Ông Nguyễn Thanh Long sinh ngày 3/9/1966 tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Năm 1990, ông tốt nghiệp bác sĩ Y khoa tại Đại học Y Thái Bình (nay là Đại học Y Dược Thái Bình). Năm 1995, ông tốt nghiệp Thạc sĩ Y khoa, chuyên ngành Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội.
Ông Long có bằng Tiến sĩ Y khoa năm 2003; được phong hàm Phó Giáo sư y học năm 2009; Phó Giáo sư kiêm nhiệm Trường Đại học Griffith, Úc, năm 2011; Giáo sư y học năm 2013. Ngoài ra ông còn tốt nghiệp Chính trị cao cấp năm 2007.
Các chức vụ mà ông nắm giữ lần lượt là:
– Từ năm 1995 đến 2003, ông là chuyên viên Vụ Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
– Từ tháng 12/2003 đến tháng 5/2005 là Trưởng phòng Kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS, Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS.
– Từ tháng 6/2005 đến tháng 3/2008 là Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS.
– Từ tháng 3/2008 đến tháng 11/2011 là Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS.
– Từ ngày 24/12/2011, theo quyết định số 2383/QĐ-TTg, ngày 14/12/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long giữ chức vụ ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Thanh Long tốt nghiệp lớp bồi dưỡng Quy hoạch cán bộ nguồn cao cấp khóa III tháng 05/2014.
Tại đại hội 12 của đảng hồi tháng 01/2016, thay vì giới thiệu một mình Long, các “đại ca” đã gài Bộ Y tế có 2 ứng viên tham gia danh sách bầu BCH Trung ương, là ông Thanh Long và bà Kim Tiến. Vì bị phân tán phiếu, nên cả hai đều bị rớt vì không người nào đủ quá bán.
Dù bị rớt Ủy viên Trung ương, nhưng bà Kim Tiến vẫn được ưu ái ngồi lại ghế Bộ trưởng nhiệm kỳ 2, còn thứ trưởng Long lại rẽ sang hướng khác.
Ngày 30/10/2018, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Tài năng, học hàm học vị cao ngất, nhưng về đây, ông Long chắc chắn sẽ không phát huy được gì. Trong khi đó, Kim Tiến hanh thông hơn nhiều. Bằng cấp lôm côm, tài năng không có, đạo đức kém cỏi; uy tín ở Quốc Hội cũng không, ở Trung ương cũng không (rớt ở khoá 12), người thân gia đình buôn thuốc giả, thuốc lậu… lẽ ra phải bị phế truất từ sau đại hội 12, nhưng Tiến vẫn được “bảo kê” để tiến thân.
Gần đây, lẽ ra Kim Tiến phải bị điều tra, bị khởi tố trách nhiệm người đứng đầu trong sai phạm nghiêm trọng ở cục Quản lý Dược của Bộ Y tế, thì lại âm thầm được “các ông anh” cho thôi chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế, để Vũ Đức Đam thay thế.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho Kim Tiến “hạ cánh” an toàn, ngày 5/7/2019 Ban Tổ chức Trung ương đã trao Quyết định số 1296 ngày 21.6.2019 của Bộ Chính trị, cho Nguyễn Thị Kim Tiến giữ chức vụ kiêm nhiệm Trưởng Ban bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương.
Nên nhớ, đây là một ban cực kỳ quyền lực. Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Cán bộ Trung ương là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương đảng, có trọng trách theo dõi, thăm khám thường xuyên, bảo đảm khả năng công tác và bảo vệ hồ sơ sức khoẻ của các cán bộ đương chức và nguyên chức thuộc diện Trung ương quản lý. Xem như tất tật sức khoẻ các vị từ “tứ trụ”, “cựu tứ trụ”, các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến các Uỷ viên Trung ương… đều do ban này định đoạt.
Một quan chức có bệnh hay không bệnh, có đủ sức khoẻ đạt yêu cầu để ứng cử Trung ương uỷ viên hay không, đều do ban này ký. Vì thế mới có chuyện “dở khóc dở cười”, người khoẻ như vâm thì bị “out”, kẻ được bầu vào Trung ương chỉ một thời gian ngắn, đổ bệnh, lăn đùng ra chết:
– Nguyễn Bá Thanh nhiễm phóng xạ (ARS), các giáo sư Đại học Y tế Johns Hopkins (Hoa Kỳ) bó tay, về Việt Nam, Nguyễn Quốc Triệu và Phạm Gia Khải cho rằng “sẽ chữa bằng Đông Tây y kết hợp. Đã ăn được một bát cháo to”. Mấy ngày sau, Bá Thanh chết.
– Đinh Thế Huynh tái đắc cử Bộ Chính trị, vừa làm Thường trực Ban Bí thư mấy tháng thì đổ bệnh, bỏ cuộc chơi.
– Lê Xuân Duy, sinh 1962, vào Trung ương tháng 1/2016, vào Quân uỷ Trung ương và nhậm chức Tư lệnh quân khu 2 tháng 5/2016, thì tháng 8/2016 đổ bệnh, chết vì ung thư gan.
– Trần Đại Quang mắc bệnh ung thư, bệnh viện Đại học Y Tokyo Nhật chịu thua, còn Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe Trung ương cho biết, Trần Đại Quang đã “nhiễm phải một loại vi rút hiếm và độc hại, thế giới chưa có thuốc chữa trị”.
Trở lại chuyện Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Quyết định số 144-QĐ/TW do ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ngày 8/8/2018 thay thế Quyết định số 113-QĐ/TW ngày 9/7/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Theo đó, “Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, lý luận chính trị, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, thể dục, thể thao, dân số, gia đình, trẻ em; đồng thời, là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của Đảng“.
Vậy, việc “tham mưu, giúp việc” ấy, có cần thiết phải sử dụng một chuyên gia của ngành y tế có học hàm học vị GSTS như thế không? Hay là chỉ vì ông Long kỵ “rơ” với bà Kim Tiến, cũng như không phù hợp với bộ sậu lãnh đạo Bộ Y tế?
Tuyên giáo lúc nào cũng ra rả “Học tập tấm gương đạo đức HCM” trong sử dụng nhân tài. Thì xin nhắc để các vị nhớ: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Ông Hồ cũng khẳng định rằng: “Một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý trong xây dựng và kiến thiết“.
Một thể chế độc đảng, không “tam quyền phân lập”, thì việc chia chác quyền lực hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, có khi chỉ tập trung một nhóm người, thậm chí ở một người. Còn việc tranh cãi ở nghị trường Quốc hội, hoá ra cũng chỉ là… diễn tuồng cho đúng lớp lang, kịch bản mà thôi.
Về phần Nguyễn Thị Kim Tiến, ở nhiệm kỳ thứ nhất trong vai trò Bộ trưởng, Kim Tiến đã bổ nhiệm chồng mình Hoàng Quốc Hoà làm Giám đốc bệnh viện Gia Định vào năm 2012. Trước khi “hạ cánh”, Kim Tiến cũng đã “lót ổ” chu đáo cho con trai cả của mình là Hoàng Quốc Cường.
Hoàng Quốc Cường, sinh 1982, tốt nghiệp ĐH Y dược TP HCM năm 2006 loại trung bình. Hoàng được mẹ Kim Tiến bố trí công tác tại Viện Pasteur với vai trò nghiên cứu viên. Mẹ đưa vào danh sách cử đi học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ bậc thạc sĩ tại Đại học Bordeaux 2, Pháp (2007-2009) bằng ngân sách nhà nước. Năm 2011 được bổ nhiệm Phó giám đốc trung tâm đào tạo và Phó phòng Kế hoạch tổng hợp.
Bổ nhiệm nhưng chả cần làm, Cường tiếp tục được cử đến Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Open University, Vương quốc Anh để hoàn thành bậc tiến sĩ, cũng bằng tiền của ngân sách, và trở về nước năm 2016.
Đúng một tháng trước khi bị mất chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế, ngày 12/9/2019 mẹ Kim Tiến đã ký Quyết định bổ nhiệm con trai Hoàng Quốc Cường giữ chức vụ Phó Viện trưởng Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, thời gian giữ chức vụ là 5 năm.
Khi quyền lực tuyệt đối không thuộc về nhân dân, “con vua thì được làm vua”, những “hạt giống đỏ”, phe nhóm cánh hẩu, cơ cấu, đặt để và chạy chọt hàng chục triệu đô la để ngồi vào Trung ương, chuyện dân biểu nghị trường bàn về nhân tài chỉ là trò mị dân mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét