Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

15293 - Không ai đoán được hiệu ứng Domino năm 1989*


 Biến cố sụp đổ bức tường Berlin đêm 9/11/1989 đã đưa đến tan rã toàn diện 8 chế độ cộng sản tại Đông Âu gồm Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức, Albania, Bulgaria, Hungary, Romania, Nam Tư vào cuối năm 1989 và dẫn đến sự sụp đổ đế quốc Liên Xô vào năm 1990. Ảnh: dw.de

Bức tường Berlin sụp đổ vào lúc 10g45 đêm ngày 9 tháng Mười Một, 1989 khi hàng chục ngàn người dân Đông Đức tụ tập tại 6 trạm kiểm soát đòi công an biên phòng mở cổng để cho người dân Đông và Tây Berlin qua lại vì đã có lệnh bãi bỏ trạm kiểm soát vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày.
Thật sự đây chỉ là tin đồn, loan tải sau cuộc họp báo của chính quyền Đông Đức về Luật Di Trú Mới nhằm nới lỏng các thủ tục du lịch chứ không phải cho qua lại tự do. Nhưng người dân Đông Đức vào lúc đó hiểu biện pháp nới lỏng của chính quyền Đông Đức là bước lùi trước sự kiện hàng chục ngàn dân Đông Đức bỏ chạy qua Tây Đức xin tỵ nạn.
Biến cố sụp đổ bức tường Berlin đã đưa đến tan rã toàn diện 8 chế độ cộng sản tại Đông Âu gồm Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức, Albania, Bulgaria, Hungary, Romania, Nam Tư vào cuối năm 1989 và dẫn đến sự sụp đổ đế quốc Liên Xô vào năm 1990.
Năm nay 2019 đánh dấu 30 năm biến cố Đông Âu, Ban Biên Tập trang Web Việt Tân giới thiệu ba bài viết nhìn lại biến cố này và so sánh với tình hình Việt Nam vẫn còn ngập chìm trong sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản.
Ban Biên Tập
ĐÔNG ÂU 1989 – 30 Năm Nhìn Lại!
Không ai đoán được hiệu ứng Domino năm 1989*
Năm 1989, trận bão dân chủ đã thổi mạnh mẽ đến Đông Âu, quét sạch thành trì vô sản chuyên chính do Stalin xây dựng vào những năm sau Thế chiến Thứ hai. Chiến tranh lạnh chấm dứt và các dân tộc của vùng đất này đã được hồi sinh, vươn mình đứng dậy sau hơn bốn thập niên dài sống trong gọng kềm của chủ nghĩa cộng sản.
Nhiều nhà phê bình nhìn lại thời kỳ này đã cho rằng việc đế quốc Liên Bang Xô Viết sụp đổ theo cách như đã xảy ra là điều tất yếu. Đa số cho rằng đó là trường hợp tiêu biểu của một đế quốc khi bành trướng quá rộng, khiến không còn đủ sức giữ những tiền đồn vừa xa, vừa đầy trắc trở.
Nhìn lại thì người ta có thể nói như thế, nhưng nếu theo dõi những diễn biến đấu tranh khởi đi từ Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan vào thập niên 1980, đến những cuộc tuần hành với hàng trăm ngàn người xuống đường đòi tự do bị đàn áp dã man ở Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary hay Romania trong các năm 1987 và 1988, thì sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại những quốc gia này không hề “tất yếu” chút nào. Nếu công an không xả súng vào họ để bảo vệ chế độ, thì lính Xô-Viết vẫn có thể bắn để bảo vệ đế quốc. Hồng Quân Liên Xô đã từng làm như thế vào các năm 1956 ở Warsaw và 1968 ở Praha. Hơn nữa, Hồng Quân Liên Xô có nửa triệu quân đóng tại Đông Âu, không phải là không thể ra tay.
Nhưng rồi, cả một hệ thống, một đế chế, một khuôn mẫu đã bị quét sạch cùng với hàng trăm lãnh tụ vừa độc tài vừa bất tài, lại tham nhũng và độc ác. Điều may mắn cho nhân loại là các chuyển biến đã diễn ra trong một thời gian kỷ lục với rất ít bạo động, chỉ trừ vài ngày ở Romania.


Bản đồ 8 quốc gia Cộng sản Đông Âu trước năm 1989.
Bản đồ 8 quốc gia Cộng sản Đông Âu trước năm 1989.


Khi nói tới biến cố Đông Âu, người ta gom chung để nói về tám nước chư hầu bị Liên Xô nhuộm đỏ sau Thế chiến Thứ hai, gồm: Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgary, Đông Đức, Romania, Albania và Nam Tư. Nhưng trong thực tế, sự sụp đổ của khối Cộng sản tại Đông Âu đến từ ba cuộc đấu tranh rất đặc thù diễn ra lần lượt tại ba quốc gia: Ba LanĐông Đức và Tiệp Khắc, và từ đó tạo ra hiệu ứng Domino cho toàn khối Đông Âu.
Các chuyển biến diễn ra quá nhanh, như lời Giáo sư Timothy Garton Ash, chuyên gia về lịch sử Trung Âu, nhận xét về tốc độ sụp đổ của các chế độ cộng sản: Ba Lan mất mười năm tranh đấu, Đông Đức tốn mười tuần, và Tiệp Khắc vỏn vẹn 10 ngày.

BA LAN

Đây là nơi khởi đầu tạo ra biến động Đông Âu, với sự kết hợp đấu tranh giữa hai lực lượng tiên phong là giới công nhân và trí thức. Sự kết hợp này bắt đầu từ năm 1976, khi giới trí thức hậu thuẫn cho giới công nhân thành lập Ủy ban Bảo vệ Công nhân (tiếng Ba Lan là Komitet Obrony Robotników, viết tắt là KOR) có mục tiêu bảo vệ và giúp đỡ các công nhân tại thị trấn Radom và xưởng sản xuất máy cầy Ursus ở Warsaw bị tù đày sau những cuộc đình công bạo động vào năm 1970. Nhưng mục tiêu và tầm nhìn lâu dài của KOR là tạo ra một liên minh trí thức và công nhân, để xây dựng một phong trào quần chúng có thể thách thức chủ nghĩa cộng sản.
KOR là tổ chức đã đỡ đầu cho việc thành lập Ủy ban Vận động Thành lập Công đoàn Độc lập Vùng biển. Ngày 1 tháng 5, 1978, Ủy ban này đổi tên thành Công đoàn Độc lập tại Thành phố Gdansk, một thành phố ven biển nơi có xưởng đóng tàu quan trọng gọi là Lênin Shipyard cách thủ đô Warsaw 340 km về phía đông bắc. Sau thắng lợi của cuộc đình công ba tuần lễ vào tháng 6, 1980 của 22.500 công nhân tại xưởng đóng tàu Lênin, chính quyền Cộng sản đã nhượng bộ trong một thỏa thuận được ký kết vào ngày 31 tháng 8, 1980. Qua thỏa thuận này, công nhân được quyền có lãnh đạo do công nhân bầu lên, được quyền thành lập những hội đoàn độc lập, và được quyền đình công. Tức hoạt động của Công đoàn Đoàn kết được chính thức công nhận. Và đây là lần đầu tiên một việc như thế diễn ra trong khối Cộng sản.


Lech Walesa đã lãnh đạo cuộc đình công của hơn 20.000 công nhân thuộc xưởng đóng tàu Lênin tại thành phố Gdańsk để đòi hỏi quyền thành lập Công Đoàn Độc Lập. Chính quyền Ba Lan đã phải nhượng bộ và công nhận sự hợp pháp của Công Đoàn vào ngày 31 tháng 8,1980. Photo by Krzysztof Korczyński / Ze Zbiorów
Lech Walesa đã lãnh đạo cuộc đình công của hơn 20.000 công nhân thuộc xưởng đóng tàu Lênin tại thành phố Gdańsk để đòi hỏi quyền thành lập Công Đoàn Độc Lập. Chính quyền Ba Lan đã phải nhượng bộ và công nhận sự hợp pháp của Công Đoàn vào ngày 31 tháng 8,1980. Photo by Krzysztof Korczyński / Ze Zbiorów


Diễn biến này làm cho lãnh đạo Điện Kremlin thất kinh vì Ba Lan là thuộc địa lớn nhất, với 40 triệu dân, lại nằm cạnh các nước trong Liên Bang Xô Viết, như Hungary, Albania, mà sự trung thành với Liên Xô còn đáng nghi ngờ. Lãnh đạo ở Moscow lo ngại rằng “căn bệnh truyền nhiễm” có tên Công đoàn Đoàn kết sẽ lan rộng và trở thành bệnh dịch ở ngay nội địa Liên bang. Vì thế, Điện Kremlin đã áp lực lãnh đạo Cộng sản Ba Lan phải triệt hạ và bắt nhốt toàn bộ ban lãnh đạo Công đoàn.
Áp lực của Điện Kremlin càng mạnh thì nội bộ ban lãnh đạo Cộng sản Ba Lan càng rơi vào sự phân hóa trước hai khuynh hướng: Một là sẵn sàng nghe theo chỉ thị của Kremlin, và hai là câu giờ vì không muốn đẩy Công đoàn vào chân tường, gây bất ổn chính trị. Cuối cùng, Điện Kremlin đã giải nhiệm một loạt các lãnh đạo ôn hòa, và đưa Bộ trưởng Công an là Đại tướng Wojciech Jaruzelski lên nắm quyền lãnh đạo Ba Lan kể từ tháng 10 năm 1981. Để chứng tỏ lòng trung thành đối với Liên Xô, Đại tướng Jaruzelski đã lên kế hoạch bắt giữ toàn bộ ban lãnh đạo Công đoàn bằng thủ đoạn thiết quân luật với mục tiêu là để “chống kế hoạch đảo chánh.”


Chính quyền Cộng sản Ba Lan ban hành thiết quân luật ngày 13 tháng 12,1981 và bắt giữ 6.000 cán bộ, lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết. Photo by AFP / Getty Images
Chính quyền Cộng sản Ba Lan ban hành thiết quân luật ngày 13 tháng 12,1981 và bắt giữ 6.000 cán bộ, lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết. Photo by AFP / Getty Images


Ngày 13 tháng 12, 1981 được chọn làm ngày thiết quân luật; nhưng từ tối hôm trước, Tướng Jsaruzelski đã huy động 15.000 công an bố ráp và bắt toàn bộ ban lãnh đạo Công đoàn, lúc đó đa số còn ngái ngủ. Trong những ngày thiết quân luật đầu tiên, 6.000 người bị bắt mà không vi phạm bất cứ tội danh nào và bị nhốt trong hàng chục trại tạm giam trên toàn quốc. Cuộc bắt bớ này đã đẩy Công đoàn Đoàn kết nói riêng, và phong trào đấu tranh tại Ba Lan nói chung rơi vào tình huống hiểm nghèo, mọi hoạt động bị tê liệt. Thiết quân luật tạo cảm giác ổn định tạm thời, nhưng không là giải pháp. Nó thật sự làm suy yếu Đảng Cộng sản Ba Lan vì hơn một nửa trong số ba triệu đảng viên cộng sản đã bất mãn bỏ đảng. Chính những đảng viên bỏ đảng này đã kín đáo giúp đỡ cho giới trí thức và công nhân phục hoạt lại các hoạt động của Công đoàn sau những năm tháng bị đàn áp nặng nề.
Tháng 4, 1988, Ba Lan rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn diện, giá sinh hoạt tăng 40% khiến cho đời sống của công nhân rơi vào hoàn cảnh bi đát. Khắp nơi người dân sắp hàng chờ mua thực phẩm nhưng các tiệm đã không có nhu yếu phẩm để cung cấp, nhất là bánh mì. Công đoàn Đoàn kết đã phát động cuộc đình công trên toàn quốc với khẩu hiệu “chúng tôi cần bánh mì” kéo dài trong 4 tháng, từ tháng 4 đến tháng 8, 1988. Cuộc đình công đã làm tê liệt mọi sinh hoạt xã hội, nhất là Thủ đô Warsaw rơi vào tình trạng đình đọng mọi thứ. Một số cán bộ đảng viên đảng Cộng sản Ba Lan thuộc khuynh hướng ôn hòa đã yêu cầu Tướng Jaruzelski nên đối thoại với Công đoàn để giải tỏa cuộc đình công trên toàn quốc.
Ngày 26 tháng 8, 1988 Tổng bí thư Jaruzelski đã phải liên lạc với ông Lech Walesa, một thợ điện và là chủ tịch Công đoàn, và đề nghị một cuộc “thảo luận bàn tròn” để chấm dứt tình trạng bế tắc của Ba Lan. Phía Công đoàn đã đưa ra bốn điều kiện nếu được chấp thuận thì mới tham gia:
1) Thừa nhận sự hợp pháp của Công đoàn;
2) Phục hồi các chức vụ và công việc của những người đã tham gia đình công bị bắt;
3) Cho những người đã từng liên quan tới hai cuộc đấu tranh chống chế độ cộng sản năm 1968 và năm 1970 tham dự hội nghị; và
4) Thu hồi lệnh giải tán xưởng đóng tàu Lênin tại Thành phố Gdansk.


Hội Nghị Bàn Tròn được tổ chức tại Cung điện Radziwill, nằm tại Phố cổ Warsaw. Bắt đầu ngày 6 tháng 2 và kết thúc ngày 5 tháng 4, 1989, trải qua 92 cuộc đàm phán. Kết quả Hội Nghị Bàn Tròn là cuộc bầu cử Quốc Hội tự do được tổ chức hai lần vào ngày 4 và 18 tháng 6, 1989. Photo by AFP & theguardian.com
Hội Nghị Bàn Tròn được tổ chức tại Cung điện Radziwill, nằm tại Phố cổ Warsaw. Bắt đầu ngày 6 tháng 2 và kết thúc ngày 5 tháng 4, 1989, trải qua 92 cuộc đàm phán. Kết quả Hội Nghị Bàn Tròn là cuộc bầu cử Quốc Hội tự do được tổ chức hai lần vào ngày 4 và 18 tháng 6, 1989. Photo by AFP & theguardian.com


Lúc đầu Tổng bí thư Jaruzelski chần chừ không trả lời là chấp nhận hay không bốn điều kiện nói trên, nhưng do áp lực quá mạnh của Công đoàn là sẽ tổ chức đình công trở lại, thì lãnh đạo Ba Lan mới miễn cưỡng chấp thuận và đưa ra lịch trình Hội nghị Bàn Tròn bắt đầu ngày 6 tháng 2, 1988 và kết thúc ngày 5 tháng 4 cùng năm, với 3 tiểu ban, gồm có: 1) Thảo luận các chương trình cải cách kinh tế và xã hội; 2) Thảo luận chính sách nghiệp ðoàn, lao ðộng; và 3) Thảo luận về cải cách chính trị.
Hội nghị Bàn tròn được tổ chức tại Cung điện Radziwill, nằm trong khu Phố cổ Warsaw. Trước khi đàm phán bắt đầu, Đức Giáo Hoàng Phao-Lồ II nói với một vị khách tại Tòa thánh Vatican về thế tiến thoái lưỡng nan phải giải quyết của Ba Lan: “Chính quyền nắm mọi quyền lực thực tế nhưng không có ảnh hưởng gì; ngược lại, phía đối lập có ảnh hưởng nhưng lại không có quyền lực thực tế.” Trong khi đó, nhà bất đồng Adam Michnik, một trong những nhân vật chủ chốt của các cuộc thương lượng, diễn tả cách khác. Ông cho rằng vì cả hai đều yếu nên cả hai phải nhượng bộ lẫn nhau: “Nhà cầm quyền thì quá yếu để đè bẹp chúng tôi. Còn chúng tôi lại quá yếu để lật đổ họ.”
Trong hai tháng liên tiếp, các nhà hoạt động của Công đoàn đã làm việc cật lực với các tướng lãnh và quan chức cao cấp của đảng Cộng sản Ba Lan, trải qua 92 cuộc đàm phám. Nội dung đàm phán bao gồm nhiều vấn đề khác nhau, riêng các thỏa thuận quan trọng về bầu cử, về sự hợp pháp của Công đoàn Đoàn kết và thể chế chính trị tương lai của Ba Lan đã được thảo luận trong năm cuộc đàm phán tuyệt mật, diễn ra tại một biệt thự ở Magdalenka, một thành phố nhỏ cách Thủ đô Warsaw 25 cây số về phía tây nam, được cơ quan mật vụ canh gác 24/24.
Căn cứ trên những thỏa thuận của Hội nghị, cuộc bầu cử Quốc Hội tự do được tổ chức hai lần vào ngày 4 tháng 6 và ngày 18 tháng 6, 1989. Hầu như không ai dự đoán được phe cộng sản lại thảm bại đến vậy. Thủ tục bầu cử tuy phức tạp, nhưng theo một số cách tính thì phe cộng sản chỉ thắng từ 3% đến 4% tổng số phiếu bầu. Cuộc bầu cử đã hóa thành cuộc trưng cầu dân ý về quyền thống trị của cộng sản và của Liên Xô. Phán quyết của người dân là một bản cáo trạng long trời lở đất dành cho chế độ.
Qua hai vòng đầu của cuộc bầu cử, Công đoàn Đoàn kết đã giành được 33 trên tổng số 35 ghế được phép tranh cử trong Hạ viện Sejm (nơi có tổng cộng 100 ghế). Đảng Cộng sản và các đảng liên kết với họ giữ 65 ghế còn lại, tức những ghế không cần bầu cử trong một Hạ viện đã được sắp xếp để đảng Cộng sản luôn nắm đa số. Nhưng điều này không an ủi cho phe cộng sản là vì Công đoàn Đoàn kết còn giành được 99 ghế trên tổng số 100 ghế được phép tranh cử tại Thượng viện.


Dân chúng Ba Lan lần đầu tiên đi bầu một cách tự do nên tham dự rất đông vào 2 đợt: Đợt I ngày 4 tháng 6 và Đợt II ngày 18 tháng 6,1989 dành cho những ứng viên không đủ quá bán số phiếu. Photo by AP/Getty Images.
Dân chúng Ba Lan lần đầu tiên đi bầu một cách tự do nên tham dự rất đông vào 2 đợt: Đợt I ngày 4 tháng 6 và Đợt II ngày 18 tháng 6,1989 dành cho những ứng viên không đủ quá bán số phiếu. Photo by AP/Getty Images.


Nói cách khác, toàn bộ những nhân vật cộng sản hàng đầu đã bị đánh bại, kể cả những tên tuổi quen thuộc cầm quyền lâu năm như Bộ trưởng Nội vụ Kiszczak, Thủ tướng Rakowski, Bộ trưởng Quốc phòng Florian Siwicki. Thắng lợi của Công đoàn Đoàn kết trong cuộc bầu cử Quốc Hội đã không chỉ tạo hiện tượng Domino tại Hungary, Bulgaria, Albania, mà còn kích lên niềm phấn chấn của các phong trào dân sự tại Tiệp Khắc và Đông Đức.
Cuộc cách mạng dân chủ tại Ba Lan còn tiếp tục diễn ra với nhiều cuộc đấu tranh tại nghị trường, trong một tiến trình chuyển giao quyền lực vô cùng gay go và phức tạp sau đó. Nhưng ít ra, ở thời điểm 1989, cuộc cách mạng dân chủ tại Ba Lan đã không còn có thể bị đảo ngược sau 10 năm tranh đấu từ khi Công đoàn Đoàn kết được chính thức công nhận hợp pháp vào ngày 31 tháng 8, 1980 cho đến khi Công đoàn giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 4 tháng 6, 1989.

ĐÔNG ĐỨC

Cuộc đấu tranh tại Đông Đức mang nặng màu sắc quần chúng. Không có một lực lượng tiên phong nào lãnh đạo, kể cả không có một cá nhân nào trở thành một lãnh tụ như Lech Walesa ở Ba Lan hay Vaclav Havel ở Tiệp Khắc để điều hướng đám đông. Sở dĩ có tình trạng này là vì trong quá khứ, những người có thành tích đấu tranh mà bị đảng Cộng sản Đông Đức xem là nguy hiểm liền bị mật vụ của chế độ cô lập và bị đẩy đi sống lưu vong.
Ngoài ra, cuộc đấu tranh tại Đông Đức được châm ngòi từ chính thái độ ngoan cố, tham quyền cố vị của Tổng bí thư Erich Honecker, muốn giữ ghế tổng bí thư muôn đời và không chấp những khuyến cáo thay đổi từ Điện Kremlin như ở Ba Lan hay Hung Gia Lợi.
Nhân ngày bầu cử Hội đồng Nhân dân địa phương vào ngày mồng 8 tháng 5, 1989, đa số cử tri Đông Đức đi bỏ phiếu đã gạch chéo những ứng cử viên do Mặt trận Quốc dân Đức (của đảng Cộng sản Đức) đưa ra, trong khi khoanh tròn một số ứng viên của năm tổ chức quần chúng không nằm trong Mặt trận Quốc dân. Ngoài ra, dựa vào Hiến Pháp công nhận quyền giám sát bầu cử của người dân, một số lãnh đạo tôn giáo và các nhà hoạt động về môi trường, xã hội yêu cầu chính quyền cho phép thành lập các tổ giám sát bầu cử tại những đơn vị bỏ phiếu, và chính quyền đã miễn cưỡng chấp nhận. Sau này, chính quyền Đông Đức mới hiểu ra rằng quyết định cho dân tự kiểm phiếu là một sai lầm tệ hại.
Khi công bố kết quả bầu cử, những người giám sát lên tiếng ngay rằng kết quả đã bị chính quyền ngụy tạo. Con số họ có được về những cử tri không bỏ phiếu cho người của nhà nước khác xa con số chính thức. Họ cho biết, có từ 9% đến 10% bỏ phiếu chống. Trước sự kiện gian lận và tráo trở này, người dân đủ mọi thành phần đã cùng nhau tụ tập biểu tình tại những khu phố lớn. Ngày 12 tháng 5, 1989, một phái đoàn đại diện đoàn biểu tình đến trao thỉnh nguyện thư tại trụ sở Quốc hội để yêu cầu hủy kết quả bầu cử, nhưng đã bị lực lượng an ninh đàn áp dã man và bắt giữ 150 người trong đoàn biểu tình. Phẫn nộ trước sự đàn áp này, dân chúng tại Đông Bá Linh chính thức kêu gọi toàn quốc cùng xuống đường đòi công lý vào ngày 8 mỗi tháng.


Dân chúng thủ đô Bá Linh biểu tình chống kết quả gian lận trong cuộc bầu cử Hội Đồng Nhân Dân Địa Phương vào đầu tháng 5, 1989, từ đó làm bùng nổ làn sóng biểu tình chống chính quyền ở khắp các thành phố lớn. Photo by WSWS.org
Dân chúng thủ đô Bá Linh biểu tình chống kết quả gian lận trong cuộc bầu cử Hội Đồng Nhân Dân Địa Phương vào đầu tháng 5, 1989, từ đó làm bùng nổ làn sóng biểu tình chống chính quyền ở khắp các thành phố lớn. Photo by WSWS.org


Trong lúc phong trào chống bầu cử gian lận bùng nổ khắp nơi thì một biến cố khác cũng đã làm chấn động xã hội Đông Đức, đó là việc chính quyền Hung Gia Lợi cho mở cửa biên giới với nước Áo hôm mồng 2 tháng 5, 1989, cho phép người dân ở các quốc gia Đông Âu có thể vào lãnh thổ Hungary, rồi băng qua Áo để chạy sang các nước Tây Âu. Lợi dụng sự kiện hy hữu này, hàng ngàn gia đình người Đông Đức nhân dịp nghỉ hè từ tháng 6 đến tháng 8, đã tràn ngập các cửa khẩu ở biên giới với Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc để xin vào các Tòa Đại sứ Tây Đức. Tại Praha, số người tỵ nạn quá đông; họ sống chen chúc trong tất cả mọi phòng ốc, không đủ chỗ để sinh hoạt, trẻ con không có chỗ để chạy chơi. Vì thế mà đích thân ngoại trưởng Tây Đức, ông Hans-Dietrich Genscher đã phải bay sang Đông Berlin để thương lượng với chính quyền Đông Đức sau khi đã thỏa thuận được với ngoại trưởng Liên Xô bên lề cuộc họp của Liên Hiệp Quốc.
Kết quả là chính quyền Đông Đức đồng ý cho người tị nạn Đông Đức đi thẳng đến Tây Đức, thay vì đi vòng qua ngả Hungary hoặc Tiệp Khắc. Ngày 3 tháng 9, 1989 xe lửa chở 17 ngàn người Đông Đức băng qua Đông Đức để sang Tây Đức là một biến cố khởi đầu làm thay đổi cục diện nước Đức. Đây có thể coi như là ngày báo hiệu sự suy tàn của chế độ cộng sản Đông Đức, vì qua những hình ảnh di tản được truyền hình Tây Đức loan tải vào những giờ cao điểm, hầu hết người dân Đông Đức đã được xem với một tâm trạng chung: chế độ Cộng sản Đông Đức không còn tồn tại bao lâu nữa. Trong khi đó, Tổng bí thư Erich Honecker của Đông Đức lại bình chân như vại, không màng để ý đến làn sóng tỵ nạn vì cho rằng những người Đông Đức bỏ đi tị nạn là thành phần bất hảo và bị tuyên truyền sai trái.


Ngoại trưởng Peter Varkonyi (Hungary) và Ngoại trưởng Áo Alois Mock (bên trái) cùng cắt bỏ biên giới giữa Hung và Áo vào tháng 5,1989. Photo by telegraph.co.uk
Ngoại trưởng Peter Varkonyi (Hungary) và Ngoại trưởng Áo Alois Mock (bên trái) cùng cắt bỏ biên giới giữa Hung và Áo vào tháng 5,1989. Photo by telegraph.co.uk

Lợi dụng kỳ nghỉ hè từ tháng 6 tới tháng 8, 1989, hàng ngàn người dân Đông Đức đã dẫn dắt nhau tràn qua biên giới Hung – Áo để xin tỵ nạn Tây Đức. Photo by Corbis
Lợi dụng kỳ nghỉ hè từ tháng 6 tới tháng 8, 1989, hàng ngàn người dân Đông Đức đã dẫn dắt nhau tràn qua biên giới Hung – Áo để xin tỵ nạn Tây Đức. Photo by Corbis


Để biểu dương sức mạnh của Đông Đức trong bối cảnh khủng hoảng của khối cộng sản tại Đông Âu, Honecker đã đổ tiền và phương tiện tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Cộng hòa Dân chủ Đức vào ngày 7 tháng 10, 1989 thật quy mô tại Đông Bá Linh, và mời rất nhiều lãnh tụ đảng cộng sản các quốc gia đến tham dự. Sự phung phí của Honecker đã làm cho dân chúng bất mãn nên hàng ngàn công nhân, sinh viên và giới trí thức đã liên tục tổ chức các cuộc biểu tình đòi Honecker từ chức. Mật vụ Đông Bá Linh đã ra tay đàn áp dã man, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt. Cuộc đàn áp này đã gây chấn động dư luận và chính Mikhail Gorbachev đã phải ngầm ra lệnh “lật đổ” Honecker.
Một tuần lễ sau vụ đàn áp, một cuộc biểu tình quy mô khác được tổ chức tại thành phố Leipzig với hàng trăm ngàn người tham dự đòi Honecker từ chức. Trước áp lực này và nhất là do khuyến cáo từ Điện Kremlim, Bộ chính trị đã buộc Honecker từ chức và trao quyền điều hành lại cho Egon Krenz, một lãnh tụ trẻ xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Đức.
Nhưng Krenz cũng bị quần chúng chống đối mạnh mẽ ở khắp nơi, đòi ông từ chức, vì chính Krenz là người chịu trách nhiệm việc tổ chức và tráo phiếu trong cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân địa phương, và cũng là người đã đánh điện văn chúc mừng nhà cầm quyền Trung Quốc sau khi đàn áp phong trào Thiên An Môn ngày 4 tháng 6, 1989.
Sau khi lên thay thế Honecker, điều đã làm cho Krenz choáng váng và lo âu khi chính mình được nghe báo cáo đầy đủ về tình trạng tài chính thê thảm mà Honecker đã gây ra và để lại cho Đông Đức. Báo cáo cho biết, gần 60% toàn bộ nền công nghiệp Đông Đức chỉ là một đống phế liệu, năng xuất trong các nhà máy và hầm mỏ ở Đông Đức chỉ bằng 50% năng xuất ở phương Tây. Thảm hại nhất là nợ đã tăng lên 12 lần trong 15 năm qua, lên đến mức 123 tỷ Đức-mã và đang tăng thêm khoảng 10 tỷ Đức-mã mỗi năm. Để cứu nguy tình trạng tài chánh thê thảm này, Krenz đã lên đường đi Moscow vào ngày 1 tháng 11, 1989 để cầu viện Gorbachev. Nhưng Gorchachev vốn không ưa Honecker và Krenz nên đã trả lời rằng: “Không giúp gì được vào lúc này.” Krenz rời Moscow về nước với hai bàn tay trắng.


Hàng trăm ngàn người biểu tình đòi Tổng Bí Thư Honecker từ chức vào tối ngày 16 tháng 10, 1989 ở Leipzig. Photo by wikipedi.com
Hàng trăm ngàn người biểu tình đòi Tổng Bí Thư Honecker từ chức vào tối ngày 16 tháng 10, 1989 ở Leipzig. Photo by wikipedi.com


Ngày 4 tháng 11, 1989, Krenz đã họp khẩn Bộ chính trị để lên phương án “đối thoại” với quần chúng. Một số nhân vật lãnh đạo đảng được giao nhiệm vụ gặp gỡ quần chúng đối lập, tỏ ra trăn trở và quan tâm đến các đòi hỏi, nhưng phải câu giờ để quần chúng hy vọng và tin tưởng trở lại. Ngay buổi chiều hôm đó, tại Quảng trường Alexanderplatz có khoảng 700.000 người dân Berlin tụ tập. Lần đầu tiên, những nhân vật nổi bật của chế độ xuất hiện trên khán đài bên cạnh những sáng lập viên của các nhóm đối lập và các nhà bất đồng chính kiến. Gunter Schabowski, bí thư thành ủy Berlin, cố bình tĩnh bảo đảm với đám đông rằng nhiều biện pháp cởi mở sắp sửa được áp dụng, nhưng đám đông đã la ó phản đối nên chỉ sau 5 phút phát biểu, Schabowski đã phải rời diễn đàn.
Để cho quần chúng thấy chính quyền có những biện pháp mới và cởi mở, Egon Krenz đã cho công bố luật di trú mới vào ngày 6 tháng 11, 1989. Luật mới cho phép người dân được đi du lịch sang Tây Đức 30 ngày mỗi năm, khi được phép của Bộ Nội vụ, nhưng thời gian xin phép mất một tháng và người dân chỉ được phép mang theo 15 Đức-mã mỗi năm, tức chỉ đủ mua một lon bia và một chiếc bánh mì kẹp ở Tây Đức.
Thế là hàng trăm ngàn người trong nước “Cộng hòa Nhân dân Biểu tình Đức” một lần nữa lại xuống đường, như ở Leipzig, Berlin và Dresden, họ hô vang câu “Vòng quanh thế giới 30 ngày, tiền lấy đâu trả đây?”
Krenz đã ra lệnh cho bốn viên chức của Bộ Nội vụ, trong đó có hai đại tá an ninh, phải soạn lại ngay thủ tục cấp thị thực xuất nhập cảnh để dẹp yên cuộc khủng hoảng này. Và Krenz yêu cầu phải làm cực nhanh, phải xong trong vòng chưa đến hai ngày. Bản thảo cuối cùng không có khoản nào tuyên bố mở cửa Bức tường Berlin. Luật chỉ nói rằng bất cứ ai có hộ chiếu và thị thực xuất cảnh (visa), đều có thể rời Đông Đức dài hoặc ngắn hạn, qua một cửa khẩu giữa Đông và Tây Berlin, hoặc giữa Đông Đức và Tây Đức. Người Đông Đức vẫn phải nộp đơn xin phép xuất cảnh tại phòng xuất nhập cảnh, điều đó có nghĩa là luật mới được thiết kế để bảo đảm nhà nước vẫn có thể phần nào kiểm soát được số người ra đi. Và luật ghi rõ sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày thứ sáu 10 tháng 11, 1989.


Trạm kiểm soát trên đường Bornholmer (Đông Berlin) là nơi mở cổng đầu tiên cho dân chúng bên Đông và Tây Berlin qua lại vào đêm mồng 9 tháng 11, 1989. Hình chụp lúc 12:45 sáng. Photo by DPA/Reuteur.
Trạm kiểm soát trên đường Bornholmer (Đông Berlin) là nơi mở cổng đầu tiên cho dân chúng bên Đông và Tây Berlin qua lại vào đêm mồng 9 tháng 11, 1989. Hình chụp lúc 12:45 sáng. Photo by DPA/Reuteur.


Luật di trú được Krenz cho công bố vào lúc 6 giờ chiều ngày 9 tháng 11, 1989, trở thành một diễn biến bất ngờ, bị kích hoạt bởi các ngôn từ thất thường của Günter Schabowski, phát ngôn nhân của Bộ chính trị đảng Cộng sản Đông Đức, trong một cuộc họp báo truyền hình, nói rằng luật di trú “có hiệu lực ngay lập tức” và người dân được tự do qua lại Tây Đức. Ngay sau đó, đông đảo người dân Đông Đức đã đến các chốt kiểm soát chính để xem thực hư ra sao.
Lúc đầu công an vẫn kiểm soát chặt chẽ người qua lại như mọi khi. Nhưng khi số người tụ tập lên đến hàng chục ngàn và đòi quyền tự do đi lại vì chính quyền đã chính thức bãi bỏ kiểm soát từ tối nay, công an các trạm kiểm soát đã liên lạc lên cấp trên để xin ý kiến nhưng mọi nơi đều im lặng, kể cả Tổng bí thư Krenz cũng đã không nhận bất cứ cú điện thoại nào.
Cuối cùng, công an đã phải mở cổng cho người dân bên Đông và Tây Đức tự do qua lại. Điều này đáng lẽ đã không xảy ra, ít nhất là không xảy ra vào ngày thứ Năm hôm ấy, hoặc không xảy ra giống như thế. Một nhà ngoại giao hàng đầu nhận xét: đây là “một trong những nhầm lẫn hành chính lớn nhất trong … lịch sử”, và nhầm lẫn đó đã khiến nhà nước Đông Đức trên thực tế không còn tồn tại vào khoảng 10 giờ 45 phút, tối thứ Năm 9 tháng 11, 1989.


Dân chúng vui mừng về sự kiện bức tường Berlin sụp đổ đêm 9 tháng 11, 1989, dẫn đến việc thống nhất nươc Đức và chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh, tại Công Trường Brandenburg sáng mồng 10 tháng 11, 1989. Photo by theatlantic.com
Dân chúng vui mừng về sự kiện bức tường Berlin sụp đổ đêm 9 tháng 11, 1989, dẫn đến việc thống nhất nươc Đức và chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh, tại Công Trường Brandenburg sáng mồng 10 tháng 11, 1989. Photo by theatlantic.com

Công Trường Brandenburg vào sáng ngày 10 tháng 11, 1989. Photo by CNN
Công Trường Brandenburg vào sáng ngày 10 tháng 11, 1989. Photo by CNN




Công Trường Brandenburg vào sáng ngày 10 tháng 11, 1989. Photo by BBC
Công Trường Brandenburg vào sáng ngày 10 tháng 11, 1989. Photo by BBC


Cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Đức còn kéo dài nhiều năm, nhất là quá trình thống nhất nước Đức sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Nhưng những diễn biến sôi động nhất đưa đến sự sụp đổ nhanh của Đông Đức, đã diễn ra đúng 10 tuần. Bắt đầu từ ngày 3 tháng 9, 1989 khi người dân Đông Đức chứng kiến hình ảnh đoàn tàu xe lửa chở 17.000 người Đông Đức từ Hung Gia Lợi di chuyển sang Tây Đức tị nạn, cho đến khi Bức tường Berlin bị phá đổ vào đêm 9 tháng 11, 1989 là diễn biến không ai có thể dự kiến trước, nếu không nói đây là do một phép mầu của Thượng đế.

TIỆP KHẮC

Hoàn toàn khác với phong cách vận động mang tính chất bí mật, dè chừng bạo lực của những phong trào đấu tranh tại Đông Đức và Ba Lan, thì ở Tiệp Khắc, cách mạng diễn ra với ngập tràn âm nhạc, sự dí dỏm, hài hước, tiếng cười, đôi khi pha chút phi lý, và phần lớn gần như theo kịch bản được nhà biên kịch nổi tiếng Vaclav Havel soạn sẵn. Thật vậy, cho đến năm 1988, hầu hết những chống đối chế độ đều đến từ nội bộ Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Lý do dễ hiểu là những người chống chế độ đã bị đàn áp hoặc bị khủng bố, buộc phải im lặng trong sợ hãi kể từ khi Nhóm Hiến Chương 77 – ra đời vào ngày 1 tháng 1, 1977 – bị đàn áp khốc liệt.
Tình trạng nặng nề nói trên đã được giải tỏa phần nào khi Vaclav Havel vừa được trả tự do vào tháng 5, sau khi bị bắt vào ngày 16 tháng 1, 1989, vì tham dự cuộc biểu tình nhân kỷ niệm 20 năm vụ tự thiêu của sinh viên Jan Palach vào ngày 16 tháng 2, 1969 tại Quảng trường Wencesla, Praha để chống lại sự can thiệp quân sự của Khối Hiệp ước Warsaw vào Tiệp Khắc ngày 20 tháng 8, 1968. Trước bối cảnh thay đổi của Đông Âu vào lúc đó, kịch tác gia Vaclav Havel đã cùng một số người soạn bản kiến nghị lấy tên là “Đôi lời.” Bản kiến nghị dài khoảng 2 trang, có nội dung yêu cầu chính quyền Tiệp Khắc trả tự do cho các tù nhân chính trị, tôn trọng quyền tự do tụ họp, ngôn luận và tín ngưỡng, cùng chấm dứt việc theo dõi các hoạt động của công dân và nhất là ngưng những vụ bắt bớ, đàn áp tùy tiện.


Kịch tác gia Vaclav Havel là linh hồn của Nhóm Hiến Chương 77 và cũng là người lãnh đạo Diễn đàn Dân sự năm 1989, để khởi động phong trào bất tuân dân sự tại Tiệp Khắc. Photo by hedailybeast.com
Kịch tác gia Vaclav Havel là linh hồn của Nhóm Hiến Chương 77 và cũng là người lãnh đạo Diễn đàn Dân sự năm 1989, để khởi động phong trào bất tuân dân sự tại Tiệp Khắc. Photo by hedailybeast.com


Bản kiến nghị được đăng lên tờ báo chui Livové Noviny ngày 22 tháng 6, 1989 và ngay sau đó được Đài Phát thanh Âu Châu Tự do, BBC và VOA cho đọc toàn văn bản kiến nghị cũng như tên tuổi của một số nhân vật phản kháng nổi tiếng đã ký vào kiến nghị. Bản kiến nghị đã như lời hiệu triệu, tạo một sự thôi thúc đáng kể trong lòng người dân Tiệp Khắc vào lúc đó. Tính đến trung tuần tháng 11 năm 1989, số người ký tên ủng hộ lên đến hơn 40.000 người và trở thành sợi dây nối kết mọi người với nhau trong những cuộc biểu tình chống chính quyền, được các nhóm, đoàn thể khởi động từ tháng 8 kéo dài tới tháng 10 năm 1989.
Một tuần sau khi biến cố Bức tường Berlin sụp đổ xảy ra, Liên hội Sinh viên Tiệp Khắc đứng ra xin tổ chức cuộc tuần hành để tưởng niệm một người sinh viên đã bị quân đội Đức bắn chết trong một cuộc biểu tình chống Đức Quốc Xã chiếm đóng. Ba tuần trước ngày tuần hành, công an và đại diện Liên hội Sinh viên đã đồng ý một lộ trình, họ sẽ tránh đi qua trung tâm thành phố và sẽ kết thúc tại Nghĩa trang Quốc gia ở Vysehrad. Hơn 15.000 người đã tham gia trong trật tự. Buổi lễ chấm dứt lúc 5 giờ 30 chiều ngày 17 tháng 11, 1989, mọi nguời lần lượt ra về, nhưng có khoảng 3.000 ngàn người đa số là sinh viên và công nhân trẻ ở lại. Đúng 6 giờ 30 tối, đoàn người bắt đầu tiến về Công trường Wencesla. Khi đoàn người băng qua Hí viện Quốc gia (còn gọi là Nhà hát Đèn Thần) trên đại lộ Narodni thì họ bị lực lượng công an đặc biệt chận lại. Tất cả sinh viên đồng loạt ngồi xuống giữa đường và bắt đầu hát.
Sau hai tiếng đồng hồ giữ đoàn biểu tình trong cái lạnh cắt da của mùa đông, công an đưa nhiều xe thùng của đội chống bạo động đến và cuộc đàn áp bắt đầu lúc 9 giờ tối. Công an đã dùng gậy tấn công tới tấp, tạo ra sự náo loạn và có ít nhất trên 500 sinh viên bị thương. Công an đã bắt ði 125 ngýời. Lúc ðó, có một sinh viên nằm bất ðộng trên mặt ðýờng ðại lộ Narodni, nhýng sau ðó không còn thấy người sinh viên này nữa. Vài tiếng đồng hồ sau cuộc đàn áp dã man này, một tin đồn loan ra rằng người sinh viên bị đánh trọng thương nằm trên đại lộ Narodni có tên là Martin Smid thuộc chuyên khoa Toán, đã chết và công an cướp xác mang đi mất tích.


Đại Lộ Narodni cạnh Hí Viện Quốc Gia tại Prague - nơi diễn ra câu chuyện sinh viên khoa toán, tên là Adam Smid bị công an đánh chết nhưng thực tế chỉ là tin phịa của công an để tạo áp lực phe giáo điều ở trong đảng, nhưng cuối cùng bị đẩy thành áp lực của quần chúng dẫn đến sự tan rã chế độ độc tài cộng sản tại Tiệp Khắc. Photo by dreamtimes.com
Đại Lộ Narodni cạnh Hí Viện Quốc Gia tại Prague – nơi diễn ra câu chuyện sinh viên khoa toán, tên là Adam Smid bị công an đánh chết nhưng thực tế chỉ là tin phịa của công an để tạo áp lực phe giáo điều ở trong đảng, nhưng cuối cùng bị đẩy thành áp lực của quần chúng dẫn đến sự tan rã chế độ độc tài cộng sản tại Tiệp Khắc. Photo by dreamtimes.com


Tin đồn chủ yếu xuất phát từ ông Peter Uhl, nhà trí thức phản kháng thuộc nhóm Hiến chương 77, người vẫn cung cấp thông tin của phe đối lập cho báo chí phương Tây mỗi ngày. Một cô gái tự xưng là Drahomira Drazska và cũng xưng là bạn cũ của Martin Smid cho Uhl biết tin về cái chết kia. Uhl lập tức báo cho Đài Phát thanh Châu Âu Tự Do, Đài BBC và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Những đài phát thanh này đã tường thuật về cái chết của Smid như một sự kiện xác thực. Sự giận dữ của công luận đã bùng nổ khắp toàn quốc ngay trong đêm 17 tháng 11, 1989. Chính quyền Tiệp Khắc thì chối rằng không có ai chết trong vụ đàn áp, và ngày hôm sau trình làng hai người có tên là Martin Smid, cả hai đều sống và cho biết một trong hai người đã có mặt tại cuộc biểu tình, xuất hiện trên Đài Truyền hình toàn quốc cho thấy mình bình an vô sự.
Nhưng vào lúc đó, dân không còn tin vào những sự biện hộ của chính quyền. Cuối tuần ðó, những cuộc biểu tình tự phát đã diễn ra tại Praha với quy mô chưa từng có. Số người tham dự lên đến hàng trăm ngàn, không chỉ là sinh viên, công nhân mà cả những cụ già, cha mẹ, anh chị theo con cháu của họ xuống đường. Trong khi đó, việc giải quyết nguồn tin liên quan đến cái chết của sinh viên Martin Smid đã làm cho chính quyền Tiệp Khắc bị phân hóa trầm trọng. Chính quyền Tìệp Khắc không nghĩ ra được cách phản ứng nào khác, ngoài việc cho bắt giam Peter Uhl vì tội phao tin đồn nhảm.
Theo nhà báo Victor Sebestyen, tác giả tập sách giá trị Revolution 1989: The Fall of the Soviet Empire, xuất bản năm 2008, thì câu chuyện Martin Smid bị công an đánh chết và mang đi mất tích là một sản phẩm được dàn dựng bởi Sở Mật vụ StB (viết tắt từ Státní bezpečnost). Chính cơ quan mật vụ Tiệp Khắc StB đã ngụy tạo ra “cái chết” của Martin Smid nhằm khích động sự giận dữ của quần chúng để từ đó loại bỏ Tổng bí thư Milos Jakes, cùng với Bí thư Thành ủy Praha, Miroslav Stepan, cũng như các nhân vật bảo thủ cứng rắn khác, và thay bằng những nhân vật cải cách theo xu hướng của Gorbachev, với mục tiêu là để duy trì được quyền lực của đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Câu chuyện có vẻ ly kỳ, nhưng đây không phải là kịch bản một phim trinh thám, mà là một âm mưu có thật với chứng cớ chính xác, được tiết lộ qua một cuộc điều tra sau này.
Kế hoạch này là chiêu thức của Tướng Alois Lorenc, trùm mật vụ StB, và một nhóm nhỏ gồm các thành phần cấp tiến trong Đảng. Sau khi quan sát các diễn biến vừa xảy ra tại Ba Lan và Hungary, nhóm mật vụ này cho rằng cách duy nhất để khống chế phe đối lập là tìm cách thương lượng ở vị trí kẻ mạnh, vào lúc phe đối lập chia rẽ. Cùng lúc, có một kế hoạch quan trọng khác, mang mật danh “Wedge,” là xâm nhập phe đối lập và tìm ra nhân vật sẵn lòng thỏa hiệp với phe cộng sản cấp tiến. Kế hoạch được soạn thảo, dựa trên phán đoán sai, và hoàn toàn không nắm bắt được bản chất cũng như tính cách của phe đối lập Tiệp Khắc.
Nhân vật trung tâm trong màn kịch này là trung sĩ Ludvik Zifcak, một nhân viên StB trẻ, theo lệnh, anh đột nhập vào hàng ngũ sinh viên chống đối ngầm. Với bài bản đúng kiểu “xách động”, anh là một trong những lãnh tụ sinh viên trong cuộc diễn hành tiến về Nghĩa Trang Quốc Gia. Và khi cuộc diễn hành kết thúc chiều hôm đó, thì anh là một trong những người mạnh miệng hô to “Tiến về Quảng trường Wenceslas”. Anh biết sẽ có một cái bẫy cài sẵn chờ sinh viên đến. Khi bạo động diễn ra, anh tìm cách tránh đòn, rồi giả vờ nằm chết trên đường. Cô gái tên Drahomira Drazska, người sau này cũng lặn mất tăm, là một mật vụ khác. Cô nhận lệnh đưa tin cho Uhl rằng một sinh viên đã chết.


Công Trường Wencesles và Đại Lộ National, nơi đã diễn ra các cuộc chính biến lịch sử của Tiệp Khắc vào những năm 1914, 1939, 1968 và 1989. Photo by Peter Stehlik en.wikipedia.com
Công Trường Wencesles và Đại Lộ National, nơi đã diễn ra các cuộc chính biến lịch sử của Tiệp Khắc vào những năm 1914, 1939, 1968 và 1989. Photo by Peter Stehlik en.wikipedia.com


Khi xảy ra vụ sinh viên tuần hành bị công an đàn áp dã man, Vaclav Havel đang ở miền quê Bohemia. Ông trở về Praha vào Chủ nhật 19 tháng 11, 1989. Một số nhà đối kháng trong phong trào Hiến Chương 77 đã đến gặp và yêu cầu Vaclav Havel ra lãnh đạo cuộc đấu tranh, với sự ra đời của nhóm Diễn đàn Dân sự. Ngay tối hôm 19 tháng 11, Havel, nhân danh phát ngôn viên của Diễn đàn Dân sự, đưa ra một yêu cầu đối với chính phủ Tiệp Khắc gồm:
1) Thả ngay tất cả các tù nhân chính trị;
2) Mở cuộc điều tra chính thức và độc lập vụ đàn áp đêm 17 tháng 11, 1989; và
3) Tất cả những quan chức liên hệ đến vụ đàn áp Mùa Xuân Praha năm 1968 và nhất là liên hệ đến vụ đàn áp sinh viên tối ngày 17 tháng 11, 1989 phải từ chức tức khắc.
Tối 20 tháng 11, 1989 hơn 300.000 người đã tràn ngập Quảng trường Wenceslas. Hầu hết mọi người sau giờ làm việc là ra biểu tình trong một tuần lễ liên tục. Giống như tại Đông Đức, cuộc cách mạng diễn ra trong trật tự và rất lịch sự. Công an không động tịnh gì khi đám đông biểu tình mỗi lúc một đông. Xen lẫn những bài phát biểu là các chương trình ca nhạc của một số nghệ sĩ nổi tiếng tại Tiệp Khắc. Khi nhạc dứt thì âm thanh nghe được rôm rả nhất chính là tiếng lắc chìa khóa của hàng trăm ngàn người, tiếng lắc leng keng dội quanh quảng trường và lan ra cả trung tâm Praha. Những cuộc biểu tình tương tự cũng đã diễn ra tại các thành phố và thị trấn khác trên cả nước.
Điểm đáng nói là vào lúc này Vaclav Havel đã khéo léo đưa được những con người thuộc nhiều thành phần có quan điểm hoàn toàn đối nghịch ngồi lại với nhau với một mục đích duy nhất: Loại bỏ chủ nghĩa toàn trị. Có những người theo chủ nghĩa Trosky, có người cộng sản cấp tiến, có các nhà bảo vệ môi trường, bảo vệ nữ quyền, các nhà hoạt động Công giáo cánh hữu, các mục sư và các nghệ sĩ nhạc rock với ước muốn đơn giản là được tự do sáng tác thứ nhạc mình thích. Người thì mặc quần jeans, người thì mặc đồng phục công nhân, cứ thế họ đến Nhà hát Đèn Thần (Hí viện Quốc gia) để gặp gỡ và trao đổi những ước mơ đổi đời. Trong khi đó, nội bộ bên trong những người cộng sản Tiệp Khắc chia rẽ trầm trọng.


Nhà hát Magic Lantern (Đèn Thần) còn có tên là Hí Viện Quốc Gia, được chọn làm tổng hành dinh của Diễn đàn Dân sự nơi mà Kịch tác gia Vaclav Havel cùng với giới trí thức, văn nghệ sĩ và nhiều cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Tiệp ly khai hội họp, điều hướng cuộc tranh đấu chống chế độ độc tài trong 10 ngày từ 17 đến 27 tháng 11, 1989. Photo by Bantam Press.
Nhà hát Magic Lantern (Đèn Thần) còn có tên là Hí Viện Quốc Gia, được chọn làm tổng hành dinh của Diễn đàn Dân sự nơi mà Kịch tác gia Vaclav Havel cùng với giới trí thức, văn nghệ sĩ và nhiều cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Tiệp ly khai hội họp, điều hướng cuộc tranh đấu chống chế độ độc tài trong 10 ngày từ 17 đến 27 tháng 11, 1989. Photo by Bantam Press.


Tổng bí thư Jakes, Bí thư thành ủy Stepan và những người Stalin cựu trào như Jan Fojtik thì muốn tiếp tục đàn áp thẳng tay bằng công an mật vụ. Họ định áp đặt thiết quân luật vào sáng ngày 19 tháng 11, 1989 và ra lệnh cho quân đội cắm trại, sẵn sàng tác chiến. Nhưng những biện pháp vừa kể không còn thực tế nữa vào giai đoạn này vì thành phần muốn cải cách chiếm đa số. Ngay cả Bộ Trưởng Quốc phòng Milan Vaclavik đã lên truyền hình tối ngày 22 tháng 11, 1989, tuyên bố rằng: “Quân đội sẽ không chống lại nhân dân. Chúng tôi sẽ không can thiệp.”
Trong lúc đảng mất dần khả năng kiểm soát thì Đài Truyền hình nhà nước lại càng táo bạo hơn. Lần đầu tiên Đài cho truyền hình trực tiếp cuộc biểu tình đêm thứ Tư, 22 tháng 11, dù rằng phút cởi mở ấy rất ngắn ngủi. Ngay sáng hôm sau, công an đột nhập vào đài, sa thải ban giám đốc cấp cao và đặt một tay chân của phe bảo thủ lên thay thế, nhưng cũng không kiểm soát được gì vì toàn bộ nhân viên đều đã đứng về phía Diễn đàn Dân sự. Trong khi đó, các sĩ quan mật vụ StB cao cấp và thành phần ôn hòa trong giới lãnh đạo Đảng, đứng đầu là Thủ tướng Alexander Adamec tìm mọi cách để thương lượng với phe đối lập.
Nhằm tạo áp lực cho cú hích “thương lượng” sau cùng, Diễn đàn Dân sự kêu gọi một cuộc tổng đình công vào ngày 27 tháng 11, 1989 như một hình thức trưng cầu dân ý về việc toàn dân có chấp nhận sự độc tài của đảng Cộng sản hay không. Dấu ấn lớn nhất của cuộc đình công là các tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản Tiệp như đảng Xã hội, Mặt trận Quốc dân tuyên bố ly khai đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Alexander Adamec, đại diện phe cải cách, chính thức công nhận vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã chấm dứt và Diễn đàn Dân sự đang là lực lượng thay thế. Nhiệm vụ của ông là mở rộng các cuộc đối thoại để chuẩn bị cho sự chuyển tiếp này diễn ra trong hòa bình.
Cuộc cách mạng dân chủ tại Tiệp Khắc diễn ra đúng 10 ngày từ 17 đến 27 tháng 11 trong hòa bình, và cái tên “cách mạng nhung” là do bà Rita Klimova, một giảng viên đại học, và là thành viên nhóm Hiến chương 77 đặt ra khi Diễn đàn Dân sự bước vào tiến trình thảo luận để thành lập chính quyền chuyển tiếp vào đầu tháng 12, 1989.
oOo
Ba diễn biến chính trị xảy ra tại Ba Lan, Đông Đức và Tiệp Khắc tuy nội dung và h́nh thái khác nhau nhưng nó có chung một mẫu số: Ý dân đã thắng đảng độc tài. Thắng chỉ trong vài tháng chóng vánh và thắng bằng những cuộc cách mạng hầu như hoàn toàn bất bạo động, làm thay đổi bộ mặt thế giới.


Cuộc cách mạng Tiệp Khắc diễn ra trong 10 ngày từ 17-11 đến 27-11,1989 diễn ra trong ôn hòa. Do đấy, nữ giáo sư Rita Klimova, thành viên nhóm Hiến Chương 77, đặt tên là Cách Mạng Nhung. Photo by adst.org
Cuộc cách mạng Tiệp Khắc diễn ra trong 10 ngày từ 17-11 đến 27-11,1989 diễn ra trong ôn hòa. Do đấy, nữ giáo sư Rita Klimova, thành viên nhóm Hiến Chương 77, đặt tên là Cách Mạng Nhung. Photo by adst.org


Sau hơn bốn thập niên bị khống chế, đàn áp, tù tội, đến đầu năm 1989, tự do hay độc lập vẫn còn là điều khá xa vời, may ra nhiều năm sau mới có. Vậy mà bỗng chỉ trong vài tháng, tự do và độc lập được tái lập trên một vùng rộng lớn của Châu Âu. Khối Cộng sản Đông Âu tan rã, dẫn đến sự sụp đổ bất ngờ của Liên Bang Xô Viết vào đầu năm 1991, hoàn toàn không được dự báo. Sau khi sự việc đã diễn ra, có một vài vị thức giả lên tiếng rằng họ cũng đã từng đưa ra dự báo hay cho biết trước một số kết cuộc. Nhưng cho đến ngày hôm nay sau gần 30 năm tan rã của Liên Bang Xô Viết, không ai có ảnh hưởng đáng kể đã dự đoán được rằng một đế chế thống trị một phần ba nhân loại sẽ hoàn toàn tan vỡ chỉ trong vài tháng.
Vì thế, cựu Thủ Tướng Hungary Nesmeth Miklós đã nói trong chương trình hồi tưởng 20 năm biến cố Đông Âu của BBC ngày 2 tháng 11, 2009 rằng: “không ai tiên đoán được hiệu ứng domino vào năm 1989.”


18 Thủ tướng Németh Miklós (giữa) - Hình chụp năm 1990, trong phiên họp của Quốc hội Hungary. Photo by Corbis.
Thủ tướng Németh Miklós (giữa) – Hình chụp năm 1990, trong phiên họp của Quốc hội Hungary. Photo by Corbis.


Nhưng hiệu ứng này, theo ông Miklós, được khởi động bởi sự kiện Hungary mở cửa biên giới vào năm 1989. Giải thích về sự kiện này, cựu Thủ tướng Miklós kể lại rằng, chính sự sa lầy của Liên Xô tại Á Phú Hãn kéo dài từ năm 1979 đến năm 1985 và hai chính sách Tái Phối trí (Perestroika) và Cởi mở (Glasnost) của Gorbachev mà Hungary tin tưởng rằng chủ thuyết của Brezhnev – theo đó Liên Xô có thể can thiệp (chính trị và quân sự) vào các nước xã hội chủ nghĩa như vào các năm 1956, 1968 — đã trở nên lỗi thời. Ngoài ra, sự kiện Tổng thống George H.W. Bush tuyên bố ủng hộ các cuộc cải cách chính trị tại Đông Âu và chính thức viếng thăm Ba Lan và Hungary vào tháng 7, 1989, khiến cho chính quyền Hungary phấn chấn, đưa đến quyết định nới lỏng việc kiểm soát biên giới.
Nhưng lúc đó, chính quyền Hungary chỉ nghĩ rằng quyết định mở cửa biên giới với Áo là để tạo dễ dàng cho người dân các xứ Đông Âu băng qua biên giới Hungary hầu tiếp xúc với thế giới Tự Do. Không ngờ, quyết định này lại có tác động mạnh mẽ lên Đông Đức và dẫn đến sự ra đời của Luật Di trú mới. Ngay cả chính quyền Đông Đức cũng nghĩ rằng Luật Di trú mới chỉ là “cái van” nhằm làm xì hơi sự phẫn nộ của quần chúng, bằng cách cho phép những người muốn qua Tây Đức thăm thân nhân hoặc du lịch ngắn hạn mà thôi. Bản thảo cuối cùng cũng không có điều khoản nào ghi là mở cửa Bức tường Berlin.
Chính vì sự ỷ y và quá tự tin rằng mọi quyền lực đang nắm trong tay, chính quyền Đông Đức nói chung và Tổng bí thư Egon Krenz nói riêng đã không nhìn thấy sức bật của người dân Đông Đức đã nằm ngay trong việc thay đổi thủ tục qua lại trạm kiểm soát của Luật Di trú mới. Tuy chính quyền Đông Đức vẫn quy định là bất cứ ai có hộ chiếu và thị thực xuất cảnh (visa) đều có thể rời Đông Đức dài hoặc ngắn hạn, qua một cửa khẩu giữa Đông và Tây Berlin, hoặc giữa Đông Đức và Tây Đức. Nhưng người dân thì lại hiểu rất đơn giản của quy định mới này là: bất cứ ai cũng có thể rời Đông Đức dài hoặc ngắn hạn tại các trạm kiểm soát.
Ngày 9 tháng 11, 1989, ông Gunter Schabowski, phát ngôn nhân Bộ Chính trị đến Trung tâm Báo chí Quốc tế Berlin tại Mohrenstrasse bắt đầu buổi họp báo lúc gần 6 giờ tối. Phần đầu, ông Schabowski đề cập những nội dung khá nhàm chán, xoay quanh các việc lặt vặt về cải cách hành chính và thay đổi nhân sự các trong bộ ngành của chính quyền. Gần chót cuộc họp báo, Schabowski mới thông báo về Luật Di trú mới, và ông bắt đầu đọc văn bản luật dài lê thê, khiến cho các ký giả sốt ruột. Các ký giả nôn nóng không muốn chờ cho Schabowski đọc hết văn kiện, nên đã hỏi luật có hiệu lực khi nào?
Trong lúc bối rối, Schabowski vội liếc qua các giấy tờ thì không thấy một chi tiết nào đề cập ngày hiệu lực hoặc tin này cấm phổ biến, nên sau một phút im lặng, ông Schabowski đã buột miệng nói là “có hiệu lực ngay.” Trên thực tế, luật có quy định thời gian hiệu lực là ngày 10 tháng 11, 1989, tức ngày hôm sau, nhưng vì Schabowski đã không tham dự các buổi họp và không đọc kỹ Luật Di trú cũng như coi thường cho là luật này là chiến thuật ngăn chận làn sóng tỵ nạn chạy qua Hungary như Tổng bí thư Krenz mong muốn, nên không hề nghĩ đến tác động to lớn sau này.
Cuộc họp báo kết thúc lúc hơn 7 giờ tối. Khoảng 30 phút sau, các hãng thông tấn quốc tế đồng loạt đưa tin về Luật Di trú, đặc biệt trên đài Truyền hình Tây Đức, thông tín viên Hans Joachim Friedrichs, một người được khán giả Tây Đức lẫn Đông Đức hâm mộ đã tường thuật buổi họp báo với kết luận: “Nước Cộng hòa Dân Chủ Đức đang mở cửa biên giới … Các cửa ngõ tại Bức tường Berlin đã được mở ra.”
Bản tin vừa dứt thì đông đảo dân Đông Đức đã đến các chốt kiểm soát chính để xem thực hư ra sao. Đám đông lớn nhất tụ tập tại trạm kiểm soát Bornholmer Strasse, phía bắc Berlin, nằm gần khu dân cư đông đúc. Người chỉ huy lực lượng biên phòng tại chốt kiểm soát này là Trung tá Harald Jager, hoàn toàn không nghe biết về nội dung cuộc họp báo của Schabowski, do đó khi người dân kéo đến trước cổng và đòi quyền đi qua lại thì Jager phải gọi điện cho cấp trên xin ý kiến.
Trung tá Jager kể lại: “Tôi bảo họ không thể đi được vì theo luật lệ mới, họ phải có hộ chiếu và visa, không có thì không đi được. Tôi bảo họ về nhà và hôm sau trở lại. Một số nghe lời tôi, đi khỏi. Nhưng đa số vẫn tiếp tục ở lại và chờ đợi. Họ la lớn: ‘Mở cửa ra, mở cửa ra. Dẹp Bức tường đi. Dẹp Bức tường đi.’”
Cách đó ba cây số, không khí cũng căng thẳng không kém tại trạm kiểm soát Charlie, một trong những chốt kiểm soát nổi tiếng thời Chiến tranh Lạnh do lực lượng Mỹ và Liên Xô canh gác. Chốt Charlie nằm ngay trung tâm thương mại của thành phố Berlin nên số người đổ về trạm này càng lúc càng đông không còn chỗ đứng.
Đại tá Gunter Moll, chỉ huy lực lượng biên phòng Đông Đức tại đây, cuống cuồng gọi điện lên cấp trên xin lệnh, nhưng họ liên tục bảo ông chờ. Họ bảo ông một số quân tiếp viện sẽ được gửi đến và ông phải cố gắng giữ gìn trật tự. Đến 9 giờ 30 phút tối, đám đông đã lên đến hơn 2.000 người đứng đầy con hẻm nhỏ ngay trước trạm kiểm soát và lan ra cả nhà ga tàu điện ngầm.
Có thể nói là vào lúc đó, sáu trạm kiểm soát của Bức tường Berlin đều đầy ứ người. Các trạm liên tục gọi yêu cầu cấp trên cho chỉ thị phải làm gì, khiến cho Tổng bí thư Krenz và các nhà lãnh đạo Đảng đã đứng ngồi không yên vì hoàn toàn bất ngờ về những gì đang diễn ra. Họ không bao giờ nghĩ rằng điều họ quyết định sáng hôm đó lại khơi mào cho một làn sóng người đổ về biên giới ồ ạt đến thế.
Trong khi đó, Truyền hình Đông Đức liên tục phát những thông báo nghe thật vô vọng: “Do yêu cầu của nhiều công dân, chúng tôi xin loan báo cho mọi người một lần nữa rằng chiếu theo Luật Di trú mới … phải xin phép mới đi ra nước ngoài được.” Nhưng hàng ngàn người khác đang đứng trước khu vực trạm kiểm soát Bornholmer Strasse, đã la lên rằng: “Truyền hình Tây Đức loan báo Bức tường đã mở.”
Khoảng 10 giờ 30 tối, hơn 20.000 người đã đến chật cứng trước trạm kiểm soát Bornholmer Strasse. Nhiều người đến bằng xe và họ bỏ xe trên phố, khiến cho giao thông bị ứ đọng. Lúc này Trung tá Jager kể là ông đã khẳng định với cấp trên rằng: “Không thể giữ được nữa và chúng tôi không thể tiếp tục mãi thế này để chờ lệnh.” Cuối cùng, để tránh sự hoảng loạn của đám đông có thể xảy ra những ẩu đả đổ máu, và thấy không còn có thể kiểm soát được nữa, Trung Tá Jager đã ra lệnh cho hai người lính nhấc cao thanh chắn sơn màu trắng đỏ và đưa tay ra hiệu cho đám đông đi qua, giữa tiếng reo hò hoan hô vang dội.


Trạm kiểm soát Charlie (Đông Berlin) là trạm thứ hai mở cửa trước áp lực của người dân vào đêm 9 tháng 11,1989. Photo by AFP/Getty Images.
Trạm kiểm soát Charlie (Đông Berlin) là trạm thứ hai mở cửa trước áp lực của người dân vào đêm 9 tháng 11,1989. Photo by AFP/Getty Images.


Một tiếng đồng hồ sau, tại trạm kiểm soát Charlie, Đại Tá Gunter Moll cũng đưa ra quyết định tương tự, một cách độc lập, vì không có cấp trên nào ra lệnh. Sau này hồi tưởng lại giây phút lịch sử đó, Đại Tá Moll nói rằng lúc đó ông tự hỏi không biết là ông đã canh gác tại đó suốt 20 năm qua để làm gì?
Bên phía tây Bức tường Berlin, rất đông người cũng đã tụ lại, họ chuẩn bị nào hoa, nào champagne cùng những cánh tay mở rộng để chào đón đồng bào từ Đông Đức qua. Tại trạm kiểm soát Invalidenstrasse, những nhóm người đầu tiên từ Đông Đức qua đã gặp người dân Tây Đức vui mừng ùa tới, ôm chầm lấy nhau cùng nhảy múa, trên khoảnh đất mà trước đó mấy phút c̣n là vành đai trắng bất khả xâm phạm.
Đến nửa đêm, tất cả sáu chốt kiểm soát đều mở ra và 12.000 lính biên phòng đã được lệnh rút về trại. Người dân đã thực sự nắm quyền và giành lại được thành phố của mình từ 10 giờ 45 tối ngày 9 tháng 11, 1989.
oOo
Từ năm 1945, Liên Xô đã xem Đông Đức là phần thưởng giá trị nhất mà họ có được trong đế quốc của mình, là nơi mà họ đã đổ nhiều máu xương nhất mới giành được ở cuối Thế Chiến Thứ Hai. Đông Đức cũng tồn tại như một biểu tượng vững chắc cho quyền lực Liên Xô, chiếm vị trí then chốt trong bài toán quyền lợi chiến lược của Liên Xô. Vì thế không điều gì quan trọng xảy ra tại Đông Đức mà Liên Xô không biết trước hoặc không duyệt trước. Nhưng vụ “sập” Bức tường Berlin thì cả Tổng bí thư Gorbachev lẫn lãnh đạo KGB đều không hề hay biết mãi cho đến 6 giờ 30 sáng ngày 10 tháng 11, 1989 mới được báo cáo.


Tổng Bí Thư Liên Xô Leonid Brezhnev ôm hôn Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Đông Đức Erich Honecker, trong Lễ Kỷ Niệm 30 năm thành lập Cộng Hòa Dân Chủ Đức (Đông Đức) vào tháng 10, 1979. Đây là truyền thống mỗi khi Brezhnev sang Đông Đức. Photo by Corbis.
Tổng Bí Thư Liên Xô Leonid Brezhnev ôm hôn Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Đông Đức Erich Honecker, trong Lễ Kỷ Niệm 30 năm thành lập Cộng Hòa Dân Chủ Đức (Đông Đức) vào tháng 10, 1979. Đây là truyền thống mỗi khi Brezhnev sang Đông Đức. Photo by Corbis.


Những biến động tại Berlin đã xảy ra gần như mỗi ngày từ sau khi Honecker bị buộc phải từ chức vào giữa tháng 10, nhưng không một ai, và cả Điện Kremlin, ngờ rằng Bức tường Berlin lại sụp đổ nhanh chóng không dự báo trước như vậy. Thật ra, nếu chịu khó suy nghiệm hiệu ứng Domino mà cựu Thủ Tướng Hungary đề cập đến từ “cú hích” tị nạn Đông Đức chạy sang Tây Đức vào mùa hè năm 1989, thì định mệnh của Bức tường Berlin đã được dự báo từ 28 năm về trước.
Nếu vào mùa hè năm 1961 khi chính quyền Đông Đức cho xây dựng cấp tốc Bức tường Berlin để ngăn chận làn sóng người Đông Đức vượt ranh giới giữa Đông và Tây Berlin chạy sang tỵ nạn ở Tây Đức, thì đúng 28 năm sau, cũng vào mùa hè năm 1989, làn sóng người Đông Đức đã tràn ngập biên giới Hung Gia Lợi để xin tỵ nạn sang Tây Đức, bỗng chốc Bức tường Berlin đã trở thành vô giá trị, không ngăn cản được lòng người Đức hướng về nhau và hướng tới tự do. Nói cách khác, khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Đức Krenz cho soạn thảo cấp tốc Luật Di trú mới, đã mong đó như là một chính sách nhằm bảo đảm nhà nước vẫn có thể phần nào kiểm soát được số người ra đi. Nhưng không ngờ, chính sách mới chưa được áp dụng thì Bức tường đã bị phá đổ ngay sau khi công bố.
Rõ ràng là trong việc khởi động những phản ứng dây chuyền đưa đến sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh và dẫn đến thống nhất nước Đức, Hungary đã đóng một vai trò quan trọng hơn Ba Lan. Nói cách khác, Ba Lan là điểm khởi đầu tạo ra biến động, nhưng khi Hung Gia Lợi mở cửa biên giới với Áo và để cho người dân Đông Đức chạy sang tỵ nạn ở Tây Đức, đã là “cú hích” trực tiếp tạo ra những xoay chuyển mang tính định mệnh dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn bất ngờ của đế quốc Liên Xô vào đầu thập niên 1990.
Tóm lại, biến cố Đông Âu 1989 đã thắp lên ngọn lửa hy vọng cho các dân tộc đang bị áp bức ở những vùng đất khác vùng dậy để tự giải thoát chính mình. Vì thế mà sau khi khối Cộng sản Liên Xô tan rã, nhiều phong trào đấu tranh bất bạo động đã bùng nổ dưới nhiều màu sắc đa dạng mà người ta gọi là những cuộc cách mạng màu.
Trong thập niên đầu của Thế kỷ thứ 21, thế giới đã mục kích cuộc cách mạng Xanh ở Serbia (2000), cách mạng Hoa Hồng ở Georgia (2003), cách mạng Cam ở Ukraine (2004), cách mạng Hoa Tulip ở Kyrgystan (2005), cách mạng cây Tuyết Tùng ở Liban (2006), cách mạng Hoa Nhài ở Tunisia (2011) sau đó lan rộng đến Ai Cập, Jordan, Lebanon và Libya, gọi chung là cuộc cách mạng Bắc Phi.


Dân chúng các nơi trên toàn quốc Ukraine đã biểu tình đồng loạt, lấy màu Cam làm biểu tượng đấu tranh chống kết quả bầu cử Tổng thống hôm 11 tháng 11 năm 2004 do Ủy Ban Bầu Cử công bố là gian lận. Cuối cùng Tối cao phát viện buộc phải tuyển cử lại ngày 26 tháng 12 và ứng cử viên đối lập ông Vikor Yuschenko đã thắng cử. Photo by Corbis.
Dân chúng các nơi trên toàn quốc Ukraine đã biểu tình đồng loạt, lấy màu Cam làm biểu tượng đấu tranh chống kết quả bầu cử Tổng thống hôm 11 tháng 11 năm 2004 do Ủy Ban Bầu Cử công bố là gian lận. Cuối cùng Tối cao phát viện buộc phải tuyển cử lại ngày 26 tháng 12 và ứng cử viên đối lập ông Vikor Yuschenko đã thắng cử. Photo by Corbis.


Sau cùng, biến cố Đông Âu 1989 còn chứng minh một điều mà trước đây người ta thường đơn giản đánh giá sức mạnh của khối Cộng sản Quốc tế bằng thành kiến, đó là khó có thể lật đổ một chế độ cộng sản một khi nó đã nắm chính quyền. Nhưng huyền thoại đó đã không còn nữa, nó lần lượt bị đánh ngã bởi áp lực đấu tranh của quần chúng vì khát vọng tự do, dân chủ và muốn có một đời sống cơm no, áo ấm với đầy đủ quyền làm người.
Huyền thoại “vô địch” về các chế độ độc tài cũng sụp đổ dù đó là độc tài cộng sản, độc tài quân phiệt, hoàng tộc, cá nhân hay độc tài gia đình trị, nhất là trong thời đại ngày hôm nay với nền thông tin hiện đại, thế giới liên lập và nền dân chủ đã chứng minh giá trị vượt trội của nó.
*Bài này trích từ Chương 2 của Tập sách Đông Âu và Việt Nam: 30 Năm Nhìn Lại của Tác giả Lý Thái Hùng, do Vietnam Reform Foundation (VRF) xuất bản và phát hành vào tháng 11, 2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét