Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2019

15314 - Mỹ chính thức từ bỏ Hiệp định Khí hậu : Nỗ lực quốc tế có nguy cơ đổ vỡ ?



Ô nhiễm không khí nặng nề ở Rashtrapati Bhavan và các khu công sở, New Delhi, Ấn Độ. Ảnh chụp ngày 15/10/2019Sajjad HUSSAIN / AFP
Ngày 04/11/2019, chính quyền Trump chính thức thông báo rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris. Việc quốc gia phát thải thứ hai thế giới rút khỏi Hiệp định hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây rất nhiều lo ngại.
Bởi việc Trái đất bị hâm nóng nhanh chóng được coi là hiểm họa hàng đầu với hành tinh, và Washington đưa ra quyết định đúng vào lúc mà các cam kết của cộng đồng quốc tế hiện tại dưới xa so với mức đòi hỏi của Hiệp định. Việc Hoa Kỳ rũ áo ra đi liệu có hủy hoại các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế ?
Trước hết cần nhấn mạnh là quyết định của tổng thống Mỹ rút khỏi Hiệp định Khí hậu gửi đến Liên Hiệp Quốc ngay lập tức làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Bắc Kinh và Matxcơva dành những lời lẽ nặng nề để lên án Hoa Kỳ. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc chỉ trích đích danh nước Mỹ gây ảnh hưởng ‘‘tiêu cực''. Người phát ngôn điện Kremlin gọi đây là xâm phạm ''nghiêm trọng nhất'' đối với Hiệp định Paris. Tổ chức bảo vệ môi trường hàng đầu thế giới WWF nhận định đây là một tín hiệu xấu, gửi đến các nước khác, bởi cường quốc kinh tế số một thế giới đã coi nhẹ cuộc khủng hoảng Khí hậu.
Về phần mình, các nước châu Âu tỏ ra điềm tĩnh hơn. Bộ trưởng Môi Trường Đức thừa nhận việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định là ''điều đáng tiếc'', nhưng may mắn thay đây chỉ là một hành động ''đơn lẻ''. Tổng thống Pháp, trong chuyến công du Trung Quốc, cũng nêu ra nhận định tương tự. Hiệu ứng lây lan, từng gây lo ngại lớn, đã không xảy ra.
Cho đến nay, Hoa Kỳ đã không lập được một mặt trận chống Hiệp định Paris. Hiện tại các quốc gia có lập trường gần gũi với ông Donald Trump, như Brazil hay Úc, không đứng về phía Mỹ. Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất quyết định rút khỏi thỏa thuận quốc tế, được 197 nước ký kết. Các quốc gia phát thải lớn, như Trung Quốc, Ấn Độ hay Nam Phi đều khẳng định tiếp tục tuân thủ Hiệp định. Nga cũng vừa chính thức phê chuẩn Hiệp định hồi tháng 9/2019.
Trên thực tế, quyết định rút khỏi Hiệp định Paris chỉ chính thức có hiệu lực trong đúng một năm tới, tức là vào ngày 04/11/2020, đúng ngày hôm sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chính tân tổng thống Mỹ mới là người quyết định Hoa Kỳ có ở lại với Hiệp định Paris hay không. Chỉ cần tân tổng thống gửi một công văn chính thức đến Liên Hiệp Quốc, yêu cầu trở lại với Hiệp định Paris, thì chỉ 30 ngày sau, quyết định sẽ có hiệu lực.
Quyết định rút khỏi Hiệp định Paris của tổng thống Donald Trump gây phân hóa sâu sắc tại Mỹ. Theo một số ước tính, nhiều tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp, chiếm hơn một nửa trọng lượng nền kinh tế Mỹ, cũng như dân số Liên bang, khẳng định tiếp tục tuân thủ các cam kết trong Hiệp định Paris, ngược lại với chính quyền trung ương. Tất cả các ứng cử viên tổng thống chủ chốt của đảng Dân Chủ trong cuộc tranh cử sơ bộ đều tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ trở lại với Hiệp định Khí hậu, nếu giành thắng lợi, ngay sau khi nhậm chức vào tháng Giêng 2021. Điều đó có nghĩa là, Hoa Kỳ có nhiều khả năng trở lại với Hiệp định Paris ngay từ ngày 21/02/2021.
Theo một số nhà quan sát, Thượng đỉnh Khí hậu lần thứ 26, tại Anh, được tổ chức ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm tới, sẽ là ''một trắc nghiệm thực sự'' đối với ''tính vững chắc'' của Hiệp định Paris. Bởi đây là thời điểm mà các quốc gia dự kiến xem xét lại mức cam kết cắt giảm khí thải, nhằm giảm mạnh mức phát thải, để hướng tới mức ''trung hòa khí thải'' vào năm 2050. Con đường duy nhất để giới hạn nhiệt độ không tăng quá 1,5°C, so với thời tiền công nghiệp, mức tăng nhiệt độ với các hệ quả môi trường được coi là nằm trong tầm kiểm soát của con người, theo giới khoa học.
Trong hiện tại, nước Mỹ vẫn nằm trong Hiệp định Khí hậu. Một phái đoàn Mỹ sẽ tham gia Thượng đỉnh Khí hậu lần thứ 25, tổ chức tại Tây Ban Nha, đầu tháng 12 tới, theo quy chế trong Hiệp định, cũng như phía Mỹ từng tham gia tất cả các hội nghị quốc tế về Khí hậu, kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.
Trả lời báo Pháp 20 Minutes, luật gia Sébastian Duyck, Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế (CIEL), lưu ý là từ đây đến khi quyết định rút khỏi Hiệp định chính thức có hiệu lực, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục có tiếng nói trực tiếp trong các thương lượng về Khí hậu của cộng đồng quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa là tiếng nói tiêu cực của nước Mỹ có nguy cơ phân hóa mạnh mẽ cộng đồng quốc tế. Và đây chính là điều không thể coi nhẹ. Đe dọa với cộng đồng quốc tế sẽ càng trở nên lớn hơn gấp bội, nếu ông Donald Trump tái đắc cử, với kết quả là nước Mỹ sẽ ở ngoài Hiệp định Khí hậu trong ít nhất là bốn năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét