Một người cha khóc trong tâm trạng chờ con, e rằng con trai mình nằm trong số 39 nạn nhân tại Essex, 27 tháng 10.
Đã có ba gia đình ở Hà Tĩnh được cảnh sát Anh thông báo thân nhân của họ là một trong 39 người uổng mạng trong thảm nạn Essex. Phạm Thị Trà My – 26 tuổi, Nguyễn Đình Lượng – 20 tuổi, Võ Nhân Du – 19 tuổi chỉ là ba trong số 39 nạn nhân mà cảnh sát Anh tin rằng đều là người Việt!
Tuy 39 nạn nhân chết do tìm cách xâm nhập Anh Quốc bất hợp pháp nhưng Anh Quốc chỉ thấy sốc khi 39 nạn nhân thảm tử chỉ vì hi vọng có được một cuộc sống tốt đẹp (3).
Ngay sau đó, tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN, chính thức khuyến cáo: Đừng gán ghép trách nhiệm cho nhà nước (4)!
Rồi Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố, “những kẻ buôn người đã phạm một tội ác nghiêm trọng” và cần phải “trừng trị đích đáng” (5)…
Ngày 3 tháng 11, Thủ tướng Việt Nam chính thức “gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân” (6).
39 người Việt chết ngạt trong một container được phát giác ở Essex không phải là 39 trường hợp đầu tiên tự nguyện trả tiền để biến thành hàng hóa cho dịch vụ vận chuyển người, chỉ vi hi vọng có được một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính họ và gia đình của họ.
Tháng 5 năm 2013, American Thinker - tờ báo điện tử chuyên giới thiệu những bài bình luận về các vấn đề được xem là quan trọng với Hoa Kỳ - từng giới thiệu kết quả khảo cứu của Michael Benge, xác định chính quyền Việt Nam chủ trương buôn người (7).
Vào thời điểm đó, Bộ Công an Việt Nam xác nhận, từ 2004 đến 2009 có 2.935 người Việt là nạn nhân của các vụ buôn người nhưng dựa trên dữ liệu của nhiều tổ chức quốc tế, Benge cho rằng, từ 1990 đến 2013 có ít nhất 400.000 người Việt bị mua bán.
Benge cáo buộc, sau năm 1975, Việt Nam từng gửi hàng trăm ngàn người đi làm thuê tại Liên Xô và các quốc gia cộng sản ở Đông Âu để khấu trừ những khoản đã vay để tiến hành cuộc chiến “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, từ chỗ đưa người Việt đi làm thuê để trả nợ, chính quyền Việt Nam tiến thêm một bước, tổ chức bán sức lao động của người Việt để kiếm ngọai tệ, kể cả làm ngơ, dung túng cho việc bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ tình dục.
Theo Benge, “xuất khẩu lao động” theo kiểu Việt Nam chính là buôn người. Những người nghèo, bế tắc về sinh kế, phải thế chấp nhà cửa, ruộng vườn, vay tiền với lãi suất cao để nộp cho các doanh nghiệp được cấp giấy phép “xuất khẩu lao động”. Họ bị lừa vì công việc ở ngoại quốc không như hứa hẹn (lương cao, điều kiện làm việc lý tưởng), bị thu hộ chiếu, phải làm việc nhiều hơn, điều kiện làm việc tồi tệ hơn, chưa kể hàng tháng còn phải nộp môt khỏan nhất định cho doanh nghiệp “xuất khẩu lao động”…
Benge dẫn hàng loạt trường hợp cụ thể để chứng minh, thực trạng vừa kể là hệ quả tất yếu của một hệ thống câu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động - các ngân hàng và những viên chức chính quyền từ địa phương tới nhiều ngành thuộc chính phủ.
Cũng theo Benge, các cuộc hôn nhân không tình yêu giữa những phụ nữ Việt nghèo khổ với đàn ông ở các quốc gia có mức sống cao hơn chính là một hình thức bóc lột. Chính quyền Việt Nam phải chịu trách nhiệm khi Việt Nam trở thành nơi cung cấp nhân lực cho hoạt động bóc lột tình dục. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bóc lột tình dục ở khắp nơi: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Mã Lai, Đài Loan, Macao, Trung Đông, châu Âu… được thuê để đẻ mướn, khuyến dụ sinh con để bán cho người cần con nuôi…
Không chỉ Michael Benge – American Thinker, nhiều tổ chức quốc tế chống buôn người như Hagar International (8), Walk Free,… cũng nhận định y hệt như vậy. Năm 2013, lần đầu tiên Walk Free công bố “Chỉ số tình trạng Nô lệ Toàn cầu” (Global Slavery Index). Theo đó, Việt Nam xếp thứ 64/162 về tình trạng công dân bị buộc làm nô lệ (bị khống chế, cưỡng ép lao động) cả bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam. Nếu xét riêng khu vực châu Á, Việt Nam xếp thứ 9. Còn xếp theo tổng số nô lệ, Việt Nam đứng thứ 15 (9)…
Đâu phải bây giờ mà từ đầu thập niên 2010, báo chí Anh đã lập đi lập lại về tình trạng người Việt, đặc biệt là trẻ em tự biến chính mình thành nạn nhân của các tổ chức buôn người. BBC từng đăng một phóng sự điều tra của Sam Judah, cảnh báo về tình trạng trẻ em Việt Nam tự nguyện làm “nô lệ hiện đại” cho các tổ chức tội phạm trồng và kinh doanh cần sa trên lãnh thổ Anh (10). Cho dù dẫn đầu về số trẻ vị thành niên là nạn nhân buôn người ở Anh từ 2012 nhưng Việt Nam có làm gì để ngăn chặn không?
Nhìn một cách tổng quát, tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam sáng 2 tháng 11 về “buôn người”, sau khi Việt Nam bị đẩy vào tình thế phải thừa nhận về gốc gác các nạn nhân trong container chuyên dùng để vận chuyển hàng đông lạnh, được phát giác tại Essex hôm 23 tháng 10, vừa dối trá, vừa trâng tráo. Xét cho đến cùng, ai đã đẩy 39 nạn nhận phải mạo hiểm vì hi vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, tiếp tay cho “tội ác nghiêm trọng” đó? Có chắc là chính quyền sẽ “trừng trị đích đáng” các thủ phạm không?
Từ 1994, giới lãnh đạo đảng CSVN đã tuyên bố “phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới”.
Sau BCH TƯ đảng CSVN khóa 7, BCH TƯ đảng CSVN khóa 8 khẳng định, đến 2020, Việt Nam sẽ trở thành “một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Rồi BCH TƯ đảng CSVN khóa 9 giới thiệu “Chiến lược kinh tế xã hội 2001 – 2010”...
Năm 2016, Quốc hội khóa 13 thay mặt BCH TƯ đảng CSVN khóa 12, chính thức xác nhận, nỗ lực “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”, để “phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” là… ảo tưởng, bất khả thi. Ảo tưởng ấy không chỉ hủy diệt nội lực quốc gia, tạo thêm nợ nần vì dòng tiền rót vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…
Ảo tưởng ấy còn đẩy đa số người Việt đến chỗ khốn cùng, xã hội bất an vì đủ thứ vấn nạn, tài nguyên cạn kiệt, môi trường tan hoang, tương lai bấp bênh, bất định. Chưa bao giờ người Việt loay hoay tìm đủ mọi cách cách để tự cứu mình và thân nhân, kể cả trong chuyện ăn uống, hít thở, đi lại,… như hiện nay. Tuy nhiên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không chỉ không nhận lỗi mà còn tìm đủ kiểu để báo công, khẳng định “đảng ta” luôn luôn “tài tình, sáng suốt”.
Trung tuần tháng trước, Việt Nam tổ chức “Tổng kết 10 năm ‘xây dựng nông thôn mới’ giai đoạn 2010 – 2020”. Thủ tướng Việt Nam tuyên bố: Chương trình nông thôn mới đã tạo ra đột phá lịch sử, thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam.
Trong mười năm vừa qua, Việt Nam đã chi 2.400.000 tỉ đồng để xây dựng “nông thôn mới”. Trung bình, mỗi năm, Việt Nam bỏ ra 10 tỉ Mỹ kim nhưng tình trạng ly nông, ly hương càng ngày càng trầm trọng (12).
Từ thập niên 1990 đến nay, tại nông thôn, bất kể Bắc, Trung hay Nam, những xóm, những làng trở thành khang trang, những gia đình có vẻ đủ đầy nhất, có thể thoát cảnh chạy ăn từng bữa, không không phải nhờ “chương trình nông thôn mới” mà là vì có thành viên lấy chồng Đài Loan, Nam Hàn,… nhờ đi làm mướn bất hợp pháp ở bên ngoài Việt Nam. Diện mạo xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An – địa danh được nhắc đến nhiều nhất sau thảm nạn Essex chính là ví dụ (13)…
Cũng vì vậy, khuyến cáo: “Đừng gán ghép trách nhiệm cho nhà nước” không chỉ trâng tráo mà còn tàn nhẫn. Làm sao nhà nước có thể vô can, phủi sạch trách nhiệm khi hết triệu tỉ này đến triệu tỉ khác đổ vào chiến lược “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, vào “chương trình nông thôn mới” nhưng không tạo ra được cơ hội nào để công dân, đặc biệt là nông dân, công nhân có đủ cơm ăn, áo mặc, có chỗ trú thân, có thể nuôi thân, nuôi cha mẹ, vợ con?
Chẳng lẽ nhà nước vô can khi công dân lũ lượt mạo hiểm, chấp nhận đem cả nhân phẩm, sinh mạng để hoán đổi cơ hội đạt tới ấm no không chỉ cho mình mà cho cả cha mẹ, vợ con mình? Lẽ nào chỉ “chia buồn sâu sắc” là “hoàn thành nhiệm vụ”?
39 người uổng mạng trong thảm nạn Essex chỉ là số lẻ, máu lệ của nhiều triệu người Việt lầm than, vất vưởng cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam đã đủ để ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải trả lời rành rọt: Tại sao đất nước như thế này? Tại sao ông chỉ tự đắc về “tiềm lực, vị thế và uy tín” (14) mà không tự vấn về thực trạng, sau vô số thảm nạn như thảm nạn Essex? Máu lệ của người Việt cũng đã đủ để bà Ngân phải giải thích tường tận: Bà và các đồng chí của bà đã làm được gì cho xứ sở này, dân tộc này và dựa vào đâu để đòi toàn dân phải trả mọi thứ cho đảng của bà duy trì độc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét