Đây là các quan niệm sai lầm phổ biến về pháp luật phòng chống buôn người.“Không ai bỏ ra 1 tỉ đồng cho người khác buôn mình cả” hay “nạn nhân buôn người gì mà sau khi đi về thì cất nhà lầu”. Có một thực tế cho thấy, không phải nạn nhân buôn người nào cũng ý thức được mình là nạn nhân của việc buôn người. Đặc biệt là các nạn nhân buôn người lao động cưỡng bức, đôi khi họ còn mang ơn những kẻ buôn mình vì đã giúp họ cải thiện đời sống.
Điều này dẫn đến việc nạn nhân của buôn người lao động cưỡng bức có thể sẽ bất hợp tác với các nhà điều tra, và chối bỏ việc họ là nạn nhân của buôn người.
Vì vậy, nhận diện ra nạn nhân buôn người lao động cưỡng bức để trừng phạt kẻ phạm tội là một thách thức không nhỏ đối với các nhà điều tra.
Qua vụ 39 Việt chết tại Anh, phát biểu của thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu “không ai bỏ ra 1 tỉ đồng cho người khác buôn mình cả” và khởi tố vụ này theo tội “tổ chức người khác ra nước ngoài trái phép”, cho thấy giới chức Việt Nam đã sai lầm trong nhận thức về nạn buôn người và thiếu phương pháp nhận diện ra nạn nhân buôn người lao động cưỡng bức.
Điều này đã phản ánh một thực tế đáng thất vọng, dù Điều 150 BLHS VN có quy định về tội buôn người lao động cưỡng bức, nhưng giới chức chưa từng truy tố bất kỳ một thủ phạm nào về hành vi này.
Do đó, việc nâng cao nhận thức và thiết kế các phương pháp nhận diện ra các nạn nhân buôn người lao động cưỡng bức là rất quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh này. Một số tham chiếu gợi ý:
– “Sự đồng ý” của nạn nhân buôn người là không liên quan hay không được công nhận, khi các cách thức buôn người đã được sử dụng. Quan điểm này được ghi nhận qua Điều 3(b) của Nghị định thư về ngăn chặn, phòng chống và trừng phạt tội buôn người (được Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2000).
– Áp dụng đầy đủ các quy định về “lao động cưỡng bức” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Chiếu theo quy định của ILO, những lao động Việt Nam làm việc trong các trang trại trồng cần sa ở Anh Quốc đều là nạn nhân của lao động cưỡng bức. Đồng thời, Việt Nam cần phải xóa bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức đối với các tù nhân trong các trại giam giữ như hiện nay.
– Việt Nam đã gia nhập Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia vào năm 2012, nên có thể áp dụng điều 15 của Công ước này quy định về thẩm quyền xét xử của tòa án quốc gia vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia đối với các hành vi phạm tội buôn người, khi nạn nhân hay thủ phạm buôn người là công dân Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét