bành trướng toàn cầu thông qua đầu tư trực tiếp và các khoản vay.
Từ năm 2000 đến năm 2008, chương trình viện trợ của Trung Quốc chỉ khoảng 7,6 tỷ đô-la một năm. Nhưng sau 2009 thì nó trở thành một cơn bão, mức trung bình viện trợ đã lên tới khoảng 40 tỷ USD một năm.
Vậy Trung Quốc viện trợ cho ai?
Trong số mười quốc gia nhận viện trợ hàng đầu của Trung Quốc, thì sáu nước là độc tài toàn phần, và ba nước là độc tài cạnh tranh, nơi giới chóp bu cầm quyền thông qua các cuộc bầu cử gian lận. Thống kê này đã cho thấy Trung Quốc có một niềm yêu thích đặc biệt đối với các chính quyền độc tài, như một chỗ dựa vững vàng cho tính chính danh cho quyền lực của đảng Cộng sản.
Nếu các chương trình viện trợ nước ngoài của Trung Quốc tập trung vào các chế độ độc tài, thì những nỗ lực phát triển kinh tế toàn cầu gần đây của Bắc Kinh lại thể hiện tham vọng địa chính trị khổng lồ.
Kể từ khi Tập lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Trung Quốc đã cho thành lập hai tổ chức tài chính quốc tế đa phương nhưng do Trung Quốc lãnh đạo: Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) mà Việt Nam bắt đầu tham gia vào năm 2015.
Thông qua hai mạng lưới này, các nước có thể làm ăn với Bắc Kinh (và làm ăn với nhau) một cách dễ dàng hơn và rẻ hơn nhiều, tới mức họ có thể lệ thuộc vào nó và rơi vào quỹ đạo thương mại của Bắc Kinh, như cái cách cả thế giới đã phải tự ràng buộc với Mỹ giai đoạn sau năm 1945. Tầm nhìn của Tập là NDB và AIIB có thể thay thế Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM). Từ đây, Trung Quốc có thể trở thành trung tâm thương mại và tài chính toàn cầu thay thế Mỹ.
Không chỉ vậy, chưa đầy một năm sau khi “lên ngôi” Tổng Bí thư, Tập Cận Bình đã công bố “Sáng kiến Vành đai và Con đường – BRI”. Theo đó, Trung Quốc chi ra hơn 1.000 tỷ đô-la cho cơ sở hạ tầng trên khắp vùng AfroEurasia (Phi-Âu-Á) rộng lớn. Do triển vọng của các khoản vay để chi trả cho các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu, khoảng bảy mươi quốc gia đã đồng ý tham gia vào kế hoạch này.
Khi Tập Cận Bình ghé Hà Nội vào cuối năm 2017, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết một Bản Ghi nhớ rằng sẽ cùng nhau thúc đẩy chiến lược “Hai Hành lang, Một Vành đai” cùng với “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Bắc Kinh đã trút hầu bao khoảng 40 tỷ đô-la để đầu tư trực tiếp vào các quốc gia trong mạng lưới Vành đai Con đường, và cho vay gần 300 tỷ đô-la, theo số liệu cuối năm 2016. Bao nhiêu trong số đó đã đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng? Không ai có thể biết được.
Cái mà người ta biết chắc chính là những ràng buộc kèm theo các khoản vay.
Các nước buộc phải sử dụng các nhà thầu Trung Quốc để xây dựng các dự án do Trung Quốc tài trợ. Họ cũng liên tục phải nhún nhường Trung Quốc trong các vấn đề chính trị để duy trì mối bang giao, khi mà các dự án cơ sở hạ tầng này thường mất nhiều thời gian để hoàn thành.
Cùng với NDB và AIIB, Vành đai – Con đường đã tạo ra một canh bạc tài chính lớn nhất kể từ khi Trung Quốc thành lập. Lợi ích trước mắt là Trung Quốc đã có thể nâng cao vị trí chiến lược của mình và có tiếng nói đầy trọng lượng trên trường quốc tế. Song nếu chiến lược này thành công về lâu về dài, thì Trung Quốc còn có thể tái định hình trật tự địa chính trị trên toàn thế giới.
Bành trướng về địa chính trị
Tháng 4 năm 2012, lực lượng hải quân Trung Quốc đã chiếm lấy Scarborough Shoal, một rạn san hô nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 1.000 cây số nhưng chỉ cách 200 cây số về phía Tây Philippines. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền trên khu vực này và một cuộc tranh cãi đã nổ ra dữ dội.
Năm tháng sau, Bắc Kinh không ngừng leo thang tranh chấp với Nhật Bản, sau khi chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo Senkaku (Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Diaoyu hay Điếu Ngư) vốn thuộc sở hữu tư nhân của một người Nhật. Mạnh tay hơn, vào ngày 23/11/2013, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố thành lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ngay trên Biển Hoa Đông.
Ngay sau đó, Bắc Kinh cho một hạm đội lớn đến bảy rạn san hô ở Trường Sa vào năm 2014 để “hô biến” rạn san hô thành đảo nhân tạo. Bất chấp những tiếng nói phản đối, Trung Quốc bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng và các sơ sở quân sự, gồm các sân bay để đáp máy bay chiến đấu.
Tuy Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague đã ra phán quyết chống lại tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền trên Biển Đông, song chính quyền Tập Cận Bình hoàn toàn phớt lờ. Khi các tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ tiến hành các hoạt động hàng hải trên khu vực này để thách thức tuyên bố của Trung Quốc, thì quân đội Trung Quốc đã đáp lại bằng cách cho tàu và máy bay phản lực của mình ra quấy rối.
Nếu buộc được các quốc gia khác phải thuận theo cơn bành trướng của Trung Quốc, thì không còn gì đáng lo ngại bằng.
Trung Quốc có thể củng cố sự tồn tại của nó trên cả một dải đại dương rộng lớn, thực thi các yêu sách ở những nơi mà đáng ra phải là vùng biển quốc tế. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc còn có thể làm suy yếu niềm tin của các quốc gia vào trật tự do Mỹ thiết lập, khi mà họ thấy Mỹ chẳng giúp ích được gì trong vấn đề an ninh khu vực.
Như vậy, Trung Quốc đang đi trên con đường khôi phục vị thế của mình và trở thành bá chủ trong khu vực.
Bành trướng bằng quyền lực mềm
Trụ cột thứ ba trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc chính là sử dụng quyền lực mềm.
Hoàn toàn nhận thức được vẻ kém hấp dẫn của ý thức hệ cộng sản, sự thống trị cố thủ của truyền thông phương Tây, và lợi thế áp đảo của Mỹ trong quyền lực mềm, Trung Quốc đã lựa chọn một lối chơi lắt léo hơn.
Bằng cách phát triển kinh tế và trở thành lò sản xuất công nghiệp cũng như mảnh đất béo bở cho đầu tư, hình ảnh về Trung Quốc trong mắt nhiều người phương Tây đã trở nên lung linh tráng lệ.
Sau Thế vận hội Mùa hè 2008 tại Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản đã chi hàng tỷ đô-la để mở rộng hoạt động nước ngoài của ba cơ quan truyền thông do đảng này kiểm soát: Đài Truyền hình Trung ương (CCTV), báo Tân Hoa Xã, và tờ Nhân dân Nhật báo.
Nhờ tiền tươi thóc thật, cả ba đã có mặt khắp nơi. Tân Hoa Xã có 180 văn phòng ở nước ngoài, hiện diện dày đặc, chỉ thua ba cơ quan tin tức phương Tây lớn nhất (AFP, AP, và Reuters). Thậm chí, cơ quan thông tấn của Trung Quốc còn phát sóng 24 giờ một ngày bằng tiếng Anh. Cuối năm 2017 mới đây, CCTV còn lan sang khắp các quốc gia châu Phi, vượt mặt các hãng truyền thông phương Tây vốn thống trị xưa nay như CNN và BBC.
Trên Quảng trường Thời đại Manhattan, Tân Hoa Xã chi hàng triệu đô-la thuê một bảng quảng cáo đèn LED để phát các tin tức do đảng Cộng sản tài trợ, đặt một cách hài hước ngay bên cạnh những nhãn hiệu thương mại như Coca-Cola, Prudential, Samsung.
Một chiêu bài khác của Trung Quốc là quảng bá văn hóa bằng cách xây dựng tràn lan các Viện Khổng Tử ở nhiều quốc gia.
Được thành lập vào năm 2004 do Bộ Giáo dục Trung Quốc điều hành, Viện Khổng Tử có trách nhiệm tiến hành giảng dạy ngôn ngữ và truyền bá văn hóa Trung Quốc trên khắp thế giới. Tính đến cuối năm 2017, đã có 525 Viện Khổng Tử trải rộng trên 146 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
—
Giờ đây, Trung Quốc đã thực sự có một chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế.
Trung Quốc trở thành một quốc gia đầy ảnh hưởng đối với nền kinh tế khu vực Đông Nam Á. Nhiều quốc gia châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông đã mở rộng quan hệ ngoại giao, thậm chí còn “nghe lời” Trung Quốc trong các chính sách đối ngoại, như cắt quan hệ với Đài Loan. Tính tới tháng 6 năm 2018, trên châu Phi chỉ còn duy nhất một quốc gia duy trì quan hệ với Đài Loan là Swaziland.
Liên minh chiến lược của Bắc Kinh với Moscow đã tăng cường sức mạnh của Bắc Kinh trong việc đối phó với Washington.
Quan trọng hơn, chuyện Biển Đông như “gạo đã nấu thành cơm”, khi mà Mỹ dường như không thể khiến Trung Quốc ngừng các hoạt động trên khu vực này.
Dĩ nhiên, còn quá sớm để cho rằng chiến lược lớn mới của Trung Quốc sẽ thành công. Tuy nhiên, mối lo ngại thường trực về Trung Quốc là một chuyện không chỉ dễ hiểu mà còn xác đáng. Bằng sức mạnh đang ngày càng củng cố của mình, Trung Quốc có thể quấy nhiễu bất cứ một quốc gia nào bằng bất cứ một mánh khóe gì, giống như những gì nó đã và đang làm trên Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét