Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu trước Quốc hội ngày 04/11/19.
Chống tham nhũng càng tham nhũng
Tại phiên báo cáo công tác của cơ quan tư pháp trước Quốc hội, diễn ra trong ngày 4 tháng 11, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo năm 2019 với ghi nhận rằng công tác phòng chống tham nhũng dù đạt đạt kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu rằng bà đồng quan điểm với kết quả báo cáo năm 2019. Bà Lê Thị Nga nhấn mạnh tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng trong năm 2019 tăng so với năm trước đó.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng, thuộc tỉnh Thái Nguyên còn lên tiếng phản ánh rằng vấn đề này được Ủy ban Tư pháp nêu lên trong nhiều năm, thế nhưng tình hình không có chuyển biến mà thậm chí còn phức tạp và có chiều hướng gia tăng theo từng năm.
Đương nhiên là như thế
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương nói với RFA rằng kết quả báo cáo trước Quốc hội như vừa nêu không có gì mới mẻ và đáng ngạc nhiên. Ông Nguyễn Khắc Mai lý giải:
“Điều này gần như là thói quen và quy luật rồi. Bởi vì rất dễ hiểu là khi một nhà nước toàn trị do một đảng cầm quyền và không có ai kiểm soát thì tất yếu là các cơ quan trực thuộc nhà nước lủng đoạn thôi. Bởi vì có ai kiểm tra, kiểm soát được họ đâu. Có lần ông Trọng từng nhận định là phải chống tham nhũng trong bộ phận đi chống tham nhũng. Cho nên chuyện này gần như là đương nhiên và đây là một nỗi đau lớn của dân tộc.”
Trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, cho đến thời điểm hiện tại có 2 vụ bị phanh phui, có thể nói là gây rúng động trong dư luận bao gồm vụ án 2 ông cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông nhận hối lộ số tiền hàng triệu đô la Mỹ và một vụ các cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng, khi đang thanh tra ở tỉnh Vĩnh Phúc và bị công ăn tỉnh này bắt giữ hồi trung tuần tháng 6 vừa qua.
Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng những vụ việc như thế đã, đang và sẽ còn tiếp diễn, với dẫn chứng qua lời tuyên bố của cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan:
“Bà Doan bảo là ‘ăn không kể thứ gì’ mà. Bất cứ cái gì cũng ăn: ăn từ hài cốt liệt sỹ, ăn cho đến thức ăn của trẻ con, thuốc men của người bệnh tật…Ăn có từ cái gì đâu. Cho nên tình trạng tham nhũng gần như là quy luật và không thể nào giải quyết được, nếu thể chế hiện nay vẫn tồn tại.”
Ông Nguyễn Khắc Mai còn nhắc lại nhận định của cố Giáo sư Hoàng Tụy rằng hệ thống chính trị Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bị hỏng thì tất cả hệ thống con đều bị hỏng theo.
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, từng khẳng định với RFA về bộ máy hành chính của Việt Nam là một bộ máy tham nhũng “vô phương cứu chữa”.
“Bộ máy hành chính của Đảng và hành chính của Nhà nước thì nhân viên bên cạnh lương thì còn bổng. Bổng đã lớn nhưng còn dựa vào quyền để đục khoét của dân thì tham nhũng này mới là khủng khiếp. Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Cho nên cả bộ máy đó không phương cứu chữa.”
Giải quyết thế nào?
Đại biểu Hoàng Văn Hùng, tại phiên báo cáo công tác của Cơ quan Tư pháp trước Quốc hội, hôm 4/11 đã đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp nhằm phát hiện và xử lý nghiêm khắc những cán bộ, công chức có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng bị phạm tội để tạo niềm tin cho người dân.
Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra của cơ quan tư pháp cũng đề nghị Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá và nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng nhằm đề ra giải pháp phòng chống hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn.
Mặc dù vậy, Đài RFA ghi nhận giới quan sát tình hình Việt Nam cùng khẳng định rằng những đề nghị này không bao giờ đạt hiệu quả. Ông Nguyễn Khắc Mai nêu lên một giải pháp hữu hiệu mà người đứng đầu là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước cần phải làm là:
“Ông Trọng khôn ngoan thì phải tiếp xúc với nhóm người có ý kiến độc lập. Còn muốn cải thiện tình hình thì phải mở rộng dân chủ và lắng nghe trí thức cũng như cải tổ bộ máy lãnh đạo của Đảng.”
Còn nhà báo Trần Quang Thành, người từng bị tạt acid hồi năm 1991bởi các bài viết chống tiêu cực và phơi bày tham nhũng tại Việt Nam, thì khẳng định rằng:
“Muốn chống tham nhũng thành công phải dựa vào dân, nghe dân chứ đừng theo ý Đảng thì họ sẽ triệt được tất cả những kẻ tham nhũng. Còn nếu cứ như bây giờ là phe nọ giết phe kia thì diệt được chân rết này sẽ tòi ra chân rết khác. Hiện nay họ chỉ chống tham nhũng trên bề mặt. Tóm lại, còn Đảng Cộng sản thì không bao giờ chống tham nhũng được vì họ vừa đá bóng vừa thổi còi, đúng như câu ‘luật là ta, ta là luật’ mà.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét