Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

15096 - Đôi điều với phó Thủ tướng Vương Đình Huệ…


Đọc báo sáng nay thấy có bài viết về ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ông Huệ cho rằng “Việt Nam cần có con đường đi riêng với giải pháp khả thi chứ không rập khuôn theo bất cứ mô hình nào”. Cá nhân tôi nhận thấy đây là một ý kiến có hai mệnh đề, có đúng, có sai.
Đúng là vì VN không thể mãi mãi rập khuôn “ý thức hệ” TQ, thấy TQ làm cái gì VN bắt chước làm cái đó.
Từ 70 năm nay đảng CSVN chưa “tự chủ” được cái gì về tư tưởng. Trước thì theo mô hình cộng sản của Liên Xô. Khi LX sụp đổ thì bám theo TQ. Thấy TQ “dò đá qua sông” VN cũng men theo qua sông (mà không biết dùng chân dò đá). Lãnh đạo TQ bày ra cái gọi là ý thức hệ “Xã hội chủ nghĩa theo bản sắc Trung Hoa” để mở cửa đón tư bản nước ngoài. VN rập khuôn với “Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa”. Cả hai đều có cùng chủ đích dùng tư bản và khoa học kỹ thuật nước ngoài để phát triển đất nước. TQ họ “chế” ra “ý thức hệ” đặc sắc TQ nên họ “Dùng chân dò đá” mở cửa có lớp lang thứ tự, có học hỏi có bài bản. Trong vụ này TQ thành công 10 thì VN nhiều lắm 2, 3. Bởi vì VN thấy TQ làm gì thì bắt chước làm theo, không cần biết điều đó có cạm bẫy nợ nần, hay có gây hại cho đất nước hay không?
Nếu ông Huệ và các đồng lưu chủ trương chấm dứt việc “nhái” mô hình TQ thì tôi hết lòng ủng hộ. Điều trước tiên cần làm là gì?
Theo tôi VN cần phải khẳng định sự “độc lập” và “tự chủ” đối với TQ, quan trọng là việc lựa chọn lãnh đạo cấp cao.
Theo thông lệ, đảng cử dân bầu, mà thực ra bộ máy tổ chức của đảng đã lựa chọn sẵn nhân sự. Người dân chỉ có vai trò duy nhứt là là “chuẩn nhận” sự lựa chọn này (thông qua bầu cử).
Vấn đề là nhân sự được lựa chọn đều là đảng viên đảng CS và thành phần này được TQ đào tạo.
Như vậy từ lâu nay VN được lãnh đạo bởi những người của TQ.
Theo một lý thuyết địa chính trị cổ điển, các việc cần làm để một quốc gia trở thành “đại cường”, là các chính sách quốc phòng, đối ngoại… của quốc gia được áp dụng sao cho các nước lân bang hoặc phải “nghèo”, “yếu”… hoặc phải lệ thuộc kinh tế, ý thức hệ…
Rõ ràng VN đã “lệ thuộc” vào TQ nhiều thứ. Từ ý thức hệ chính trị, kinh tế, cho tới việc đào tạo nhân sự lãnh đạo. Các “cường quốc” lân bang của TQ trước đây, từ vị thế cạnh tranh với TQ chuyển sang “phụ thuộc” hay “hỗ tương phụ thuộc” về kinh tế.
Hệ quả của việc này tác hại lên đất nước VN vừa lâu dài, vừa sâu sắc. Thí dụ, một điều mà người Việt coi là “tầm thường”, là việc lựa chọn nguồn nước và địa điểm lọc nước phục vụ cho dân chúng. Nếu lãnh đạo có “tầm nhìn” và có ý chí phục vụ cho dân, thì họ không thể ký cùng lúc giấy phép cho xây dựng trại nuôi heo và nhà máy lọc nước kế cận nhau, hay các hoạt động ô nhiễm ở thượng nguồn hồ chứa nước.
Với một dàn lãnh đạo mang tâm thế “Trọng Thủy” thì VN “suy yếu” là cũng phải.
Vậy thì việc khẳng định “độc lập” và “tự chủ” trước TQ là cấp bách. Vấn đề phải thực hiện ra sao?
Ở các xứ dân chủ “giẫy chết” người ta có câu “châm ngôn”: Bất kỳ hành vi nào thể hiện quyền lực Nhà nước, nếu không thông qua ý chí của người dân, hành vi này không chính đáng”.
Ở các nước này, từ tỉnh trưởng, quận trưởng, huyện… cho tới dân biểu, nghị sĩ… đều “đảng cử dân bầu”. Càng nhiều đảng thì càng “dân chủ”, người dân có nhiều lựa chọn. Có nơi bầu tổng thống. Có nơi dân biểu quốc hội bầu thủ tướng lên lãnh đạo chính phủ. Tất cả những người này đều thông qua “ý chí” của người dân, thể hiện qua lá phiếu. Hành vi thể hiện quyền lực của họ là “chính đáng” vì họ được sự “chuẩn nhận” của người dân.
Nếu suy cho cùng thì từ 70 năm nay, mọi hành vi thể hiện quyền lực của đảng CSVN đều “không chính đáng”. Hệ quả là mọi cam kết mang tính “quốc tế” của quốc gia CHXHCNVN (và VNDCCH trước đó) có thể sẽ không có hiệu lực pháp lý.
Phải chăng đã đến lúc đảng CSVN giải tán vì đã hoàn tất nhiệm vụ lịch sử và nhân sự đảng phân chia ra làm hai đảng (hoặc 3, 4, 5… đảng, càng nhiều càng tốt), để khẳng định sự độc lập và tự chủ của VN trước TQ?
Cái sai của ông Huệ là nói VN “không thể rập khuôn theo mô hình nào”.
Theo tôi, VN bây giờ không đủ “trí tuệ” để “sáng chế” ra một “ý thức hệ”, hay vạch ra một “con đường” riêng phù hợp cho VN. Và VN cũng không có thời gian để thử nghiệm, điều chỉnh, áp dụng…
VN bao nhiêu năm nay đã là “thí điểm”, là “con chuột bạch” để “thí nghiệm” đủ mọi thứ chủ nghĩa! Người dân chán ngán và đất nước tan nát hết rồi!
Vì vậy, theo tôi, nhân cơ hội (bên Mỹ có hội thảo) nói về “Chủ nghĩa cộng hòa” và về chế độ Việt nam Cộng hòa ở miền Nam. Chế độ này xem ra, nếu so sánh với các chế độ ở Phi, Thái lan, Mã lai, Indonesia… hiện nay, tuy “cũ xưa” nhưng nền tảng chế độ này vẫn có nét “ưu việt” hơn. Mô hình chế độ VNCH là mô hình phát triển của Đài loan hiện nay. Về hoàn cảnh lịch sử, về ảnh hưởng văn hóa có rất nhiều điểm tương đồng.
Nếu ông Huệ muốn tìm một mô hình “đặc thù” cho VN thì VNCH cũng là “lịch sử”, là “di sản”, là một thành phần của VN.
Vấn đề khó cho ông Huệ và đồng liêu không phải là việc “kế thừa” cái của tổ tiên mình để lại. Mà là có bản lĩnh cởi bỏ sự trói buộc “ý thức hệ”, cởi bỏ mối tương quan “địch-ta” giữa những người “có cùng gia phả” để phủ nhận sự áp đặt của TQ hay không!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét