LSNguyễn Văn Đài, bà Vũ Minh Khánh (bên trái) và bà Lê Thu Hà, ngày 8/6/2018 tại Đức. Ảnh Facebook Vũ Minh Khánh.
Gần 4 năm sau cái đêm tù nhân lương tâm nổi tiếng Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bất thần bị công an dựng dậy ở nhà tù Nghệ An, với hành trang chỉ là đôi dép tổ ong mòn vẹt không kém nổi tiếng của các trại tù Việt Nam, bị áp giải tới sân bay quốc tế Nội Bài và bị tống xuất thẳng sang Hoa Kỳ, lịch sử đã lặp lại.
Lịch sử lặp lại
Đêm 7 tháng Năm năm 2018, một tù nhân lương tâm được cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền đặc biệt quan tâm là Luật sư Nguyễn Văn Đài, cùng nữ cộng sự của ông là Lê Thị Thu Hà, cũng đã bị nhà cầm quyền và công an Việt Nam tống xuất ra nước ngoài, nhưng không phải đi Mỹ mà là đi Đức.
Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Thu Hà bị công an Việt Nam bắt vào tháng Mười Hai năm 2015. Nguyễn Văn Đài bị giáng án nặng nhất - 15 năm tù giam, còn người phụ nữ có hai con nhỏ là Lê Thị Thu Hà cũng bị đến 9 năm tù giam.
Nhưng vì sao chỉ vài tháng sau đó, nhà cầm quyền Việt Nam lại thả Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Thu Hà, dù buộc phải hai nhà hoạt động nhân quyền này phải đi tị nạn chính trị ở Đức chứ không được ở lại quê hương?
Vì ‘lý do nhân đạo’ hay thể hiện ‘lượng khoan hồng của đảng và nhà nước ta’ chăng?
Ruỗng mục chân đứng
Vào lúc này, quá nhiều khó khăn kinh tế đã tích tụ và chồng chất để trở thành nỗi bế tắc được định dạng ngay trên gương mặt thất thần của đảng Cộng sản. Nếu không khẩn cấp tìm ra lối thoát kinh tế và tài chính, chẳng mấy năm nữa đảng sẽ sạch tiền, sẽ không còn tiền nuôi đội ngũ công chức viên chức ‘còn đảng còn mình’ lên đến gần 3 triệu người, cùng một lực lượng vũ trang và bán vũ trang hoặc chỉ biết đàn áp quyền làm người của dân chúng, hoặc chỉ lo làm ‘kinh tế quốc phòng’ mà chẳng hề bảo vệ ngư dân Việt trong lúc tàu Trung Quốc hùng hổ tấn công, hành hung và bắn giết.
Trong toàn bộ bức tranh u tối ấy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) là lối thoát được Bộ Chính trị đảng ở Việt Nam kỳ vọng nhất.
Về thực chất, cái chế độ tham lam, tham nhũng và đang rơi vào cảnh đói khát chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm - gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Vào nửa đầu năm 2017, mọi việc đã tưởng như thuận buồm xuôi gió khi Việt Nam chỉ còn chờ Nghị viện châu Âu ‘chốt’ EVFTA.
Thế nhưng chỉ trong vòng 9 tháng, cánh cửa của EVFTA vừa hé ra đã sập trở lại ngay trước mũi giới chóp bu Việt Nam.
Hai cú sập cửa
Cú sập đầu tiên xảy ra vào tháng Tám năm 2017, ngay sau khi Nhà nước Đức ra thông báo tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.
Bởi sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, Nhà nước Đức không chỉ trục xuất hàng loạt cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, mà còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
Vào tháng Sáu năm 2018, Bộ Quốc phòng Đức còn đình chỉ quan hệ làm việc cấp cao với Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao của Việt Nam đang được quốc tế hóa với tốc độ tên lửa.
Giờ đây, không chỉ người Đức, Slovakia, Ba Lan, mà nhiều nước trong khối EU và cả ngoài EU hẳn đang phải khẩn cấp thiết lập một hàng rào ngăn chặn mật vụ Việt Nam thâm nhập Lục Địa Già, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam với phần lớn châu Âu.
Cú sập cửa thứ hai đã vang động đất nước của những tiếng sầm sập cửa nhà tù. Bản án bất công và án tù khủng khiếp đến 66 năm đối với 6 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ đã kích thích phản ứng quốc tế có thể không mấy kém thua vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.
Hội Anh Em Dân Chủ đã làm được nhiều hơn bất cứ tổ chức xã hội dân sự nào khác, và hơn hẳn toàn bộ khối tổ chức hội đoàn nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Tổng liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên cộng sản… trong mục tiêu hỗ trợ ngư dân và giáo dân 4 tỉnh miền Trung đòi lại công lý và tiền đền bù sau thảm họa xả thải ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra vào hai năm 2016 và 2017.
Bước ngoặt lớn
Hai cú sập cửa vang động đối với EVFTA đang khiến chính thể Việt Nam rất có thể sẽ phải chịu cảnh đổ vỡ hiệp định này sau khi đã gần như mất TPP, không những thế còn phải lâm vào cảnh cô đơn tuyệt đối về chính trị, hệt như chế độ độc trị tàn bạo ở Bắc Triều Tiên mà đã khiến tuyệt đại thế giới phải quay lưng với nó.
Nhưng sự cô đơn tuyệt đối không chỉ ứng với thân phận chế độ mà còn có thể ‘quả báo’ dành cho số phận cá nhân trong cái chế độ ấy. Tương lai sẽ đen tối và khủng khiếp đến thế nào nếu trong thời gian tới cơ quan công tố Đức phát tiếp lệnh truy nã toàn châu Âu đối với giới quan chức cao cấp của ‘đảng và nhà nước ta’, sau một lệnh truy nã dành cho Trung tướng Đường Minh Hưng phụ trách an ninh của Bộ Công an?
Muốn thoát ra tình trạng bế tắc tuyệt đối về kinh tế, chính trị và đối ngoại ấy, không còn cách nào khác là phải quay lại cơ chế ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’ như thời TPP trước đây.
Nguyễn Văn Đài là cái tên được Chính phủ Đức đặc biệt quan tâm. Vào tháng Tư năm 2017 trong lúc đang bị Việt Nam giam giữ chờ khởi tố, ông Đài đã được Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao Giải Nhân quyền 2017 của Hiệp hội Thẩm phán Đức.
Việc chính thể Việt Nam chấp nhận trả tự do, dù vẫn theo cách tống xuất ra nước ngoài đối với Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Thu Hà, không chỉ đơn thuần là việc thả hai tù nhân chính trị, mà quan trọng hơn nhiều là sự đánh dấu một điểm ngoặt lớn về tính xu thế: sau một thời gian dài co kéo mặc cả với Chính phủ Đức, sức bền mỏi của chính thể Việt Nam đã sa vào vùng giới hạn dưới mà không thể trả treo và kéo dài lâu hơn nữa.
Trong giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, có thể đánh giá Nguyễn Văn Đài là người năng nổ, sáng tạo, dám hành động và hành động có hiệu quả nhất, cũng là một trong số ít người có nhiều quan hệ với quốc tế và có ảnh hưởng quốc tế nhiều nhất. Vì thế đối với nhà cầm quyền Việt Nam, Nguyễn Văn Đài đương nhiên bị xem là nhân vật nguy hiểm nhất, cùng với Hội Anh Em Dân Chỉ là tổ chức nguy hiểm nhất.
Việc Việt Nam chấp nhận phóng thích nhân vật nguy hiểm nhất như Nguyễn Văn Đài càng cho thấy rõ hơn về điểm ngoặt, nếu không muốn nói là bước ngoặt, trong xu thế buộc phải cởi nới nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam - một xu thế tất yếu và không thể đảo ngược.
Có thể cho rằng nếu yêu cầu kiêm điều kiện của Đức về việc phải thả Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Thu Hà không được thỏa mãn, với tư cách là đầu tàu kinh tế và cũng là một trong những đầu tàu chính trị trong khối EU, Đức sẽ thẳng tay phủ quyết EVFTA và còn thể đưa vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ theo hướng quốc tế hóa và tạo ra thế triệt buộc đối với chính thể và một số quan chức cao cấp của Việt Nam.
Cũng có thể cho rằng con đường nhân quyền cho Việt Nam đã lật sang một trang mới, chuyển sang một thời kỳ mới từ sự kiện tự do của Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Thu Hà vào tháng Sáu năm 2018.
Nhân quyền sang trang mới
Tuy nhiên khác với điều kiện ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’ thuần túy khi phải phóng thích 12 tù nhân chính trị vào năm 2014, việc chính thể Việt Nam tống xuất Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Thu Hà vào thời điểm này có thể chưa liên quan mật thiết đến các điều kiện để được thông qua EVFTA, mà ngay trước mắt có thể chỉ là một động tác ‘xin lỗi Đức’.
Xin lỗi về vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.
Và cũng khác với trước đây chỉ ‘đổi hàng giá trị thấp hoặc trung bình’, giờ đây giới con buôn chính trị bắt buộc phải đổi hàng giá trị cao, thậm chí giá trị cao nhất. Như Nguyễn Văn Đài.
Còn sau đó sẽ là gì?
Trong không ít lần đối thoại và đàm phán với Việt Nam, người Đức luôn đề cập đến giá trị của nhà nước pháp quyền, công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, thả tù nhân lương tâm quyền tự do lập hội, và tự do biểu tình, quyền tự do báo chí và tự do tôn giáo, xã hội dân sự độc lập…
Từ giữa năm 2016, bàn cờ đối thoại và đàm phán về nhân quyền đã dần chuyển từ tay người Mỹ sang Liên minh châu Âu. Còn sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, có vẻ như người Đức duy lý, rất nguyên tắc và theo phương châm cứng rắn đang cầm chịch và cầm đằng chuôi trong phần lớn hoạt động và nội dung đàm phán nhân quyền, thậm chí đàm phán chi tiết ‘một đổi một’ với giới con buôn Hà Nội.
Có thể hình dung việc Việt Nam chấp nhận phóng thích Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Thu Hà chỉ là biểu hiện có tính minh chứng đầu tiên về ‘cải thiện nhân quyền’ trong thời gian còn lại của năm 2018. Vẫn còn rất nhiều nhà hoạt động nhân quyền khác đang phải chịu ách kềm kẹp, trong đó có blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - người đàn bà hai con nhỏ đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh tặng danh hiệu ‘Người phụ nữ can đảm quốc tế’ vào đầu năm 2017 và đang phải chịu án tù 10 năm đằng đẵng…
Khác nhiều với thời kỳ trước khi đã ‘đi’ là thường ‘đi luôn’, những gương mặt đấu tranh nhân quyền nổi bật bị bắt vào thời gian này chỉ có án chứ không có ‘tuổi’. Bất chấp những bản án tù đối với họ nặng nề đến hàng chục năm hoặc hơn, họ vẫn có thể hiên ngang bước ra khỏi nhà tù vào bất cứ thời điểm nào mà áp lực quốc tế đủ mạnh để cánh cửa trại giam phải mở toang ra.
Khác nhiều những năm trước, tình trạng suy nhược cơ thể toàn diện của đảng Cộng sản đang tạo ra tương quan lực lượng cân bằng hơn giữa chính thể này với phong trào dân chủ nhân quyền.
Tháng Sáu năm 2018, nhân quyền Việt Nam bước sang một trang mới và hy vọng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét