Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

3477 - Cập nhật kết quả công khai phiếu bầu Luật an ninh mạng

Với nỗ lực của các cử tri và báo chí, đến nay chúng ta tạm thời có thể xác nhận được 8 trên 15 ĐBQH không tán thành, 1 trên 28 ĐBQH không biểu quyết luật An ninh mạng, bao gồm:
KHÔNG TÁN THÀNH:
1. Ông Dương Trung Quốc (Đoàn đại biểu Đồng Nai)
Trả lời báo chí, ông nhận là một trong 15 ĐBQH ấn nút không tán thành luật An ninh mạng trong phiên họp Quốc hội ngày 12/6. Ông cho biết thêm: “Với bất cứ nội dung gì dù nhạy cảm hay không, nếu báo chí và cử tri hỏi, tôi luôn sẵn sàng công khai quyết định của mình trên nghị trường.”
Không những vậy, ông còn khuyến khích Quốc hội công khai phiếu bầu/minh bạch biểu quyết để người dân có thể biết rõ thái độ của từng ĐBQH.
2. Ông Phan Văn Tường (Đoàn đại biểu Thái Nguyên)
Ngày 14/6, trả lời báo Văn nghệ Thái Nguyên, ông cho biết: “Tôi là một trong số ít người chưa đồng ý ban hành luật An ninh mạng.”
Cũng như ông Dương Trung Quốc, ông nhấn mạnh rằng sẽ không ngần ngại công khai quan điểm khi được cử tri chất vấn.
3. Ông Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn đại biểu An Giang)
Trả lời chất vấn của một vài cử tri, ông Nguyễn Lân Hiễu cũng cho biết ông là thiểu số ít ỏi bỏ phiếu không tán thành cho luật An ninh mạng gây tranh cãi này.
4. Ông Nguyễn Văn Chiến (Đoàn đại biểu Hà Nội)
Tương tự, ông Nguyễn Văn Chiến cũng trả lời một số cử tri ngay sau phiên họp Quốc hội về thái độ không tán thành của mình với điều luật đang gây tranh cãi này.
Còn lại 4 vị ĐBQH dưới đây được ghi nhận từ một người dùng Facebook theo đường link: HỌ ĐÃ VÌ NHÂN DÂN! (FB Mai Quốc Ấn). Nếu ai có thêm thông tin xác nhận nào của 4 vị này (hoặc bất cứ ai khác) xin cùng chia sẻ.
5. Ông Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh)
6. Ông Hồ Quang Bình (Đoàn đại biểu An Giang)
7. Bà Trần Thị Dung (Đoàn đại biểu Điện Biên)
8. Bà Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn đại biểu Phú Yên)
KHÔNG BIỂU QUYẾT
1. Bà Dương Minh Ánh (Đoàn đại biểu Hà Nội)
Trả lời một cử tri, bà Dương Minh Ánh xác nhận là không biểu quyết luật An ninh mạng.
Ngoài những đại biểu trên đây, nhiều cử tri đã chia sẻ các cuộc gọi chất vấn của mình với những đại biểu khác, tuy nhiên hầu hết tránh trả lời câu hỏi về phiếu biểu quyết của mình bằng các lý do khác nhau.
Có lẽ, chúng ta có quyền đặt câu hỏi tại sao 423 ĐBQH ấn nút tán thành luật An ninh mạng nhưng cho đến nay chưa có vị nào dám công khai phiếu bầu của mình với cử tri? Trong khi đó, tất cả những người công khai thái độ đều thuộc vào nhóm thiểu số. Lẽ nào, những người bỏ phiếu tán đã ấn nút vì một lý do gì khác thay vì ý chí nguyện vọng của người dân, và điều đó khiến họ không dám minh bạch trước cử tri của mình?
Để trả lời những câu hỏi trên, cử tri chúng ta không còn cách nào khác là phải tiếp tục liên lạc, chất vấn, gây sức ép để các đại biểu thực hiện trách nhiệm giải trình của mình.
Ghi chú:
Quyền và nghĩa vụ giám sát, chất vấn ĐBQH của cử tri được ghi trong điều 79 Hiến pháp Việt Nam như sau:
1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước.
2. Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
3. Đại biểu Quốc hội phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.”
Ngoài ra, theo điều 45 luật Tổ chức Quốc hội thì:
Đại biểu Quốc hội có thể bị cử tri của đơn vị bầu ra mình bãi miễn trước khi hết nhiệm kỳ, nếu không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Việc bãi miễn một đại biểu Quốc hội phải được quá nửa tổng số cử tri trong đơn vị bầu cử bỏ phiếu tán thành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét