Mỗi lần về Việt Nam, tôi đều về Miền Tây…
Ngày xưa, mỗi lần ngoại tôi từ chợ Bạc Liêu ghé lên Cái Dầy thăm nhà tôi, bà mặc áo bà ba bóng sẫm màu, dáng khệ nệ xách theo giỏ xách nhựa có gà-mên nhôm, kèm theo đống quà mua lúc sáng sớm. Khi thì chè tào sọn, khi thì bánh ít trần, khi thì đồ chơi nhựa ngoại mua vội ngoài chợ. Tờ mờ sớm, tôi đã nghe tiếng ngoại tôi gọi má ơi ới ngoài sân…
Ngày xưa, mỗi lần ngoại tôi từ chợ Bạc Liêu ghé lên Cái Dầy thăm nhà tôi, bà mặc áo bà ba bóng sẫm màu, dáng khệ nệ xách theo giỏ xách nhựa có gà-mên nhôm, kèm theo đống quà mua lúc sáng sớm. Khi thì chè tào sọn, khi thì bánh ít trần, khi thì đồ chơi nhựa ngoại mua vội ngoài chợ. Tờ mờ sớm, tôi đã nghe tiếng ngoại tôi gọi má ơi ới ngoài sân…
Lúc ấy, nhà tôi ở khu kinh tế mới. Không điện, không nước, chung quanh nhà là ao hồ và vườn cây. Từ ngoài đường quốc lộ vào nhà phải đi qua con đường lầy lội giữa hai cái ao lớn, mùa mưa nước ngập che hết đường đi. Ba tôi lấy vớt xác lục bình đắp lên con đường giữa hai bờ ao, đóng cừ tràm thành bè hai bên để đánh dấu con đường khi nước lũ lên.
Buổi trưa, tôi lẻn qua nhà hàng xóm leo cây bình bát cạnh bờ ao tìm trái vàng thơm lừng chín rục, cưa trúc làm cần câu. Buổi chiều, tôi ra ruộng chân trần, ngực hít căng mùi mạ non giữa ruộng lúa bắt đầu chín. Cuối tuần, tôi lội mương bắt cá lia thia đồng về bỏ vào keo chao vuông, đợi ngày cá lớn đem đá…
Giờ đây, ấp Cái Dầy phát triển thành thị trấn sầm uất. Căn nhà tôi ở năm xưa biến thành chợ Cái Dầy. Tôi về không còn nhận ra bất kỳ chỗ nào là nơi mình từng ở, ngoại trừ con sông Cái Dầy vẫn lục bình trôi lêu bênh, xác trấu nổi phất phơ trên mặt nước. Xa xa vẫn là nhà máy xây gạo xả nước thải đen ngòm xuống sông.
Ngoại tôi đã mất ở Bạc Liêu. Con đường dẫn vào Nhị Tỳ (nghĩa trang) Tàu năm nào đầy sình lầy trong cơn mưa chiều nặng hạt, xe tang ngoại lún đầy không đẩy nổi, hôm nay đã là con đường lớn và khang trang ở thành phố Bạc Liêu. Mả ngoại tôi vẫn nằm im ắng sau ruộng muống và hàng cây bạch đàn. Và sau bao nhiêu năm, cảm giác yên bình vẫn trở về khi ngồi bên mả ngoại…
Giờ đây, miền Tây (Mekong Delta) đó có thể sẽ không còn nữa. Lần tôi về gần nhất, tôi thấy nước lênh láng tràn đầy đường quốc lộ 1 ở Vĩnh Long khi thủy triều lên. Tôi thấy nước ngập ở Bạc Liêu khi nước lớn hay có triều cường. Tôi không thấy những cơn ngập này lúc còn ở Việt Nam.
Miền Tây đang thay đổi, có thể theo hướng rất xấu.
Nghiên cứu đăng trên Nature cho thấy có thể có sự thay đổi lớn, miền Tây có thể biến mất gần hết vào năm 2050 (1), nếu như mực nước biển tăng do biến đổi khí hậu. Trong một nghiên cứu cứu khác cũng đăng trên Nature, độ cao trung bình của khu vực miền Tây so với mực nước biển chỉ là 0,8m, thay vì 2,6m như chúng ta nghĩ trước đây (2). Có nhiều người tranh luận nước biển không thể dâng cao 2-3 m do biến đổi khí hậu nên miền Tây sẽ bị không ảnh hưởng nhiều. Với các nghiên cứu mới này, chỉ cần nước biển tăng 0,5m hay có triều cường lớn thì gần phân nửa miền Tây bị ngập.
Từ lâu, nhiều người nghĩ miền Tây là vựa lúa lớn, vườn cây trù phú, cá tôm đầy ao, do thiên nhiên ban tặng. Chúng ta cứ mặc nhiên hưởng thụ món quà thiên nhiên này cho đến một ngày nhận ra miền Tây mong manh quá.
Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam, tôi nhận ra cơ sở hạ tầng miền Tây rất xấu, cả vùng thiếu đường cao tốc và đường nối kết quan trọng. Cả vùng Mekong trông chờ vào các con đường lên Sài Gòn để xuất khẩu hàng hoá. Đầu tư giáo dục thì gần như thấp nhất ở Việt Nam, như thống kê của bài báo “Vựa lúa cá tôm nhiều nhất nhưng hạ tầng cơ sở tệ nhất” tại Việt Nam (3). Cả vùng miền Tây không có một tầm nhìn phát triển tương xứng với tiềm năng.
Miền Tây như cô gái đẹp đang già đi mà vẫn phải làm còng lưng việc cật lực, không được chăm sóc. Đến một ngày, cái đẹp và trù phú của miền Tây chỉ còn là dĩ vãng?
Trần Huỳnh
(Bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp và nội tổng quát tại phòng khám Wynn Medical Center và Bệnh viện ĐH Y khoa Keck, ĐH Nam California (Mỹ); là sáng lập viên tổ chức Y khoa phi lợi nhuận VietMD hoạt động vì các bác sĩ, sinh viên y khoa và bệnh nhân ở Việt Nam, Mỹ và trên thế giới)
Chú thích:
- https://www.nature.com/articles/s41467-019-12808-z
- https://www.nature.com/articles/s41467-019-11602-1
- https://tuoitre.vn/vua-lua-lon-nhat-ca-tom-nhieu-nhat-nhung-ha-tang-nha-cua-te-nhat-20191102105621086.htm
Đăng theo Facebook Huynh Wynn Tran dưới sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét