Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

15267 - Khi nhà nước bắt đầu tham nhũng vặt



                                       Bán buôn của người nghèo ngày giáp Tết.


Ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu của tỉnh Thái Bình tại Quốc hội vừa bác bỏ những cáo buộc ông toan siết cổ những người nghèo đang bám vào lề đường để mưu sinh...Tuần trước, khi tường thuật cuộc thảo luận của các đại biểu Quốc hội về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, một số cơ quan truyền thông cho biết, ông Thân bảo rằng, ở Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh nhưng chỉ có 1,7 triệu đóng thuế môn bài, 3,3 triẹu hộ còn lại không đóng bất kỳ khoản thuế, phí nào cho công quỹ.
Ông đã hỏi thăm một phụ nữ bán nước và thuốc lá ở vỉa hè thì cô bảo những người như cô phải đóng nhiều khoản, tổng cộng khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Ông Thân ước tính, nếu mỗi hộ kinh doanh đóng 1 triệu đồng/tháng, một năm đóng 12 triệu thì với 3,3 triệu hộ kinh doanh, công khố sẽ có thêm 39.600 tỷ đồng/năm (1)...
Do một số cơ quan truyền thông chỉ tóm lược ngắn gọn như thế, kèm những nghi vấn như “Có thể thu ngân sách 39.600 tỉ đồng từ các hộ bán hàng nước, thuốc lá vỉa hè?”, ông Thân – một người vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - bị công chúng chửi như tát nước vào mặt.
Qua tờ Tuổi Trẻ, ông Thân vừa đề nghị công chúng xem lại biên bản cuộc thảo luận hôm 31 tháng 10 tại Quốc hội để biết chính xác phát biểu của ông.
Ông Thân nhắc lại, ông đã nhấn mạnh, mỗi tháng, những người nghèo đang bám vào lề đường để mưu sinh vẫn phải đóng nhiều khoản nhưng những khoản đó không được chuyển vào công khố là một điều vô lý. Thay vì đóng góp để được pháp luật bảo hộ thì người nghèo mưu sinh ở vỉa hè nộp tiền chỉ để được… “bảo kê” (2).
Khi nhờ báo giới giúp phân trần với công chúng, ông Thân nói thêm, tình trạng người nghèo bám vào lề đường để mưu sinh phải nộp tiền “bảo kê” chính là bằng chứng về cái mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn gọi là… tham nhũng vặt!
Con số mà ông Thân ước đoán những người nghèo bám vào vỉa hè mưu sinh ở Việt Nam phải chi hàng năm để nuôi tham nhũng vặt có thể không thật sự chính xác nhưng rất đáng ngẫm nghĩ: 39.600 tỉ/năm! Tại sao gần 40.000 mỗi năm mà lại xem là… vặt và không cần vội trong phòng – chống?
Thật ra, sử dụng công quyền như công cụ để thu tiền “bảo kê” những người nghèo bám vào vỉa hè để mưu sinh không phải chuyện mới. Vấn nạn này đã xuất hiện cách nay vài thập niên và càng ngày mức độ tồi tệ càng trầm trọng hơn. Vỉa hè không chỉ là chỗ siết cổ người nghèo để thu lượm những đồng bạc lẻ, đẫm mồ hôi, nước mắt của họ.
Vỉa hè đã trở thành mỏ cho nhiều cá nhân, băng nhóm khai thác. Tháng 3 năm 2017, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội, khuấy động dư luận khi tuyên chiến với việc phân chia - chiếm dụng vỉa hè. Ông Chung khẳng định, 87% quán bia hơi chiếm dụng vỉa hè ở Hà Nội để kinh doanh có công an “chống lưng”. Lúc đó, tại một hội nghị về trật tự giao thông, trật tự đô thị, ông Chung hỏi trưởng công an các phường, chủ tịch, bí thư các quận rằng họ có dám cam kết với ông là các điểm giữ xe, chiếm dụng vỉa hè “không có người nhà của các đồng chí không?” (3)… Tuy nhiên cuộc chiến mà ông Chung khởi xướng xẹp xuống rất nhanh, vỉa hè Hà Nội vẫn thế!
Tương tự, ở TP.HCM, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1 “tả xung, hữu đột” trong việc “lập lại trật tự” trên vỉa hè quận này. Lúc đó, dẫu ông Hải tuyên bố, không giành lại được vỉa hè, ông sẽ “cởi áo về vườn” nhưng chẳng mấy người tin ông sẽ thành công. Ở Việt Nam và đặc biệt là tại những đô thị như Hà Nội, TP.HCM,… vỉa hè không phải là vỉa hè, đó là lãnh địa của nhiều băng, nhóm mà hoạt động phục vụ lợi ích cho các viên chức đủ cấp. Cuối cùng, ông Hải cũng đã phải “cởi áo về vườn” (4)!
***
Chuyện siết cổ người nghèo bám vào vỉa hè để mưu sinh, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, chia nhau khoản tiền cỡ 40.000 tỉ đồng, chuyện biến vỉa hè thành mỏ, chia nhau khai thác,… đã kéo dài vài thập niên và trong mắt nhiều người là một thực trạng dù muốn hay không cũng phải chấp nhận.
Thực trạng ấy chỉ ra một điều, trong chỉ đạo – giám sát việc quản trị - điều hành quốc gia, “đảng ta” hoàn toàn bất lực từ những vấn đề dường như… vặt và… nhỏ.
Ngẫm cho đến cùng, sở dĩ bất kỳ khía cạnh nào, lĩnh vực nào, kể cả… vặt và… nhỏ như… vỉa hè, cũng có thể được các cá nhân tham gia vận hành hệ thống chính trị, hệ thống công quyền khai thác để trục lợi. Không có những khoản lợi ấy, những cá nhân này không còn lý do để trung thành với lý tưởng cộng sản.
Lý tưởng vốn trừu tượng nhưng lý tưởng cộng sản lại là thứ có thể cân, đong, đo, đếm, ước định giá trị! Chẳng có thời nào, nơi nào mà chức vụ luôn luôn tỉ lệ thuận với và chỉ với mức độ trung thành, càng trung thành thì tài sản cá nhân càng lớn như ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đâu phải tự nhiên mà các đảng viên trung kiên bất chấp luật pháp, hành xử càn rỡ, sau đó thi nhau khoe sang, khoe giàu từ cây bút, kính đeo mắt, đồng hồ đeo tay, quần áo… đến xe hơi, biệt thự... bất kể dân lành lầm than, ta thán. Bởi hiểu đảng một cách tường tận, họ mới dám ngông cuồng, ngạo mạn như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét